Biển đảo Việt Nam
Mùa xuân ở Thương cảng Vân Đồn
13/02/2023 09:05:23

Những hoạt động địa chất và các đợt "biển tiến-biến thoái" hàng triệu năm về trước, cuối cùng đã chuyển một vùng núi non ven biển Đông Bắc dải đất hình "chữ S" xa xưa-Việt Nam ngày nay, thành một vùng biển, đảo kỳ quan, có tên chung là Vịnh Bái Tử Long, nằm ở mé bên trên của Vịnh Hạ Long-Di sản thế giới nổi tiếng.

Một tập hợp vùng biển, đảo với những bến ngoạn mục, mang các tên gọi: Cống Đông-Cống Tây, Cái Làng, Cống Cái, Con Quy, Cái Cống, Cống Hẹp, Cống Yên… quy tụ trên một vùng biển đảo 200km2, thuộc 4 xã đảo: Thắng Lợi, Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng của Vịnh Bái Tử Long ngày nay, chính là dấu tích của thương cảng Vân Đồn xưa kia.

Từ sự kiện khai sinh thương cảng Vân Đồn…

Nước Đại Cồ Việt ta, ở thời nhà Đinh và nhà Tiền Lê, giai đoạn nửa sau thế kỷ thứ X, với kinh đô đặt ở thung lũng Hoa Lư, đã trở thành một quốc gia có sức hấp dẫn với các thuyền bè buôn bán nước ngoài, theo đường biển, chọn cửa sông Đáy mà ra, vào.

Nhưng cửa Đáy, ngày ấy đúng như tên gọi “Đại Ác” vừa hẹp lòng vừa nhiều ghềnh đá, đã thành sự cản trở và mối quan ngại không nhỏ đối với các thương khách ngoại quốc, ngoại bang.

Sang đến buổi đầu thời nhà Lý, nửa đầu thế kỷ thứ XI, với kinh đô được đặt định ở Thăng Long thì riêng đối với phương Bắc, tuy con đường bộ từ ải Nam Quan (Lạng Sơn) đến Thăng Long đã bắt đầu được mở nhưng núi rừng vẫn nhiều hiểm trở nên tiện lợi hơn cho việc đến và đi thì vẫn là con đường biển, men theo duyên hải vùng Đông Bắc đất nước.

 
 

Nhà sử học Lê Văn Lan ở Vân Đồn. Ảnh: Kim Thu

Sử sách cổ xưa của nước ta và nước Tống đều đã có nhiều lần đề cập tới con đường này, thậm chí còn ghi cả việc năm 1006, người nhà Tống là Thiệu Việp, đã dâng lên vua Tống một "tấm hải đồ" tỉ mỉ, gợi ý về con đường có thể ưu tiên sử dụng để đánh chiếm nước ta.

Đó chính là con đường biển, đi qua vùng biển, đảo Vân Đồn. Và trên thực tế, vào các năm 1076-1077, trong lần vua Tống cử đại binh do các tướng Triệu Tiết, Quách Qùy cầm đầu đi xâm lược nước Đại Việt ta thì cánh thuỷ quân Tống triều đã hành binh qua con đường này. Còn về phía Lý triều thì Nguyên soái Lý Thường Kiệt cũng đã cử lý Lý Kế Nguyên ra Vân Đồn trấn giữ thành công con đường, góp phần đánh thắng toàn bộ cuộc xâm lược của Tống triều.

Vân Đồn, về mặt quân sự, đã thành một vùng biển, đảo chiến lược như thế, thì về mặt giao thương càng dễ dàng, thuận lợi hơn cho việc hình thành một hệ thống thương cảng ở đây.

Và thế là đến lúc bộ chính sử "Đại Việt sử ký toàn thư" hạ bút, viết: "Năm Kỷ Tỵ thuộc đời trị vì của vua Lý Anh Tông, niên hiệu Đại Đinh thứ Mười (tức năm dương lịch 1149), thuyền buôn ba nước Trảo Oa (tức Java-Indonesia), Lộ Lạc (tức Lôburi ở Bắc Thái Lan ngày nay), Xiêm La (tức Thái Lan) vào Hải Đông (tức Quảng Ninh ngày nay) xin cư trú, buôn bán; bèn cho lập đơn vị hành chính cấp "Trang" nơi ở hải đảo, gọi là Vân Đồn, để mua bán hàng hóa quý, dâng tiến sản vật địa phương.

Thương cảng Vân Đồn, với tư cách là một "Trang (trại)" của triều đình nhà Lý, nước Đại Việt đã ra đời như thế. Với những bến cảng đầu tiên, có thể là Cái Làng (ở chân núi Man, trên đảo Quan Lạn), Cống Cái (trên đảo Vân Hải)… để liền ngay cùng thuyền buôn ba nước Trảo Oa, Lộ Lạc, Xiêm La, thì tất nhiên là các thuyền buôn nước Tống tìm đến, cập bến, bán buôn các mặt hàng. Về sau thống kê được là: Trầm hương, ngọc trai, ngà voi, vỏ quế, sừng tê giác, diêm tiêu, gấm vóc, vàng, bạc, đồng… làm nên sự tấp nập, phồn thịnh bước đầu ở trên vùng biển, đảo và duyên hải Đông Bắc đất nước Đại Việt.

… Đến những hoạt động thương cảng Vân Đồn thời thịnh vượng

Đó là vào thời Trần ở các thế kỷ thứ XIII, XIV. Thời gian này, thị trường hương liệu thế giới trở nên sôi động, nhu cầu tìm kiếm và tiêu thụ trầm hương của Đại Việt là Chăm Pa tăng mạnh trên toàn cầu. Đồng thời, việc thiết lập và phát hiện tuyến đường hàng hải xuyên biển từ Trung Hoa đến Ai Cập cũng thúc đẩy nhịp độ giao thương quốc tế qua Vân Đồn phát triển vượt bậc. Thêm vào đây, việc bồi đắp cát bùn khiến cạn nước ở các thương cảng cổ truyền thiết lập từ trước đây, ở phía Nam nước Đại Việt (nay là Bắc Trung Bộ Việt Nam) theo như sách "Đại Việt sử ký toàn thư" chép: "Nhiều đoàn thương thuyền trước đây vào các cửa biển Tha, Viên ở Châu Diễn (tức Nghệ An) thì nay phần lớn tìm về tự tập ở Vân Đồn".

Thế là có mặt thêm ở Vân Đồn, vào thời này thuyền buôn của các nước: Nhật Bản, Mông Nguyên, Phi Luật Tân (Philippines) và cả nhiều nước Châu Âu nữa. Và, các mặt hàng giao dịch ở Vân Đồn cũng mở rộng hơn-đặc biệt là đồ gốm sứ, kéo theo nhu cầu thiết lập thêm nhiều bến cảng nữa như: Cống Đông, Cống Tây, Con Quy, Cái Cống, Cống Yên, Cống Hẹp… mà hình ảnh và di tích còn để lại đến ngày nay. Ở đây chính là những "tầng văn hoá" dày đến hàng thước, ken đầy những mảnh gốm sứ bị vỡ khi vận chuyển lên xuống các tàu thuyền.

Diện mạo của một vùng đô thị cảng biển đặc biệt ở Vân Đồn vào thời này còn được bổ sung những đường nét văn hoá đặc sắc. Khi triều đình nhà Trần để thoả mãn nhu cầu thực hành tôn giáo, tín ngưỡng, sùng mộ đạo Phật-đã cho xây dựng hàng loạt kiến trúc Phật giáo qui mô và đẹp đẽ không thua kém những đại danh lam trong đất liền, như các ngôi chùa Lâm, chùa Cát, chùa trong Bảo Tháp… bây giờ vẫn còn hoành tráng các dấu tích ở xã đảo Thắng Lợi.

Nhà Trần tổ chức chu đáo hơn, việc đặt định bộ máy quản lý, kiểm soát vùng thương cảng trên biển đặc biệt từ cấp hành chính là "Trang" từ thời nhà Lý đến đây, triều đình Đông Á đã cho nâng cấp Vân Đồn lên thành "Trấn" đối đãi như một trọng trấn, bằng cách đặt định hoàn chỉnh hệ thống quan chức gồm: quan Trấn (tức võ tướng), quan Lộ (tức quan văn) và quan Sát Hải sứ (chuyên viên kiểm soát mặt biển). Lại còn đặt thêm ở đây một đạo binh đặc nhiệm gọi là Bình Hải quân chuyên việc tuần tra, bảo vệ an ninh vùng đảo, biển và hoạt động giao thương.

Một nhân sự nổi bật trong việc đứng đầu Trấn Vân Đồn ở thời Trần, chính là Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư-người anh hùng của trận hải chiến Vân Đồn, đầu năm 1288 đánh tan đạo quân tải lương, đảm bảo hậu cần cho toàn bộ lực lượng Mông Nguyên xâm lược nước Đại Việt lần thứ ba, góp phần quyết định vào đại thắng lợi của toàn cuộc kháng chiến hiển hách chống Nguyên Mông lần cuối cùng. Trần Khánh Dư với cương vị là thân vương được đặc cách cử ra trấn giữ Vân Đồn, còn là người có nhiều quyết sách quan trọng để bảo vệ vùng thương cảng trên biển đặc biệt này, như ra qui định người Việt ở Vân Đồn phải đội "nón Ma Lôi" sản xuất ở Hồng Châu (Hải Dương) để phân biệt, phân tách ra những người Hoa đang toan tính và có thể trà trộn vào.

Mùa xuân mới trên vùng thương cảng Vân Đồn xưa

Sang đến thời gian 20 năm đầu thế kỷ thứ XV, đất nước bị nhà Minh sang đô hộ, người phương Bắc chiếm được quần đảo Vân Đồn như bắt được vàng, ra sức khai thác, bóc lột. Nhưng sau đó, được phong trào Lam Sơn giải phóng, Vân Đồn trở lại vị thế thương cảng trên biển đặc biệt của Đại Việt, phát triển qua thời Lê sơ đến thời Mạc vẫn tiếp tục đà hoạt động mạnh mẽ ở các thế kỷ XV, 10 năm như trước đó. Và từ cấp hành chính là "Trấn" đã được chuyển đổi thành "Châu".

 
 

Mộc góc cảng Cái Rồng, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: internet

Châu Vân Đồn đến thời Lê Trung Hưng, từ thế kỷ thứ XVII, sang đến thế kỷ XVIII, do chính sách "Trọng nông ức thương" của triều đình, do nền kinh tế hàng hoá của đất nước tuy có phát triển nhưng không đủ mạnh để "nuôi" Vân Đồn cùng một lúc với hai cảng thị lớn mới trỗi dậy. Ở hai "xứ" Đàng Trong và Đàng Ngoài là Hội An và Phố Hiến nên sự phát triển có dấu hiệu "chùng" xuống.

Do đó, tiếp đến thời Nguyễn, thế kỷ thứ XIX, vào và từ năm Thiệu Trị thứ Ba (tức năm 1843, dương lịch), triều đình Huế quyết định: Bỏ đơn vị hành chính cấp "Châu" ở Vân Đồn, chuyển gọi vùng Vân Đồn thành "Tổng Vân Hải". Và cho đến cuối thế kỷ thứ XIX thì những hoạt động giao thương đã ngừng hẳn trên vùng thương cảng Vân Đồn. Những bến cảng, kho hàng, làng đảo, đồn canh, đình chùa… một thời nhộn nhịp dần dần "chìm" xuống lòng đất và sóng biển, hoá thân thành những "Di chỉ khảo cổ học" - đối tượng "thám sát" khai quật, nghiên cứu của các nhà khảo cổ.

Tuy nhiên, may sao đến thời đại mới, từ cuối thế kỷ XX sang đến đầu thế kỷ XXI, đặc biệt là từ năm 1994, khi có quyết định thành lập Huyện Vân Đồn; từ năm 2006, đề án "Phát triển kinh tế xã hội Khu kinh tế Vân Đồn-Quảng Ninh" được phê duyệt với các chức năng được xác định là: Trung tâm du lịch sinh thái biển, đảo chất lượng cao, Trung tâm hàng không quốc tế, Trung tâm dịch vụ cao cấp và đầu mối giao thông quốc tế. Và từ năm 2018, khi Hội thảo khoa học "Thương cảng Vân Đồn - lịch sử, tiềm năng kinh tế và các mối giao lưu văn hoá" được tổ chức, xác định khu di tích Thương cảng Vân Đồn là một trong bốn khu di tích trọng điểm, nổi bật và tiêu biểu của tỉnh Quảng Ninh (gồm: Bạch Đằng, Yên Tử, Đông Triều và Vân Đồn), thì đến đây một tương lai, hy vọng và triển vọng mới, cùng với mùa xuân tươi sáng và đẹp đẽ, đã và đang trở lại đến với vùng thương cảng Vân Đồn xưa của chúng ta.

Nhà sử học Lê Văn Lan

Nguồn: baohaiquanvietnam

Các tin mới hơn
Cô Tô tươi đẹp giữa trùng khơi Tổ quốc(17/06/2023)
Các tin cũ hơn
Hòa bình, ổn định ở Biển Đông là tiền đề của sự phát triển tại khu vực(07/08/2022)
Đường Hồ Chí Minh trên biển - những dấu ấn, kỳ tích còn mãi(09/11/2021)
Vài nét về vùng biển chồng lấn (15/03/2021)
Chủ quyền biển đảo Việt Nam - nhìn từ lịch sử(27/11/2019)
Nhà giàn DK1 - tiền đồn bảo vệ thềm lục địa phía Nam(21/11/2019)
na
Video
Phóng sự Ảnh
Trang tin đơn vị
Hệ thống văn bản
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website