Lịch sử truyền thống
Tuyên ngôn Độc lập - một áng văn lập quốc vĩ đại
02/09/2023 04:32:54

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa đến nay gắn liền với truyền thống yêu nước, đấu tranh chống giặc ngoại xâm.


Điều đó nói lên một khát khao to lớn của dân tộc ta là, luôn mong muốn có được một nền độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân và đó cũng là một giá trị tinh thần thiêng liêng, bất hủ của dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân cho tinh thần ấy.

Đấu tranh chống thực dân, giành độc lập dân tộc là khát vọng, động lực và mục đích lớn nhất trong suốt cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giúp Người có đủ bản lĩnh vượt qua mọi gian nan, thử thách trên hành trình cứu nước, giải phóng dân tộc: "Tổ quốc độc lập, thì ai cũng được tự do. Nếu mất nước, thì ai cũng phải làm nô lệ"(1). Suốt 30 năm bôn ba ở nước ngoài, với biết bao hiểm nguy, gian khó, Người vẫn luôn khẳng định mà không hề nao núng rằng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn”. Rồi đến khi về nước lãnh đạo phong trào cách mạng, vô luận trong bất kỳ hoàn cảnh nào, khi “ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo”(2), Người luôn luôn chỉ nghĩ đến đất nước, đến nhân dân mà quên chính bản thân mình.

 

Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 vẫn ngời sáng những giá trị tham chiếu cho hiện tại. Ảnh tư liệu

Lãnh đạo nhân dân làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng bản Tuyên ngôn Độc lập do Người thay mặt Chính phủ lâm thời đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945 đã biến khát vọng độc lập, thống nhất của toàn thể dân tộc Việt Nam trở thành hiện thực. Bản Tuyên ngôn Độc lập là một áng văn lập quốc vĩ đại, một kiệt tác bất hủ về lý luận, tư tưởng độc lập dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có những tư tưởng độc lập tự chủ về đối ngoại.

Tinh thần độc lập, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hoạt động đối ngoại thể hiện ở tính chủ động và tự quyết trong việc xác định đúng vai trò, vị trí, lợi ích của Việt Nam trong quan hệ quốc tế, đồng thời đánh giá khách quan môi trường quốc tế thực tại, xác định đúng thời cơ và thách thức để từ đó hoạch định chính sách đối ngoại phù hợp, phục vụ cho lợi ích chính đáng của dân tộc, đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Nguyên lý chủ yếu xuyên suốt của phương châm này là: “muốn người ta giúp cho, thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã”(3). Độc lập tự chủ tức là dựa vào sức mình là chính, tự mình phải suy nghĩ, tìm tòi, định ra những chủ trương, chính sách, biện pháp nhằm tự giải quyết lấy công việc của đất nước mình; có tham khảo kinh nghiệm quốc tế; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của các lực lượng quốc tế nhưng không nhận bất cứ một sức ép nào từ bên ngoài, không để biến thành con bài trong tay bất kỳ một thế lực nào.

Trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, nhìn từ góc độ quan hệ quốc tế, quan điểm độc lập tự chủ, dựa vào sức mình là chính được thể hiện rất rõ với mục tiêu là độc lập dân tộc, với niềm tin là chính nghĩa, là lẽ phải, là các tấm gương oanh liệt của các dân tộc trên thế giới theo tinh thần cách mạng Pháp và cách mạng Mỹ. Căn cứ vào những quyền tự do, bình đẳng và quyền con người - “những quyền mà không ai có thể xâm phạm được” đã được ghi trong bản Tuyên ngôn Độc lập của cách mạng Mỹ năm 1776, Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791, ngay trong phần mở đầu của Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định những giá trị thiêng liêng, bất biến về quyền dân tộc: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do… đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”( 4).

 

Băng ghi âm lời Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “những lẽ phải không ai chối cái được” nói trên phải được nhận thức đầy đủ và sâu sắc thì độc lập dân tộc của tất cả dân tộc trên thế giới mới được thừa nhận. Chính vì vậy, thông điệp đầu tiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tới cộng đồng thế giới thông qua Tuyên ngôn độc lập năm 1945, đó là: nước Việt Nam phải được độc lập, dân tộc Việt Nam phải được tự do, đó phải là một “tất nhiên”, vì đó chính là quyền “Thượng đế” ban cho họ. Vậy mà dân tộc Việt Nam phải trải qua bao hy sinh gian khổ, mất mát và thiệt thòi mới vùng lên đòi lại cái vốn có của mình. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là sự nối tiếp cuộc đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc, cho quyền con người trong dòng chảy của trào lưu tiến bộ trên toàn thế giới, là bước đi tất yếu trên con đường tiến hóa mà nhân loại đã đi và còn sẽ tiếp tục đi. Cho nên nền độc lập của dân tộc Việt Nam đạt được sau cuộc cách mạng ấy cần phải được tôn trọng, quyền bình đẳng giữa các quốc gia, các dân tộc trên toàn thế giới cần được thực hiện nghiêm túc.

Chính vì thế, nội dung quan trọng tiếp theo trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 là Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vai trò quốc tế của các nước lớn, trách nhiệm quốc tế đối với các nước nhỏ nhằm đảm bảo sự bình đẳng giữa các dân tộc, đảm bảo cho các quốc gia kém may mắn, chậm phát triển và được thừa hưởng nền độc lập theo Hiến chương Liên hợp quốc, được tự do phát triển tiến bộ và hòa bình. Người kêu gọi các nước lớn như Mỹ, Anh, Ấn Độ… hãy công nhận nền độc lập của Việt Nam bởi vì: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”(5).

 

Bức phù điêu tái hiện hình ảnh Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 còn thể hiện quan điểm đối ngoại rất hiện đại và rất thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là Việt Nam sẵn sàng hợp tác với tất cả các nước, kể cả các nước có quá khứ thù địch hay đấu đầu, chỉ cần công nhận nền độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam mà thôi. Đó chính là truyền thống khoan dung, nhân ái Việt Nam, là tinh thần tha thiết với hòa bình, một yếu tố làm nên sức mạnh dân tộc Việt Nam bên cạnh tinh thần yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng. Đề cập đến mối quan hệ với nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thẳng thắn tuyên bố rằng “tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp”(6).

Thông điệp này cần được hiểu rõ rằng: chúng ta không chấp nhận sự thống trị thực dân của Pháp chứ chúng ta không từ bỏ mối quan hệ hữu nghị Việt Nam với Pháp mà chúng ta sẵn sàng và chủ động xây dựng tình hữu nghị Việt - Pháp, thật lòng hợp tác và hợp tác toàn diện với chính phủ và nhân dân Pháp. Với Đồng minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhất quán quan điểm tranh thủ sự ủng hộ, "ràng buộc" Đồng minh bằng thái độ mềm mỏng, hiểu biết trên quan điểm trước sau như một về quyết tâm chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc – một mục đích chính nghĩa mà Đồng minh vẫn giương cao. Tuyên ngôn Độc lập chỉ rõ, trái ngược hoàn toàn với thái độ chống phá Đồng minh của Pháp, ở Việt Nam nếu có một lực lượng nào thực sự đứng về phía Đồng minh chống phát xít thì chỉ có thể là nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Việt Minh.

78 năm đã trôi qua kể từ mùa thu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, một nhà nước hoàn toàn mới trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam, đem lại cuộc đổi đời lịch sử cho người dân Việt Nam khi đón nhận những thành quả “độc lập - tự do - hạnh phúc”. Thế giới đã trải qua bao biến động và vẫn còn bao sự biến đổi khó lường đe dọa đến hòa bình hữu nghị và hợp tác phát triển. Nhưng quan điểm đối ngoại độc lập tự chủ thể hiện trong bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9 năm ấy vẫn ngời sáng những giá trị tham chiếu cho hiện tại.

Vận dụng đúng đắn, sáng tạo tư tưởng đối ngoại độc lập, tự chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta phải giữ vững và thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, trước hết; phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, tạo sức mạnh tổng hợp của quốc gia - dân tộc; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới; tiếp tục đường lối ngoại giao rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, hợp tác nhiều mặt với tất cả các nước, các tổ chức quốc tế trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc của nhau, bình đẳng, cùng có lợi, giải quyết các vấn đề tranh chấp đang tồn tại bằng biện pháp hòa bình. Có như vậy, Việt Nam mới khẳng định được vị thế “là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế” như Văn kiện Đại hội Đảng XIII đã xác định.

VŨ KIM YẾN (Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch)

Các tin mới hơn
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến dịch Điện Biên Phủ(22/03/2024)
Người nhóm lửa cách mạng ở TP Hải Dương(27/09/2023)
Cầu phao đường sắt Phú Lương - kỳ tích thời chống Mỹ(20/09/2023)
Các tin cũ hơn
Tiếng thơm Nguyễn Đức Sáu(04/07/2023)
Đất nước trọn niềm vui(01/05/2023)
Tướng Hai Mạnh - nhà chính trị, quân sự xuất sắc của cách mạng Việt Nam(15/03/2023)
Đề cương Văn hoá Việt Nam 1943 - một di sản văn hoá quý báu(24/02/2023)
Những giá trị mang tầm thời đại của Đề cương văn hóa Việt Nam(23/02/2023)
na
Video
Phóng sự Ảnh
Trang tin đơn vị
Hệ thống văn bản
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website