Lịch sử truyền thống
Chiến thắng Tây Nguyên - Giá trị lịch sử và hiện thực
16/04/2020 08:23:09

Cách đây 45 năm (1975 - 2020), dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, quân và dân ta đã giành thắng lợi vang dội trong Chiến dịch Tây Nguyên. Sau một tháng (04-3-1975 - 03-4-1975) liên tục chiến đấu, bằng sức mạnh tổng hợp, ta đã xóa sổ hoàn toàn Quân đoàn 2 - Quân khu 2 của chính quyền và quân đội Sài Gòn, giải phóng địa bàn chiến lược Tây Nguyên và một số tỉnh Trung Bộ, làm thay đổi cơ bản so sánh lực lượng, thế chiến lược giữa ta và địch, tạo bước ngoặt quyết định, đưa cuộc tiến công chiến lược của ta phát triển thành tổng tiến công trên toàn miền Nam Việt Nam. Thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên có tầm quan trọng về chiến lược, có giá trị lịch sử và hiện thực sâu sắc đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Sau Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết (ngày 27-01-1973), Mỹ phải rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, tạo ra sự thay đổi so sánh lực lượng có lợi cho cách mạng. Ta đã đánh cho “Mỹ cút” nhưng để đánh cho “ngụy nhào” phải có một quá trình chuẩn bị thế và lực mới. Từ năm 1973, nhất là sau khi có Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 7-1973), quân và dân ta đẩy mạnh hoạt động phản công, tiến công địch nhằm tạo chuyển biến cục diện trên chiến trường, cơ quan Tổng hành dinh đã bắt tay vào xây dựng kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam. Sau nhiều lần chuẩn bị, tám lần thông qua Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương và tranh thủ ý kiến các tư lệnh chiến trường, đến đầu năm 1975, kế hoạch chiến lược được hoàn chỉnh. Theo đó, Bộ Chính trị quyết định chọn Tây Nguyên (trọng điểm là Nam Tây Nguyên) làm hướng tiến công mở màn cho cuộc tổng tiến công chiến lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Do thế bố trí chiến lược của địch là thế mạnh ở hai đầu (Huế - Đà Nẵng và Sài Gòn), yếu và sơ hở quãng giữa (miền Trung - Tây Nguyên) - địa bàn có vị trí vô cùng quan trọng về chiến lược. Nếu ta giải phóng được Tây Nguyên, sẽ làm rung chuyển toàn bộ chiến trường miền Nam và các chiến trường khác, cắt đôi thế bố trí chiến lược của địch, mở ra khả năng phát triển lực lượng tiến công xuống đồng bằng Khu 5 và các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Cùng với xác định trọng điểm là nam Tây Nguyên, thì Buôn Ma Thuột, được lựa chọn là trận mở đầu then chốt, quyết định.

Để thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định tăng cường cho Tây Nguyên một số lượng lớn về lực lượng, vũ khí, trang bị và tổ chức Bộ Tư lệnh tiền phương bên cạnh Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên để chỉ đạo trực tiếp. Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã tiến hành công tác chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng, chu đáo; các đơn vị được lệnh tuyệt đối giữ bí mật, không để địch phát hiện ý định chiến dịch và lực lượng ta trên hướng tác chiến chủ yếu (Buôn Ma Thuột); tích cực hoạt động nghi binh làm lạc hướng chú ý của địch ở Trị - Thiên và Bắc Tây Nguyên.

Ngày 04-3-1975, ta bắt đầu hoạt động cắt Đường số 19, đánh một số mục tiêu ở Pleiku để nghi binh, tạo thế chiến dịch. Sau khi đã hoàn thành việc “bày binh, bố trận”, ngày 10-3-1975, ta nổ súng tiến công, đánh đòn điểm huyệt Buôn Ma Thuột. Bằng cuộc tiến công hiệp đồng binh chủng của các đơn vị, nhanh chóng tiêu diệt Sở Chỉ huy Sư đoàn 23 và Sở Chỉ huy Tiểu khu Đắk Lắk của quân đội Sài Gòn, chiếm tất cả các vị trí trong thị xã, tiêu diệt và bắt làm tù binh toàn bộ quân địch. Tiếp đó, ta nhanh chóng đập tan cuộc phản đột kích của Quân đoàn 2 địch hòng tái chiếm Buôn Ma Thuột, diệt Trung đoàn 44 và 45 thuộc Sư đoàn 23. Đòn điểm huyệt và đánh bại cuộc phản kích của Sư đoàn 23 khiến địch càng hoảng loạn, đẩy chúng từ sai lầm về chiến dịch tới sai lầm lớn về chiến lược: Rút bỏ Tây Nguyên theo Đường số 7 về đồng bằng. Cuộc truy kích của quân và dân ta trên Đường số 7 đã xóa sổ Quân khu 2 địch, tiêu diệt và làm tan rã một tập đoàn phòng ngự lớn, giải phóng một địa bàn chiến lược rộng lớn. Chiến dịch Tây Nguyên kết thúc toàn thắng.

Thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên là thắng lợi có tầm quan trọng về chiến lược, thể hiện sự vận dụng sáng tạo đường lối chính trị, quân sự của Đảng, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, nghệ thuật quân sự Việt Nam vào thực tiễn chiến trường. Đó là thắng lợi của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, mà nét tiêu biểu là sự chỉ đạo chiến lược và nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân phát triển tới đỉnh cao trong giai đoạn cuối của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đó còn là thắng lợi của ý chí quyết chiến, quyết thắng, tinh thần chiến đấu quả cảm, mưu trí, sáng tạo của các lực lượng vũ trang và toàn dân. Với thắng lợi này, ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu diệt một bộ phận lớn sinh lực địch, giải phóng địa bàn có ý nghĩa chiến lược, làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch ở phía Bắc, phá vỡ và chia cắt thế bố trí chiến lược của địch, làm cho quân địch phải co cụm và bị động đối phó trên các chiến trường; mở ra thời cơ của cuộc tổng tiến công chiến lược. Chiến thắng Tây Nguyên đã đẩy đối phương vào thế bị động, lúng túng, tác động đến tinh thần binh sĩ địch trên khắp chiến trường; cổ vũ, động viên mạnh mẽ tinh thần, khí thế tiến công của quân và dân ta ở tiền tuyến và hậu phương; củng cố quyết tâm chiến đấu và lòng tin của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vào thắng lợi cuối cùng, đồng thời rèn luyện thêm bản lĩnh, khả năng tác chiến của bộ đội ta.

 

Tư lệnh Hoàng Minh Thảo (thứ hai, từ trái sang) cùng các đồng chí trong
Bộ Chỉ huy Chiến dịch Tây Nguyên (Ảnh tư liệu)

45 năm đã trôi qua, nhưng Chiến thắng Tây Nguyên vẫn còn nguyên giá trị về lý luận và thực tiễn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.

1. Nắm vững chủ trương chiến lược của Đảng, chủ động, sáng tạo trong xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch chiến lược.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta đã tỏ rõ bản lĩnh, mưu lược, “biết địch, biết ta”, điều hành toàn diện cuộc chiến tranh trên phạm vi cả nước, lần lượt đánh bại các kế hoạch, chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ. Từ giữa năm 1973, trên cơ sở quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo mới theo Nghị quyết 21 của Đảng, nắm vững quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, cơ quan Tổng hành dinh đã bắt tay xây dựng và từng bước bổ sung, hoàn chỉnh kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam1. Trong đó, xác định rõ hướng chiến lược, các bước, các đợt tiến công; nhiệm vụ của từng chiến trường; dự kiến thời cơ các tình huống chiến lược, chiến dịch; kế hoạch tổ chức, sử dụng lực lượng, chuẩn bị chiến trường, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật… trên từng hướng, từng chiến trường. Tháng 10-1974, Bộ Chính trị xác định nhiệm vụ cấp bách lúc này là: “Động viên những nỗ lực cao nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ở cả hai miền, mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy cuối cùng... Ngay từ bây giờ, phải tiến hành mọi công việc chuẩn bị thật khẩn trương, tạo điều kiện và cơ sở vật chất đầy đủ nhất để đánh mạnh, đánh nhanh, thắng gọn và triệt để trong hai năm 1975-1976”2. Đầu tháng 01-1975, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương họp và hạ quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976 và nếu có thời cơ thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975. Tiếp đó, bằng sự nhạy bén và sáng suốt, Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương đã quyết định chọn Tây Nguyên, địa bàn có vị trí vô cùng quan trọng về chiến lược làm hướng tiến công chiến lược, mở màn cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam. Đây là quyết định đúng đắn, một thành công xuất sắc trong chỉ đạo chiến lược của Đảng đã được thực tiễn kiểm nghiệm, chứng minh. Quán triệt quyết tâm chiến lược của Đảng, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên đã khắc phục mọi khó khăn, chủ động xây dựng quyết tâm Chiến dịch, khẩn trương tiến hành mọi công tác chuẩn bị chiến trường để đánh giành thắng lợi ngay trong trận mở đầu - trận then chốt, quyết định. Trong suốt quá trình Chiến dịch, nhờ nắm vững ý đồ chiến lược của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, giải quyết thành công một loạt vấn đề về tổ chức, bố trí, sử dụng lực lượng, tiến hành nghi binh, tạo thế chiến dịch, nghệ thuật đánh trận then chốt, triệt để khai thác, khoét sâu sai lầm chiến lược của đối phương,... quân và dân ta đã giáng cho địch những đòn sấm sét, làm rối loạn, rung chuyển toàn bộ lực lượng và thế trận của địch ở Tây Nguyên, khiến địch không kịp trở tay, dẫn đến sai lầm về chiến lược, cuối cùng bị tiêu diệt và sụp đổ hoàn toàn.

Ngày nay, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, Đảng ta không ngừng tổng kết kinh nghiệm, bổ sung, phát triển Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc; trong đó, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, lực lượng, phương thức tiến hành, các tình huống chiến lược, v.v. Để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải quán triệt, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tiếp tục quán triệt, thực hiện hiệu quả các chiến lược, đề án: Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự Việt Nam, Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia... của Bộ Chính trị; chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong triển khai xây dựng, tổ chức lực lượng và thế trận quốc phòng toàn dân, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn xâm lược của kẻ thù. Các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, nhất là cơ quan tham mưu chiến lược phải luôn bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, dự báo chính xác các nguy cơ, thách thức, các tình huống chiến lược và loại hình tác chiến mới. Đồng thời, tích cực nghiên cứu đặc điểm của chiến tranh công nghệ cao; phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân đối phó với các hình thái chiến tranh xâm lược mới; phương pháp lãnh đạo, chỉ huy, điều hành tác chiến, chiến tranh; chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch tác chiến trên phạm vi cả nước và trên từng địa bàn, khu vực; tham mưu cho Đảng tiếp tục bổ sung, hoàn thiện Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc và các chiến lược chuyên ngành khác để chủ động đối phó hiệu quả với các tình huống, các loại hình chiến tranh xâm lược.

2. Chủ động xây dựng lực lượng, thế trận chiến tranh nhân dân, chuẩn bị chiến trường chu đáo.

Xác định Tây Nguyên là địa bàn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cùng với chủ trương xây dựng lực lượng tại chỗ vững mạnh, rộng khắp, từ năm 1964, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã đưa một số đơn vị chủ lực vào Chiến trường Tây Nguyên. Đặc biệt, trước Chiến dịch Tây Nguyên, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã điều 02 sư đoàn (968, 316), 03 trung đoàn (95B, 232, 575) và nhiều tiểu đoàn tăng cường cho Chiến trường Tây Nguyên, tạo ra ưu thế vượt trội về cả số lượng và chất lượng so với quân địch. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu, trực tiếp đưa Chiến dịch Tây Nguyên đến toàn thắng.

Nhờ được tăng cường lực lượng, quân và dân ta ở Tây Nguyên đã triển khai cả lực lượng chính trị, quân sự, cả ba thứ quân hình thành thế trận chiến lược và cơ động trên toàn chiến trường, tạo thế cài xen giữa ta và địch trên một không gian rộng, vừa thực hiện chia cắt, vây hãm địch, vừa tạo ra thế chủ động tiến công địch khắp mọi nơi. Trụ cột vững chắc của thế trận chiến tranh nhân dân là các sư đoàn chủ lực cơ động được bí mật bố trí ở những hướng then chốt, có khả năng giáng những đòn tiêu diệt lớn quân địch, giành thắng lợi quyết định. Thế trận đó, cho phép chúng ta thực hiện phối hợp tác chiến giữa lực lượng tại chỗ với lực lượng tác chiến cơ động chủ lực; kết hợp đánh nhỏ, đánh phân tán, du kích với đánh lớn, đánh tập trung, chính quy. Phát huy sức mạnh toàn dân đánh giặc, ta đã huy động, tổ chức được đông đảo đồng bào các dân tộc cùng bộ đội và dân công ngày đêm làm đường giao thông, vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm, v.v. Nhờ đó, một khối lượng khổng lồ công việc chuẩn bị chiến trường đã được hoàn thành chu đáo, đúng kế hoạch, giữ được yếu tố bí mật, bảo đảm cho Chiến dịch giành thắng lợi. Trên nền thế trận chiến tranh nhân dân được củng cố, nghệ thuật lập thế trận chiến dịch của ta ngày càng phát triển. Căn cứ vào so sánh thế và lực giữa ta và địch cũng như yêu cầu của nhiệm vụ Chiến dịch, lợi dụng triệt để yếu tố địa hình, địa thế, ta đã bố trí, triển khai lực lượng trên các hướng, các mũi tiến công và thiết bị chiến trường một cách thích hợp, bảo đảm yếu tố bí mật, bất ngờ. Đây là điều kiện bảo đảm cho ta thực hành xuất sắc kế nghi binh, giành được thắng lợi vang dội trong trận đột phá Buôn Ma Thuột, trận phản đột kích chiến dịch của Sư đoàn 23 địch và trận truy kích thần tốc trên Đường số 7, tiêu diệt gọn Quân đoàn 2 địch, hoàn thành toàn bộ nhiệm vụ Chiến dịch.

 

Bộ binh và xe tăng Mặt trận Tây Nguyên đột kích đánh chiếm Sở Chỉ huy Sư đoàn 23 Ngụy tại Buôn Ma Thuột ngày 11/3/1975 (Ảnh tư liệu)

Kế thừa bài học về xây dựng lực lượng, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân trong chiến thắng Tây Nguyên, để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới, chúng ta phải chú trọng xây dựng, củng cố tiềm lực, thế trận, lực lượng quốc phòng trên từng địa phương, hợp thành thế trận phòng thủ đất nước vững chắc, tạo sức mạnh tổng hợp đủ sức đánh bại các loại hình chiến tranh xâm lược của đối phương. Cùng với tăng cường xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ “vững mạnh, rộng khắp” và lực lượng dự bị động viên hùng hậu, phải đẩy mạnh xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có cơ cấu, số lượng hợp lý, chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu ngày càng cao. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân phải kết hợp chặt chẽ với xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Trước hết, phải bố trí, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vừa có diện rộng, vừa có chiều sâu, bảo đảm hợp lý trên từng địa bàn, hướng chiến lược. Tăng cường xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo; trong đó, có địa bàn chiến lược Tây Nguyên theo phương châm vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, an ninh. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc, đặc biệt chú trọng xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân.

3. Xác định đúng hướng tiến công chiến lược và mục tiêu tiến công đúng đắn, sáng tạo.

Trong 30 năm chiến tranh cách mạng (1945-1975), cùng với tiến công địch rộng khắp, liên tục ở mọi quy mô, vào những thời điểm quan trọng, trên cơ sở so sánh lực lượng, thế bố trí lực lượng giữa ta và địch, Đảng ta đã chỉ đạo nhiều chiến dịch lớn đánh vào những nơi rất hiểm yếu nhưng địch lại sơ hở, không đề phòng mà ta có thể đánh bất ngờ giành thắng lợi, làm thay đổi thế trận của địch, khiến cho những chỗ mạnh có liên quan của địch trở thành dễ, thành yếu để ta tiếp tục những đòn tiến công tiếp theo. Đây là bài học sâu sắc trong chỉ đạo chiến lược của Đảng.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, nhờ biết chọn hướng rừng núi Tây Nguyên, nơi có vị trí chiến lược quan trọng làm hướng tiến công chủ yếu mở đầu cho cuộc Tổng tiến công chiến lược; trong đó, chọn Buôn Ma Thuột làm điểm đột phá mở đầu Chiến dịch Tây Nguyên, ta đã nhanh chóng chia cắt, phá vỡ thế chiến lược của địch, làm rung động toàn bộ hệ thống phòng thủ của chúng ở Tây Nguyên, tạo ra đột biến chiến dịch, mở ra bước ngoặt cục diện chiến tranh. Thực tiễn cho thấy, chọn hướng, mục tiêu tiến công phù hợp, đánh đúng thời cơ thì lực lượng nhỏ cũng phát huy được sức mạnh, đạt được hiệu quả to lớn. Ngược lại, chọn hướng tiến công không phù hợp với thực lực của ta và thế bố trí lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường đều không mang lại hiệu quả, thậm chí bị tổn thất lớn về lực lượng.

Từ bài học thành công của Chiến dịch Tây Nguyên, ngày nay để đối phó với chiến tranh xâm lược của kẻ thù, trước hết phải dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân, biết phát huy những thuận lợi, những chỗ mạnh của ta; kịp thời phát hiện và triệt để khai thác những khó khăn, những điểm yếu cốt tử của địch; xây dựng, bố trí các khối chủ lực, các lực lượng trên từng địa bàn, từng khu vực có thể hỗ trợ, phối hợp tác chiến chặt chẽ với nhau; khi thực hành phản công, tiến công phải nắm chắc mục tiêu, đối tượng tác chiến, thực hiện nghi binh, lừa địch, làm cho địch bị bất ngờ về cả hướng, mục tiêu, thời gian và cách đánh.

Trong thời đại Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư, sự phát triển của các loại vũ khí, trang bị, kỹ thuật công nghệ cao tất yếu dẫn đến sự thay đổi về phương thức tiến hành chiến tranh, hình thái chiến tranh, không gian, thời gian tác chiến, ranh giới tiến công, phòng ngự; tác động đến nghệ thuật quân sự, vũ khí, trang bị, công tác đào tạo, huấn luyện,… đồng thời, tác động mạnh mẽ đến phương thức chỉ đạo, quản lý, điều hành chiến tranh. Trong các cuộc chiến tranh xâm lược, kẻ địch bao giờ cũng nắm thế chủ động về thời gian, kế hoạch tiến hành chiến tranh. Để chủ động phòng tránh cũng như chọn được hướng, mục tiêu tiến công phù hợp, đòi hỏi chúng ta phải luôn đề cao cảnh giác, có tầm nhìn chiến lược bao quát cục diện chiến trường, xác định chính xác hướng tiến công, mục tiêu tiến công và các loại vũ khí đối phương có thể sử dụng; kịp thời điều chỉnh thế bố trí lực lượng phù hợp trên từng địa bàn, khu vực, nhất là các khu vực trọng điểm về quốc phòng, an ninh, vùng biên giới, biển, đảo.

4. Vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam.

Thắng lợi của đòn tiến công chiến lược Tây Nguyên là thắng lợi của nghệ thuật lãnh đạo chiến lược, điều hành chiến tranh xuất sắc của Bộ Thống soái và cơ quan Tổng hành dinh. Đó là thắng lợi của nghệ thuật biết nắm bắt thời cơ, thúc đẩy thời cơ, hạ quyết tâm chiến lược chính xác; nghệ thuật “bày binh bố trận”, căng mỏng địch ra hai đầu chiến tuyến, tạo điều kiện cho đòn đánh mãnh liệt vào quãng giữa, cắt đôi thế trận chiến lược của địch; nghệ thuật chọn hướng tiến công chiến lược, chọn điểm đột phá chiến dịch đúng đắn của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương.

Đó còn là thắng lợi của nghệ thuật nghi binh, tạo thế (bao vây, chia cắt), giành và giữ quyền chủ động tiến công địch suốt quá trình chiến dịch; nghệ thuật điều hành và tổ chức trận then chốt, quyết định; nghệ thuật phối hợp tác chiến chặt chẽ, linh hoạt giữa các hướng, các mũi tiến công, giữa lực lượng tiến hành nghi binh và lực lượng đánh trận then chốt chiến dịch; nghệ thuật tổ chức, sử dụng tập trung lực lượng hơn địch ở hướng chủ yếu (Buôn Ma Thuột) để đánh đòn quyết định;... và nghệ thuật tác chiến linh hoạt giữa lực lượng tại chỗ với lực lượng cơ động của chủ lực. Trong từng trận đánh, gắn với địa bàn và đối tượng tác chiến cụ thể, các hình thức chiến thuật cũng được bộ đội ta vận dụng hết sức linh hoạt, sáng tạo. Xét về quy luật của chiến tranh là mạnh được, yếu thua, thì trong Chiến dịch Tây Nguyên, nhờ giải quyết thành công một loạt vấn đề ở cả tầm chiến lược, chiến dịch và chiến thuật, biết “khiến địch, điều địch” theo ý đồ chiến lược của ta; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả các yếu tố lực, thế, thời, mưu; luôn coi trọng nhân tố chính trị - tinh thần, biết tập trung lực lượng ở những thời điểm, hướng quyết định,… ta đã từng bước chuyển hóa lực lượng và thế trận, ít thành nhiều, yếu thành mạnh, tạo ưu thế áp đảo để giáng cho địch những đòn sấm sét, thần tốc giành được thắng lợi hoàn toàn.

Kế thừa nghệ thuật quân sự độc đáo trong Chiến dịch Tây Nguyên, chúng ta cần tiếp tục tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, phát triển nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân Việt Nam lên một tầm cao mới để đối phó hiệu quả với các loại hình chiến tranh xâm lược. Đặc biệt, phải chủ động ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ vào quá trình chỉ huy, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Chú trọng nâng cao trình độ tác chiến, kỹ năng sử dụng vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại cho các quân chủng, binh chủng đã được hiện đại hóa; tổ chức diễn tập hiệp đồng quân chủng, binh chủng, diễn tập cơ động và diễn tập khu vực phòng thủ, nhất là tác chiến trên biển, đảo theo nhiều tình huống giả định khác nhau. Nâng cao năng lực tư duy phân tích, tổng hợp, đánh giá tình hình của đội ngũ cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược và năng lực tổ chức, chỉ huy, điều hành của đội ngũ cán bộ các cấp.

Kỷ niệm 45 năm Chiến thắng Tây Nguyên là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã cống hiến, hy sinh xương máu làm nên chiến thắng Tây Nguyên và nhiều chiến công khác trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất non sông; đồng thời nhìn nhận, đánh giá khách quan, toàn diện hơn giá trị lịch sử và hiện thực của sự kiện này, rút ra những kinh nghiệm quý để vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Phát huy tinh thần Chiến thắng Tây Nguyên, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; chăm lo xây dựng lực lượng, thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh, ngày càng hiện đại; tiếp tục tổng kết, vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam vào thực tiễn huấn luyện, chiến đấu; đẩy mạnh xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu ngày càng cao, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn xâm lược của kẻ thù.

Thượng tướng LÊ CHIÊM, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Nguồn: tapchiqptd.vn
Các tin mới hơn
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến dịch Điện Biên Phủ(22/03/2024)
Người nhóm lửa cách mạng ở TP Hải Dương(27/09/2023)
Cầu phao đường sắt Phú Lương - kỳ tích thời chống Mỹ(20/09/2023)
Tuyên ngôn Độc lập - một áng văn lập quốc vĩ đại(02/09/2023)
Tiếng thơm Nguyễn Đức Sáu(04/07/2023)
Các tin cũ hơn
Tư tưởng chủ động tiến công trong Chiến dịch Tây Nguyên và cuộc Tổng tiến công chiến lược Xuân 1975(01/04/2020)
Đề cương tuyên truyền Kỷ niệm 85 năm ngày Truyền thống Dân quân tự vệ Việt Nam (28/3/1935 – 28/3/2020)(20/03/2020)
Đề cương tuyên truyền Kỷ niệm 73 năm ngày Truyền thống LLVT tỉnh Hải Dương (27/3/1947 – 27/3/2020)(12/03/2020)
Những truyền thống vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam(08/01/2020)
Phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh làm nòng cốt cho sự nghiệp quốc phòng toàn dân(03/12/2019)
na
Video
Phóng sự Ảnh
Trang tin đơn vị
Hệ thống văn bản
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website