Lịch sử truyền thống
Đề cương tuyên truyền Kỷ niệm 73 năm ngày Truyền thống LLVT tỉnh Hải Dương (27/3/1947 – 27/3/2020)
12/03/2020 12:00:00

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng mà thường xuyên, trực tiếp là Đảng uỷ - Bộ Tư lệnh Quân khu 3, Tỉnh uỷ - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân tỉnh; được sự quan tâm, giúp đỡ thương yêu, đùm bọc, của các tầng lớp nhân dân; 73 năm qua, lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Hải Dương vừa chiến đấu, vừa xây dựng và trưởng thành nhanh chóng, lập nhiều thành tích xuất sắc, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Kỷ niệm 73 năm Ngày truyền thống LLVT tỉnh Hải Dương (27/3/1947 - 27/3/2020) là dịp để cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh, các tầng lớp nhân dân ôn lại truyền thống vẻ vang của quân và dân tỉnh nhà trong 73 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành. Qua đó tiếp tục khơi dậy lòng tự hào, ý chí quyết tâm, trách nhiệm chính trị, tiếp bước các thế hệ cha anh đi trước phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, tô thắm thêm truyền thống “Đoàn kết, tự lực, sáng tạo, hy sinh, chiến thắng” của LLVT tỉnh Hải Dương anh hùng.

I. KHÁI QUÁT LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG ĐẤT VÀ NGƯỜI HẢI DƯƠNG

Tỉnh Hải Dương nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc bộ, là phên giậu phía Đông của kinh thành Thăng Long xưa - thủ đô Hà Nội ngày nay. Qua các thời kỳ lịch sử, Hải Dương luôn có vị trí chiến lược trọng yếu trong thế phòng thủ chung của cả nước.

Phía Bắc giáp tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang; phía Nam giáp tỉnh Thái Bình; phía Đông giáp thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh; phía Tây giáp tỉnh Hưng Yên. Hải Dương là địa bàn tập trung nhiều đầu mối giao thông quan trọng như: đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; Quốc lộ 5A, 37, 18, 17B; đường 389, 390, 392, 392B, 393, 394, 396...và có nhiều sông ngòi chảy qua, trong đó có các sông lớn như: sông Thái Bình, sông Kinh Thầy, sông Luộc...

Về địa lý hành chính, địa bàn tỉnh Hải Dương xưa trải rộng đến Đông Triều (Quảng Ninh), Vĩnh Bảo (Hải Phòng). Khi chính quyền cách mạng được thành lập, do yêu cầu quy hoạch vùng kinh tế, quốc phòng và bảo đảm cho việc chỉ đạo kháng chiến; ngày 26 tháng 01 năm 1968 thực hiện Quyết định của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, tỉnh Hải Dương hợp nhất với tỉnh Hưng Yên thành tỉnh Hải Hưng. Sau 29 năm hợp nhất ngày 01 tháng 01 năm 1997 tỉnh Hải Dương được tái lập. Hiện nay toàn tỉnh có 09 huyện, 02 thành phố, 01 thị xã; gồm các huyện: Kim Thành, Nam Sách, Thanh Hà, Tứ Kỳ, Gia Lộc, Ninh Giang, Thanh Miện, Bình Giang, Cẩm Giàng; thành phố Hải Dương, thành phố Chí Linh và thị xã Kinh Môn.

Hải Dương là vùng đất địa linh nhân kiệt, có truyền thống lịch sử trong thống đấu tranh dựng nước và giữ nước. Bến Bình Than cách đây trên 700 năm các tướng lĩnh nhà Trần họp bàn mưu kế đánh giặc. Vạn Kiếp từng là đại bản doanh của Hưng Đạo Đại Vương - Trần Quốc Tuấn. Côn Sơn danh lam thắng cảnh gắn với tên tuổi sự nghiệp của người anh hùng dân tộc, nhà văn hoá Nguyễn Trãi. Nhân dân Hải Dương vốn cần cù, nhân hậu, thông minh, thời nào cũng có người tài giỏi, đỗ đạt cao, đem tài trí giúp ích cho dân, cho nước. Hải Dương là vùng đất nổi tiếng khắp cả nước về truyền thống đỗ khoa bảng. Trong gần 1.000 năm tuyển chọn nhân tài, từ khoa thi đầu tiên năm (1075) đến khoa thi cuối cùng (1919), theo chương trình Nho giáo cả nước có 2.898 tiến sĩ và học vị tương đương; trong đó, Hải Dương có nhiều tiến sĩ nhất với 488 tiến sĩ (tính theo địa giới năm 1888 có 638 tiến sĩ). Huyện Nam Sách là huyện có nhiều tiến sĩ nhất (125 tiến sĩ), làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng (Bình Giang) là làng có nhiều tiến sĩ nhất nước (36 tiến sĩ), được mệnh danh “Lò Tiến sĩ xứ Đông”. Để có được miền quê giàu đẹp hôm nay, người dân tỉnh Đông từ ngàn xưa đã đoàn kết, chung sức, chung lòng bảo vệ và xây dựng quê hương.

II. SỰ RA ĐỜI CỦA LLVT TỈNH HẢI DƯƠNG

Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta. Năm 1873 thực dân Pháp cho quân đánh chiếm thành Đông (thành phố Hải Dương nay) và tiến hành đặt ách cai trị trên địa bàn tỉnh. Chúng thực hiện chính sách bóc lột bần cùng về kinh tế, đàn áp về chính trị, nô dịch về văn hoá làm cho đời sống nhân dân trong tỉnh vô cùng cực khổ. Mặc dù phong trào đấu tranh ở các địa phương diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ, gây được tiếng vang lớn, nhưng đều không thành công.

Ngày 03/02/1930 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu một bước ngoặt mới vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam; Sau khi Đảng ra đời, các chi bộ Đảng được thành lập ở các địa phương để lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng. Đầu tháng 3/1930, chi bộ đảng đầu tiên được thành lập ở thôn Đọ Xá - xã Hoàng Tân (nay là phường Hoàng Tân, TP Chí Linh), sau đó nhiều chi bộ khác được thành lập ở các địa phương trong tỉnh để lãnh đạo phong trào cách mạng. Lo sợ trước sự phát triển của phong trào cách mạng, thực dân Pháp và bọn tay sai đã mở nhiều cuộc càn quét, bắn giết…nhưng phong trào cách mạng tiếp tục phát triển và lan rộng. Tháng 10/1940 đội tự vệ đầu tiên của tỉnh được thành lập ở thôn Tạ Xá - xã Hợp Tiến (Nam Sách); sau đó lực lượng tự vệ đã phát triển ra nhiều nơi khác trong tỉnh; thực hiện nhiệm vụ diệt ác, trừ gian, bảo vệ phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng nhân dân.

Ngày 09/3/1945, Nhật hất cẳng Pháp, độc chiếm Đông Dương. Thực hiện Quyết định của Uỷ ban Quân sự Bắc Kỳ, Tỉnh uỷ Hải Dương chọn huyện Chí Linh, Đông Triều (lúc đó huyện Đông Triều, Mạo Khê thuộc tỉnh Hải Dương) để xây dựng căn cứ chống Nhật. Từ cuối tháng 4/1945 lực lượng Việt Minh và các đội tự vệ ở huyện Chí Linh, Đông Triều phát triển rất nhanh, trong đó các đội tự vệ vũ trang được hình thành tại xã Hưng Đạo, xã Phả Lại (nay là phường Phả Lại), xã Mạo Khê (nay là thị trấn Mạo Khê, Quảng Ninh). Riêng tại xã Bắc Mã - huyện Đông Triều, ngày 10/5/1945, 2 tiểu đội tự vệ tập trung đã được thành lập, đây là những đội tự vệ vũ trang thoát ly sản xuất đầu tiên của tỉnh ta.

Chiều ngày 08/6/1945, tại chùa Bắc Mã thuộc huyện Đông Triều, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức; Chiến khu Đông Triều được thành lập, Uỷ ban quân sự cách mạng ra mắt trước nhân dân do đồng chí Nguyễn Bình, đồng chí Hải Thanh và đồng chí Trần Cung phụ trách. “Đệ tứ Chiến khu” ra đời hoạt động tích cực, cùng toàn dân nhanh chóng làm suy yếu lực lượng quân sự và chính quyền địch suốt một vùng Duyên Hải rộng lớn. Du kích cách mạng - quân của “Đệ tứ Chiến khu” đã lần lượt tiến công sang các huyện Nam Sách, Thanh Hà, Kinh Môn (nay là thị xã Kinh Môn) và huyện Thuỷ Nguyên (Hải Phòng). Khi Nhật đầu hàng đồng minh, LLVT của Đệ tứ Chiến khu” đã phát triển lên đến trên 500 tay súng.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền về tay nhân dân, nhưng thực dân Pháp chưa từ bỏ mưu đồ xâm lược nước ta. Chúng liên tiếp nổ súng gây hấn ở nhiều nơi. Để chủ động cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; từ cuối năm 1945, đầu năm 1946 cùng với các địa phương trong cả nước, tỉnh ta đã nhanh chóng củng cố kiện toàn các đơn vị giải phóng quân, tổ chức xây dựng các đại đội cảnh vệ cấp tỉnh, trung đội cảnh vệ cấp huyện.

Cuối tháng 3/1946, thực dân Pháp chiếm đóng thị xã Hải Dương, lực lượng gồm 1 tiểu đoàn bộ binh, vị trí chỉ huy tại khu Nhà Máy Chai (Nhà máy cơ khí tỉnh cũ, thuộc phường Lê Thanh Nghị), lực lượng còn lại đóng tại các khu vực Nhà Nông Phố, Trường Con Gái (nay là trường tiểu học Võ Thị Sáu), cầu Phú Lương, cầu Lai Vu. Thời điểm đó, LLVT của tỉnh có Trung đoàn 44 thuộc Chiến khu 3 và các đại đội cảnh vệ cấp tỉnh, trung đội cảnh vệ cấp huyện, lực lượng dân quân, du kích các xã trong tỉnh đã xây dựng lên tới hàng vạn người.

Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đúng 20 giờ 40 phút ngày 19/12/1946, tự vệ thị xã Hải Dương nổ mìn phá huỷ bốt điện Cống Ba Cửa (gần Ga Hải Dương), làm nguồn điện tại thị xã Hải Dương vụt tắt, đó là hiệu lệnh của quân và dân tỉnh Hải Dương bước vào cuộc kháng chiến. Các chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 5 - Trung đoàn 44 (Chiến khu 3) cùng các đơn vị cảnh vệ, tự vệ chiến đấu, công an xung phong bất ngờ, đồng loạt nổ súng tấn công địch. Đêm 21/12/1946, lực lượng tự vệ chiến đấu và Công an thị xã Hải Dương phối hợp với Trung đoàn 44 (Chiến khu 3) xung phong tiến công tiêu diệt gọn một trung đội lính Âu Phi đóng tại Trường con gái. Trong trận chiến đấu này, đồng chí Đặng Quốc Chinh - chiến sĩ trung đội Quyết tử thị xã Hải Dương đã nêu tấm gương sáng ngời về lòng dũng cảm hy sinh, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Để đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến, theo quyết định của trên, ngày 27/3/1947, Tỉnh đội Hải Dương được thành lập tại Đình Giải - thôn Phù Tải - xã Thanh Giang (huyện Thanh Miện). Đồng chí Đặng Tính - Bí thư Tỉnh ủy được chỉ định làm Tỉnh đội trưởng, đồng chí Tô Thiện làm Chính trị viên; từ đó, ngày 27/3 hàng năm được lấy làm Ngày truyền thống LLVT tỉnh Hải Dương. Sau khi Tỉnh đội ra đời, các huyện đội, xã đội lần lượt được thành lập, thay thế Ủy ban Bảo vệ các cấp. Cơ quan Tỉnh đội, huyện đội, xã đội nằm trong hệ thống Ủy ban Kháng chiến thống nhất, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp uỷ Đảng và hệ thống chỉ huy thống nhất từ tỉnh tới cơ sở. Đây chính là lực lượng nòng cốt để tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính của Quân và dân tỉnh ta.

­­III. LLVT TỈNH HẢI DƯƠNG TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC (1947 - 1954)

Sau khi đưa quân vào địa bàn Hải Dương, Thực dân Pháp cho quân chiếm đóng dọc tuyến đường 5, tổ chức nhiều cuộc càn quét với quy mô khác nhau; đánh vào hầu hết các huyện trong tỉnh, từ vùng núi Chí Linh đến các xã thuộc khu Hà Đông (huyện Thanh Hà); từ huyện Kinh Môn (nay là thị xã Kinh Môn), huyện Kim Thành đến huyện Cẩm Giàng, Bình Giang. Cùng với hoạt động quân sự “Đánh nhanh, thắng nhanh”, “Đóng điểm, chiếm tuyến”, thực dân Pháp đã lập bọn ngụy quân, ngụy quyền và tập hợp bọn tay sai đánh phá ta cả về quân sự, chính trị và kinh tế. Suốt từ năm 1948 đến tháng 4/1954, trên địa bàn tỉnh Hải Dương địch tập trung lực lượng, phương tiện càn đi, quét lại hòng bình định, phá vỡ cơ sở kháng chiến, lùng sục cán bộ, du kích, giết hại người dân vô tội. Từ trong gian khổ hy sinh, ròng rã suốt 2.777 ngày đêm, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ và cấp uỷ Đảng các cấp, được sự giúp đỡ phối hợp của lực lượng bộ đội chủ lực Liên khu 3, quân và dân tỉnh Hải Dương đã bám trụ kiên cường, tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính. Trong đó, lấy xây dựng căn cứ chống càn và đánh địch trên đường giao thông là hình thức tác chiến chủ yếu, đồng thời phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực đánh địch bằng nhiều hình thức của chiến tranh nhân dân.

Chủ trương xây dựng làng kháng chiến đã được Tỉnh uỷ đề ra từ đầu năm 1947 và trở thành phong trào sâu rộng, đều khắp ở các địa phương. Những trận chống càn thắng lợi của các làng kháng chiến ở xã Ái Quốc - huyện Nam Sách (nay là phường Ái Quốc, TP Hải Dương); xã Chi Lăng (nay là xã Chi Lăng Nam), xã Thanh Giang - huyện Thanh Miện; làng Quán Đào - xã Tân Tiến - huyện Gia Lộc; thôn Nhân Kiệt, xã Vạn Thắng (nay là xã Hùng Thắng), huyện Bình Giang… đã làm kẻ thù khiếp sợ. Tính đến đầu năm 1954 toàn tỉnh có tới 92 làng được Liên khu 3 công nhận là làng kháng chiến. Đây thực sự là những chiến luỹ kiên cường góp phần tiêu diệt sinh lực địch, là nơi chống trả thắng lợi các cuộc càn quét cấp đại đội và cấp tiểu đoàn địch có cả máy bay và xe tăng yểm trợ. Cùng với chống càn thắng lợi, chiến thắng Ô Mễ - Xuân Nẻo (huyện Tứ Kỳ) của tiểu đoàn Quốc Tuấn - Tỉnh đội Hải Dương (tháng 11/1951) đã phá tung thế kìm kẹp của giặc Pháp trên địa bàn tỉnh, chiến thắng tiêu diệt Tiểu khu quân sự Phương Điếm - Gia Lộc (tháng 12/1953) làm rung chuyển hệ thống phòng ngự của địch ở phía Nam thị xã Hải Dương. Ngày 25/3/1948, du kích tập trung huyện Thanh Hà bắn chìm 1 ca nô địch trên sông Gùa, diệt 60 tên địch. Đây là trận đầu tiên LLVT tỉnh bắn chìm ca nô của thực dân Pháp xâm lược.

Là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng của vùng Duyên Hải, có 58 km Đường 5, đường sắt đi qua nối liền thủ đô Hà Nội với thành phố Hải Phòng; trên địa phận tỉnh Hải Dương, thực dân Pháp đã lập tới 42 đồn, bốt, vọng gác với nhiều sắc lính thay nhau tuần tra bảo vệ suốt ngày đêm. Ngay từ những ngày đầu kháng chiến, LLVT toàn tỉnh đã liên tục phát động phong trào đánh phá giao thông Đường 5. Du kích xã Cẩm Điền (huyện Cẩm Giàng) đã chôn nhiều mảnh gang và sắt vụn xuống đường tạo thành những “Ổ mìn gi” xen lẫn mìn thật làm cho chúng luôn bị bất ngờ không kịp đối phó. Du kích xã An Châu - huyện Nam Sách (nay thuộc là xã An Thượng, TP Hải Dương) trộn bùn lẫn với rơm đổ ra đường để cản bước tiến của địch…

Tháng 5 năm 1948, ta tổng công kích Đường 5 lần thứ nhất. Trung tuần tháng 7/1948, du kích tập trung huyện Kim Thành dùng mìn, địa lôi đánh đổ 4 đoàn tầu, trong đó có một đoàn tầu chở lính viễn chinh, diệt và làm bị thương 120 tên địch. Vui mừng trước chiến công đầu của LLVT huyện Kim Thành, Bác Hồ đã gửi thư khen. Tiếp đó, ngày 08/10/1948, du kích xã Hưng Đạo (nay là xã Cẩm Hoàng), huyện Cẩm Giàng tổ chức trận đánh mìn tại chùa Rê, đánh đổ một đoàn tầu gồm 8 toa, diệt và làm bị thương 350 tên địch.

Đội S20 - Đội đánh phá giao thông của tỉnh là nỗi kinh hoàng đối với kẻ thù. Trung tuần tháng 10/1948, ta mở đợt công kích Đường 5 lần thứ hai. Trên dọc tuyến Đường 5, đường sắt; bộ đội và du kích đã đánh 6 đoàn tầu, lật đổ 77 toa xe, diệt và làm bị thương hơn 600 tên địch, phá huỷ hàng trăm tấn đạn dược và phương tiện chiến tranh của chúng. Tiêu biểu là trận đánh vào sáng ngày 31/01/1954, khi đoàn tàu 27 toa chở lính Âu Phi qua ga Phạm Xá tiến vào nơi ta đặt mìn (tổ đánh mìn do đồng chí Nguyễn Văn Thoà chỉ huy, đồng chí Nguyễn Đình Viện điểm hoả), một tiếng nổ lớn, 4 toa bị nổ tung, 18 toa bị lật đổ, 1.017 tên lính Âu Phi chết và bị thương; đây là trận đánh phá giao thông có hiệu suất cao, diệt nhiều địch nhất trên tuyến đường sắt, đường 5 Hà Nội - Hải Phòng. Đồng chí Nguyễn Văn Thòa được mệnh danh là “Vua mìn Đường 5”. Hai đồng chí Nguyễn Văn Thòa và Nguyễn Đình Viện được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Những chiến công đánh địch trên toàn tỉnh đã góp phần cùng quân dân cả nước làm lên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, quân và dân tỉnh Hải Dương đã tổ chức đánh 13.681 trận, tiêu diệt 38.733 tên địch, bắt sống và gọi hàng 27.805 tên, thu hàng ngàn khẩu súng các loại, hàng triệu viên đạn, phá huỷ hàng trăm toa tàu và xe quân sự của địch. Với chiến công vẻ vang đó, quân và dân tỉnh Hải Dương đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương, Huy chương các loại cho tập thể và cá nhân, 9 đồng chí được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, 110 đồng chí là chiến sỹ thi đua các cấp.

IV. LLVT TỈNH HẢI DƯƠNG TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC (1954 - 1975)

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc, LLVT cùng nhân dân trong tỉnh rà, phá bom mìn, khắc phục hậu quả chiến tranh, tham gia cải cách ruộng đất, xây dựng tổ đổi công, hợp tác xã nông nghiệp, đẩy lùi nạn đói, xây dựng đời sống văn hoá…làm cho bộ mặt nông thôn từng ngày đổi mới. Cán bộ, chiến sỹ LLVT tỉnh hăng hái tham gia xây dựng công trình Đại thuỷ nông Bắc - Hưng - Hải (công trình thuỷ lợi lớn nhất Miền Bắc lúc bấy giờ). Cùng với nhiệm vụ sản xuất, xây dựng quê hương, LLVT tỉnh còn phối hợp với công an và nhân dân phá nhiều ổ nhóm phản động đem lại cuộc sống thanh bình cho nhân dân. Đặc biệt, đầu năm 1961, đã đập tan bọn phỉ có vũ trang tại xã Bắc An và Hoàng Hoa Thám, huyện Chí Linh (nay là thành phố Chí Linh). Trong thời gian này, bộ đội huyện Chí Linh, huyện Ðông Triều còn phối hợp cùng lực lượng công an và 2 Trung đội trinh sát của Quân khu truy lùng, đập tan âm mưu bạo loạn vũ trang của bọn phỉ hoạt động từ khu rừng Vua Bà đến vùng Yên Tử, bắt sống 21 tên, thu 9 khẩu súng.

Bị thất bại trên chiến trường Miền Nam, giặc Mỹ dựng lên “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, ngày 05/8/1964, chúng sử dụng không quân và hải quân đánh phá Miền Bắc. Trong chiến tranh phá hoại Miền Bắc, trên địa bàn tỉnh Hải Dương, không quân Mỹ đã tập trung đánh phá giao thông, nhất là các tuyến đường quan trọng như đường 5, đường sắt, trọng điểm là 2 cầu Lai Vu và Phú Lương. Vì chúng coi đây là “Yết hầu” để ngăn chặn sự chi viện của hậu phương cho các chiến trường trong cả nước. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, Ban Phòng không nhân dân các cấp đã được thành lập. Các cụm chiến đấu bảo vệ cầu Phú Lương, cầu Lai Vu được bố trí với nhiều tầng, nhiều lớp của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ.

13 giờ 30 phút ngày 05/11/1965, giặc Mỹ huy động 20 máy bay đánh phá cầu Lai Vu, trong vòng 7 phút chúng đã ném 50 quả bom làm 37 người chết, 26 người bị thương. Ngay từ những phút đầu, các lực lượng phòng không của ta đã hiệp đồng chặt chẽ đánh trả quyết liệt, bắn rơi tại chỗ 01 máy bay F - 8U, bắt sống giặc lái. Với chiến công đầu “đất đối không” thắng lợi. Bác Hồ đã tặng quân, dân tỉnh Hải Dương Cờ luân lưu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Chiến công đó thể hiện việc chấp hành nghiêm chỉ thị của Bộ Tư lệnh Quân khu và của Tỉnh uỷ Hải Dương “Quyết tâm đánh thắng trận đầu, bắn rơi tại chỗ máy bay địch”.

Chưa thực hiện được ý đồ đánh sập cầu Lai Vu, ngày 17/11/1965, giặc Mỹ tiếp tục huy động lực lượng mạnh gồm 34 máy bay chiến đấu đánh phá cầu lần thứ hai. Mặc dù máy bay địch đánh phá ác liệt vào các trận địa phòng không, song các lực lượng bảo vệ cầu đã giành thế chủ động ngay từ phút đầu, đánh trả quyết liệt, bắn rơi 4 máy bay địch, bắt sống giặc lái. Liên tiếp trong 2 ngày 22 và 23/12/1965, địch tổ chức nhiều tốp máy bay đánh phá cầu Phú Lương. Với tinh thần cảnh giác cao, chủ động chiến đấu, lực lượng phòng không phối hợp, hiệp đồng nổ súng bắn rơi 5 máy bay địch.

Nếu như trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đánh phá giao thông là nhiệm vụ chủ yếu, thì trong chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của giặc Mỹ, giữ vững mạch máu giao thông thông suốt là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quân và dân toàn tỉnh. Khi cầu Phú Lương bị gãy, ta đã có cầu tạm Ngọc Châu, cầu phao Cổ Pháp, cầu phao Đò Hàn thay thế. Khi đường 5A bị đánh hỏng ta sẵn có đường 5B, 5C để các đoàn tầu, xe của ta từ cảng Hải Phòng vẫn nối đuôi nhau về Hà Nội và đi các chiến trường. Sau các đợt đánh phá theo dọc tuyến đường sắt, Đường 5 không hiệu quả, giặc Mỹ mở rộng đánh phá các nơi trong tỉnh như: tuyến đê phía Nam Lục Đầu Giang thuộc địa phận xã Hiệp Cát (huyện Nam Sách), xã Nhân Huệ (thành phố Chí Linh); kho xăng Kính Chủ (thị xã Kinh Môn) và đánh vào một số cơ sở sản xuất, khu trung tâm thị xã Hải Dương như: nhà máy Đá Mài, nhà máy Bơm…Để chủ động giáng trả cuộc phá hoại với quy mô lớn của không quân địch. Thực hiện sự chỉ đạo của trên, hệ thống lưới lửa phòng không của cả ba thứ quân (Bộ đội chủ lực, Bộ đội địa phương, dân quân tự vệ) giăng khắp nơi, tạo thành hệ thống hoả lực mạnh nhiều tầng, nhiều lớp, tiêu diệt máy bay địch. Tiêu biểu như Trung đội du kích xã Cẩm Điền (huyện Cẩm Giàng) 2 lần bắn rơi máy bay địch; Trung đội nữ dân quân xã Tráng Liệt (nay sáp nhập vào thị trấn Kẻ Sặt) đã phục kích bắn rơi tại chỗ 1 máy bay địch. Nữ du kích Đặng Thị Quý xã Nam Chính (huyện Nam Sách) bình tĩnh phá bom nổ chậm trước ngày cưới, cô du kích xóm Lai Vu Bùi Thị Vân “Rắn quấn bên chân vẫn bắn thù” và rất nhiều tấm gương dũng cảm khác...

Trong 2 cuộc chống chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của giặc Mỹ, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ tỉnh ta đã phối hợp với bộ đội chủ lực tổ chức chiến đấu 2.636 trận, bắn rơi 83 máy bay các loại của địch (Riêng bộ đội tỉnh và dân quân tự vệ bắn rơi 13 chiếc). Phát huy truyền thống, nêu cao tinh thần “Địch đánh, ta sửa ta đi, địch phong toả, ta khai thông luồng lạch”. Lực lượng công binh của Quân khu, của tỉnh và dân quân tự vệ đã rà phá hàng trăm quả bom nổ chậm, đào đắp, san lấp, đảm bảo mạch máu giao thông thông suốt. Tiêu biểu như dân quân các xã: Ái Quốc, Nam Đồng, An Châu (nay là Phường Ái Quốc, xã Nam Đồng và xã An Thượng-TP Hải Dương); xã Lai Vu (huyện Kim Thành); xã Hồng Lạc, Tiền Tiến, huyện Thanh Hà (xã Tiền Tiến nay thuộc TP Hải Dương); xã Cổ Thành (nay là phường Cổ Thành, TP Chí Linh).

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân tỉnh Hải Dương vượt qua mọi khó khăn, thực hiện bằng được mục tiêu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Những hạt gạo mang nặng nghĩa tình, thấm bao mồ hôi công sức của người tỉnh Đông được gửi ra chiến trường. Chỉ tính trong 10 năm (1965-1975), tỉnh Hải Dương đã đóng góp trên 60 vạn tấn lương thực, thực phẩm, trên 125.000 người lên đường ra trận. Trong đó, các huyện có số người lên đường nhập ngũ đạt tỷ lệ 10% dân số như: Kim Thành, Kinh Môn, Nam Sách...Trung đoàn 2 thuộc tỉnh đội Hải Dương (nay thuộc Sư đoàn 395-Quân khu 3), trong 10 năm (1965-1975) đã huấn luyện 115 tiểu đoàn với 74.514 chiến sỹ (trong đó có 3 tiểu đoàn chiến sỹ nữ) chi viện cho chiến trường miền Nam. Những đóng góp to lớn của các địa phương và các đơn vị trong tỉnh đã góp phần cùng cả nước làm nên đại thắng Mùa xuân 1975, đưa non sông quy về một mối.

V. LLVT TỈNH HẢI DƯƠNG THỰC HIỆN HAI NHIỆM VỤ CHIẾN LƯỢC XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC VIỆT NAM XÃ HỘI CHỦ NGHĨA (1975 đến nay)

1. Giai đoạn 1975 - 1986

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước toàn thắng, quân và dân tỉnh Hải Dương cùng cả nước bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh và lao động sản xuất tạo ra của cải vật chất xây dựng XHCN. Tích cực tham gia xây dựng củng cố chính quyền địa phương và xây dựng các công trình lớn mang tầm vóc thế kỷ như: Nhiệt điện phả lại, xi măng Hoàng Thạch. Thực hiện khẩu hiệu “Quân khu 3-làm giàu đánh thắng”, các cơ quan, đơn vị thuộc LLVT tỉnh đã hăng hái lao động sản xuất tự túc được một phần lương thực, thực phẩm cho bộ đội.

Hoà bình chưa được bao lâu, kẻ thù lại gây ra chiến tranh xâm lược ở hai đầu đất nước. Thực hiện Lệnh tổng động viên của Chủ tịch nước, tháng 3 năm 1979, toàn tỉnh đã tổ chức động viên 5.200 quân nhân dự bị sắp xếp cho các đơn vị: Sư đoàn 319, Trung đoàn 813 tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và động viên 10 tiểu đoàn của các huyện sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có lệnh. Để nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, LLVT tỉnh đã thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, thông báo tin chiến thắng, gương chiến đấu anh dũng của quân và dân ta ở biên giới phía Tây Nam, biên giới phía Bắc; gặp động viên, trao đổi kinh nghiệm với 2 đoàn dũng sĩ quê Hải Hưng chiến đấu ở biên giới phía Bắc. Đồng thời, tổ chức nhiều đoàn cán bộ đi nghiên cứu thực tế chiến đấu ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh.

Trong 5 năm (từ 1975 đến 1980) toàn tỉnh đã bổ sung cho quân đội 100.734 quân nhân. Đồng thời, huy động hơn 7.000 cán bộ, chiến sỹ dân quân tự vệ xung phong đi xây dựng tuyến phòng thủ biên giới phía Bắc góp phần quan trọng đánh thắng kẻ thù xâm lược ở hai đầu đất nước.

2. Giai đoạn 1986 đến nay

Dưới ánh sáng đường lối đổi mới của Đảng, LLVT tỉnh tiếp tục quán triệt sâu sắc hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tập trung xây dựng Đảng bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xây dựng cơ quan quân sự các cấp vững mạnh toàn diện. Chủ động phối hợp với các ban ngành đoàn thể tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ quốc phòng - quân sự địa phương (QP - QSĐP). Nâng cao chất lượng xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng LLVT địa phương vững mạnh toàn diện, xây dựng khu vực phòng thủ (KVPT) ngày càng vững chắc. Công tác xây dựng KVPT được tổ chức thực hiện toàn diện cả về chính trị, kinh tế, quân sự; lấy xây dựng tiềm lực chính trị là yếu tố hàng đầu. Chủ động nắm tình hình, hoàn thành việc điều chỉnh kế hoạch phòng thủ sát với tình hình và thực tiễn địa phương, nâng cao chất lượng LLVT từ tỉnh đến cơ sở theo hướng tinh gọn, đủ sức hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ.

Trước yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, năm 2001 Bộ CHQS tỉnh tham mưu cho Tỉnh ủy triển khai Đề án Xây dựng KVPT tỉnh Hải Dương giai đoạn 2001 - 2005” theo tinh thần nghị quyết Đại hội IX của Đảng và nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII. Thực hiện Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng tỉnh, thành phố thành KVPT vững chắc trong tình hình mới, Nghị định 21/2019/NĐ-CP của Chính phủ về KVPT, Nghị định 02/2019/NĐ-CP về Phòng thủ dân sự. Bộ CHQS tỉnh tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện xây dựng thế trận quân sự trong KVPT cấp tỉnh, cấp huyện giai đoạn 2016-2020. Đồng thời thực hiện tốt việc quản lý đất quốc phòng, công trình quốc phòng theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 90 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Gắn nhiệm vụ quốc phòng với hoạt động của các ban, ngành địa phương; góp phần quan trọng tạo ra sức mạnh tổng hợp trong thực hiện các nhiệm vụ QP - QSĐP và xây dựng KVPT vững chắc.

Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã có nhiều giải pháp đồng bộ, tập trung nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ SSCĐ; nhất là tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ làm công tác huấn luyện, giáo dục chính trị, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, xây dựng bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cho cán bộ, đảng viên, chiến sỹ LLVT tỉnh. Kết quả kiểm tra công tác huấn luyện, SSCĐ hằng năm có 100% đạt yêu cầu, trên 80% khá, giỏi; chất lượng tham gia hội thi, hội thao có nhiều thành tích tiêu biểu: từ năm 2013-2019, tham gia 29 cuộc hội thi, hội thao cấp Quân khu tổ chức (trong đó đạt 03 giải Nhất, 06 giải Nhì, 08 giải Ba); tham gia 09 cuộc hội thi, hội thao cấp Bộ tổ chức (đạt 05 giải toàn đoàn trong đó 02 giải Nhất, 03 giải Nhì) nhiều giải đồng đội, cá nhân khác. Từ năm 1986 đến nay, đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức 7 cuộc diễn tập phòng thủ cấp tỉnh; chỉ đạo tổ chức tốt trên 84 cuộc diễn tập phòng thủ cấp huyện (TP, TX), 39 cuộc diễn tập phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn (PCLB - TKCN); tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác tuyển quân và tuyển sinh quân sự (tuyển chọn và giao 140.907 quân), đạt 100% chỉ tiêu, chất lượng nâng cao; lực lượng thường trực, DQTV, DBĐV xây dựng theo đúng quy định của Luật, Pháp lệnh.

Phong trào Thi đua Quyết thắng (TĐQT) trong LLVT tỉnh luôn được triển khai sâu rộng và hưởng ứng tích cực, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị (khóa XII), Chỉ thị số 87 của Thường vụ Quân uỷ Trung ương về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Chỉ thị 788 (nay là Chỉ thị 855) của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Quán triệt phương châm học và làm theo Bác phải bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, với nhiều mô hình, giải pháp, cách làm sáng tạo, hiệu quả được áp dụng vào hoạt động thực tiễn có sức lan tỏa như: Hòm tiết kiệm, tiết kiệm được trên 100 triệu đồng để thăm, động viên, giúp đỡ cán bộ, chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn đột xuất; quỹ “nghĩa tình đồng đội” huy động được số tiền 195 triệu đồng, hỗ trợ cho 69 lượt đối tượng chính sách, quân nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vay không lãi suất; Phong trào “Quân đội chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” đã hỗ trợ, giúp đỡ về giống vốn, công cụ sản xuất cho 70 gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn với tổng số tiền trên 340 triệu đồng. Chương trình “Ấm áp tình đồng đội, chung tay vun đắp những mầm xanh”, đã tặng 62 xe đạp, 05 tủ sách, 03 bàn học, 09 xuất học phí, 10 xuất quà, với tổng số tiền trên 131 triệu đồng. Chương trình “Ngày thứ 7 nghĩa tình” Chương trình “Đồng hành cùng địa phương giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp” đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân địa phương tổ chức dọn dẹp, tu sửa 64 nghĩa trang liệt sỹ, 34 gia đình chính sách, tặng 73 xuất quà trị giá trên 40 triệu đồng; tổ chức trồng và chăm sóc trên 25 km đường hoa ở các khu dân cư, gần một nghìn cây lấy gỗ, hơn hai nghìn cây ăn quả các loại; thu gom trên 10 tấn rác thải sinh hoạt, phát quang trên 25.000m2 cỏ dại ven đường với trên 3.000 ngày công; phối hợp tổ chức 325 buổi tuyên truyền, vận động nhân dân nêu cao trách nhiệm giữ gìn vệ sinh gia đình, đường làng, ngõ xóm. Đặc biệt trong công tác phòng chống dịch Covid-19, LLVT tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai, thực hiện có chất lượng Chương trình “Phối hợp chung tay phòng, chống dịch Covid-19”, tiến hành phun thuốc khử trùng 12 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; tặng 7 máy đo thân nhiệt, 107 lọ dung dịch diệt khuẩn, 141 bánh xà phòng, nước rửa tay và 4 nghìn khẩu trang y tế với trị giá trên 70 triệu đồng.

Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của tỉnh chủ động, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách xã hội và chính sách hậu phương quân đội; quan tâm, chăm lo, thăm hỏi động viên các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng; phụng dưỡng 30 mẹ Việt Nam Anh hùng; tổ chức tốt Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, đã tìm kiếm, quy tập 23 hài cốt liệt sĩ tại xã Nguyên Giáp (Tứ Kỳ), xã Cẩm Phúc (Cẩm Giàng) về nghĩa trang liệt sỹ địa phương; giải quyết chế độ, chính sách cho các đối tượng theo Quyết định 47, 290, 142, 62, 49 của Thủ tướng Chính phủ, đã tiến hành chi trả cho trên 120 nghìn đối tượng với số tiền trị giá 438 tỷ đồng. Tổ chức các tốt hoạt động “đền ơn, đáp nghĩa”, xây dựng 69 “Nhà tình nghĩa” trị giá 5 tỷ đồng, 27 “Nhà đồng đội” trị giá 1,6 tỷ đồng; phối hợp thăm hỏi, tặng quà, khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho trên 5.260 nhân dân các địa phương vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh...

Cán bộ, chiến sỹ LLVT tỉnh đã nỗ lực tập trung thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ công tác Hậu cần, Tài chính, nheất là các phong trào thi đua “Ngành hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, “Đơn vị Quân y 5 tốt”, “Đơn vị nuôi quân giỏi-quản lý quân nhu tốt”, “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp”, “Quản lý, sử dụng xăng dầu an toàn, tiết kiệm, hiệu quả”, “Đơn vị vận tải chính quy, an toàn, hiệu quả”, “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”,... Tham mưu đầu tư kinh phí xây dựng các công trình phục vụ cho huấn luyện như: Sở Chỉ huy, cơ quan Bộ CHQS tỉnh vị trí mới, trung tâm huấn luyện dự bị động viên của tỉnh, Trường quân sự tỉnh, thao trường huấn luyện tổng hợp, bến neo đậu tàu, xuồng và các công trình theo đề án xây dựng KVPT tỉnh. Tích cực duy tu, sửa chữa, củng cố nhà ở chưa có điều kiện xây dựng; chủ động mua sắm bổ sung doanh cụ, doanh trại như: giường, tủ, bàn ghế, thiết bị điện, nước phục vụ cho sinh hoạt với kinh phí trên 1.100 tỷ đồng. Thường xuyên chăm lo, bảo đảm đầy đủ chế độ, tiêu chuẩn, đảm bảo tốt đời sống vật chất tinh thần cho cán bộ, chiến sỹ LLVT tỉnh; các đơn vị đã trích nguồn thu từ TGSX đưa vào ăn thêm bình quân từ 2.000 - 3.000đ/người/ngày góp phần cải thiện đời sống, nâng cao sức khoẻ bộ đội.

Quán triệt, thực hiện nghiêm túc các thông tư, chỉ thị, chỉ lệnh, hướng dẫn của cấp trên về công tác Kỹ thuật, bảo đảm đầy đủ, kịp thời, đồng bộ vũ khí - trang bị kỹ thuật cho các nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, diễn tập, hội thi, hội thao, PCLB-TKCN và cơ động làm nhiệm vụ của LLVT tỉnh. Các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm nền nếp, chế độ bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa niêm cất, quản lý chặt chẽ VKTBKT, duy trì hệ số kỹ thuật của trang bị, bảo đảm an toàn kho trạm không để xảy ra mất mát, cháy nổ. Thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, hưởng ứng thực hiện có chất lượng Cuộc vận động “Quản lý vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông”; Chương trình “An toàn giao thông Quốc gia” hằng năm; Nghị quyết 382 của Quân ủy Trung ương, Chương trình hành động của Đảng ủy Quân khu, Kế hoạch thực hiện của Bộ CHQS tỉnh về lãnh đạo công tác kỹ thuật trong tình hình mới. Thực hiện nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, đã chỉ đạo tổ chức thu hồi vũ khí, trang bị theo phân cấp; đồng thời, tiếp nhận, cấp phát hàng chục nghìn lượt khẩu súng pháo, hàng chục tấn đạn, vật tư, trang bị; đồng bộ, bảo quan, bảo dưỡng thường xuyên trên 850 nghìn lượt khẩu súng, pháo, khí tài, xe, quân cụ các loại. Tham mưu làm tốt công tác kiểm tra kỹ thuật, bảo dưỡng, sửa chữa, cải hoán đồng bộ diezel hóa động cơ 07 xe Thiết giáp BTR-152 bảo đảm cho nhiệm vụ huấn luyện và SSCĐ.

Trong giai đoạn từ 1975 đến nay LLVT tỉnh Hải Dương đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh nhiều lần khen thưởng trong thực hiện nhiệm vụ QP - QSĐP và phong trào TĐQT:

- Năm 1978 được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT.

- Năm 1980 được Chính phủ tặng cờ Luân lưu.

- Năm 2002 được Chủ tịch nước tặng “Huân chương Chiến công Hạng Nhất”.

- Năm 2006, 2008, 2014, 2016 được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc.

- Năm 2007 được Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen.

- Năm 2009, 2013, 2016 được BTL Quân khu 3 tặng Cờ thi đua xuất sắc.

- Năm 2010, 2011, 2014, 2017, 2019 được BQP tặng Cờ thi đua xuất sắc.

- Năm 2012 được Chủ tịch nước tặng “Huân chương Quân công hạng Ba”.

- Năm 2015, 2018 được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc.

- Năm 2016 được Chủ tịch nước tặng “Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất” vì đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng Quân đội - củng cố Quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc.

Với những chiến công, thành tích đó, LLVT tỉnh đã viết nên truyền thống ”Đoàn kết, tự lực, sáng tạo, hy sinh, chiến thắng” và xứng đáng với danh hiệu cao quý đơn vị “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

VI. PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG ANH HÙNG, XÂY DỰNG LLVT TỈNH VỮNG MẠNH TOÀN DIỆN ĐÁP ỨNG YÊU CẦU, NHIỆM VỤ TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Những năm tới, tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là trước thềm Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ, nhằm chống phá cách mạng Việt Nam ngày càng công khai, trực diện; tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn ra phức tạp... Trước yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, cán bộ, chiến sỹ LLVT tỉnh Hải Dương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ chính trị trọng tâm:

1. Tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm quân sự, quốc phòng của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 8 (Khoá XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng các tỉnh thành phố thành KVPT vững chắc trong tình hình mới”, Nghị định 21/2019/NĐ-CP của Chính phủ về KVPT và Nghị định 02/2019/NĐ-CP về Phòng thủ dân sự. Chủ động tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương tập trung xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh ngày càng vững chắc. Thực hiện tốt công tác giáo dục quốc phòng toàn dân và bồi dưỡng kiến thức QP - AN cho các đối tượng. Nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, phòng chống có hiệu quả chiến lược “Diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; ngăn ngừa và đối phó có hiệu quả với các tình huống có thể xảy ra, góp phần giữ vững ANCT-TTATXH, phát triển KT-XH của địa phương.

2. Tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của LLVT theo hướng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”; trong đó luôn coi trọng chất lượng chính trị, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của LLVT, nhất là chú trọng nâng cao chất lượng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, tiếp tục nâng cao chất lượng SSCĐ, huấn luyện, diễn tập, của cơ quan, đơn vị.

3. Thực hiện tốt chức năng của LLVT địa phương trong tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Phối hợp với các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể tham gia xây dựng cơ sở chính trị ở địa phương, xây dựng và phát triển KT - XH, tham gia có hiệu quả chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện xung kích đi đầu, làm nòng cốt giúp nhân dân phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai.

4. Tập trung xây dựng các tổ chức Đảng TSVM gắn với xây dựng cơ quan, đơn vị VMTD, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đẩy mạnh “Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

******

Phát huy truyền thống 73 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, cán bộ, chiến sỹ LLVT tỉnh Hải Dương quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, không ngừng tô thắm thêm truyền thống “Đoàn kết, tự lực, sáng tạo, hy sinh, chiến thắng” và danh hiệu cao quý đơn vị “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Bộ CHQS tỉnh Hải Dương 
Các tin mới hơn
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến dịch Điện Biên Phủ(22/03/2024)
Người nhóm lửa cách mạng ở TP Hải Dương(27/09/2023)
Cầu phao đường sắt Phú Lương - kỳ tích thời chống Mỹ(20/09/2023)
Tuyên ngôn Độc lập - một áng văn lập quốc vĩ đại(02/09/2023)
Tiếng thơm Nguyễn Đức Sáu(04/07/2023)
Các tin cũ hơn
Những truyền thống vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam(08/01/2020)
Phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh làm nòng cốt cho sự nghiệp quốc phòng toàn dân(03/12/2019)
Quân tình nguyện Việt Nam giúp Lào - thực tiễn và bài học kinh nghiệm(22/11/2019)
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam(05/11/2019)
Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh-Ngày truyền thống Bộ đội Trường sơn(05/11/2019)
na
Video
Phóng sự Ảnh
Trang tin đơn vị
Hệ thống văn bản
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website