Lịch sử truyền thống
Giành chính quyền cách mạng ở tỉnh Hải Dương
14/08/2022 09:40:08

Đầu năm 1945, Chiến tranh thế giới thứ hai đã bước vào giai đoạn cuối. Ở Việt Nam, ngày 16 - 8 - 1945 điều kiện cách mạng chín muồi, tạo điều kiện để quần chúng nhân dân đứng lên khởi nghĩa, thoát khỏi ách nô dịch của chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân. Đại hội Đại biểu Quốc dân với hơn 60 đại biểu họp ở Tân Trào đã ra lời hiệu triệu: “Giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trên nền tảng hoàn toàn độc lập”. Đại hội cử ra Uỷ ban Dân tộc Giải phóng do Hồ Chí Minh làm chủ tịch, Trần Huy Liệu làm Phó chủ tịch.gcqhd


 

Mít tinh tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 ở Hải Dương

 
Cơn lốc cách mạng Mùa thu

Hải Dương là một tỉnh có phong trào cách mạng rộng lớn. Và Chí Linh là vùng đất truyền thống anh hùng. Từ sớm phong trào Việt Minh đã rất mạnh.

 

Ở Chí Linh bấy giờ có một nhóm thổ phỉ, hoạt động nhỏ lẻ, ở khu ven rừng núi, làm đặc vụ cho Tàu Tưởng, có mâu thuẫn cục bộ với quân Nhật đang nắm quyền. Chúng cướp bóc, tống tiền, gây rối… Mặt trận Việt Minh chủ trương phân hóa kẻ thù, tạm hòa hoãn với nhóm phỉ, để tập trung mũi nhọn vào quân Nhật hiện đang đồn trú tại huyện Thiên.

 

Theo chủ trương của Tỉnh ủy Hải Dương là đánh đồn Thiên, cướp vũ khí quân Nhật, để trang bị cho quân cách mạng. Sáng sớm mồng 8- 6 -1945 quân ta bắt đầu tấn công. Nhờ phân hóa kẻ thù ta đã tranh thủ, lôi kéo được gần 200 tên phỉ có vũ trang tham gia tiến đánh. Ban đầu lính Nhật tưởng là thổ phỉ đến quấy nhiễu, nên tỏ ý không sợ. Nắm được ý này, ta tìm cách đưa thư, gửi truyền đơn với danh nghĩa Việt Minh, rồi giương cờ đỏ sao vàng, gọi loa…, lập tức lính Nhật sợ hãi xin hàng. Viên tri huyện Nguyễn Ngọc Hà phải cải trang thành dân thường, lội qua sông bỏ trốn. Dân chúng phố huyện Thiên hò reo xông lên thừa thế phá kho thóc Nhật chia cho dân nghèo.

 

Cùng với giải phóng đồn Thiên, 3 đồn khác: Đông Triều, Mạo Khê, Tràng Bạch cũng bị tiến đánh, đã tạo thế thuận lợi vững chắc cho việc thành lập “Đệ tứ chiến khu” vào chiều 8 - 6 - 1945. Từ đó phong trào cách mạng vô cùng sôi động. Đến khi nhận lệnh cấp trên, ngày 16-8-1945 lực lượng khởi nghĩa chiếm giữ Phả Lại, làm chủ địa bàn. Ngày 18-8 mặt trận Việt Minh huyện tổ chức mít tinh tại đồn Ngái, và tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng.

 

Trong khi ấy, ngày 17- 8 ở huyện Cẩm Giàng quần chúng tiến vào huyện đường, thu vũ khí, sổ sách của chính quyền cũ. Sáng 20-8-1945 hàng ngàn người tổ chức mít tinh, mừng chính quyền mới. Ông Nguyễn Đình Thụ cán bộ ưu tú của thị trấn được cử giữ chức Chủ tịch lâm thời huyện Cẩm Giàng. Cùng ngày, huyện Kim Thành, Kinh Môn cũng khởi nghĩa. Bọn hào lý rất hoang mang, mang triện đồng cùng nhiều tài liệu khác nộp cho chính quyền cách mạng.

 

Trước đó, ngày 13- 8-1945, ở Đông Thôn - Thanh Tùng (Thanh Miện), Tỉnh uỷ Hải Dương có cuộc họp mở rộng. Đang họp được tin quân Nhật đầu hàng Đồng Minh. Cuộc họp tạm dừng để các đồng chí phụ trách các huyện trở về kịp thời tổ chức quần chúng nổi dậy giành chính quyền.

 

Tại Bình Giang, cán bộ Việt Minh kịp thời xuống từng khu vực, kiểm tra tình hình, giao nhiệm vụ cho từng cơ sở, chuẩn bị cờ, địa điểm… để giành chính quyền huyện. Sáng ngày 19- 8-1945 tổ Việt Minh Kẻ Sặt gồm 12 đồng chí, đội ngũ chỉnh tề, cùng các đoàn người như dòng nước đổ về huyện lỵ. Quần chúng cách mạng vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu “Việt Minh muôn năm”.

Ông Vũ Duy Tiêu thay mặt Việt Minh huyện tuyên bố giành chính quyền cách mạng. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận hát bài “Du kích ca” trong niềm xúc động của hàng ngàn người trong giờ phút được tự do. Việt Minh thu giấy tờ, sổ sách tại huyện đường, đồng thời giải thích chính sách khoan hồng của chính quyền mới cho tri huyện Hà Trường Thịnh cùng nha lại, kêu gọi họ đi theo cách mạng (sau này tri huyện Thịnh thành viên chức nhà nước).

Riêng Ninh Giang gặp khó khăn về thiên tai. Vì ngay từ đầu tháng 8 nước sông Luộc lên rất cao, có đoạn đê nước tràn qua, nhấn chìm làng mạc trong dòng nước, cả phố phủ Ninh Giang cũng bị ngập nặng. Nhưng trước đó, để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa, Tỉnh ủy Hải Dương và ban cán sự huyện đã mở “Trường quân chính kháng Nhật” do đồng chí Mạc Ninh là cán bộ quân sự tỉnh về chỉ huy và huấn luyện. Khi lệnh tổng khởi nghĩa ban ra, thì trung đội tự vệ từ Ngọc Chi - An Cúc tiến về chiếm phủ đường Ninh Giang nhanh chóng.

 

Đêm 18 rạng 19 - 8 trên các đường phố, nhân dân phủ lỵ mở toang cửa, hòa cùng quân khởi nghĩa vùng lên. Lính bảo an đầu hàng, bọn nha lại ra trình diện, nộp vũ khí, tài liệu. Đồng thời nhóm Việt Minh Đồng Hy đánh chiếm đò Bía, một vị trí án ngữ giao thông Ninh Giang và Hải Dương.

 

Chiều 19-8 tổ chức cuộc mít tính lớn tại Đền Tranh, ra mắt chính quyền mới do ông Lưu Tế Mỹ làm chủ tịch. Tại đây bà Bùi Thị Diệm được tỉnh cử về tổ chức lực lượng khởi nghĩa ở Ninh Giang, Vĩnh Bảo, Tứ Kỳ …

 

Tại lỵ sở tỉnh Hải Dương, một lực lượng phản động điên cuồng chống đối. 15 giờ ngày 18-8 -1945, xảy ra một cuộc mít tinh do chính quyền bù nhìn tiến hành. Chúng tập trung tại Câu lạc bộ Việt Nam (thư viện tổng hợp phố Nguyễn Du) định diễu hành về sân Vọng Cung để gây thanh thế... Nhưng đi qua giữa phố Đông Thị (Quang Trung bây giờ), thì có tiếng súng nổ và đoàn quân cách mạng đã bố trí sẵn, hạ luôn cờ ba que của chúng xuống, rồi giương cờ đỏ sao vàng lên. Tiếng hô vang dội “Ủng hộ cách mạng, ủng hộ Việt Nam”. Tay sai Nhật hoảng sợ, lủi thủi rút lui. Thế là đoàn người khởi nghĩa chiếm ưu thế, kéo về quảng trường Bảo Đại (nay là trước cửa nhà Bưu Điện) tổ chức mít tinh, và tiến hành tổ chức giành chính quyền. Ông Nguyễn Kha, Bí thư Tỉnh ủy và ông Nguyễn Đức Quỳ, phái viên của Xứ ủy cũng kịp dự. Sau đó quân khởi nghĩa chiếm các công sở của tỉnh, giao thiệp với dinh tổng đốc, trại lính Nhật và trại bảo an binh. Hoảng sợ trước phong trào cách mạng, viên Tỉnh trưởng đã bỏ trốn từ trước, còn Phó tỉnh trưởng Trần Văn Tuyên đầu hàng, bàn giao tất cả dấu triện, hồ sơ sổ sách cho cách mạng và xin được tham gia Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời.

Bọn lính Nhật đóng ở thị xã, tinh thần ý chí rã rời cũng muốn yên phận chờ về nước. Nhưng khi thấy mít tinh, khởi nghĩa giành chính quyền thì lo sợ bị tấn công, nên đã triển khai bố phòng đối phó. Để tránh những xung đột bất lợi, quân khởi nghĩa đã cử cán bộ đến trại lính Nhật điều đình, và giải thích cho chúng rõ hành động của ta. Nhờ kiên trì tổ chức quần chúng đấu tranh, cuối cùng lính Nhật phải chịu giao toàn bộ vũ khí, đạn dược cho cách mạng.

Rực rỡ sao vàng 77 mùa thu cách mạng

Khởi nghĩa ở tỉnh lỵ Hải Dương đã hoàn toàn thắng lợi trong ngày 18 - 8- 1945 và có ý nghĩa quan trọng đối với thắng lợi chung của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh Hải Dương.

Ngày 25- 8 - 1945 hàng chục vạn quần chúng nhân dân từ các huyện đổ về thị xã dự cuộc mít tinh lớn mừng thắng lợi của cách mạng. Giữa rừng súng gươm, giáo mác hừng hực không khí của cách mạng, vẫn là rực rỡ màu cờ đỏ sao vàng tung bay dưới trời thu. Nhà cách mạng Vũ Duy Hiệu đã đọc diễn văn chào mừng thắng lợi, tuyên bố xoá bỏ chính quyền thực dân phong kiến ở Hải Dương và tuyên bố thành lập Uỷ ban Nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh có 7 người, do ông làm chủ tịch. Kết thúc mít tinh, lại tuần hành khắp nơi trong thị xã. Khi đoàn người đi qua phố lớn, những đôi mắt mờ do tủi hờn oan khổ, những tấm thân gầy guộc trơ xương vì ngục tù, đói khát lầm than đang hít sâu vào lồng ngực không khí trong lành của giây phút tự do đã ùa ra đường, ca vang bài ca chiến thắng, những khuôn mặt ấy rạng ngời niềm vui sướng, lấp lánh dưới bóng cờ đỏ sao vàng.


Ngày 25-8-1945 mãi mãi đi vào lịch sử, đi vào lòng người Hải Dương. Trải qua bao năm nô lệ, mùa thu năm Ất Dậu 1945, từ trong vũng bùn đứng lên giành quyền sống, làm chủ cuộc đời, người Hải Dương đi theo ngọn cờ Cách mạng, theo Đảng kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ xây cuộc sống hoà bình, hạnh phúc, văn minh, giàu đẹp hôm nay.

 

Truỳên thống văn hiến ngàn xưa là niềm tự hào, là cội nguồn tạo nên sức sống mãnh liệt, sức bật mạnh mẽ của mảnh đất kiên cường, bất khuất trong công cuộc xây dựng đất nước thời hội nhập quốc tế.

 

Thấm thoát ba phần tư thế kỷ! Tháng Tám trở về gợi nhớ ánh cờ sao tung bay rợp trời quê Hải Dương 77 năm trước.

Khúc Hà Linh

Các tin mới hơn
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến dịch Điện Biên Phủ(22/03/2024)
Người nhóm lửa cách mạng ở TP Hải Dương(27/09/2023)
Cầu phao đường sắt Phú Lương - kỳ tích thời chống Mỹ(20/09/2023)
Tuyên ngôn Độc lập - một áng văn lập quốc vĩ đại(02/09/2023)
Tiếng thơm Nguyễn Đức Sáu(04/07/2023)
Các tin cũ hơn
Sáng mãi cuộc đời, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh(19/05/2022)
Nhận thức đúng giá trị của Chiến thắng 30-4-1975: Cơ sở của đạo đức, nhân cách và trí tuệ của người Việt Nam(30/04/2022)
Dân quân du kích Hải Dương bắn rơi 10 máy bay bằng súng bộ binh (29/03/2022)
Trận bắn rơi máy bay Mỹ của dân quân xã Hiệp Lực, Ninh Giang (Ngày 20 tháng 7 năm 1972)(04/01/2022)
Trận phục kích bắn rơi máy bay Mỹ của trung đội nữ dân quân xã Tráng Liệt, Bình Giang (Đêm 31 tháng 3 năm 1968)(04/01/2022)
na
Video
Phóng sự Ảnh
Trang tin đơn vị
Hệ thống văn bản
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website