Văn bản mới
ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 20 NĂM TÁI LẬP TỈNH HẢI DƯƠNG (01/01/1997 – 01/01/2017)
16/12/2016 07:53:54

(Kèm theo Hướng dẫn số 33-HD/BTGTU ngày 18/11/2016 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương)


I. KHÁI QUÁT ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA
1. Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên

Hải Dương là tỉnh ở đồng bằng Bắc Bộ, thuộc châu thổ sông Hồng; phía bắc giáp tỉnh Bắc Giang, phía Nam giáp tỉnh Thái Bình, phía Đông và Đông Nam giáp thành phố Hải Phòng, phía Tây và phía Tây Nam giáp tỉnh Hưng Yên, phía Đông Bắc giáp tỉnh Quảng Ninh, phía Tây Bắc giáp tỉnh Bắc Ninh. Hải Dương nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, cách Hải Phòng 45 km và cách Hà Nội 57 km. Diện tích tự nhiên là 1650,2 km2, dân số trên 1,7 triệu người. Vùng đất Hải Dương có lịch sử phát triển từ lâu đời. Theo kết quả nghiên cứu khoa học thông qua các di chỉ khảo cổ cho thấy ngay từ thời kỳ đồ đá đã có người sinh sống trên mảnh đất này. Cùng với những biến thiên, thăng trầm của lịch sử, vùng đất Hải Dương đã nhiều lần thay đổi về tên gọi và địa giới hành chính. Thời Hùng Vương, Hải Dương là một bộ phận thuộc bộ Dương Tuyền. Đến thiên niên kỷ I, Hải Dương thuộc quận Giao Chỉ rồi quận Giao Châu. Đến thời nhà Lý, nhà Trần, Hải Dương có tên là Nam Sách lộ, Hồng lộ. Năm Quang Thuận thứ 10  (đời vua Lê Thánh Tông - 1469) tỉnh ta được chính thức mang tên Hải Dương (thừa tuyên Hải Dương, 1 trong 12 thừa tuyên của cả nước) kéo dài từ Bần Yên Nhân (Hưng Yêu đến bờ biển Đông (Đồ Sơn - Hải Phòng)). Năm Hồng Đức 21 (1490) định lại bản đồ, đổi thành xứ Hải Dương (biệt danh là xứ Đông). Đến đời vua Lê Tương Dực đổi thành trấn Hải Dương. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831) - đổi trấn thành tỉnh, Hải Dương là 1 trong 31 tỉnh của cả nước. Từ đó đến những năm 60 của thế kỷ 20, địa giới hành chính của Hải Dương đã nhiều lần thay đổi, chia tách, sáp nhập một số huyện như: An Dương, Tiên Lãng, Kinh Môn, Kim Thành, Chí Linh, Đông Triều, Nam Sách với các tỉnh lân cận. Năm 1968, để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và chống Mỹ cứu nước của toàn dân tộc, ngày 26/01, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 504-NQ/TVQH hợp nhất tỉnh Hải Dương với tỉnh Hưng Yên thành tỉnh Hải Hưng. Tỉnh Hải Hưng lúc này có 20 huyện và hai thị xã, trung tâm hành chính đặt tại thị xã Hải Dương. Tháng 2/1977, huyện Bình Giang với Cẩm Giàng hợp nhất thành huyện Cẩm Bình; tháng 4/1979, hợp nhất các huyện Nam Sách với Thanh Hà thành huyện Nam Thanh, huyện Kim Thành với huyện Kinh Môn thành huyện Kim Môn; huyện Tứ Kỳ với huyện Gia Lộc thành huyện Tứ Lộc; huyện Ninh Giang với huyện Thanh Miện thành huyện Ninh Thanh. Ngày 06/11/1996, tại kỳ họp thứ X, Quốc hội khóa IX đã thông qua nghị quyết về việc tách và điều chỉnh địa giới một số tỉnh, trong đó có Hải Hưng. Ngày 01/01/1997, tỉnh Hải Dương được tái lập với 9 đơn vị hành chính, gồm: thị xã Hải Dương và các huyện: Chí Linh, Tứ Kỳ, Gia Lộc, Ninh Giang, Thanh Miện, Cẩm Bình, Nam Thanh, Kim Môn. Tháng 4/1997, các huyện Bình Giang, Cẩm Giàng, Kinh Môn, Kim Thành, Nam Sách, Thanh Hà được tái lập. Ngày 06/8/1997, Chính phủ ban hành Nghị định số 88-CP về việc nâng cấp thị xã Hải Dương thành thành phố Hải Dương trực thuộc tỉnh Hải Dương; ngày 12/02/2010, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP về việc thành lập thị xã Chí Linh trực thuộc tỉnh Hải Dương. Trải qua nhiều lần hợp nhất chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính, đến nay tỉnh Hải Dương có 12 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: thành phố Hải Dương, thị xã Chí Linh và 10 huyện (Nam Sách, Kinh môn, Kim Thành, Thanh Hà, Cẩm Giàng, Bình Giang, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Ninh Giang, Thanh Miện). Điều kiện tự nhiên của Hải Dương thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội và củng cố an ninh quốc phòng,là vành đai trực tiếp bảo vệ thủ đô Hà Nội, là tuyến trong của thành phố Hải Phòng và là hậu phương trực tiếp của tỉnh biên giới Quảng Ninh. Địa hình của Hải Dương nghiêng từ Tây sang Đông và từ Bắc xuống Nam, khá đa dạng với phần lớn là đồng bằng (chiếm 89%), vùng bán sơn địa và rừng núi (chiếm 11%) thuộc thị xã Chí Linh và huyện Kinh Môn. Nằm trải dài và án ngữ phía Đông và Đông Bắc đồng bằng Bắc bộ, từ Hưng Yên đến Hải Phòng, từ tả ngạn sông Hồng đến sông Lục Đầu nên Hải Dương chịu sự tác động mạnh của hệ thống sông ngòi dày đặc, chiếm 6,6% diện tích tự nhiên của tỉnh với các sông lớn như: sông Thái Bình, sông Kinh Thầy, sông Luộc… Từ phía Đông, Hải Dương thông với biển bằng 6 cửa sông lớn là Bạch Đằng, Nam Triệu, Cửa Cấm, Lạch Tray, Văn Úc và Thái Bình. Phía Nam của tỉnh tiếp giáp với tỉnh Thái Bình, ngăn cách cách bởi sông Luộc. Hệ thống sông ngòi kênh mương trên địa bàn tỉnh phân bố ở khắp các huyện, xã tạo nên ưu thế về giao thông vận tải đường sông phục vụ cho sản xuất và quốc phòng. Các tuyến sông phía Tây chủ yếu thuộc hệ thống thuỷ nông Bắc Hưng Hải không chỉ đảm bảo tưới tiêu cho 7 huyện phía Tây của tỉnh mà còn đóng vai trò quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp của các tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên. Hệ thống giao thông đường bộ của tỉnh gồm đa dạng các loại: có 7 tuyến quốc lộ qua địa phận tỉnh Hải Dương (Đường số 5, 183, 18, 37, 38, 10 và tuyến đường cao tốc loại A Hà Nội - Hải Phòng dài 110,5km, trong đó trên địa phận Hải Dương có 40 km qua các huyện: Bình Giang, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Thành Hà); hệ thống đường tỉnh phân bổ đều trên địa bàn, kết nối trung tâm các huyện, các khu công nghiệp và thành phố Hải Dương với tổng chiều dài 373,7km; đường huyện có 27 tuyến, tổng chiều dài 353,7 km; đường nông thôn là 10.154 km, trong đó 232km đường liên xã, 1.154km đường xã, 3.450km đường thôn, 2.260km đường xóm và đường ra đồng. Đường sắt chạy qua địa bàn Hải Dương dài 71.17km, gồm 3 tuyến: Tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng với đoạn qua các huyện Cẩm Giàng, thành phố Hải Dương, Kim Thành dài 46,3km gồm 6 ga (Cẩm Giàng, Cao Xá, Hải Dương, Tiền Trung, Phạm Xá, Phú Thái) và 5 cầu (tổng chiều dài 666,14m, trong đó có 2 cầu lớn Phú Lương và Lai Vu); Tuyến đường sắt Kép - Hạ Long qua thị xã Chí Linh dài 8,87km có ga Chí Linh; Tuyến đường sắt Chí Linh - Cổ Thành dài 16km.

2. Truyền thống văn hóa

Trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, nhiều dấu tích lịch sử đã minh chứng về nền văn hóa lâu đời phát triển trên vùng châu thổ sông Hồng với những nét riêng của con người thông minh, nhạy bén, cần cù, sáng tạo trong lao động và học tập; kiên cường, tài trí trong đấu tranh; giản dị và chân thành trong cuộc sống; bao dung, nghĩa khí trong ứng xử. Với óc sáng tạo và bàn tay tài hoa, khéo léo của người dân, Hải Dương là một trong những nơi có nhiều nghề truyền thống nổi tiếng như: gốm Chu Đậu (Nam Sách), chạm khắc gỗ ở Đông Giao (Cẩm Giàng), nghề mộc Cúc Bồ (Ninh Giang), đồ thủ công mỹ nghệ vàng bạc Châu Khê (Bình Giang), chạm khắc đá ở Kính Chủ (Kinh Môn), bánh đậu xanh (thành phố Hải Dương), bánh gai (Ninh Giang), rượu nếp Phú Lộc, nghề giày da ở Hoàng Diệu (Gia Lộc)... Đóng góp vào lịch sử chung của dân tộc, xứng danh vùng đất “địa linh nhân kiệt”, Hải Dương là mảnh đất có truyền thống hiếu học và khoa bảng nổi tiếng, là nơi sinh ra và nuôi dưỡng nhiều tài năng lỗi lạc của quê hương, đất nước. Trong 10 thế kỷ thời kỳ Trung đại, từ khoa thi đầu tiên (1075) đến khoa thi cuối cùng (1919), cả nước có 2.898 tiến sỹ và học vị tương đương, trong đó, Hải Dương là tỉnh có nhiều tiến sỹ nhất (488 tiến sỹ), Nam Sách là huyện có nhiều tiến sỹ nhất (125 người) và làng Mộ Trạch (xã Tân Hồng, huyện Bình Giang) là làng có nhiều tiến sỹ nhất nước, được gọi là “Lò Tiến sỹ xứ Đông”. Bên cạnh đó, Hải Dương còn là nơi sinh ra và nuôi dưỡng nhiều tài năng lỗi lạc của quê hương, đất nước trên nhiều lĩnh vực, với những tên tuổi đã đi vào lịch sử của dân tộc như: Khúc Thừa Dụ, Trần Quốc Tuấn, Yết Kiêu, Mạc Đĩnh Chi, Chu Văn An, Phạm Sư Mạnh, Tuệ Tĩnh, Nguyễn Trãi, Vũ Hữu, Nguyễn Thị Duệ… Trong lao động, từ xa xưa, nhân dân Hải Dương đã biết tập trung sức lực cải tạo những vùng đất trũng, đào sông, khơi ngòi, thau chua rửa mặn và đắp đê chống úng lụt. Trải suốt chiều dài lịch sử và qua nhiều thế hệ nối tiếp nhau, bằng sức lao động cần cù, bền bỉ, sáng tạo, nhân dân Hải Dương đã đấu tranh với thiên nhiên, biến những vùng đất hoang hóa, ngập mặn thành những vùng đất phì nhiêu màu mỡ thích hợp với việc trồng các loại cây lương thực và cây hoa màu, cây ăn quả phong phú, đa dạng. Không chỉ bền bỉ và kiên trì trong quá trình chinh phục thiên nhiên, nhân dân Hải Dương còn tài trí, dũng cảm trong đấu tranh chống mọi kẻ thù xâm lược. Ngay từ thời cổ đại, trung đại, sức mạnh của truyền thống đoàn kết, yêu nước đã giúp người dân Hải Dương lập nên biết bao chiến công hiển hách trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược phương Bắc. Nhân dân Hải Dương cùng nhân dân cả nước tiến hành các cuộc kháng chiến chống các đội quân xâm lược: Tần, Hán, Tống, Nguyên, Minh, Thanh. Đó là chiến công từ thời Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, chặn đánh quân Mã Viện nhà Đông Hán ở cửa sông Văn Úc. Đầu thế kỷ X (năm 905), Khúc Thừa Dụ từ Hồng Châu (Ninh Giang) đã lãnh đạo nhân dân nổi dậy khởi nghĩa, giành lại quyền tự chủ từ tay bọn phong kiến Nhà Đường, đặt nền móng cho việc chấm dứt hơn 1.000 năm Bắc thuộc. Thế kỷ XIII, khi vó ngựa quân Nguyên - Mông xâm lược nước ta, tại Trần Xá Loan, vua Trần Nhân Tông đã triệu tập và chủ trì họp bàn với các vương hầu, bách quan bàn kế sách đánh giặc. Lời thề “Sát Thát” với ý chí quyết đánh sang sảng vang lên, thể hiện quyết tâm đánh giặc giữ nước của cả dân tộc. Trong khoảng thế kỷ XVI - XVII, khi chế độ phong kiến Việt Nam dần suy yếu và mục nát cũng là lúc phong trào nổi dậy của nông dân bùng lên khắp đàng ngoài. Nhân dân Hải Dương hăng hái tham gia các cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ (Nam Sách). Sang thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, các cuộc khởi nghĩa của nông dân đã lên tới đỉnh cao, lan rộng khắp cả nước. Tiêu biểu nhất cho ý chí và nguyện vọng của nông dân là cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Cầu (Lôi Động, Thanh Hà), vốn là tướng của Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ. Cuộc khởi nghĩa này đã lôi kéo được hàng chục vạn nông dân trong tỉnh và các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Kiến An, Thái Bình, sau đó lan rộng ra toàn đồng bằng Bắc Bộ và thu hút được nhiều sĩ phu yêu nước, tiến bộ… Trong thế kỷ XX, nhân dân và chiến sỹ tỉnh Hải Dương đã có những hy sinh và cống hiến vô cùng to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước ; cùng cả nước làm nên những chiến thắng vẻ vang trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Trên 30 vạn thanh niên Hải Dương đã hăng hái tòng quân cứu nước; 38.941 chiến sỹ đã hy sinh anh dũng và có 21.099 thương binh, 8.968 bệnh binh là những người đã bỏ lại một phần xương máu của mình trên các chiến trường ; tính đến ngày 31/12/2012, có 1.645 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; 32 Anh hùng lực Lượng vũ trang nhân dân; hàng chục vạn người được tặng thưởng Huân chương, Huy chương và bằng có công với nước; có 12/12 huyện, thị xã, thành phố và 64 xã, phường, thị trấn được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 6.113 thanh niên xung phong; 3.525 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; 6.272 người hoạt động kháng chiến và con đẻ nhiễm chất độc da cam Dioxin. Những đóng góp và hy sinh to lớn đó đã góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đưa đất nước ta thu về một mối, dân tộc ta bước sang kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của độc lập, tự do, ấm no và hạnh phúc.

II. NHỮNG THÀNH TỰU SAU 20 NĂM TÁI LẬP TỈNH HẢI DƯƠNG
1. Tình hình kinh tế - xã hội thời điểm tái lập tỉnh

Trong thời gian tỉnh mới được tái lập, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất kỹ thuật của nền kinh tế thấp kém; lao động thủ công là phổ biến, năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất thấp, giá thành sản phẩm cao, sức cạnh tranh yếu. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, thiếu vững chắc, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ còn thấp, tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra. Hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế và chưa đồng bộ, diện tích ruộng đất manh mún, phân tán đã làm hạn chế công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Kinh tế trang trại phát triển thiếu qui hoạch và hướng dẫn, việc đưa các giống cây, con vật nuôi mới có năng suất và chất lượng cao vào sản xuất đại trà còn chậm. Tỷ trọng chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp thấp; tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ trong kinh tế nông thôn còn thấp. Công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp. Công nghiệp địa phương còn nhỏ về qui mô, lạc hậu về trình độ công nghệ, hiệu quả kinh doanh thấp. Việc tổ chức, sắp xếp và chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước triển khai chậm và gặp nhiều khó khăn; nhiều doanh nghiệp thiếu năng động, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, tình hình tài chính không lành mạnh, thua lỗ kéo dài, chậm được xử lý. Nhiều hợp tác xã tuy đã được chuyển đổi theo Luật nhưng còn mang tính hình thức, hoạt động yếu kém; doanh nghiệp ngoài quốc doanh phát triển chậm. Chương trình phát triển khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường chưa rõ nét, nhiều đề tài nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ kém hiệu quả. Công tác quản lý môi trường còn thiếu sót; quản lý qui hoạch, phát triển đô thị, xây dựng chưa chặt chẽ, một số dự án đầu tư xây dựng cơ bản triển khai chậm. Các vấn đề xã hội và đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể chậm đổi mới, chưa ngang tầm với nhiệm vụ đặt ra. GDP bình quân đầu người thấp (năm 1997 là 365 USD), đời sống một bộ phận nhân dân rất khó khăn…

2. Một số thành tựu nổi bật của tỉnh Hải Dương sau 20 năm tái lập
Kể từ ngày 01/01/1997 đến nay, trải qua 2 thập kỷ phát triển, thực hiện đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, phát huy truyền thống lịch sử và cách mạng của quê hương anh hùng, Đảng bộ, quân và nhân dân tỉnh Hải Dương đã đoàn kết, phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, giành nhiều thành tựu quan trọng, nổi bật là:

- Thứ nhất: Kinh tế của tỉnh liên tục tăng trưởng khá, tạo bước đột phá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, đồng thời có sự chuyển dịch giữa các thành phần kinh tế và các vùng trong tỉnh. Sản xuất công nghiệp ngày càng phát triển trở thành động lực chính để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong 20 năm qua, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng liên tục qua các năm; bình quân giai đoạn 1997 - 2000 tăng 8,6 %; giai đoạn 2000 - 2005 tăng 10,8 %; giai đoạn 2005 - 2010 tăng 9,8%; giai đoạn 2010 - 2015 tăng 7,7 %. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2010-2015 năm đạt 40.730 tỷ đồng, năm 2016, thu ngân sách trên địa bàn đạt 10.600 tỷ đồng, tăng hơn 26 lần so với năm 1997 (399,4 tỷ đồng). Từ 1997 đến 2016, cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thuỷ sản. Sau 20 năm, từ một tỉnh thuần nông, bước đầu đã hình thành rõ nét nền kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng công nghiệp tăng nhanh; tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản - công nghiệp, xây dựng - dịch vụ chuyển dịch từ 36% - 34% - 30% năm 1997 sang 15,9% - 52,5% - 31,6% năm 2015. Cơ cấu vùng kinh tế có bước chuyển dịch theo hướng hình thành các vùng động lực phát triển kinh tế của tỉnh, vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp, các vùng phát triển công nghiệp tập trung,... Môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, thông thoáng cùng với các cơ chế, chính sách ưu đãi, đã khuyến khích các doanh nghiệp ngoài nhà nước phát triển cả về số lượng và quy mô, nhiều doanh nghiệp có dự án lớn như: Công ty May Tinh Lợi, Công ty Ford, Tập đoàn Sumidenso, Tập đoàn Brother, Tập đoàn Lucky, Công ty UMC Việt Nam, Công ty Uniden... đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong 20 năm qua, sản xuất công nghiệp phát triển với tốc độ khá nhanh. Hiện tại Hải Dương đã quy hoạch và phát triển 18 khu công nghiệp (KCN), trong đó có 10 khu đã được đầu tư hạ tầng và đi vào hoạt động, thu hút nhiều dự án đầu tư có quy mô khá, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt trên 60%; đã quy hoạch 36 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.403 ha, thu hút 301 dự án đầu tư với diện tích thuê đất 601 ha. Các ngành dịch vụ tiếp tục phát triển, mạng lưới kinh doanh thương mại đã có mặt ở hầu hết các địa bàn dân cư. Với tài nguyên du lịch phong phú, Hải Dương từng bước hình thành các tuyến, sản phẩm du lịch có chất lượng và đặc thù, gắn du lịch văn hóa với các di tích, danh thắng như: Côn Sơn - Kiếp Bạc, An Phụ - Kính Chủ, Văn miếu Mao Điền...; du lịch các vùng sinh thái: đảo Cò (Thanh Miện), sông Hương (Thanh Hà)...; du lịch làng nghề: múa rối nước, Gốm Chu Đậu,... Tập trung cải tạo, nâng cấp hạ tầng du lịch; đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Tăng cường sự liên kết, phối hợp phát triển du lịch với các tỉnh đặc biệt các tỉnh trong vùng du lịch Đồng bằng Sông Hồng.

- Thứ hai: Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, điện năng phát triển tương đối đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Thực hiện khâu đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng, cùng với các nguồn vốn của Trung ương, tỉnh đã tập trung đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình hạ tầng quan trọng có tác động tới phát triển liên vùng và phục đời sống dân sinh, như: Dự án cầu Hàn, nút giao lập thể tại Ngã Ba hàng, đường 62 m kéo dài, đường 388 đoạn An Thái - Mạo Khê, hệ thống giao thông nông thôn, mạng lưới cấp nước sạch đến 100% các xã, phường, thị trấn, Nhà máy chế biến rác thải sinh hoạt, ... Một số dự án quan trọng khác đang được tích cực đầu tư như: Đường trục Bắc Nam, đường vào Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc...  Hạ tầng văn hóa - xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư. Xây dựng và đưa vào sử dụng 1.811 phòng học kiên cố, tỷ lệ phòng học kiên cố ở các cấp học tăng nhanh (mầm non đạt 78,6%, tiểu học 94,8%, trung học cơ sở 94,7%, trung học phổ thông 97,9%). Cơ bản hoàn thành việc đầu tư xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi; cải tạo, nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Tâm thần và bệnh viện các huyện, thành phố, thị xã. Hoàn thành và đưa vào sử dụng Thư viện Tổng hợp tỉnh. Đầu tư tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp 54 lượt di tích xếp hạng; hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng một số công trình, dự án trong Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc như: khuôn viên đền thờ Nguyễn Trãi, đền thờ Trần Nguyên Đán giai đoạn 2, tu bổ tôn tạo Tòa Trung từ và hậu cung Đền Kiếp Bạc. Thiết chế văn hóa, thể thao và hạ tầng du lịch từng bước được xây dựng, nâng cấp bằng nhiều nguồn vốn. Phong trào xây dựng nông thôn mới đã được sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo được sự đồng thuận của nhân dân. Bằng nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ và các biện pháp triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, đến hết năm 2016, toàn tỉnh có 85 xã đạt tiêu chí nông thôn mới. Kết cấu hạ tầng ở khu vực nông thôn được chú trọng đầu tư, làm cho diện mạo nông thôn thay đổi rõ rệt. Xây dựng, cải tạo, nâng cấp 2.350 km đường giao thông nông thôn; đến nay 92,5% đường xã và liên xã, 91,7% đường thôn, 88,6% đường xóm đạt chuẩn nông thôn mới. Mạng lưới cấp nước sạch được đầu tư xây lắp tới 100% các xã. Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt gần 88%. Công tác dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung được quan tâm thực hiện. Các loại hình tổ chức sản xuất phát triển tương đối đa dạng, hiệu quả ngày càng được nâng lên.

- Thứ ba: Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, các lĩnh vực giáo dục, y tế và các lĩnh vực xã hội khác từng bước được củng cố, phát triển, cơ bản đảm bảo sự hài hoà giữa phát triển kinh tế là trung tâm, phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần xã hội.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, đã thúc đẩy vấn đề giải quyết việc làm đạt được nhiều tiến bộ, thu nhập của người lao động được cải thiện đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. Toàn tỉnh không còn hộ đói, trên 99% số hộ có nhà xây mái ngói, 100% số hộ có điện sinh hoạt. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 10,99% năm 2010 xuống còn 3,27% năm 2015, bình quân mỗi năm giảm 1,5%. Cơ sở vật chất trường, lớp học được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hóa. Đến nay, toàn tỉnh có 517 trường học đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 55,85%). Mạng lưới hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh được duy trì, tích cực mở rộng ngành nghề và hợp tác đào tạo, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực được nâng lên. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân có tiến bộ, y tế dự phòng được chú trọng, ngăn chặn và xử lý kịp thời các dịch bệnh nguy hiểm phát sinh trên địa bàn. Công tác truyền thông chăm sóc sức khỏe được đẩy mạnh, các chương trình mục tiêu quốc gia được thực hiện tốt, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt trên 99%; tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm từ 16,6% năm 2010 xuống còn 12,2% năm 2015. Tỷ lệ người dân có thẻ bảo hiểm y tế tăng từ 58,0% năm 2010 lên 75,1% vào năm 2015. Số bác sĩ/vạn dân từ 6,0 năm 2010 tăng lên 7,9 năm 2015, tỷ lệ trạm y tế có bác sĩ làm việc từ 64,2% năm 2010 tăng lên 80% vào năm 2015. Số giường bệnh trên 1 vạn dân năm 2015 đạt 30,4 giường bệnh (tính cả giường trạm y tế xã). Công tác dân số và kế hoạch hoá gia đình được quan tâm thực hiện. Giai đoạn 2010-2015 đã tuyển sinh dạy nghề cho 135.100 người, bình quân hàng năm tạo việc làm mới cho 32.942 lao động. Xuất khẩu lao động được đẩy mạnh. Công tác quản lý nhà nước về lao động được tăng cường, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội ngày càng mở rộng, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng bình quân 6,4%/năm. Thực hiện tốt các chính sách đối với người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội và chính sách bình đẳng giới. Chú trọng công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ quyền lợi của trẻ em. Đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện và từng bước được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 31 triệu đồng. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” có bước phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Toàn tỉnh có 85% số gia đình văn hoá, 86,6% số làng, khu dân cư văn hóa; 85% cơ quan, đơn vị đạt tiêu chuẩn văn hoá. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, quản lý lễ hội từng bước đi vào nền nếp. Hoạt động văn học nghệ thuật có bước phát triển, chất lượng được nâng lên. Công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa được chú trọng, khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã được công nhận xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt, 02 lễ hội được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Các thiết chế văn hoá, thể dục thể thao ở cơ sở được quan tâm đầu tư xây dựng; toàn tỉnh có 94,2% số xã và 97% số thôn có nhà văn hóa. Công tác tuyên truyền cổ động và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ kỷ niệm các ngày lễ lớn và các sự kiện chính trị được thực hiện tốt. Phong trào thể dục thể thao quần chúng được duy trì và có bước phát triển; thể thao thành tích cao giữ vững thứ hạng trong tốp đầu cả nước. Công tác xã hội hoá hoạt động văn hoá, thể thao đạt kết quả tích cực bước đầu.

   - Thứ tư: Công tác quốc phòng địa phương được tăng cường, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân và môi trường xã hội lành mạnh. Phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”, “Thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân”, phong trào quần chúng “Bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Đảm bảo an toàn giao thông”, “Tổ dân phố tự quản về an ninh trật tự”, “Tổ dân phố 3 giảm” được đẩy mạnh. Phong trào thi đua “Sáng mãi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ”, thi đua “Quyết thắng” trong lực lượng quân sự địa phương được phát động liên tục, rộng khắp. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền đã quán triệt và thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế đi đôi với củng cố quốc phòng - an ninh; thường xuyên chăm lo, xây dựng lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, bảo vệ an toàn các sự kiện chính trị, các chuyến thăm và làm việc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan trọng yếu của tỉnh, góp phần trực tiếp giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng - an ninh, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phát hiện, giải quyết kịp thời các vấn đề phức tạp nảy sinh, không để xảy ra điểm nóng. 

- Thứ năm: Hệ thống chính trị được củng cố, chất lượng hoạt động được nâng lên; phương thức lãnh đạo, năng lực lãnh đạo của các cấp uỷ đảng từ tỉnh đến cơ sở được đổi mới, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên, đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển của tỉnh.
Công tác xây dựng Đảng được tập trung chỉ đạo toàn diện trên cả 3 mặt: chính trị, tư tưởng, tổ chức; việc thực hiện cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đạt được nhiều kết quả; công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh được coi trọng. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ tỉnh được  nâng lên, đã lãnh đạo quân và dân toàn tỉnh thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh qua từng giai đoạn, tạo ra sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện và liên tục trên các lĩnh vực. Năm 1997, toàn tỉnh mới có trên 70.000 đảng viên (ở 775 chi, đảng bộ cơ sở) thì đến tháng 6/2016, toàn Đảng bộ đã có trên 100.000 đảng viên, sinh hoạt ở 795 chi, đảng bộ cơ sở thuộc 16 đảng bộ huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tỉnh ủy. Năm 2015, có 78,6% tổ chức cơ sở Đảng được công nhận tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh. Chất lượng hoạt động của hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân các cấp ngày càng được nâng cao. Nội dung kỳ họp hội đồng nhân dân các cấp có sự đổi mới và hiệu quả. Chức năng quyết định, giám sát của hội đồng nhân dân ngày càng được thực hiện tốt hơn, từng bước đáp ứng tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân, thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh. Sự quản lý, điều hành của uỷ ban nhân dân các cấp đã năng động hơn, tăng cường phân cấp, tập trung giải quyết những vấn đề lớn, quan trọng, những vấn đề bức xúc ở cơ sở. Cơ cấu, tổ chức, bộ máy của các cơ quan Nhà nước được sắp xếp lại đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động. Công tác cải cách hành chính tiếp tục được quan tâm thực hiện, đạt kết quả bước đầu. Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cấp uỷ, chính quyền các cấp đã chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng một cách đồng bộ, toàn diện, từng bước phát huy được hiệu quả như: công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức; xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn... Công tác giám sát của hội đồng nhân dân, uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp có nhiều hoạt động tích cực, đã phát hiện, kiến nghị nhiều biện pháp với các cơ quan có thẩm quyền nhằm khắc phục những thiếu sót trong công tác quản lý. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã động viên các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tiếp tục được đổi mới theo hướng sát cơ sở, thiết thực, hiệu quả, chú trọng phát triển đoàn viên, hội viên. Công tác vận động quần chúng có nhiều chuyển biến rõ nét, các đoàn viên, hội viên đã thể hiện vai trò là nòng cốt và tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

III. MỘT SỐ BÀI HỌC KINH NGHIỆM

Một là, chú trọng làm tốt công tác xây dựng Đảng; thường xuyên xây dựng chỉnh đốn, đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng. Xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ bản lĩnh chính trị, tâm huyết, trách nhiệm, có trình độ năng lực thực tiễn; đề cao trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp.

Hai là, đảm bảo sự đoàn kết, thống nhất trong mỗi cơ quan, đơn vị, toàn Đảng bộ và cả hệ thống chính trị; mở rộng, phát huy dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, chỉ đạo điều hành của bộ máy chính quyền các cấp.

Ba là, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải xác định rõ mục tiêu và có quyết tâm chính trị cao, kiên quyết, nhạy bén, linh hoạt, sáng tạo; đảm bảo giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, vững chắc.

Bốn là, khơi dậy tiềm năng, phát huy lợi thế và nội lực, thực hiện tốt xã hội hóa. Vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách, nghị quyết, cụ thể hoá thành các chương trình, kế hoạch sát với tình hình thực tiễn, với những biện pháp thiết thực, mạnh mẽ, đồng bộ.

Năm là, coi trọng mối tương quan giữa tăng trưởng kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hoá - xã hội, bảo vệ môi trường; củng cố quốc phòng - an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

IV. PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG, TIẾP TỤC XÂY DỰNG TỈNH HẢI DƯƠNG TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG TỈNH PHÁT TRIỂN HÀNG ĐẦU CỦA CỤM ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG.


Tự hào về những trang sử vẻ vang của quê hương anh hùng, Đảng bộ, quân và nhân dân Hải Dương càng xác định rõ trách nhiệm, phát huy truyền thống đoàn kết, anh dũng, thông minh và sáng tạo của ông cha, quyết tâm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Trong bối cảnh thời cơ và thách thức đan xen đối với sự phát triển của đất nước và của tỉnh, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVI đã xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, cụ thể như sau:

1. Phương hướng và những mục tiêu chủ yếu đến năm 2020


Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; chủ động, sáng tạo đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Khai thác, phát huy tốt lợi thế của tỉnh với vị trí nằm ở trung tâm của Vùng Đồng bằng Sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đồng thời là vệ tinh trong không gian phát triển Vùng Thủ đô, có hạ tầng giao thông phát triển. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; từng bước cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển nhanh các ngành có lợi thế, có giá trị gia tăng cao; chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và cải thiện môi trường đầu tư. Phát triển kinh tế nhanh đi đôi với  phát triển văn hóa; cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân và gìn giữ, bảo vệ môi trường. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng, củng cố quốc phòng, quân sự địa phương; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Phấn đấu xây dựng Hải Dương sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Với các chỉ tiêu chủ yếu: (1) Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân 8 ÷ 8,5%/năm; (2) Cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn đến năm 2020: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản 11%; Công nghiệp, xây dựng 56%; Dịch vụ 33%; (3) Năm 2020, GRDP bình quân đầu người đạt 3.200 USD trở lên, thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng; (4) Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển trên địa bàn so với tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đạt 32%/năm; (5) Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 150 triệu đồng/ha vào năm 2020; (6) Giá trị hàng hóa xuất khẩu tăng bình quân 15%/năm; (7) Thu ngân sách nội địa tăng bình quân 10%/năm trở lên; (8) Cơ cấu lao động đến năm 2020: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản 27%; công nghiệp, xây dựng 42%; dịch vụ 31%; (9) Lao động qua đào tạo đến năm 2020 đạt 75%, trong đó có chứng chỉ đạt 30%; (10) Chỉ số phát triển con người (HDI) đến năm 2020 đạt 0,725; (11) Tỷ lệ xã được công nhận xã nông thôn mới đến năm 2020 đạt trên 60%; (12) Tỷ lệ đô thị hoá đến năm 2020 đạt  33-35%; (13) Tỷ lệ trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia đến năm 2020 là 67,0% (trong đó: mầm non 52,0%; Tiểu học 99,0%; Trung học cơ sở 53,0%; Trung học phổ thông 56,0%); (14) Năm 2020, đạt 30 giường bệnh/10.000 người dân (tính cả trạm y tế cấp xã đạt 37 giường bệnh/10.000 người dân); 09 bác sĩ /10.000 người dân; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 8,5%; (15) Tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình trên 1,0 %/năm; (16) Năm 2020, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 87% dân số; (17) Năm 2020, tỷ lệ làng, khu dân cư văn hóa đạt 80%; tỷ lệ cơ quan văn hóa đạt 90%; (18) Năm 2020, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch đạt 100%; trên 90% chất thải nguy hại, trên 95% chất thải y tế, 75% rác thải nông thôn và 95% chất thải rắn đô thị được xử lý; (19) Hằng năm, có trên 75% tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh; mỗi năm kết nạp từ 2.500 đảng viên trở lên; (20) Hằng năm, có trên 80% tổ chức cơ sở của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đạt vững mạnh.

2. Nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu cần tập trung thực hiện


Xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội; huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tạo bước đột phá để phát triển kinh tế, nhất là hạ tầng then chốt và hạ tầng du lịch; đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ trong tổng sản phẩm địa phương; tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực và nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; đổi mới, tạo bước chuyển mạnh về chất lượng, hiệu quả giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ; coi trọng công tác quy hoạch; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; thực hiện tốt Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; tăng cường quản lý sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; xây dựng đời sống văn hoá lành mạnh, phong phú; nâng cao chất lượng thông tin; phát triển văn học nghệ thuật tiên tiến, đậm nét văn hóa xứ Đông; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân; thực hiện hiệu quả các chính sách lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; giải quyết tốt các vấn đề việc làm, giảm nghèo theo hướng bền vững; củng cố vững chắc thế trận quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội; phát hiện và xử lý kịp thời những vấn đề liên quan đến an ninh nông thôn, về dân tộc, tôn giáo; đẩy mạnh cải cách tư pháp, tích cực thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao năng lực lãnh đạo, tính tiên phong, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng; giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, trước hết trong cấp ủy và đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.
 
Kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh Hải Dương (01/01/1997 - 01/01/2017) là dịp chúng ta nhìn lại, phấn khởi và tự hào với những kết quả đạt được trong chặng đường đã qua. Phát huy những thành tựu và kinh nghiệm tích lũy được, với quyết tâm và ý chí, nghị lực, tinh thần dũng cảm, sáng tạo, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Hải Dương sẽ tiếp tục viết nên những trang sử mới xây dựng quê hương Hải Dương ngày càng giàu đẹp, văn minh./.
                                                                                                                                           
                                                                                                                                                               BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY

Các tin mới hơn
THỂ LỆ CUỘC THI TRỰC TUYẾN TÌM HIỂU NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 8 KHÓA XII(01/03/2024)
Thể lệ cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến tìm hiểu chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực(10/11/2023)
LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ(26/08/2023)
Quy định về tổ chức tuyển sinh và chỉ tiêu tuyển sinh vào đào tạo đại học, cao đẳng hệ quân sự tại các trường quân đội năm 2023(05/04/2023)
Hướng dẫn đăng ký sơ tuyển vào đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp quân sự và đăng ký dự kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2023(05/04/2023)
Các tin cũ hơn
Thông tư quy định cấp bậc quân hàm quân nhân chuyên nghiệp tương ứng với mức lương, phong, thăng, giáng cấp bậc quân hàm trong trường hợp bị kỷ luật hạ bậc lương; trình tự, thủ tục, thẩm quyền quyết định đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên (16/11/2016)
Hướng dẫn 124/HD-CT năm 2015 về tiếp tục giải quyết khen thưởng thành tích trong các cuộc kháng chiến, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, Lào và tuyến 1 biên giới phía bắc, hải đảo xa(03/11/2016)
NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ TƯ BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA XII(02/11/2016)
Hướng dẫn số 644 của Bộ CHQS tỉnh Hải Dương(20/04/2016)
Quyết định thành lập Ban chỉ đạo 24(20/04/2016)
na
Video
Phóng sự Ảnh
Trang tin đơn vị
Hệ thống văn bản
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website