Lịch sử truyền thống
Trận đánh ca nô địch trên sông Gùa tại thôn Bá Nha, xã Hợp Đức, huyện Thanh Hà (Ngày 25 tháng 3 năm 1948)
30/11/2021 04:25:34

Trận đánh ca nô Pháp trên sông Gùa của du kích Thanh Hà, tại thôn Bá Nha, xã Hợp Đức (Thanh Hà) ngày 25 tháng 3 tháng 1948, là trận đánh đầu tiên trên đường sông của lực lượng vũ trang địa phương tỉnh trong kháng chiến chống thực dân Pháp; làm cháy 1 ca nô, phá huỷ nhiều phương tiện kỹ thuật và tiêu diệt gần 60 tên địch. Trong điều kiện là một tỉnh có nhiều sông, ngòi thì đây là trận đánh có ý nghĩa rất quan trọng, mở ra hướng đánh địch trên đường sông hiệu quả; chỉ cần một lực lượng nhỏ, lợi dụng địa hình hiểm trở có thể tiêu diệt được nhiều sinh lực địch trên sông.

I. TÌNH HÌNH CHUNG

1. Địa hình:

Thanh Hà là một huyện nằm ở phía đông tỉnh Hải Dương, có diện tích tự nhiên là 155,17 km. Phía đông giáp huyện Tiên Lãng (Hải Phòng); phía tây giáp huyện Nam Sách và thị xã Hải Dương (nay là thành phố Hải Dương); phía nam giáp huyện Tứ Kỳ; phía bắc giáp huyện Kim Thành, Huyện Thanh Hà cách bờ biển trên 20 kilô-mét về phía đông, được các sông Thái Bình, sông Rạng, sông Văn Úc bao bọc. Sông Gùa, sông Hương (Cam Giang) là ranh giới tự nhiên chia huyện làm 3 khu: Hà Bắc, Hà Nam, Hà Đông. Giữa các làng, xã trong huyện có rất nhiều sông ngòi, đầm lạch nên rất thuận lợi cho việc hành quân, vận tải bằng đường sông.

Tại thôn Bá Nha, địa hình bên bờ Nam sông Gùa rất kín đáo, hiểm trở, vừa tiện cho việc ém quân bí mật, vừa thuận cho việc quan sát và triển khai vũ khí trang bị. Ca nô địch chạy qua đây đều nằm gọn trong tầm ngắm của các chốt.

Trong thời gian này, mặc dù địch làm chủ trên các tuyến sông, nhưng chúng chủ yếu bố phòng trên mặt đất, rất chủ quan, sơ hở phòng bị trên đường sông. Đặc biệt chúng chưa bị đánh trên sông lần nào, nên ca nô của chúng luôn tự do ngang nhiên chạy qua hoặc đậu ngay tại cửa các con sông.

2. Tình hình địch:

Sau khi thất bại trên chiến trường Việt Bắc, địch gấp rút xin tăng viện và tiến hành các cuộc hành quân bình định ráo riết hơn ở đồng bằng Bắc bộ. Chúng tổ chức các binh đoàn cơ động thành 2 bộ phận, một bộ phận rải ra đóng giữ các đồn bốt đã chiếm, một bộ phận thành lập các đội ứng chiến nhỏ đi càn quét và bình định các vùng tự do của ta.

Đầu năm 1948, địch mở một trận càn lớn vào trung tâm huyện Thanh Hà. Trên các sông Thái Bình, sông Rạng, sông Gùa, sông Văn Úc, ca nô địch tuần tiễu, di chuyển thường xuyên. Mỗi lần chạy qua chúng lại bắn vãi đạn lên khu Hà Đông. Chúng biết đây là khu căn cứ du kích của Thanh Hà, có rất nhiều cơ quan, bộ đội đóng quân. Nhưng chưa thể càn lớn, chúng đã đem 3 tàu chiến, ca nô về đậu tại cửa sông Gùa, bến Lưới, cửa Kênh Đồng hàng tuần, biến nơi đây thành một khu đồn bốt nổi bất khả xâm phạm. Hàng ngày chúng bắn súng cối, tung quân càn quét vào các làng ven sông bắt người, cướp của gây nhiều thiệt hại cho dân chúng.

3. Tình hình ta:

Ngày 05 tháng 9 năm 1947, Đảng bộ huyện Thanh Hà tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ nhất và ra quyết nghị: “Động viên toàn Đảng bộ và nhân dân tham gia kháng chiến... các đảng viên là thanh niên đều phải tham gia du kích chiến đấu bảo vệ làng, xã...”. Từ nghị quyết này, cuối năm 1947 lực lượng du kích các xã được phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, tạo ra được thế trận toàn dân tham gia kháng chiến. Nhiều xã đội trưởng được cử vào cấp uỷ, các thôn đội trưởng hầu hết được kết nạp đảng viên. Phong trào tòng quân trong thanh niên được nhiều người tích cực hưởng ứng. Các thôn được xây dựng thành làng, xã chiến đấu liên hoàn, có cơ sở đảng và tổ chức du kích sẵn sàng cung cấp tin về địch, tiếp tế, giúp đỡ và có ý thức giữ gìn bí mật tốt. Lực lượng dân quân du kích phát triển rộng rãi đến các xóm, có tổ chức chỉ huy chặt chẽ. Đặc biệt, lực lượng du kích huyện, xã đã tham gia đánh địch nhiều trận có hiệu quả.

Để đánh địch trên sông, Tỉnh đội Hải Dương đã trang bị cho Du kích huyện 1 khẩu Bazoka do xưởng quân giới của ta mới chế tạo. Đây là phần thưởng ưu tiên cho Thanh Hà. Sau nhiều lần trinh sát nắm địch, Ban chỉ huy huyện đội đã giao nhiệm vụ diệt ca nô địch cho tổ du kích gồm 04 đồng chí. Tổ du kích được giao nhiệm vụ đánh ca nô địch trên sông Gùa là những đồng chí được tuyển chọn nắm chắc địa hình, có phẩm chất chính trị, có kinh nghiệm chiến đấu, có ý chí quyết tâm cao, đã từng chứng kiến cảnh càn quét tàn phá của địch tại địa phương.

 

II. TỔ CHỨC CHUẨN BỊ CHIẾN ĐẤU

Nhiệm vụ diệt ca nô địch được giao cho các đồng chí: Phạm Kim Bạo, Lê Văn Thảo và các đồng chí Nuôi, Hỷ; do đồng chí Phạm Kim Bạo chỉ huy. Đây là lực lượng du kích của huyện tăng , cường cho xã.

Sau nhiều lần trinh sát nắm chắc địa hình, quy luật hoạt động của địch trên sông Gùa, tổ du kích quyết định chọn rặng Lậu bên luỹ tre nhà anh Cáp (gần chùa Bá Nha, xã Hợp Đức), cách chùa Bá Nha hơn 100 mét là nơi địa thế tốt nhất để phục kích. Trong suốt thời gian chờ đợi, tổ du kích được nhân dân xã Hợp Đức lo ăn uống, làm tốt công tác bảo mật phòng gian nên địch không phát hiện được.

Phương án chiến đấu của tổ du kích được chia làm 3 điểm: điểm chính diện thì nổ súng, hai điểm còn lại thì bố phòng, yểm trợ đề phòng địch quay lại. Chốt chiến đấu đã mai phục 1 tuần, yếu tố bí mật vẫn bảo đảm tốt.

III. DIỄN BIẾN, KẾT QUẢ VÀ Ý NGHĨA TRẬN ĐÁNH

1. Diễn biến:

Đúng 13 giờ chiều ngày 25 tháng 3 năm 1948, hai chiếc ca nô quân sự (một ca nô chở lính) của địch chạy từ Hải Phòng lên Hải Dương, mặc dù ca nô địch đã lọt vào sông Gùa, nhưng nước trên sông đã vào thời điểm cạn kiệt, mục tiêu không lọt vào tầm ngắm của chốt, nên tổ du kích không thể hạ lệnh tiến công được.

Khoảng một giờ sau, tổ trinh sát tại cây quéo thôn Bá Hoàng phát hiện 2 ca nô địch từ đò Lạng chạy xuống. Khi cơ động đến mũi Gươm, địch bắn thị uy một loạt lên các xóm ven sông rồi chạy chậm xuống sông Gùa. Ca nô đi trước của địch đã vượt qua ống ngắm, khi ca nô đi sau của địch vừa lọt vào tầm bắn thì đồng chí Phạm Kim Bạo đã bình tĩnh bóp cò, một tiếng nổ vang cả mặt sông, chiếc ca nô địch khựng lại, bốc cháy, khói bay mù mịt và lao đầu sang bờ sông phía Lại Xá. Gần 60 tên địch và các phương tiện kỹ thuật, vũ khí trên ca nô bị cháy, chìm trong nước. Ca nô còn lại của địch vội vã thoát thân chạy về hướng Hải Phòng.

Tin chiến thắng lan nhanh khắp toàn huyện, tỉnh về hiệu quả loại vũ khí mới của ta. Sau khi ca nô bị bắn cháy, địch tổ chức lực lượng đến kiểm tra chiếc ca nô bị đắm và mò xác lính chết. Chúng vô cùng khiếp sợ, vì sắt thép trên ca nô đều bị chảy, bọn lính thì cháy thui. Chúng đã truyền miệng nhau về loại vũ khí mới của ta “Bắn thép chảy nước”, làm cho cả bọn lính xe tăng và lính gác trong lô cốt đều hoang mang, lo sợ.

2. Kết quả:

Ta bắn cháy, chìm 01 ca nô, phá huỷ nhiều phương tiện kỹ thuật, vũ khí trên ca nô và tiêu diệt gần 60 tên địch.

3. Ý nghĩa:

Chiến thắng bắn cháy và chìm ca nô địch trên sông Gùa đã làm nức lòng quân dân Thanh Hà. Chiến thắng đã mang lại sự vui mừng phấn khởi và niềm tin tưởng lạc quan về loại vũ khí mới của ta. Câu ca: "Bốn anh du kích Thanh Hà, bắn ca nô đắm chan hoà máu Tây" được truyền tụng rộng rãi và cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào giết giặc lập công trong toàn huyện. Để báo công với Bác, Huyện đội Thanh Hà gửi biếu Bác Hồ chiếc áo mưa và khẩu súng pháo hiệu thu được sau trận đánh. Bác đã gửi một bức thư cho du kích Thanh Hà, viết bằng mực tím:

“Gửi đội du kích Thanh Hà!

Bác đã nhận được súng và áo gửi tặng Bác. Bác rất hoan nghênh. Mong các chú thi đua luyện quân, lập công, lập nhiều thành tích hơn nữa. Bác Hồ”

IV. ƯU ĐIỂM VÀ MỘT SỐ KINH NGHIỆM

1. Ưu điểm:

Tổ chiến đấu của đồng chí Phạm Kim Bạo cùng 3 chiến sĩ Thảo, Hỷ, Nuôi có quyết tâm rất cao, mưu trí, dũng cảm, táo bạo, khắc phục khó khăn, nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh.

Tổ chức chiến đấu tốt, nắm chắc tình hình địch, chuẩn bị mọi mặt tỷ mỉ, công phu, cách đánh sáng tạo, phù hợp, giữ bí mật tốt, thực hành chiến đấu nhanh, gọn, hiệu suất chiến đấu cao, bảo toàn được lực lượng sau trận đánh.

Quan hệ mật thiết với nhân dân, tận dụng được cơ sở nhân dân để chuẩn bị tốt cho trận đánh.

2. Một số kinh nghiệm:

Thắng lợi của trận đánh ca nô địch trên sông Gùa của du kích Thanh Hà là một thực tế điển hình về cách đánh lấy ít thắng nhiều, lấy lực lượng nhỏ tinh nhuệ đánh thắng binh khí kỹ thuật và sinh lực quan trọng của địch. Đây là đòn đánh hiểm, đánh trúng vào nơi địch không ngờ tới, đạt hiệu suất chiến đấu cao khiến quân địch khiếp sợ, xây dựng lòng tin và ý chí đấu tranh của nhân dân trong vùng địch hậu.

Kẻ địch dù mạnh về lực lượng và trang bị vũ khí nhưng vẫn bị tiêu diệt, nếu ta có quyết tâm và cách đánh, biết khai thác triệt để thế mạnh của chiến tranh nhân dân, biết dựa vào dân, tích cực kiên trì nắm chắc địch, lợi dụng sơ hở của địch và có cách đánh phù hợp.

Trận đánh ca nô địch trên sông Gùa của du kích Thanh Hà là trận đánh có chủ trương đúng, quyết tâm cao và tinh thần chiến đấu dũng cảm, đây là cơ sở đầu tiên hết sức quan trọng. Song quan trọng hơn là phải kiên trì, sâu sát giáo dục, động viên mọi người giữ vững quyết tâm trong suốt quá trình chuẩn bị và thực hành chiến đấu. Đồng thời, phải nỗ lực tìm hiểu, sáng tạo ra cách đánh phù hợp, với những biện pháp thật cụ thể, tỉ mỉ để đem lại thành công cho trận đánh.

Nguồn: Hải Dương - Một số trận đánh điển hình trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược
(Tập 1 - Chống càn và đánh phá giao thông)
Các tin mới hơn
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến dịch Điện Biên Phủ(22/03/2024)
Người nhóm lửa cách mạng ở TP Hải Dương(27/09/2023)
Cầu phao đường sắt Phú Lương - kỳ tích thời chống Mỹ(20/09/2023)
Tuyên ngôn Độc lập - một áng văn lập quốc vĩ đại(02/09/2023)
Tiếng thơm Nguyễn Đức Sáu(04/07/2023)
Các tin cũ hơn
Trận đánh mìn phá hủy đoàn tàu hỏa chở lính Pháp của du kích xã Bình Định, huyện Cẩm Giàng (Ngày 05 tháng 10 năm 1948)(29/11/2021)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp với lực lượng vũ trang Quân khu 3(23/08/2021)
Lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh và thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám(19/08/2021)
Những nét đặc trưng văn hóa quân sự Đại tướng Võ Nguyên Giáp(18/08/2021)
Người làm rạng rỡ non sông đất nước ta(17/05/2021)
na
Video
Phóng sự Ảnh
Trang tin đơn vị
Hệ thống văn bản
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website