Lịch sử truyền thống
Trận hóa trang đánh địch giữa ban ngày tại chợ Thọ Trương, Thanh Miện (Ngày 01 tháng 3 năm 1953)
28/12/2021 12:00:00

Trận hoá trang tập kích địch giữa lúc chợ đang đông tại chợ Thọ Trương của nữ du kích huyện Thanh Miện ngày 01 tháng 3 năm 1953 là trận đánh đầu tiên của “Đội nữ du kích Thành Đông”. Trận đánh đã gây được tiếng vang lớn, được Đài tiếng nói Việt Nam, đài các nước anh em và cả đài của địch cũng đưa tin rất nhiều về trận đánh này. Đây là trận đánh táo bạo, chỉ diễn ra trong vòng 15 phút, lực lượng ta rút quân an toàn và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho nhân dân trong chợ.

I. TÌNH HÌNH CHUNG

1. Địa hình:

Chợ Thọ Trương cách bốt Quận khoảng 70m, nằm trên đất thôn Thọ Trương, xã Lam Sơn (Thanh Miện), xung quanh xã là đồn bốt địch dày đặc. Phía Tây Bắc cách Thọ Trương chưa đầy 01km có tháp canh Nhà thờ Gừng, là thôn công giáo toàn tòng, với nhiều lực lượng lợi dụng tôn giáo để chống lại Chính phủ kháng chiến của ta.

Hướng chính Nam, cách bốt Thông hơn 01km là bốt liên hiệp Pháp Bất Nạo (Neo); phía Tây Nam có các tháp canh Nhà thờ An Lạc, Phương Quan, Phí Xá... (chỉ cách Thọ Trương khoảng 02km). Xã Lam Sơn có 04 thôn, Thọ Trương là thôn lớn nhất, nằm sát bốt Quận, thôn Kim Trang Tây gần bốt Quận, thôn Kim Trang Đông có nhà thờ Công giáo, thôn Thọ Xuyên ở phía Tây Nam và thôn (ấp) Lam Sơn ở phía Tây. Tuy các thôn đều có ban tề, nhưng ta khôn khéo đưa người vào để theo dõi tình hình, lựa chiều đấu tranh hợp pháp với địch, bảo vệ quyền lợi cho dân ở các thôn.

2. Tình hình địch:

Thọ Trương là nơi dừng chân nghỉ ngơi của quân địch, trong đó có cả quân chủ lực viễn chinh Pháp mỗi khi chúng kéo về mở trận đánh lớn. Những ngày thường chỉ là nơi tụ tập của bọn lính ngụy đi tuần tiễu từ Neo lên và từ Thông xuống. Chúng thường xuyên tổ chức vây quét, lùng sục bắt cán bộ du kích của ta. Hàng ngày, thường có từ 20 đến 30 tên lính Bảo hoàng vào chợ để lục soát và quấy nhiễu nhân dân. Chúng trêu ghẹo phụ nữ, ăn uống không trả tiền, cướp bóc tài sản của nhân dân, ai đòi nợ to tiếng chúng vu là cộng sản, là du kích. Nhiều người dân trong xã khiếp sợ, kẻ địch càng hung hăng tàn bạo, nhân dân trong xã vô cùng căm phẫn mà không dám hành động.

3. Tình hình ta:

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Thanh Miện lần thứ V, hưởng ứng phong trào “Nữ du kích tỉnh Đông”, ngay từ năm 1951, Huyện uỷ đã có chủ trương cho các xã đưa nhiều phụ nữ vào tham gia du kích để hoạt động công khai dễ dàng hơn. Có nơi đưa cả cán bộ nữ vào làm xã đội trưởng, như đồng chí Vũ Thị Thập (xã Phạm Kha). Cuối tháng 12 năm 1952, Huyện uỷ, Uỷ ban kháng chiến hành chính huyện Thanh Miện chỉ đạo Huyện đội triệu tập 24 nữ du kích của các xã Lam Sơn, Phạm Kha, Đoàn Tùng, Lê Hồng, Hồng Quang và cán sự nữ của Huyện đội để thành lập đội nữ du kích tập trung đầu tiên của huyện, gọi là “Đội nữ du kích Thành Đông”.

II. TỔ CHỨC CHUẨN BỊ CHIẾN ĐẤU

1. Ý định của cấp trên:

Trước tình hình hoạt động của địch tại địa phương, Huyện đội báo cáo với Huyện ủy, Ủy ban kháng chiến hành chính huyện cho đánh địch ban ngày tại chợ Thọ Trương. Huyện ủy, Ủy ban kháng chiến hành chính huyện tổ chức cuộc họp bí mật nhất trí với phương án táo bạo này. Huyện ủy khẳng định: Đây là trận đánh khó khăn, song nếu thắng lợi sẽ cổ vũ, phát huy cao độ phong trào chiến đấu chống giặc của huyện và tại chính địa phương mình. Để nắm chắc tình hình hoạt động của địch tại chợ Thọ Trương, huyện phân công chị em bán rau của xã Phạm Kha, bán hàng xén của xã Lam Sơn trinh sát nắm địch báo cáo cho huyện. Huyện đội đã lên được sa bàn trận đánh ở thôn Đông La để bàn phương án chiến đấu, hướng dẫn và giải đáp những thắc mắc của chị em. Sau 02 giờ bàn bạc, Huyện đội và Trung đội nữ xác định phương châm tác chiến của trận đánh là: “Bí mật, bất ngờ, đánh nhanh, rút nhanh”. Sau cuộc họp, từng tổ tiến hành họp riêng để bàn kỹ kế hoạch chiến đấu, xây dựng quyết tâm đánh địch... Sau khi nắm chắc tình hình hoạt động của địch ở chợ Thọ Trương, Huyện ủy và Huyện đội quyết định tổ chức trận đánh bọn lính Bảo hoàng trong chợ. Huyện đội Thanh Miện do đồng chí Nguyễn Trọng Điểu, huyện đội phó chủ trì mời Chi uỷ xã Lam Sơn, Chủ tịch và phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến xã, Ban chỉ huy xã đội lên họp bàn kế hoạch tổ chức trận đánh.

2. Cách đánh:

Sử dụng đội nữ du kích giả làm người đi chợ trà trộn vào chợ Thọ Trương giữa lúc chợ đông. Dùng đấu đong, đòn gánh, dao găm tập kích địch; kết hợp chặt chẽ giữa đánh địch với đấu tranh chính trị để tránh sự khủng bố của địch, bảo đảm an toàn cho nhân dân.

3. Nhiệm vụ của đơn vị tham gia chiến đấu:

Lực lượng tham gia chiến đấu gồm 24 nữ du kích của các xã Lam Sơn, Phạm Kha, Đoàn Tùng, Lê Hồng và Hồng Quang; do đồng chí Bùi Thị Hoa, cán sự huyện đội trực tiếp chỉ huy trận đánh. Đồng chí Lựa, cán bộ trung đội và một chiến sĩ của đại đội Lý Thường Kiệt mang theo 02 khẩu tiểu liên đi cùng đồng chí Bùi Thị Hoa sẵn sàng chi viện hoả lực. Đồng thời, điều 02 tiểu đội và 01 khẩu đội cối 81mm, do đồng chí Lập, người An Lạc làm khẩu đội trưởng, bố trí ở ấp Lam Sơn sẵn sàng đánh địch ở quận lỵ và bốt Gừng ra chặn đường rút lui của chị em, đồng chí Nguyễn Trọng Điểu, huyện đội phó đi cùng bộ phận này. Nhiệm vụ của đội nữ du kích là nhanh chóng cơ động lực lượng, tập kết tại ấp Lam Sơn, hoá trang thành người đi chợ chia thành các mũi đánh tập kích địch trong chợ khi chợ đang họp đông. Trung tâm đánh trận là khu vực dãy hàng xén, hàng tạp hoá, hàng ăn vì có nhiều cô gái bán hàng xinh đẹp nên bọn chúng thường vào đây nhậu nhẹt và trêu gái.

4. Tổ chức hiệp đồng và công tác bảo đảm:

Sử dụng ám hiệu “Ngả nón trên đầu xuống” làm hiệu lệnh tiến công. Bảo đảm quan sát nắm địch thường xuyên và bảo đảm các vật dụng để ngụy trang, nghi binh địch, cùng tiến công khi có lệnh.

5. Tổ chức chỉ huy:

Đội nữ du kích của xã Lam Sơn, Phạm Kha, Đoàn Tùng, Lê Hồng và Hồng Quang do đồng chí Bùi Thị Hoa, cán sự huyện đội chỉ huy, chia làm 04 tổ:

- Tổ 01: Do đồng chí Vũ Thị Lý, xã đội phó, chi uỷ viên chi bộ Lam Sơn làm tổ trưởng.

- Tổ 02: Do đồng chí Trần Thị Núi, hội trưởng Phụ nữ, chi uỷ viên chi bộ xã Lam Sơn làm tổ trưởng.

- Tổ 03: Do đồng chí Nguyễn Thị Liên, chính trị viên xã hội Phạm Kha làm tổ trưởng.

- Tổ 04: Do đồng chí Bùi Thị Hoa, cán sự huyện đội trực tiếp phụ trách. Tổ này có đồng chí Lựa, trung đội trưởng đóng giả người đi hoạn lợn đem theo 01 khẩu súng và một đồng chí đóng giả con gái đi theo tổ để hỗ trợ.

6. Các mốc thời gian chính:

- 07 giờ sáng ngày 01 tháng 3 năm 1953, các lực lượng cơ động tập kết tại ấp Lam Sơn, kiểm tra và làm tốt mọi công tác chuẩn bị.

- 07 giờ 45 phút ngày 01 tháng 3 năm 1953, toàn lực lượng triển khai thành 03 mũi tiến quân theo các phương án đã xác định.

III. DIỄN BIẾN, KẾT QUẢ VÀ Ý NGHĨA

1. Diễn biến:

Theo kế hoạch, đúng 07 giờ sáng ngày 01 tháng 3 năm 1953, các lực lượng đã tập kết đầy đủ tại ấp Lam Sơn. Sau khi trinh sát thấy ở bốt Quận không có gì đặc biệt ảnh hưởng tới trận đánh và sau khi kiểm tra công tác chuẩn bị đã đầy đủ; lúc 07 giờ 45 phút ngày 01 tháng 3 năm 1953, các tổ chiến đấu xuất phát theo đường đi của mình để vào chợ.

Khoảng 09 giờ sáng, 03 tổ đã vào vị trí chiến đấu của mình trong chợ, chỉ còn tổ cuối cùng của đồng chí Hoa đang đi vào chợ, có chị đã vào được vị trí phân công, bất ngờ một tên lính xông ra quát hỏi, đòi xem giấy tờ của đồng chí đóng giả nam giới và hai bên giằng co nhau. Biết là bị lộ và thấy 03 tổ đã vào trong chợ, đồng chí Lựa quyết định nổ súng diệt tên lính ngụy. Ngay lập tức, tiếng hô xung phong của các chị em vang lên khắp chợ. Trận chiến đấu bắt đầu. Đòn gánh của các chị vung lên phang tới tấp vào những tên lính trong chợ, vừa đánh vừa hô rất to. Phiên chợ hôm đó bọn lính vào khá đông, bị đánh bất ngờ nên chúng hoảng sợ tưởng Việt Minh đến đông liền chạy thục mạng để thoát thân; có tên nhảy xuống ao, chui vào hàng rào, bụi tre nhưng đều bị đòn gánh của chị em phang tới tấp.

Cuộc chiến đấu diễn ra khá quyết liệt, đồng chí Núi dùng đòn gánh đánh vào gáy một tên lính làm nó loạng choạng, một tên khác xông vào dùng báng súng đánh lại đồng chí Núi. Ngay lập tức, một phát súng của đồng chí Lựa đã kết liễu một tên và đồng chí Núi đã diệt tên còn lại và thu súng. Đồng chí Lý đánh gục một tên, nhưng hắn vẫn cố gượng nhảy xuống ao định thoát thân, chị em liền nhảy theo tiêu diệt. Tổ đồng chí Liên cũng đánh mạnh đuổi địch vượt qua hàng rào, một chị đuổi tên sỹ quan đến sát đường 20, dùng dao găm đâm vào lưng địch, quật ngã xuống mà không kịp rút dao ra.

Lúc đầu bọn lính tưởng là bộ đội đóng giả nữ, chúng vừa chạy vừa luôn mồm “Lạy các anh, các anh tha cho”. Nhưng khi chị Hoa vung đòn gánh đánh một tên rồi bị trượt ngã, tóc xổ tung ra, tên địch thấy vậy quay ngoắt lại định đánh chị Hoa, liền bị các chị em khác tiêu diệt luôn. Quang cảnh toàn chợ rất hỗn loạn, gạo, khoai, cá, thịt, rau, đỗ... vương vãi tứ tung. Người đi chợ vừa chạy vừa la: “Có Việt Minh! Việt Minh về đông lắm” làm cho bọn lính càng thêm hoảng sợ, tìm đường chạy thục mạng. Bọn lính trong đồn tưởng ta đánh lớn để cướp đồn nên cũng hoang mang đóng công bốt lại. Cùng lúc ấy, chánh phó hương chủ thôn Thọ Trương và một số người mà xã Lam Sơn đã chuẩn bị từ trước chạy vào bốt Quận vừa chạy vừa kêu “Việt Minh về đông lắm! Cứu chúng con với”, bọn địch trong bốt Quận càng hoang mang. Mãi sau chúng mới hoàn hồn và dùng moóc-che, đại liên bắn vụ vợ về cánh đồng phía sau làng Thọ Trương.

2. Kết quả:

- Về địch: Bị tiêu diệt 06 tên và nhiều tên bị thương.

- Về ta: Thu được 07 súng trường và tiểu liên, chị em du kích rút lui an toàn và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho nhân dân.

3. Ý nghĩa:

- Trận đánh tuy diễn ra ở qui mô nhỏ nhưng đã gây ra được tiếng vang lớn trong nhân dân và lực lượng vũ trang của cả vùng đồng bằng Bắc bộ. Củng cố thêm lòng tin của nhân dân vào khả năng chiến đấu của lực lượng du kích và đặc biệt là củng cố niềm tin chiến thắng đối với các chị em phụ nữ của Đội nữ du kích Thành Đông, góp phần đẩy mạnh chiến tranh du kích, gây cho địch hoang mang, buộc phải co cụm.

- Sau trận đánh tại chợ Thọ Trương, bọn địch ở bất Quận và các bốt lân cận không dám vào làng cướp bóc, lùng sục cán bộ như trước, cán bộ của ta ở các xã ven đường 20 đi lại về các xã vùng sâu để tổ chức phong trào chiến đấu chống giặc rất thuận lợi.

IV. ƯU, KHUYẾT ĐIỂM VÀ KINH NGHIỆM

1. Ưu điểm:

- Công tác chuẩn bị chiến đấu chu đáo, tỉ mỉ, có kế hoạch chiến đấu chính xác, có cách đánh phù hợp.

- Nắm chắc địa hình và quy luật hoạt động của địch, táo bạo lựa chọn lực lượng tham gia tác chiến, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân; Chọn thời điểm đánh vào buổi sáng khi chợ đang họp đông là rất thích hợp.

- Có quyết tâm chiến đấu cao, mưu trí, dũng cảm và xử trí tình huống sáng tạo, linh hoạt. Tiến công địch bằng nhiều hướng, mũi, kết hợp chặt chẽ giữa đánh địch với đấu tranh chính trị bảo đảm an toàn cho nhân dân.

2. Khuyết điểm:

Dù đã bắt sống được 01 lính gác, song việc cắt cử người canh giữ còn sơ suất, nên để tên lính đã chạy thoát, ảnh hưởng tới kết quả trận đánh.

3. Kinh nghiệm:

- Trong điều kiện lực lượng của ta chưa đủ mạnh, bị kìm kẹp trong lòng địch, hoạt động tác chiến khó khăn thì trận hoá trang tập kích địch giữa ban ngày tại chợ Thọ Trương là kinh nghiệm quý trong vận dụng đa dạng các hình thức tiến công tiêu diệt địch.

- Dù tổ chức trận đánh lớn hay nhỏ đều phải kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị với quân sự, phát huy sức mạnh của cả ba thứ quân mới đạt được hiệu quả cao nhất. Tổ chức trinh sát, nắm chắc quy luật hoạt động của địch, tìm ra chỗ sơ hở của địch để xây dựng phương án và quyết tâm chiến đấu phù hợp.


Nguồn: Hải Dương - Một số trận đánh điển hình trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược
(Tập 2 - Phục kích, tập kích và bắn máy bay Mỹ)
Các tin mới hơn
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến dịch Điện Biên Phủ(22/03/2024)
Người nhóm lửa cách mạng ở TP Hải Dương(27/09/2023)
Cầu phao đường sắt Phú Lương - kỳ tích thời chống Mỹ(20/09/2023)
Tuyên ngôn Độc lập - một áng văn lập quốc vĩ đại(02/09/2023)
Tiếng thơm Nguyễn Đức Sáu(04/07/2023)
Các tin cũ hơn
TRẬN ĐÁNH ĐỊCH Ở THÔN LÝ VĂN, XÃ PHÚ ĐIỀN, NAM SÁCH (Ngày 21 tháng 8 năm 1952)(24/12/2021)
TRẬN CHỐNG CÀN TẠI THÔN GIANG HẠ, XÃ TÂN DÂN, CHÍ LINH (Ngày 25 tháng 11 năm 1952)(24/12/2021)
Trận cường tập cứ điểm Ô Mễ - Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ (Đêm ngày 25 rạng ngày 26 tháng 11 năm 1951)(09/12/2021)
Trận đánh địch tại Trường Con Gái, thị xã Hải Dương (Đêm 19, 20, 21 tháng 12 năm 1946)(03/12/2021)
Trận đánh ca nô địch trên sông Gùa tại thôn Bá Nha, xã Hợp Đức, huyện Thanh Hà (Ngày 25 tháng 3 năm 1948) (30/11/2021)
na
Video
Phóng sự Ảnh
Trang tin đơn vị
Hệ thống văn bản
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website