Lịch sử truyền thống
Đề cương tuyên truyền Kỷ niệm 85 năm ngày Truyền thống Dân quân tự vệ Việt Nam (28/3/1935 – 28/3/2020)
20/03/2020 02:18:15

I. SƠ LƯỢC ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Dân quân, tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là lực lượng vô địch, là một bức tường sắt của Tổ quốc. Vô luận địch nhân hung bạo thế nào hễ đụng vào lực lượng đó, bức tường đó, thì địch nào cũng phải tan rã”

Dân quân tự vệ là thành phần của lực lượng vũ trang Nhân dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lý, điều hành của Chính phủ mà trực tiếp là sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp; sự chỉ huy thống nhất của Tổng Tư lệnh quốc gia và Dân quân Việt Nam kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (nay là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) và sự chỉ huy trực tiếp của Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ huy trưởng Bộ CHQS 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chỉ huy trưởng: 704 Ban CHQS cấp huyện, 11.137 Ban CHQS cấp xã, 67 Ban chỉ huy quân sự cấp bộ, ngành Trung ương, 7.189 Ban CHQS cơ quan, tổ chức ở cơ sở và 7.676 Chỉ huy đơn vị tự vệ.

Luật Dân quân tự vệ quy định, ngày 28 tháng 3 hằng năm là Ngày truyền thống của dân quân tự vệ.

Vị trí, chức năng, nhiệm vụ của dân quân tự vệ được Hiến pháp, Luật Quốc phòng, Luật DQTV quy định.

II. THÀNH TÍCH ĐẠT ĐƯỢC TRONG 85 NĂM QUA

1. Những thành tích đặc biệt xuất sắc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và trong xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc

Tháng 3/1935, tại Đại hội lần thứ nhất của Đảng họp tại Ma Cao (Trung Quốc), Đảng ta đã ra “Nghị quyết về đội tự vệ” Nghị quyết khẳng định “Tự vệ đội càng mạnh thì tức là có điều kiện thuận lợi để sau này tổ chức du kích chiến tranh và vũ trang bạo động”. Ngay sau khi có nghị quyết của Đảng, các Đội tự vệ công nông mang tính chất là những tổ chức vũ trang quần chúng ra đời, là tiền thân của các đội Cứu quốc quân, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Năm 1939-1940, một số Đội du kích ra đời và phát triển thành các trung đội Cứu quốc quân.

Thời kỳ chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền (1940-1945), các đội tự vệ đã trở thành lực lượng vũ trang quần chúng của các đoàn thể cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh; phối hợp với các đơn vị cứu quốc quân, Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân làm nòng cốt cho quần chúng thực hiện vũ trang khởi nghĩa từng phần, tiến hành chiến tranh du kích cục bộ, xây dựng và mở rộng các căn cứ địa.

Cách mạng tháng 8/1945 thành công, ngày 02/9/1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, DQTV Việt Nam trở thành lực lượng vũ trang của Nhà nước, một trong ba thứ quân của lực lượng vũ trang nhân dân. Lực lượng này đã thực sự là một công cụ chuyên chính chủ yếu bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ và thành quả cách mạng.

Ngày 23/9/1945, Quân đội Pháp được quân Anh giúp sức nổ súng gây chiến tranh xâm lược nước ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ các địa phương ở miền Nam nhất là Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ, lực lượng DQTV đã phối hợp với bộ đội chủ lực anh dũng chiến đấu ngăn chặn địch, diệt ác, trừ gian, phá hoại đường giao thông. Ở miền Bắc, lực lượng DQTV phối hợp với Công an nhân dân và Vệ quốc quân tham gia trừng trị bọn phản động nội địa, tích cực chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến chng thực dân Pháp xâm lược.

Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, lực lượng DQTV và du kích từ chỗ là lực lượng vũ trang quần chúng do Mặt trận chỉ đạo, đã từng bước được thống nhất về tổ chức, là một bộ phận trong Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam do các xã đội, huyện đội, tỉnh đội chỉ đạo, chỉ huy và đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng các cấp. Đây là bước phát triển mới về chất của lực lượng DQTV.

Đầu năm 1947, lực lượng DQTV đã phát triển lên gần 3 triệu người, riêng ở Thủ đô Hà Nội có 6.000 đội viên. Ở chiến trường Nam Bộ, lực lượng dân quân du kích phát triển trên 27 vạn (nữ có 5,7 vạn); trong đó, du kích chiến đấu là 1,4 vạn. Ở chiến trường Trung Bộ, đến cuối năm 1949 phát triển 28,5 vạn dân quân du kích, 22.000 bạch đầu quân. Ở Bắc Bộ, dân quân du kích phát triển mạnh với hơn 27,9 vạn người với đủ các lứa tuổi, trai, gái.

Phòng Dân quân toàn quốc, nay là Cục Dân quân tự vệ được thành lập ngày 12/02/1947, là cơ quan tham mưu đầu ngành của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu về lực lượng Dân quân tự vệ; cơ quan Thường trực của Hội đồng Giáo dục quốc phòng ở các bộ, ngành, địa phương. Chủ trì biên tập, phát hành tạp chí Dân quân tự vệ - Giáo dục quốc phòng và tài liệu nghiên cứu chuyên ngành về Giáo dục quốc phòng và an ninh. Ngoài ra còn tham gia thực hiện công tác đối ngoại quân sự và các nhiệm vụ đột xuất khác của Bộ Quốc phòng giao.

Trong kháng chiến chống Pháp, DQTV và bộ đội địa phương đã tiêu diệt 23,1 vạn/tổng số 50 vạn quân địch (chiếm tỉ lệ 46,4% tổng số lực lượng địch bị tiêu diệt), làm tan rã trên 20 vạn tên (chiếm tỷ lệ 35%) và kiềm chế, phân tán trên 90% tổng số lực lượng địch trên toàn chiến trường. Lực lượng dân quân, du kích và tự vệ đã đóng góp công sức và xương máu vô cùng to lớn vào chiến công chung của toàn dân tộc, chấm dứt hơn 80 năm đô hộ của chủ nghĩa thực dân.

Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và kháng chiến chống Mỹ giải phóng miền Nam (1955 - 4/1975). lực lượng DQTV ở miền Bắc đã tích cực tham gia cải cách ruộng đất, đánh đổ địa chủ, phong kiến, khôi phục và đẩy mạnh sản xuất; tham gia bắt gọn nhiều toán biệt kích Mỹ - Ngụy tung ra miền Bắc. Phối hợp với bộ đội, công an và nhân dân thực hiện “tay cày tay súng, tay búa tay súng” chiến đấu liên tục ngày đêm, đã độc lập bắn rơi 424 máy bay các loại trong tổng số 4.181 máy bay Mỹ bị bắn rơi trên miền Bắc (chiếm 10%), bắt sống hàng trăm tên giặc lái và hàng chục toán biệt kích, bắn chìm và bắn cháy nhiều tàu chiến địch. Làm tốt công tác phòng không nhân dân, khắc phục hậu quả đánh phá của địch, rà phá bom mìn, đã có 183 triệu lượt người huy động tham gia phục vụ chiến đấu, phòng tránh sơ tán khắc phục hậu quả do địch gây ra, chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.

Lực lượng dân quân du kích ở miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ luôn chủ động đánh địch bằng mọi thứ vũ khí, hình thức đánh địch phong phú, sáng tạo trên khắp 3 vùng chiến lược (vùng rừng núi, vùng nông thôn đồng bằng, vùng thành thị); kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, 3 mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh vận), hình thành thế trận chiến đấu, phát triển các căn cứ chiến đấu, vành đai du kích, vành đai diệt Mỹ. Thực hiện bám trụ kiên cường, giữ thế xen kẽ, cài răng lược với địch. Đây là một phương thức tác chiến, một cách đánh độc đáo, sáng tạo của chiến tranh du kích Việt Nam. Lực lượng dân quân du kích đã phối hợp với nhân dân đấu tranh quyết liệt chống địch dồn dân lập “Khu trù mật”, lập “Ấp chiến lược”, độc lập và phối hợp với bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực trong mọi hoạt động, góp phần đánh bại các chiến thuật “Trực thăng vận”, “Thiết xa vận” và các biện pháp chiến lược của Mỹ - Ngụy như: “Bình định”, “Ấp chiến lược”, “Tát nước bắt cá”, “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh”, buộc địch phải phân tán tới 90% quân số để đối phó. Trong cuộc tổng tiến công mùa xuân 1975, lực lượng DQTV cùng bộ đội chủ lực và toàn dân miền Nam tiến công và nổi dậy đồng loạt; xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

2. Những thành tích đặc biệt xuất sắc trong công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội và sự nghiệp đổi mới đất nước

Giai đoạn cả nước thống nhất đi lên Chủ nghĩa xã hội, quán triệt thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, Hệ thống pháp luật về Dân quân tự vệ được ban hành đồng bộ, thống nhất, nhằm xây dựng Dân quân tự vệ Việt Nam vững mạnh, rộng khắp, tổ chức, biên chế tinh gọn, chất lượng tổng hợp cao, đổi mới nội dung huấn luyện và phương thức hoạt động theo phương châm “Cơ bản, thiết thực, chất lượng”. Tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, rà phá bom mìn, truy quét tàn quân bọn phản động của địch còn cài cắm lại; huy động hàng triệu lượt DQTV tham gia xây dựng tuyến phòng thủ biên giới; phối hợp chiến đấu và phục vụ chiến đấu góp phần vào thắng lợi của 2 cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam biên giới phía Bắc.

Trong giai đoạn cách mạng mới, DQTV Việt Nam ngày càng khẳng định rõ vị trí, vai trò chiến lược trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới.

Từ năm 2002 đến nay, lực lượng DQTV đã có 19.761.878 người với 48.617.994 ngày công tham gia trực sẵn sàng chiến đấu và tuần tra canh gác; 53.167 người với 289.860 ngày công tham gia bảo vệ biên giới đất liền và đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo Việt Nam; 877.093 ngày công tham gia bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; 2.693.931 người tham gia với 5.945.537 ngày công tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và 4.895.344 người với 14.218.882 ngày công vận động quần chúng tham gia xây dựng cơ sở.

Trải qua 85 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Dân quân tự vệ Việt Nam nói chung, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ DQTV luôn một lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, chiến đấu bám trụ kiên cường, mưu trí, dũng cảm, sáng tạo trong lao động, học tập công tác đã lập nhiều chiến công to lớn, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân làm nên Cách mạng tháng 8/1945, đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước 30/4/1975, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Qua các thời kỳ đã có 370 tập thể và 284 cá nhân cán bộ, chiến sĩ DQTV được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” và nhiều phần thưởng cao quý khác.

III. TRUYỀN THỐNG DÂN QUÂN TỰ VỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Cùng với sự lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam, Tỉnh đội Hải Dương (nay là Bộ CHQS tỉnh Hải Dương) được thành lập vào ngày 27/3/1947 - tại Đình Giải, thôn Phù Tải, xã Thanh Giang, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ trong các thời kỳ cách mạng, lực lượng vũ trang tỉnh nói chung, lực lượng DQTV nói riêng đã phát huy cao độ tinh thần mưu trí, dũng cảm, nhạy bén, sáng tạo, linh hoạt, dựa vào nhân dân để chiến đấu, lập nhiều chiến công oanh liệt, những kỳ tích vang dội, góp phần làm rạng rỡ thêm lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, lực lượng DQTV đã phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương tham gia chiến đấu 13.681 trận, tiêu diệt bắt sống, gọi hàng 66.538 tên địch, thu nhiều vũ khí quân dụng, phá hủy 1.820 đầu máy, toa tàu, ca-nô, tàu chiến, và xe cơ giới các loại của địch. Tiêu biểu như trận Công đồn ở bốt Phương Điếm - Gia Lộc; trận phục kích ở Đò Gùa-Thanh Hà; trận dùng đòn gánh đánh tây ở chợ Chương-Thanh Miện và những trận đánh tàu hỏa địch trên tuyến đường sắt thuộc địa bàn các huyện Cẩm Giàng, Nam Sách, Kim Thành làm nên “Tiếng sấm đường 5” mà mỗi khi nhắc đến, kẻ thù phải khiếp vía kinh hồn.

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, lực lượng DQTV của tỉnh đã phối hợp cùng bộ đội chủ lực, tham gia chiến đấu trên 200 trận, bắn rơi 13 trong tổng số 83 máy bay của địch bị bắn rơi trên địa bàn tỉnh.

Tính từ năm 1955-1975 có gần 69 nghìn lượt thanh niên xung phong tham gia dân công hỏa tuyến; hàng nghìn cán bộ, chiến sỹ dân quân đi xây dựng tuyến phòng thủ biên giới phía Bắc.

Cùng với thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương, lực lượng DQTV của tỉnh còn tích cực đóng góp hàng vạn ngày công xây dựng các công trình mang tầm vóc thế kỷ như: Công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, Nhà máy nhiệt điện Phả Lại, nhà máy xi măng Hoàng Thạch...

Trải qua các cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, lượng vũ trang tỉnh Hải Dương, 12 huyện (thành phố, thị xã), 68(phường, thị trấn), 1 đơn vị tự vệ được phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Để đạt được thành tích ấy có sự đóng góp không nhỏ của những cán bộ, chiến sỹ DQTV tiêu biểu như: Anh hùng liệt sỹ Mạc Thị Bưởi - xã Nam Tân, huyện Nam Sách không chịu khuất phục trước sự tra tấn dã man của quân thù dũng cảm hy sinh để bảo vệ cơ sở cách mạng khi vừa tròn 24 tuổi; Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Thòa, Nguyễn Đình Viện là du kích huyện Kim Thành nổi tiếng với cách đánh mìn độc đáo, sáng tạo từng được mệnh danh là Vua mìn đường 5; Chị Đinh Thị Nhìn - xã Kim Khê, huyện Kim Thành đã nhiều lần cùng đồng đội đặt mìn đánh tàu hỏa địch và được Bác Hồ gửi thư khen; chị Đinh Thị Quý - xã Nam Trung, huyện Nam Sách dũng cảm phá bom trước ngày cưới; Chị Bùi Thị Vân - xã Lai Vu, huyện Kim Thành “Rắn quấn bên chân vẫn bắn thù”, sẽ mãi là những tấm gương cho các thế hệ học tập và noi theo.

Phát huy truyền thống của mình, lực lượng DQTV Hải Dương đã nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt mọi nhiệm vụ xứng đáng là lực lượng tin cậy của Đảng, của chính quyền ở địa phương. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 27.000 cán bộ, chiến sỹ DQTV (chiếm tỷ lệ 1,45 % dân số) biên chế ở 235 xã, phường, thị trấn; 247 đơn vị tự vệ được tổ chức theo đúng quy định của Luật DQTV và hướng dẫn của cơ quan Quân khu. Tất cả các trung đội dân quân cơ động đều có cấp uỷ, chi bộ lãnh đạo.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lực lượng DQTV thường xuyên tổ chức tốt công tác huấn luyện, diễn tập, hội thao, hội thi,... Qua kiểm tra đánh giá kết quả hằng năm, 100% khối xã, phường, thị trấn, tự vệ, nhà trường đều đạt khá, có nhiều đơn vị đạt giỏi. Lực lượng DQTV Hải Dương đã giành nhiều giải cao trong các đợt hội thi, hội thao do Quân khu 3 tổ chức.

Song song với việc thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, xây dựng lực lượng DQTV còn tích cực phối hợp với các cấp, các ngành tuần tra giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ sản xuất, tham gia các hoạt động ở địa phương đem lại sự bình yên cho nhân dân.

* Trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị và lực lượng DQTV:

Phát huy truyền thống 85 năm vẻ vang của lực lượng DQTV, 73 năm truyền thống LLVT tỉnh Đông Anh hùng, cán bộ, chiến sĩ LLVT, các tầng lớp nhân dân, nhất là lực lượng DQTV nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, thực hiện tốt một số nội dung sau đây:

Một là, Quán triệt sâu rộng các văn bản, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng lực lượng DQTV, đặc biệt là triển khai có hiệu quả Luật DQTV.

Hai là, Thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, bồi dưỡng, tập huấn pháp luật về DQTV bằng nhiều hình thức, phương pháp cho các đối tượng, nhất là đội ngũ lãnh đạo chủ trì các cấp và đội ngũ cán bộ quân sự cấp xã, cơ quan, tổ chức, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và toàn dân đối với xây dựng DQTV.

Ba là, Thực hiện nghiêm chế độ đăng ký DQTV, đề xuất các biện pháp quản lý lực lượng đi làm ăn xa, thường xuyên kiểm tra, kiện toàn, bổ sung, thay thế kịp thời những trường hợp xin đăng ký tạm vắng, chuyển đi nơi khác. Tuyển chọn, sắp xếp đúng, đủ thành phần lực lượng theo quy định. Bảo đảm đầy đủ kịp thời chế độ, chính sách đối với DQTV.

Bốn là: Mỗi cán bộ, chiến sỹ DQTV cần đề cao cảnh giác cách mạng, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên quyết đấu tranh làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; ý thức sẵn sàng chiến đấu cao, nâng cao chất lượng huấn luyện, thực hành tiết kiệm; quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về kết hợp kinh tế với quốc phòng - an ninh, quốc phòng - an ninh với kinh tế; nắm vững chức năng, nhiệm vụ DQTV; tích cực học tập, nâng cao trình độ nhận thức và hành động thực tiễn, đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng DQTV vững mạnh toàn diện.

Xây dựng DQTV là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Do đó, công tác xây dựng DQTV phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, có chất lượng và đạt hiệu quả. Đây là nhiệm vụ lâu dài nên cần phải có sự nhận thức thống nhất, đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng lực lượng DQTV trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, địa phương, cơ sở nói riêng, quyết tâm đưa công tác xây dựng DQTV đi vào nền nếp, ngày càng hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.

Các tin mới hơn
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến dịch Điện Biên Phủ(22/03/2024)
Người nhóm lửa cách mạng ở TP Hải Dương(27/09/2023)
Cầu phao đường sắt Phú Lương - kỳ tích thời chống Mỹ(20/09/2023)
Tuyên ngôn Độc lập - một áng văn lập quốc vĩ đại(02/09/2023)
Tiếng thơm Nguyễn Đức Sáu(04/07/2023)
Các tin cũ hơn
Đề cương tuyên truyền Kỷ niệm 73 năm ngày Truyền thống LLVT tỉnh Hải Dương (27/3/1947 – 27/3/2020)(12/03/2020)
Những truyền thống vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam(08/01/2020)
Phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh làm nòng cốt cho sự nghiệp quốc phòng toàn dân(03/12/2019)
Quân tình nguyện Việt Nam giúp Lào - thực tiễn và bài học kinh nghiệm(22/11/2019)
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam(05/11/2019)
na
Video
Phóng sự Ảnh
Trang tin đơn vị
Hệ thống văn bản
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website