Quốc phòng toàn dân
Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp
07/06/2019 02:07:55

Chiều 6-6, tiếp tục chương trình kỳ họp, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi).

Trình bày Tờ trình về dự án Luật, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi).

 

Cần thiết ban hành Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi)

 

Theo đó, Luật Dân quân tự vệ được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 23-11- 2009, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2010. Sau hơn 9 năm thực hiện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng Dân quân tự vệ (DQTV) vững mạnh và rộng khắp, nâng cao chất lượng tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu của DQTV, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, củng cố và tăng cường tiềm lực quốc phòng, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương, cơ sở.



B trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trình bày Tờ trình về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi). Ảnh: Quốc hội.


Tuy nhiên, nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến DQTV chưa được thể chế và cụ thể hóa. Một số quy định của Luật Dân quân tự vệ chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quốc phòng và pháp luật có liên quan. Nhiều vấn đề mới phát sinh trên thực tiễn liên quan đến DQTV chưa được điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa đầy đủ, đã bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc, bất cập về xây dựng, huấn luyện, đào tạo, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách cho DQTV.

Đặc biệt, thực tiễn trong chiến tranh giải phóng dân tộc, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trước đây và dự báo chiến tranh nếu xảy ra trong tương lai, ở bất kỳ quy mô, hình thái, phương thức chiến tranh nào thì DQTV luôn là lực lượng nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc ở địa phương, cơ sở; thực hiện phương châm toàn dân, toàn diện, tự lực, tự cường, làng giữ làng, xã giữ xã; tạo thời cơ cho bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và lực lượng của cấp trên tác chiến trên địa bàn.

Vì vậy, xây dựng DQTV vững mạnh và rộng khắp là vấn đề có ý nghĩa chiến lược cần phải thực hiện ngay từ thời bình, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần củng cố, tăng cường nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, sẵn sàng chuyển sang thế trận chiến tranh dân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, mục đích xây dựng luật nhằm xây dựng DQTV vững mạnh và rộng khắp, nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, làm nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc ở địa phương, cơ sở khi có chiến tranh; cùng với Quân đội nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Dự thảo Luật kế thừa nhiều nội dung quy định của Luật Dân quân tự vệ hiện hành; và sửa đổi, bổ sung một số nội dung. Đó là: Bổ sung quy định về vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đoàn, Ban cán sự Đảng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, sự chỉ huy của Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và người chỉ huy đơn vị Quân đội vào trong nguyên tắc tổ chức, hoạt động của DQTV để bảo đảm chặt chẽ nguyên tắc lãnh đạo của Đảng đối với DQTV; điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ của DQTV để phù hợp với quy định của Luật Quốc phòng; quy định DQTV thường trực là một trong những thành phần của DQTV, không luân phiên trong dân quân cơ động để khẳng định địa vị pháp lý của DQTV thường trực, phù hợp với thực tế hiện nay các địa phương đã và đang thực hiện; bổ sung quy định đối tượng miễn đăng ký công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV để tương thích với Luật Nghĩa vụ quân sự và phù hợp với thực tế....

 

Chính phủ đề nghị quy định phụ cấp đặc thù đi biển đối với DQTV biển

 

Đáng chú ý, Chính phủ báo cáo, xin ý kiến Quốc hội đối với một vấn đề có ý kiến khác nhau là: Phụ cấp đặc thù đi biển đối với DQTV khi làm nhiệm vụ trên biển; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với dân quân thường trực trên địa bàn biên giới, ven biển, đảo, trọng điểm quốc phòng.

 

Loại ý kiến thứ nhất: Quy định phụ cấp đặc thù đi biển đối với DQTV khi làm nhiệm vụ trên biển; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với dân quân thường trực trên địa bàn biên giới, ven biển, đảo, trọng điểm quốc phòng trong dự thảo Luật nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động phối hợp của DQTV trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới quốc gia; bảo đảm công bằng với các lực lượng khác.

  

Loại ý kiến thứ hai: Không nên quy định phụ cấp đặc thù đi biển đối với DQTV khi làm nhiệm vụ trên biển; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với dân quân thường trực trên địa bàn biên giới, ven biển, đảo, trọng điểm quốc phòng trong dự thảo Luật, vì làm phát sinh chính sách mới.

 

Chính phủ đề nghị lựa chọn loại ý kiến thứ nhất, bởi vì: Trong bối cảnh tình hình hiện nay và dự báo những năm tiếp theo, nhất là tình hình biển Đông, vai trò của DQTV biển là rất quan trọng trong đấu tranh bảo vệ, khẳng định chủ quyền biển, đảo, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân trên biển. Tuy vậy, hiện nay DQTV khi làm nhiệm vụ trên biển chưa được hưởng phụ cấp đặc thù đi biển. Trong khi đó, công chức, viên chức, công nhân, nhân viên trên tàu tìm kiếm cứu nạn hàng hải và lực lượng thuộc Quân đội nhân dân đã được hưởng chính sách này và chế độ công tác phí đi biển.

 

Như vậy, cùng thực hiện nhiệm vụ trên biển, nhưng DQTV biển chưa được hưởng chế độ phụ cấp đặc thù đi biển là chưa công bằng, ảnh hưởng không nhỏ đến tổ chức xây dựng và hiệu quả hoạt động của DQTV biển; chưa động viên, khuyến khích công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV biển.

 

Ngoài ra, dự thảo Luật bổ sung quy định bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với dân quân thường trực là tương thích với chế độ, chính sách của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ trong Quân đội nhân dân Việt Nam quy định tại Điều 50 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015. Bởi vì, dân quân thường trực làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, phòng thủ dân sự... Mặt khác, trên thực tế, nhiều địa phương đã thực hiện và đề nghị dự thảo Luật cần quy định chính sách này để nâng cao hiệu quả hoạt động của dân quân thường trực

 

Vì vậy, việc quy định phụ cấp đặc thù đi biển đối với DQTV khi làm nhiệm vụ trên biển; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với dân quân thường trực trên địa bàn biên giới, ven biển, đảo, trọng điểm quốc phòng trong dự thảo Luật nhằm bảo đảm công bằng giữa các lực lượng và đồng bộ, thống nhất với quy định của Luật Quốc phòng năm 2018  và pháp luật có liên quan về chế độ, chính sách đối với lực lượng vũ trang nhân dân.

 

Nghiên cứu quy định về tổ chức, mở rộng DQTV cho phù hợp

 

Đại diện cơ quan thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, cơ quan này nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Dân quân tự vệ năm 2009 với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Dân quân tự vệ hiện hành, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các luật khác có liên quan, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về Dân quân tự vệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng này trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

 

Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị rà soát, bổ sung, làm rõ các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Dân quân tự vệ, bảo đảm tính khái quát. Cùng với đó, nghiên cứu quy định về tổ chức, mở rộng DQTV cho phù hợp với vị trí, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng này; xây dựng theo hướng tinh gọn, tránh làm tăng kinh phí và nâng cao hiệu quả hoạt động. Bên cạnh đó tiếp tục rà soát, chỉnh lý về nội dung, kỹ thuật văn bản để quy định chặt chẽ, chính xác và bảo đảm tính thống nhất trong dự thảo Luật...

Các tin mới hơn
Nâng cao chất lượng huấn luyện chiến sĩ mới ở trung đoàn BB125, Bộ CHQS tỉnh Hải Dương(27/03/2024)
Giáo dục chính trị, tư tưởng cho chiến sĩ mới ở trung đoàn BB125, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hải Dương(25/03/2024)
Cán bộ, đoàn viên Liên Chi đoàn Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 125 tích cực hưởng ứng "Ngày Chủ nhật xanh" (19/03/2024)
Ban Chỉ huy quân sự huyện Tứ Kỳ luyện tập chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu năm 2024(11/03/2024)
Ban CHQS thành phố gặp mặt kỷ niệm ngày quốc tế phụ nữ 8/3(06/03/2024)
Các tin cũ hơn
na
Video
Phóng sự Ảnh
Trang tin đơn vị
Hệ thống văn bản
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website