Lịch sử truyền thống
Thành phố Hải Dương 68 năm xây dựng và phát triển
10/10/2022 09:43:31

Ngày 30-10-2022, thành phố Hải Dương kỷ niệm 68 năm ngày giải phóng (30/10/1954- 30/10/2022). Từ thị xã nghèo, chật hẹp, manh mún đã trở thành một thành phố - đô thị loại I đầy tiềm năng … Thật diệu kỳ, sau 68 năm kể từ ngày giải phóng (1954-2022), mảnh đất chuyển mình trong nhịp sống đô thị hóa, với tầm nhìn chiến lược, văn minh trí tuệ… xứng đáng là trung tâm kinh tế , chính trị, hành chính, văn hóa của tỉnh Hải Dương.

Thị xã nghèo thuở ấy…

Những năm cuối cùng của thế kỷ 19 (1883), lỵ sở Hải Dương khá sầm uất, dân cư đông đúc. Từ khi Pháp xâm lược, nơi đây người dân chuyển về thôn quê dân số giảm dần. Có tài liệu ghi rằng, năm 1900 chỉ có 7.000 người, nếu tính cả 3 làng Hàn Giang, Hàn Thượng, Bình Lao cũng chỉ hơn một vạn (10.600 người). Năm 1923, lỵ sở Hải Dương được định danh là thị xã. Cuối năm đó, toàn quyền Đông Dương Merlin ra nghị định nâng cấp đô thị Hải Dương lên thành phố.

 

Mít tinh mừng ngày giải phóng thị xã Hải Dương (ảnh Tư liệu)

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ (1946), quân Pháp tạm chiếm thị xã Hải Dương. Năm 1947, nhà cầm quyền đương thời đã chia thành phố ra làm thành 2 quận, rồi cũng chẳng rõ vì sao, sau đó một thời gian lại chuyển thành thị xã…

Từ thị xã lên thành phố, rồi thành phố lại trở về thị xã, mảnh đất Hải Dương thăng trầm trong những năm dài kháng chiến đau thương, nghẹt thở, người dân sống cảnh cá chậu chim lồng. Rồi chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy toàn cầu, và sự kiện Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, được ký kết ngày 20-7-1954. Nhưng thị xã nghèo Hải Dương lại bị thiệt thòi. Bấy giờ thị xã thuộc khu vực quân đội Pháp tập kết 100 ngày, để chuẩn bị rút khỏi miền Bắc. Tàn quân Pháp đã biến thị xã thành một trại lính khổng lồ, chứa đựng, dồn ép về đây những thành phần bất hảo, khiến cho tình hình chính trị xã hội kinh tế càng phức tạp, đòi hỏi quân và dân thị xã phải chuẩn bị kỹ lưỡng cho công tác tiếp quản.

Và đêm dài qua đi, hơn ba tháng đợi chờ, ngày mới sáng tươi đã đến.

Ngày 30 tháng 10 năm 1954 mãi mãi là dấu son trong lịch sử hào hùng, là khúc nhạc âm vang bất tận với người Hải Dương!

Thành phố ánh sáng bên sông hôm nay

Nhiều cụ già ngoài 90 tuổi còn minh mẫn nhớ lại: Ngày ấy, thị xã rợp trời cờ, hoa, biểu ngữ. Rùng rùng bước chân ngàn người tràn ra đường phố, hân hoan đón chào đoàn quân chiến thắng. Trong đó có những anh lính Trung đoàn 42 về tiếp quản, sau 9 năm thị xã bị giặc Pháp tạm thời chiếm đóng...Những nét mặt rạng ngời, những bàn tay giơ cao vẫy chào và nhận những bó hoa từ tay các thiếu nữ trao tặng. Hơn 8 giờ sáng ngày 30-10, tên lính Pháp cuối cùng bước khỏi đầu cầu Phú Lương, một hồi còi vang lên trên nóc rạp chiếu bóng Hòa Bình trên phố Trần Hưng Đạo, báo hiệu thị xã Hải Dương đã sạch bóng quân viễn chinh Pháp. Buổi chiều cùng ngày, một cuộc mít tinh tổ chức tại vườn hoa Bảo Đại (nay là trước nhà Bưu Điện). Đại diện chính quyền đọc diễn văn công bố thị xã Hải Dương hoàn toàn giải phóng. Rồi từng đoàn người diễu hành khắp các tuyến đường chính, từ vườn hoa Bảo Đại ra ga, các phố Hàng Đồng, Ngã tư Đông Thị, Cựu Thành, rợp trời cờ hoa và tiếng reo vui chào mừng ngày giải phóng…

 

Thành phố ngày nay

Ngày mới giải phóng, thị xã Hải Dương mới có 5 khu phố: Nguyễn Trãi, Phạm Ngũ Lão, Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Trần Phú, mỗi khu có một số đường phố và xóm nhỏ. Những trận mưa to, nước ao hồ dềnh lên, nhiều con phố lầy lội đất bùn. Những ánh đèn vàng vọt trong đêm lóa lên sau lùm cây rậm rạp, tiếng con chão chuộc nghe não nề…

Vậy mà sau 50 năm, qua hàng chục lần điều chỉnh, sáp nhập, thành lập đơn vị hành chính mới (chỉ tính từ năm 1969 đến năm 2019), thị xã lần lượt, từng bước được nâng cấp, đến nay là thành phố loại 1, có 25 đơn vị hành chính (19 phường, 6 xã) với diện tích tự nhiên gần 112 km2 và hơn nửa triệu dân số.

68 năm qua, đất và người thị xã đã cùng với dân tộc đi trên những chặng đường dài đầy gian nan, máu lửa và vinh quang. Thời chống Mỹ cứu nước, thị xã tự hào là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến lớn. Con sông Thái Bình, nâng cõng chiếc cầu phao cho đoàn quân ra trận; những trận địa tên lửa bến đò Hàn, sông Sặt là bức tường thành, làm “phên dậu phía đông” của Thủ đô trong 72 ngày đêm “Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không”. Thị xã nghèo, gầy guộc đã gồng mình vượt qua lũ lụt, bão giông, và muôn vàn hiểm nguy, mà vững bước đi lên trong làn gió hòa bình, dựng xây và hội nhập. Hòn đất tụ dồn ngàn năm linh khí, nhân nghĩa, khoa bảng, anh hùng xứ Đông, lớn mạnh, đầy tiềm năng kinh tế … Mảnh đất đã biết mở lòng, khoan dung, hóa thân với tầm nhìn xa rộng, cùng với phẩm chất con người hiện đại, văn minh, nụ cười giao thiệp bạn bè…

Thành phố không bị bó chặt bởi sông Thái Bình với cây cầu Phú Lương ở phía đông, và chiếc cầu Cất vắt qua khúc sông Sặt ở phía nam. Như một cơ thể lớn vạm vỡ, thành phố đã mở rộng quy mô hướng theo hình ngôi sao, với 5 đô thị vệ tinh là Gia Lộc, Nam Sách, Thanh Hà, Tứ Kỳ và Lai Cách (Cẩm Giàng).

Với khoảng 5.000 doanh nghiệp, trong đó có hàng chục doanh nghiệp FDI đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có trình độ kinh tế phát triển cao…, sức hoạt động năng động đã tạo giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của thành phố, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng vạn lao động.

Thương mại, dịch vụ, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, du lịch, khách sạn phát triển không ngừng và hàng chục siêu thị và nhiều hệ thống chợ dân sinh, nhiều khu đô thị mới mở: Tuệ Tĩnh, Tân Phú Hưng…đáp ứng nhu cầu dân sinh.

Tỷ trọng cơ cấu kinh tế thay đổi, hình thành những khu sản xuất nông sản với công nghệ tiến bộ, như cà chua, rau, hoa quả …người thành phố vẫn giữ được làng nghề: Cốm làng Thạc, mộc Đức Minh, Nguyên Xá, làng bánh đa Lộ Cương…và cơ sở nuôi trâu chọi Tiền Tiến ra đời …tạo nên một đời sống khá giả.

Xưa, người dân chỉ biết đến trường «Con Gái», trường «Nam tiểu học». Còn bây giờ trên thành phố này có 10 trường phổ thông trung học, hơn chục trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học và hàng chục bệnh viện chăm sóc sức khỏe con người .

Người thành phố đã dũng cảm đi lên từ một Ngã ba hàng chật chội, từ một chiếc cầu Phú Lương cũ kỹ, hẹp lòng, để mở ra những cửa ô rộng lớn. Cửa ô phía tây xanh mát hàng cây. Cửa ô phía nam, phóng khoáng những khu đô thị mới. Cửa ô phía bắc, sừng sững cây cầu Hàn, đã xóa đi nỗi ám ảnh của một con đò rách nát trăm năm trước. Từ cửa ô phía đông, vạm vỡ chiếc cầu Phú Lương ưỡn ngực cõng hàng nghìn lượt chuyến xe qua..

Cùng với các khu công nghiệp lớn như Đại An, Nam Sách, Kỹ thuật cao An Phát và nhiều cụm công nghiệp đang sản xuất kinh doanh, nhiều công trình khoa học, đề án phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ được ra đời, được đưa vào thực tiễn, làm thay đổi cuộc sống con người.

Không náo động như Hải Phòng, Hạ Long và các đô thị khác …, thành phố Hải Dương đang lắng đọng suy tư trước thời cuộc, trước những cơn giông tố, bão táp của thiên nhiên, vốn ẩn nấp đầy rủi ro. Họ bước đi mạnh mẽ, nhưng vẫn giữ vẹn nguyên nét truyền thống xứ Đông.. Lưu giữ vị nồng nàn hương cốm nếp, tinh hoa phong bánh đậu rồng vàng, tấm bánh khảo lõi vàng thơm thảo và cả những tấm thêu, thảm mịn màng dân dã…Sức sống và nguồn cảm hứng sau 68 năm ngày giải phóng thị xã, người Hải Dương quyết tâm đi trên con đường hướng về phía mặt trời mọc, xây dựng thành phố mạnh giàu, đáng sống, xứng đáng là trung tâm kinh tế-chính trị - văn hóa của tỉnh và danh tiếng xứ Đông văn hiến ngàn đời.

Khúc Hà Linh

Nguồn: quankhu3.vn

Các tin mới hơn
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến dịch Điện Biên Phủ(22/03/2024)
Người nhóm lửa cách mạng ở TP Hải Dương(27/09/2023)
Cầu phao đường sắt Phú Lương - kỳ tích thời chống Mỹ(20/09/2023)
Tuyên ngôn Độc lập - một áng văn lập quốc vĩ đại(02/09/2023)
Tiếng thơm Nguyễn Đức Sáu(04/07/2023)
Các tin cũ hơn
Giành chính quyền cách mạng ở tỉnh Hải Dương(14/08/2022)
Sáng mãi cuộc đời, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh(19/05/2022)
Nhận thức đúng giá trị của Chiến thắng 30-4-1975: Cơ sở của đạo đức, nhân cách và trí tuệ của người Việt Nam(30/04/2022)
Dân quân du kích Hải Dương bắn rơi 10 máy bay bằng súng bộ binh (29/03/2022)
Trận bắn rơi máy bay Mỹ của dân quân xã Hiệp Lực, Ninh Giang (Ngày 20 tháng 7 năm 1972)(04/01/2022)
na
Video
Phóng sự Ảnh
Trang tin đơn vị
Hệ thống văn bản
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website