Lịch sử truyền thống
Trận đánh địch tại Trường Con Gái, thị xã Hải Dương (Đêm 19, 20, 21 tháng 12 năm 1946)
03/12/2021 09:45:30

Trận đánh địch tại Trường Con Gái, thị xã Hải Dương (nay là Trường tiểu học Võ Thị Sáu, thành phố Hải Dương) đêm 19, 20, 21 tháng 12 năm 1946 là trận đánh công đồn đầu tiên của ta tại trung tâm thị xã trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến; trận đánh có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng vũ trang cách mạng, tiêu diệt gọn một đơn vị đồn trú của địch. Chiến thắng của trận đánh có sức cổ vũ to lớn đối với quân và dân tỉnh ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

I. TÌNH HÌNH CHUNG

1. Địa hình:

Trường Con Gái, có diện tích 3.095m2, là vị trí đầu mối án ngữ trung tâm thị xã Hải Dương và quốc lộ 5 (Trước đây quốc lộ 5 chạy qua trung tâm thị xã), do 1 trung đội lính lê dương Pháp chiếm đóng. Trường có 05 phòng học, phía trước trường là Sở Rượu (nay là Công ty chế tạo Bơm), phía sau là khu ở của công nhân bốc vác, bên phải trường là sân vận động, bên trái là bãi trống xen kẽ khu nhà dân và hệ thống tường bao rất thuận lợi cho quân ta cơ động áp sát, tổ chức tiến công.

2. Tình hình địch:

Sau Hiệp định Sơ bộ ngày 06/3/1946 và Tạm ước ngày 14/9/1946, thực dân Pháp vẫn âm mưu xâm chiếm nước ta một lần nữa. Chúng tăng cường đưa quân vào Hải Phòng, Hải Dương nhằm tiến về Hà Nội để mở rộng phong toả cả Miền Bắc. Sớm nhận thấy Hải Dương là địa bàn có tầm chiến lược quan trọng, ngoài đường 5, đường sắt là tuyến đường huyết mạch nối Cảng Hải Phòng với Thủ đô Hà Nội và hệ thống sông ngòi rất thuận lợi cho giao thông đường thuỷ. Theo sự thoả thuận của Ban Liên kiểm Việt - Pháp tháng 3/1946, quân địch đồn trú tại Hải Dương một tiểu đoàn bộ binh gồm 650 tên. Đây là một đơn vị rất thiện chiến và tàn ác thuộc Trung đoàn bộ binh Lê Dương số 3. Tuy nhiên, về tinh thần chúng lại rất lo bị quân ta tiêu diệt vì chúng bị bao vây, nằm lọt giữa trận tuyến chiến đấu của ta, thụ động đối phó khi ta bất ngờ tấn công. Ngày 08/12/1946, địch tăng quân, nâng tổng số quân Pháp lên 800 tên, chốt giữ ở 05 vị trí: Cầu Lai Vu một bộ phận, cầu Phú Lương một trung đội, nhà Nông phố Ngân hàng một đại đội, nhà máy Chai có một đại đội và chỉ huy tiểu đoàn.

Địch đồn trú tại Trường Con Gái một trung đội: 28 tên, do Trung sĩ nhất chỉ huy. Vũ khí địch có 01 Bazoka Mỹ, 03 khẩu trung liên M60, 02 khẩu tiểu liên Thompson, còn lại là súng trường Mỹ. Không có phương tiện thông tin, không có công sự kiên cố.

Từ cuối tháng 11/1946, sau sự kiện gây hấn tại Hải Phòng, Lạng Sơn chúng tập trung cải tạo, biến trường học thành căn cứ quân sự. Các ụ súng 04 góc trường đều là công sự nửa chìm, nửa nổi được đào, đắp, quây bằng các bao cát, cọc rào bằng xi măng cốt thép được căng giây thép gai và cài lá gồi nhằm che mắt người đi đường. Các cửa phòng học được chắn thêm lá tôn dầy và có đục tường thông nhau theo hình chữ chi. Địch phán đoán hướng đánh chủ yếu của ta là từ Sở Rượu sang, nên chúng đặt khu cố thủ ở phòng số 05 và đào giao thông hào có 02 nhánh nối từ ụ súng số 01, số 02 vào trong phòng học.

3. Tình hình ta:

Trên địa bàn tỉnh Hải Dương, lực lượng của ta có Trung đoàn 44 Vệ Quốc đoàn của Liên khu 3, do đồng chí Nam Long làm Trung đoàn trưởng. Mặc dù là trung đoàn chủ lực nhưng còn phụ thuộc vào địa phương, do địa phương cung cấp về hậu cần, nên chất lượng chiến đấu còn hạn chế. Trang bị của đại đội chủ lực cũng mới chỉ có 01 đến 02 khẩu trung liên, 30 đến 40 khẩu súng trường, còn lại là lựu đạn, mã tấu, dao kiếm... Trung đoàn 44 có 04 tiểu đoàn, một tiểu đoàn làm nhiệm vụ liên quân tiếp phòng, một tiểu đoàn đứng chân ở Đông Bắc thị xã Hải Dương và một tiểu đoàn đứng chân trong thị xã Hải Dương.

Ngoài Trung đoàn 44, ở Hải Dương lúc này có khoảng 300 cảnh vệ. Lực lượng cảnh vệ của tỉnh được điều động đóng quân ở Ninh Giang, Kẻ Sặt, Phả Lại. Trang bị của các đại đội cảnh vệ chỉ tương đương hoặc thấp hơn đại đội Vệ Quốc đoàn. Các huyện đều có từ 01 đến 02 trung đội cảnh vệ. Lực lượng cảnh vệ sau đó được đổi tên thành "Tự vệ chiến đấu".

Riêng ở thị xã Hải Dương, ngoài tiểu đoàn Vệ Quốc đoàn số 5 và một bộ phận cảnh vệ tỉnh, thị xã còn có 02 trung đội tự vệ chiến đấu, một số đội cảm tử và một số đơn vị công an xung phong. Đó là những đơn vị được tổ chức chặt chẽ đặt dưới sự chỉ đạo của Uỷ ban Bảo vệ thị xã do đồng chí Mạc Ninh làm Chủ tịch. Tiểu đoàn do đồng chí Lê Tôn Hy làm tiểu đoàn trưởng, vừa làm nhiệm vụ liên quân tiếp phòng, vừa tổ chức phòng thủ, chuẩn bị chiến đấu trong thị xã.

Tiểu đoàn Vệ Quốc đoàn số 5 có 04 đại đội: 01 đại đội do đồng chí Hùng Sinh làm đại đội trưởng, đứng chân ở khu vực cầu Lai Vu, Phú Lương; 01 đại đội do đồng chí Đặng Kiên làm đại đội trưởng, đóng quân tại đồn Khố Xanh; 01 đại đội do đồng chí Cang làm đại đội trưởng, chốt giữ cầu Cất và 01 đại đội do đồng chí Vũ Phương làm đại đội trưởng, đóng quân ở Sở Rượu, đối diện với vị trí địch ở Trường Con Gái.

Lực lượng của ta trực tiếp đánh địch tại Trường Con Gái bao gồm 1 bộ phận của đại đội Vũ Phương, tự vệ chiến đấu của thị xã và 01 tổ Công an xung phong.

So sánh lực lượng: Về mặt quân số và tinh thần ta hơn hẳn địch, nhưng về mặt vũ khí trang bị kỹ thuật của ta còn quá kém, vũ khí gồm nhiều chủng loại khác nhau, do nhiều nước sản xuất, súng cũ và rất ít đạn, thậm chí có súng nhưng không có đạn. Riêng lực lượng vệ chiến đấu hầu hết chỉ có lựu đạn, dao găm, mã tấu...

 

II. TỔ CHỨC CHUẨN BỊ CHIẾN ĐẤU

Thực hiện chủ trương quân sự và nhiệm vụ tác chiến của Bộ tổng chỉ huy giao cho trong đợt tiến công mở đầu kháng chiến toàn quốc tại Hải Dương, Ban chỉ huy Mặt trận Hải Dương vạch ra phương án tác chiến: Dùng 5 đại đội Vệ quốc đoàn (04 đại đội của tiểu đoàn 5 và 01 đại đội của tiểu đoàn 4), cùng với lực lượng cảnh vệ tỉnh, tự vệ thị xã tiến công địch ở Nhà máy Chai, Nông phố Ngân hàng và Trường Con Gái. Quyết tâm của đồng chí Chỉ huy trưởng Mặt trận là "Trong vòng 24 giờ ta phải giải phóng ngay thị xã trước khi địch tăng viện từ Hải Phòng lên". Phương án trên đã được Tỉnh uỷ ủng hộ nhưng không được Bộ Tư lệnh Liên khu 3 phê chuẩn, vì chưa nhận thức hết tình hình địch ở Hà Nội, Hải Phòng. Do vậy, Mặt trận Hải Dương phải huỷ bỏ phương án cũ để thực hiện phương án của Liên khu 3. Trung đoàn 44 chỉ để lại 01 đại đội của đồng chí Vũ Phương và Trung đoàn bộ tác chiến trong nội thành; lực lượng còn lại được rải từ cầu Phú Lương tới Phú Thái (Kim Thành) để đánh và chặn địch từ Hải Phòng theo đường 5 lên Hải Dương. Lực lượng cảnh vệ tỉnh cũng được điều đi làm nhiệm vụ ở các huyện Ninh Giang, Bình Giang, Phả Lại (Chí Linh), số còn lại cùng tự vệ thị xã phối hợp với đại đội của đồng chí Vũ Phương đánh địch trong nội thị.

Suốt ngày 19 tháng 12 năm 1946, nhân dân thị xã Hải Dương vẫn sinh hoạt bình thường. Đến tối cùng ngày các lực lượng vũ trang của thị xã tổ chức mít tinh, làm lễ tuyên thệ cho Đội cảm tử quân (sau đổi là Đại đội quyết tử), đồng thời cũng để kiểm tra lần cuối lực lượng tham chiến. Sau khi mít tinh, bộ đội Vệ quốc đoàn vào vị trí chuẩn bị chiến đấu. Tự vệ thị xã và các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, công nhân vẫn tiếp tục tuần hành thị uy, rước đuốc diễu qua các phố làm cho địch tưởng vẫn như mọi ngày, buộc chúng phải bị động đối phó khi ta nổ súng.

Đúng 20 giờ 03 phút, ngày 19 tháng 12 năm 1946, Hà Nội nổ súng. Tiếng súng mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc đồng thời là hiệu lệnh chung, nhưng do điều kiện thông tin liên lạc gặp khó khăn nên thị xã Hải Dương chưa nhận được lệnh nổ súng.

Đến 20 giờ 30 phút, sau khi nhận điện trực tiếp của Tổng Tham mưu trưởng, đồng chí Chỉ huy trưởng Mặt trận Hải Dương thông báo lệnh tiến công của Bộ cho Uỷ ban Bảo vệ tỉnh, đồng thời cử cán bộ đi hạ đạt mệnh lệnh chiến đấu cho các đơn vị và các lực lượng vũ trang khác.

20 giờ 40 phút ngày 19 tháng 12 năm 1946, 02, đồng chí tự vệ thị xã là Văn Tập và Đỗ Văn Vết đã được lệnh dùng mìn phá bốt điện (trạm phân phối điện) ở cống Ba Cửa (nằm trên đường An Ninh ngày nay). Tiếng nổ long trời, cả thành phố chìm trong bóng đêm. Đại đội của đồng chí Vũ Phương và các lực lượng tự vệ phối hợp chủ động nổ súng tiến công vị trí Trường Con Gái. Đại đội đồng chí Hùng Sinh và các lực lượng tự vệ nổ súng tấn công vị trí cầu Phú Lương. Cả thành phố ầm vang tiếng súng, quân ta đồng loạt tiến công vào các vị trí theo kế hoạch.

III. DIỄN BIẾN, KẾT QUẢ VÀ Ý NGHĨA

1. Diễn biến:

Tại Trường Con Gái, ngay từ những phút đầu tiên, cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra rất ác liệt. Tiếng súng, tiếng pháo (pháo đốt và pháo đập), tiếng động cơ gầm rít, tiếng trống, tiếng mõ và tiếng hô xung phong náo động cả thị xã, địch hơn hẳn ta về vũ khí kỹ thuật nhưng chúng chỉ cố thủ trong công sự, không dám thoát ly ra ngoài.

Hoả lực của ta không chế áp được các hoả điểm địch, hoả lực địch bắn rát, các mũi xung phong của ta bị khựng lại không tiến công lên được. Đến 04 giờ sáng ngày 20 tháng 12, ta phải rút ra ngoài, để lại một lực lượng nhỏ tiếp tục theo dõi địch, còn lại đại bộ phận lui về vị trí nghỉ ngơi chuẩn bị tiếp tục chiến đấu.

Đêm 20 tháng 12 năm 1946, vẫn đội hình như cũ, ta tiếp tục tiến công. Mũi đồng chí Đặng Quốc Chinh đã bám sát ụ súng số 01. Địch bắn trả quyết liệt, lực lượng phía sau (Công an xung phong) lại ném lựu đạn lên, gây khó khăn cho lực lượng phía trước; một lúc sau hết lựu đạn ta đành phải rút ra ngoài, bị thương 02 đồng chí.

Từ thực tế diễn biến đêm ngày 19, 20 tháng 12 năm 1946, quân ta đã bám sát được tường rào, nhưng không thể xung phong vào trong, vì ta chưa diệt được các ụ súng của địch. Qua rút kinh nghiệm, sáng ngày 21/12/1946, Ban chỉ huy Mặt trận triệu tập một cuộc họp đến tất cả các mũi tiến công, các lực lượng tham chiến, kể cả chủ lực và địa phương để nhận định tình hình, rút kinh nghiệm chiến đấu, quyết định thay đổi chiến thuật, tạm thời tránh chỗ mạnh, dồn lực lượng đánh vị trí Trường Con Gái, tăng cường một khẩu 37mm (là loại súng 05 nòng, lúc ấy còn gọi là Canông) đặt ở sân chùa Đông Thuần để bắn sang. Các lực lượng đánh cầu Lai Vu, cầu Phú Lương cũng được đưa về đánh vào Trường Con Gái. Trong trận này, các chiến sĩ của ta rất sáng tạo, nhồi trấu vào bao tải đùn đi trước, người bò theo sau để tránh thương vong. Lúc này quân ta chưa có bộc phá, thủ pháo, nhưng chiến sĩ ta đã biết liên kết các mẩu thuốc nổ nhỏ thành một khối thuốc nổ lớn gây sức công phá mạnh, bằng cách dùng vỏ hộp kim loại đựng đồ ăn sáng của Pháp (kích thước 18 x 18 x 10cm) nhét đầy thuốc nổ vào trong, dùng 05 kíp và dây cháy chậm ở đầu dây lại đấu sẵn 05 que diêm, khi sử dụng chỉ cần cầm vỏ bao diêm quệt vào là các que diêm phát lửa gây nổ bộc phá.

Đến 21 giờ đêm ngày 21 tháng 12 năm 1946, tiếng súng tiến công của quân dân thành phố Hải Dương lại nổ giòn, tiếng nổ to hơn những hôm trước, nhưng vị trí Trường Con Gái vẫn yên tĩnh. Bọn địch ở đây tưởng ta không đánh nữa.

Đúng 23 giờ đêm, đồng chí Đặng Quốc Chinh (đã bị thương nhẹ ở bả vai từ đêm hôm trước) xung phong nhận đặt khối thuốc nổ vào lô cốt (nơi chúng đặt súng máy). Một tiếng nổ long trời, ụ súng địch im bặt (đồng chí Đặng Quốc Chinh anh dũng hy sinh, sau này đồng chí được truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”), quân ta đồng loạt reo hò, ào ạt vượt qua khu bãi trống, xung phong vào bên trong. Quân Pháp rối loạn đội hình, buộc phải theo giao thông hào rút vào phía trong các phòng học để cố thủ. Quân ta chiến đấu gan dạ, mưu trí, giành giật với địch từng căn phòng, từng ngách đường. Khoảng một giờ sau, ta tiêu diệt và bắt gọn một trung đội lính Pháp đóng tại đây (tiêu diệt 13 tên, bắt 11 tên, sáng sớm hôm sau ta bắt nốt 04 tên còn lại đang lóp ngóp ở ụ súng số 01). Khi giải tù binh về Uỷ ban Bảo vệ tỉnh, chúng ngoan cố chống lại bị anh em tự vệ bắn chết 6 tên, còn lại bàn giao cho trên được 09 tên.

2. Kết quả:

- Về địch: Bị diệt 19 tên, bắt sống 09 tên và bị thu toàn bộ vũ khí, trang bị.

- Về ta: Hy sinh 02 đồng chí (đồng chí Đặng Quốc Chinh và 01 đồng chí thuộc đại đội Vệ quốc đoàn).

3. Ý nghĩa:

- Trận đánh thắng bọn xâm lược Pháp tại vị trí Trường Con Gái là chiến công đặc biệt, gợi mở cho quân ta nhiều cách đánh sau này. Trận đánh có sức cổ vũ động viên rất lớn cho quân dân ta bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, đồng thời cũng là chiến thắng oanh liệt đầu tiên của quân và dân Hải Dương trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

- Trong trận đánh lịch sử này, với sự nỗ lực phi thường, với khí thế nhất tề xông lên, quân và dân Hải Dương đã bước vào cuộc chiến đấu với ý chí tự tin, quyết thắng. Quân ta đã giành quyền chủ động và phá tung thế trận của quân Pháp định đánh úp ta, đẩy chúng vào tình trạng bị động đối phó. Đêm 19, 20, 21 tháng 12 năm 1946 đã trở thành những đêm lịch sử của "Hải Dương anh dũng" cùng cả nước mở đầu cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp thắng lợi. Về mặt chiến thuật, trận đánh địch ở Trường Con Gái không chỉ là một trận đánh công đồn đầu tiên trong thị xã ngay những ngày đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc; chiến thắng tại Trường Con Gái đã nối liền được các khu phố trong nội thị, tạo điều kiện cơ động chiến đấu dễ dàng khi tiến công cũng như khi rút khỏi thị xã của lực lượng ta.

Nguồn: Hải Dương - Một số trận đánh điển hình trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược
(Tập 2 - Phục kích, tập kích và bắn máy bay Mỹ)
Các tin mới hơn
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến dịch Điện Biên Phủ(22/03/2024)
Người nhóm lửa cách mạng ở TP Hải Dương(27/09/2023)
Cầu phao đường sắt Phú Lương - kỳ tích thời chống Mỹ(20/09/2023)
Tuyên ngôn Độc lập - một áng văn lập quốc vĩ đại(02/09/2023)
Tiếng thơm Nguyễn Đức Sáu(04/07/2023)
Các tin cũ hơn
Trận đánh ca nô địch trên sông Gùa tại thôn Bá Nha, xã Hợp Đức, huyện Thanh Hà (Ngày 25 tháng 3 năm 1948) (30/11/2021)
Trận đánh mìn phá hủy đoàn tàu hỏa chở lính Pháp của du kích xã Bình Định, huyện Cẩm Giàng (Ngày 05 tháng 10 năm 1948)(29/11/2021)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp với lực lượng vũ trang Quân khu 3(23/08/2021)
Lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh và thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám(19/08/2021)
Những nét đặc trưng văn hóa quân sự Đại tướng Võ Nguyên Giáp(18/08/2021)
na
Video
Phóng sự Ảnh
Trang tin đơn vị
Hệ thống văn bản
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website