Lịch sử truyền thống
Người nhóm lửa cách mạng ở TP Hải Dương
27/09/2023 11:03:05

Đồng chí Nguyễn Thượng Mẫn (1918-1942), Bí thư Chi bộ đầu tiên ở TP Hải Dương (tiền thân của Đảng bộ TP Hải Dương) mãi là tấm gương sáng về tinh thần bất khuất, kiên trung, hiến dâng cả cuộc đời cho cách mạng.


Đây là tấm ảnh duy nhất của đồng chí Nguyễn Thượng Mẫn mà gia đình có được

Tấm ảnh duy nhất

Cuộc đời 24 mùa xuân của đồng chí Nguyễn Thượng Mẫn như một đốm lửa lóe lên giữa đêm tối mịt mùng khi quê hương còn đang bị đô hộ, các phong trào cách mạng bị thực dân Pháp thẳng tay đàn áp. Cuộc đời và quãng thời gian hoạt động ngắn ngủi cùng với lịch sử đã lùi rất xa khiến tư liệu về đồng chí không có nhiều. Đây cũng là khó khăn với chúng tôi khi tìm hiểu thông tin về sự kiện thành lập Chi bộ đầu tiên ở TP Hải Dương và về cuộc đời đồng chí Nguyễn Thượng Mẫn. Dù chúng tôi đã liên hệ, nhờ lãnh đạo Bảo tàng tỉnh Hải Dương, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Dương và phường Nguyễn Trãi (TP Hải Dương) hỗ trợ tìm kiếm nhưng những thông tin về đồng chí Nguyễn Thượng Mẫn khá ít ỏi.

May mắn thay, nhờ sự giới thiệu của một đồng nghiệp, chúng tôi đã tìm gặp được ông Phạm Quý Mùi, nguyên Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị TP Hải Dương. Năm nay đã 81 tuổi, ông Mùi được nhiều người biết đến là “người viết sử Thành Đông”. Cách đây hơn 30 năm, ông Mùi từng được lãnh đạo Thành ủy Hải Dương tín nhiệm, giao nhiệm vụ đi tìm hiểu, xác minh về ngày thành lập Chi bộ đầu tiên ở TP Hải Dương mà đồng chí Nguyễn Thượng Mẫn được chỉ định làm Bí thư Chi bộ. Chính vì cơ duyên này mà ông Mùi có nhiều thông tin quý giá về đồng chí Nguyễn Thượng Mẫn được thu nhận từ những chứng nhân lịch sử.

Năm 1992, để xác định ngày thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của TP Hải Dương, ông Mùi một mình khăn gói vào TP Hồ Chí Minh. Ở đấy hơn nửa tháng trời, ông đã tìm gặp được 2 đảng viên đầu tiên của Chi bộ là các đồng chí Nguyễn Văn Sớ, Bùi Văn Giáp (Chi bộ khi thành lập có 3 đảng viên, trong đó có đồng chí Nguyễn Thượng Mẫn). Đặc biệt, trong chuyến đi này, ông Mùi đã được gặp trực tiếp bà Nguyễn Thị Hằng, chị ruột đồng chí Nguyễn Thượng Mẫn. Khi biết lý do ông Mùi tìm gặp, bà Hằng đã đưa cho ông xem tấm ảnh chân dung của đồng chí Nguyễn Thượng Mẫn. “Khi gặp tôi, bà Hằng xúc động khóc và kể lại tấm ảnh là do bọn mật thám của Pháp dán trước cửa nhà bà với dòng chữ: Nguyễn Thượng Mẫn là tên cộng sản nguy hiểm đã bị kết án tử hình. Lo cho sự an toàn của em trai và gia đình, bà Hằng đã lén giật tấm ảnh giấu đi, âm thầm giữ đến tận bấy giờ”, ông Mùi nhớ lại.

Tấm ảnh chân dung đen trắng ấy cũng là tấm ảnh duy nhất của đồng chí Nguyễn Thượng Mẫn mà gia đình có được. Được bà Hằng cho phép sao chụp lại tấm ảnh quý, ông Mùi gói ghém cẩn thận mang trở ra Bắc. Kể từ ấy, những cuốn sách lịch sử của TP Hải Dương đều dành những vị trí trang trọng để đăng ảnh đồng chí Nguyễn Thượng Mẫn. Đưa cho chúng tôi xem cuốn sách Sơ thảo lịch sử thị xã Hải Dương xuất bản năm 1994 có tấm chân dung của đồng chí Nguyễn Thượng Mẫn, ông Mùi chia sẻ: “Tôi được nghe bà Hằng kể lại đồng chí Mẫn người mảnh dẻ, nhỏ nhắn, gầy gò, da ngăm đen. Từ thuở thiếu niên đồng chí đã điềm tĩnh, không thích chơi với con nhà giàu chỉ biết ăn diện”.

Mãi lưu danh

 

Đoàn viên thanh niên phường Quang Trung (TP Hải Dương) đến nhà cụ Bùi Thị Tài ở số 17 phố Phạm Hồng Thái tìm hiểu về sự kiện thành lập Chi bộ đầu tiên của TP Hải Dương. Ảnh: Dũng Cường

Theo các tư liệu lịch sử ghi lại, nhà của đồng chí Nguyễn Thượng Mẫn ở phố Đề Lao, còn gọi là phố Nhà Pha (nay là phố Nguyễn Trãi, TP Hải Dương). Đồng chí là con cụ giáo Nguyễn Thượng Công, có anh trai là Nguyễn Thượng Cần cũng làm nghề dạy học. Đồng chí học hết lớp nhất ở Trường Nam tiểu học Hải Dương, là học sinh giỏi của trường và nói thạo tiếng Pháp.

Không còn tìm được dấu tích nhà của đồng chí Nguyễn Thượng Mẫn ở phố Nguyễn Trãi, chúng tôi dò hỏi thì được biết hầu hết các thành viên trong đại gia đình đồng chí đã chuyển vào miền Nam sinh sống từ rất lâu. Ở TP Hải Dương hiện chỉ có anh Nguyễn Anh Tiệp là cháu ngoại cụ Nguyễn Thượng Cần, gọi đồng chí Nguyễn Thượng Mẫn là ông. Tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà nằm sâu trong ngõ phố Bắc Sơn, phường Quang Trung, anh Tiệp tâm sự: “Ông Mẫn mất khi tuổi đời còn quá trẻ lại chưa có gia đình riêng nên chuyện về ông chúng tôi cũng chỉ được nghe thế hệ trước kể lại. Tôi nhớ các cụ kể do nhà ở gần Nhà tù Hải Dương, thường xuyên chứng kiến cảnh lính tráng, cai tù hậm họe dân lành, đối xử tàn tệ với phạm nhân nên có lẽ vì thế mà ông tôi sớm giác ngộ cách mạng”.

Theo Lịch sử Đảng bộ TP Hải Dương, trong những năm 1936-1937, đồng chí Nguyễn Thượng Mẫn cùng một số bạn bè cùng chí hướng, trong đó có đồng chí Bùi Văn Giáp, Nguyễn Văn Sớ thành lập “Hội học sinh yêu nước”. Nhóm lấy nhà đồng chí Giáp ở số 17 phố Đông Môn (nay là nhà số 17 phố Phạm Hồng Thái, TP Hải Dương) là nơi hội họp. Đồng chí Lê Thanh Nghị đã giác ngộ và chuyển nhóm thanh niên yêu nước thành Đoàn Thanh niên dân chủ.

Sau một thời gian hoạt động hiệu quả, mùa thu năm 1938, đồng chí Lê Thanh Nghị đã giới thiệu Đoàn Thanh niên dân chủ với Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ Hoàng Văn Thụ và các thành viên trong nhóm đã tuyên thệ, nguyện đứng trong hàng ngũ của Đảng, quyết đấu tranh vì độc lập tự do của dân tộc. Tháng 8/1938, tại căn nhà số 17 phố Đông Môn, trước sự chứng kiến của đồng chí Hoàng Văn Thụ, Chi bộ đầu tiên của TP Hải Dương được thành lập, đồng chí Nguyễn Thượng Mẫn được chỉ định làm Bí thư Chi bộ.

Năm nay 90 tuổi, cụ Bùi Thị Tài là cháu ruột của đồng chí Bùi Văn Giáp vẫn thường kể lại chuyện các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thượng Mẫn và các đảng viên thường họp bàn bí mật trên gác xép của gia đình. Khi ấy, gia đình mở một lối sau đi ra xóm Hàn Giang để hễ có động thì các đồng chí chạy theo lối ấy cho an toàn. Chính cụ Tài đã nhiều lần được các ông dặn vờ cõng em ra chơi đùa ở khu vực vườn hoa Độc Lập để làm nhiệm vụ cảnh giới…

 

Ông Phạm Quý Mùi kể lại việc vào TP Hồ Chí Minh tìm hiểu thông tin về sự kiện thành lập Chi bộ đầu tiên của TP Hải Dương

Cuối năm 1939, khi thực dân Pháp đẩy mạnh đàn áp phong trào cách mạng, trong một lần khám xét căn nhà số 17 phố Đông Môn, đồng chí Nguyễn Thượng Mẫn bị bắt giữ. Sau hơn một tháng tra tấn dã man nhưng không khuất phục được, chúng buộc phải thả đồng chí vì không có chứng cứ buộc tội và với ý đồ tiếp tục theo dõi để phát hiện tổ chức của ta. Do đã bị địch đưa vào diện theo dõi, Xứ ủy đã chuyển đồng chí Nguyễn Thượng Mẫn về hoạt động ở các tỉnh Nam Định, Thái Bình. Tại đây, đồng chí Nguyễn Thượng Mẫn tiếp tục bị giặc truy lùng gắt gao. Khi đang hoạt động ở tỉnh Thái Bình thì đồng chí bị địch bắt giữ và đây cũng là lần chúng tìm đến, dán tấm ảnh chân dung đồng chí trước cửa nhà để khủng bố tinh thần gia đình.

Từng gặp trực tiếp một nhân chứng quan trọng bị giam cùng đồng chí Nguyễn Thượng Mẫn tại “xà lim án chém” ở Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), ông Phạm Quý Mùi được kể lại rằng ở trong tù đồng chí Nguyễn Thượng Mẫn vẫn một lòng kiên trung, bất khuất, không chịu khuất phục trước cực hình tra tấn của địch và ngày đêm khôn nguôi nhen nhóm hy vọng có ngày được tự do, tiếp tục phục vụ cách mạng. Thế nhưng, do bị đày đọa, đánh đập liên tục nên sức khỏe của đồng chí Nguyễn Thượng Mẫn ngày càng giảm sút và lâm bệnh nặng. Giữa năm 1942, vì kiệt sức, đồng chí đã hy sinh trong niềm thương tiếc của đồng chí, đồng đội tại Nhà tù Hỏa Lò.

 

Phố Nguyễn Thượng Mẫn nối đường Điện Biên Phủ và đường Chi Lăng ở TP Hải Dương luôn tấp nập người, xe đi lại

Sau này, gia đình đã tìm và di chuyển phần mộ của đồng chí Nguyễn Thượng Mẫn về TP Hải Dương. Cách đây hơn 20 năm, để thuận lợi cho việc chăm nom, gia đình anh Nguyễn Lê Hiếu (cháu nội cụ Nguyễn Thượng Cần) đã chuyển phần mộ đồng chí Nguyễn Thượng Mẫn vào khu mộ của gia tộc tại Nghĩa trang Gò Cà ở huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng). “Hằng năm, vào dịp ngày giỗ ông Mẫn, đại gia đình chúng tôi đều tụ họp, cùng nhau đến thắp nhang tưởng nhớ ông. Các thế hệ sau trong gia đình thường nhắc nhớ nhau về tấm gương của ông Mẫn để cố gắng vươn lên, sống tốt hơn và đóng góp nhiều thêm cho xã hội”, anh Hiếu chia sẻ.

 

Phần mộ của đồng chí Nguyễn Thượng Mẫn tại Nghĩa trang Gò Cà ở huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng (ảnh gia đình cung cấp)

Chính từ đốm lửa cách mạng do đồng chí Nguyễn Thượng Mẫn cùng các đồng chí của mình nhen nhóm thuở đầu đã góp sức thổi bùng ngọn lửa, tạo nên những thành quả to lớn của cách mạng trên quê hương Hải Dương sau này.

Tấm gương của liệt sĩ Nguyễn Thượng Mẫn còn sáng mãi về tinh thần yêu nước nồng nàn, trọn một đời cống hiến cho cách mạng, hy sinh vì độc lập dân tộc.

HOÀNG BIÊN

Các tin mới hơn
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến dịch Điện Biên Phủ(22/03/2024)
Các tin cũ hơn
Cầu phao đường sắt Phú Lương - kỳ tích thời chống Mỹ(20/09/2023)
Tuyên ngôn Độc lập - một áng văn lập quốc vĩ đại(02/09/2023)
Tiếng thơm Nguyễn Đức Sáu(04/07/2023)
Đất nước trọn niềm vui(01/05/2023)
Tướng Hai Mạnh - nhà chính trị, quân sự xuất sắc của cách mạng Việt Nam(15/03/2023)
na
Video
Phóng sự Ảnh
Trang tin đơn vị
Hệ thống văn bản
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website