Lịch sử truyền thống
Đại tướng Võ Nguyên Giáp với lực lượng vũ trang Quân khu 3
23/08/2021 10:41:46

Khi nói về vùng đất căn bản Quân khu 3, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng khẳng định: “Quân khu 3, Quân khu đồng bằng án ngữ Thủ đô, dựa vào Tây Bắc và Việt Bắc, nối liền đất Thanh, Nghệ miền Trung, lại nhìn ra biển cả, giàu tài nguyên và quan trọng về chiến lược. Thời bình đây là một trong những vùng đất căn bản để xây dựng và phát triển, là cửa ngõ giao lưu quốc tế của đất nước. Thời chiến đây là hậu phương quốc gia, đồng thời là mặt trận chống quân xâm lược, nhiều tên làng, tên đất, tên sông đã trở thành tên gọi của những chiến công hiển hách”. Điều đó đã được minh chứng trong suốt chặng đường lịch sử hơn 75 ra đời, chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của LLVT Quân khu 3, đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng đất nước cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh năm 1959.

Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, tháng 10/1945, các Chiến khu 2, 3, 11 - những đơn vị tiền thân của Quân khu 3 ngày nay được thành lập. Tháng 1/1948, Liên khu 3 được thành lập trên cơ sở hợp nhất Chiến khu 2 và Chiến khu 3. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Liên khu 3, Khu Tả Ngạn luôn là chiến trường chính, quân địch thường xuyên tập trung lực lượng quân sự đông nhất, chiếm từ 30-50% trên toàn Đông Dương với những đơn vị tinh nhuệ, thiện chiến, được trang bị hiện đại. Từ rất sớm, Quân ủy Trung ương và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo xây dựng địa bàn thành mặt trận chiến đấu tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, biến hậu phương của địch thành tiền phương của ta, đồng thời là nơi cung cấp lực lượng, vật chất cho kháng chiến. Sau khi các chiến khu được thành lập, đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Tổng Tư lệnh quan tâm chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT) ba thứ quân trên địa bàn. Đến giữa năm 1946, ở đồng bằng Sông Hồng đã xây dựng được các đơn vị cấp trung đoàn như: 41, 44, 50 (ở Tả ngạn); 33, 35, 37, 39 (ở Hữu ngạn).

Tháng 11/1950, tại Hội nghị Tổng kết Chiến dịch Biên Giới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cùng tập thể Trung ương Đảng quyết nghị giao cho Liên khu ủy, Bộ Tư lệnh Liên khu 3 thành lập Đại đoàn chủ lực 320. Đại tướng căn dặn đồng chí Văn Tiến Dũng, Chính ủy Liên khu 3: “…cần bắt tay ngay vào việc xây dựng Đại đoàn để hoạt động được sớm, kịp phối hợp với Chiến dịch Trung Du sang năm”. Theo đó, tháng 1/1951, Liên khu 3 đã điều Trung đoàn 48, 64 để thành lập Đại đoàn 320. Những chỉ đạo của Đại tướng đã trở thành kim chỉ nam hành động cho quân và dân Chiến khu 3, LLVT Hải Phòng, Kiến An trong giai đoạn xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng.

Một trong những nội dung trọng tâm của xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân trên địa bàn Liên khu 3 trong kháng chiến chống thực dân Pháp được Quân ủy Trung ương và Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất quan tâm là xây dựng các làng, xã chiến đấu, khu du kích, căn cứ du kích. Theo đó, các làng kháng chiến vùng đồng bằng Sông Hồng đã phát triển từ nhỏ đến lớn, từ từng làng đến liên hoàn nhiều làng (năm 1948, đã có 480 làng kháng chiến); thực sự là căn cứ địa, hậu phương tại chỗ của cấp cơ sở, tạo nên thế trận xen kẽ, bao vây, uy hiếp và là pháo đài ngăn chặn quân địch. Đến năm 1952, các làng, xã chiến đấu, vùng căn cứ du kích đã chiếm hơn một nửa diện tích vùng đồng bằng Bắc Bộ, phát triển thành thế liên hoàn, hình thành nên thế trận chiến tranh nhân dân hiểm hóc, tạo hình thái xen kẽ địch, ta và thế chiến tranh du kích bao vây tấn công uy hiếp địch thường xuyên từ nhiều phía, buộc chúng phải bị động đối phó.

Cùng với chỉ đạo xây dựng các làng, xã chiến đấu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn quan tâm chỉ đạo quân dân đồng bằng Bắc Bộ đẩy mạnh chiến tranh du kích, biến hậu phương địch thành tiền phương của ta. Cuộc đấu tranh của quân dân Liên khu 3, Khu Tả Ngạn mặc dù có nhiều khó khăn, tổn thất nhưng đã phát triển đi lên, có bước phát triển cao, trở thành mặt trận chính ở vùng sau lưng địch. Trên địa bàn, đã diễn ra nhiều chiến dịch như: Hà Nam Ninh (6/1951), Hòa Bình (12/1951-2/1952)…

Sáng tạo nổi bật trong chiến tranh du kích ở đồng bằng Bắc Bộ là cuộc chiến tranh trên mặt trận Đường 5. Bằng mọi lực lượng và mọi hình thức tác chiến, quân dân Tả Ngạn đã biến nơi đây thành con đường khủng khiếp đối với thực dân Pháp. Mặt trận Đường 5 được Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng Tư lệnh tuyên dương là “Mặt trận điển hình thứ nhất đánh vào địch hậu, vùng biển và miền đồng bằng”. Tính chung, trong kháng chiến chống Pháp, quân và dân Liên khu 3, Khu Tả Ngạn đã đánh trên 78.600 trận, loại khỏi vòng chiến đấu gần 400.000 quân địch; phá huỷ và thu hơn 42.000 súng; 5.625 xe và nhiều phương tiện chiến tranh khác.

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, miền Bắc được giải phóng và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Để tiếp tục xây dựng Quân khu 3 thành “hậu phương quốc gia, đồng thời là một mặt trận chống quân xâm lược” trong điều kiện, hoàn cảnh mới, dưới sự chỉ đạo của Đại tướng, LLVT Quân khu 3 đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương, xây dựng địa bàn thành hậu phương lớn của tiền tuyến miền Nam, đồng thời là mặt trận chiến đấu chống lại các đợt đánh phá của hải quân, không quân và ngăn chặn, phong tỏa của đế quốc Mỹ, góp phần bảo vệ miền Bắc, bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Quân khu đã tập trung xây dựng lực lượng thường trực, củng cố dân quân tự vệ, xây dựng làng, xã chiến đấu, tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức về bản chất giai cấp, truyền thống Quân đội; coi trọng xây dựng cơ sở để phát động “mỗi người dân là một chiến sĩ”, “mỗi làng xã, đường phố là một pháo đài”, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc.

Theo sự chỉ đạo của Bộ Tổng Tư lệnh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Quân khu đã làm tốt công tác tuyển quân; tích cực xây dựng, củng cố các sư đoàn, trung đoàn chủ lực bổ sung cho chiến trường. Quân khu 3 đã phát động các cuộc vận động “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”; các tỉnh, các huyện đều đăng ký sẵn sàng bổ sung lực lượng cho miền Nam với số lượng đầy đủ, chất lượng cao nhất. Đã xuất hiện nhiều phong trào sáng tạo, có sức lan tỏa mạnh mẽ như “Tiếng trống 30, tòng quân diệt Mỹ” (Thái Bình), “Sấm dậy đường 5” (Hải Hưng), “Trung dũng quyết thắng, nổi trống phất cờ, nhất tề đứng dậy” (Hải Phòng), “Đất mỏ kiên cường” (Quảng Ninh)…

Giai đoạn 1965-1968, cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân trên địa bàn miền Bắc diễn ra hết sức ác liệt. Năm 1965, Đại tướng đã cùng Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh đề ra phương châm chỉ đạo: “Đánh địch đi đôi với phòng tránh. Vừa sản xuất, vừa chiến đấu, kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng. Bảo đảm giao thông là nhiệm vụ chiến lược trung tâm trong cả quá trình chiến tranh”. Theo đó, Quân khu 3 chú trọng nâng cao chất lượng công tác sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu. Các làng, xã chiến đấu được xây dựng theo phương châm: Lấy chính trị làm gốc, kinh tế làm nền tảng, quân sự là quan trọng. Chú trọng xây dựng, củng cố vùng xung yếu, ven biển, hải đảo, các địa phương nằm ven đường giao thông, có cầu, bến phà… nhằm tạo nên thế trận mới bảo vệ hậu phương, chi viện cho tiền tuyến. Khi đế quốc Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, quân và dân Quân khu đã tổ chức hàng nghìn tổ trực chiến bắn máy bay bay thấp bằng súng bộ binh và súng máy cao xạ, phối hợp với lực lượng phòng không chủ lực, tạo nên lưới lửa phòng không rộng khắp.

Tháng 12/1968, tham dự cuộc họp đầu tiên của Quân khu ủy Tả Ngạn (mới được tách ra từ Quân khu 3), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhấn mạnh: “Là một quân khu đông người, nhiều của nhất. Là một quân khu chi viện sức người sức của lớn nhất cho miền Nam, lại có cảng Hải Phòng là cảng tiếp nhận toàn bộ chi viện của cả phe xã hội chủ nghĩa, nhất là Liên Xô, Trung Quốc, để chi viện vật chất chủ yếu cho miền Nam và xây dựng, chiến đấu ở miền Bắc…”, “Cảng Hải Phòng là cảng lớn nhất và duy nhất nhận sự chi viện quốc tế về vật chất của cả nước. Tầm quan trọng về chiến lược của cảng Hải Phòng như vậy nên địch đưa chiến tranh phá hoại trở lại miền Bắc thì nhất định chúng phải tập trung không quân và hải quân đánh phá ác liệt Hải Phòng. Cho nên Quân khu Tả Ngạn cần phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân, với Sư đoàn Phòng không 363, bảo vệ bằng được Hải Phòng”, “Đã là trọng điểm thì Quân khu và thành phố phải tập trung mọi nỗ lực để quyết đánh và quyết thắng quân địch...”.

Với sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Đại tướng, Quân khu 3 và các địa phương đã khơi dậy trong nhân dân quyết tâm “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, tạo nên thế trận hiệp đồng vừa rộng rộng khắp, vừa có trọng điểm đánh địch nhiều tầng, nhiều hướng. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân và dân Quân khu đã cùng các lực lượng trên địa bàn chiến đấu 39.450 trận, bắn rơi 1.524 máy bay Mỹ (trong đó có 10 máy bay B52, 2 máy bay F111), bắt sống nhiều giặc lái; bắn chìm, bắn cháy 75 tàu chiến các loại; tiêu diệt nhiều toán biệt kích Mỹ, Ngụy; rà phá và tháo gỡ gần 69.000 quả bom, mìn, thuỷ lôi.

Đất nước thống nhất, “đồng bằng Sông Hồng, Quân khu 3 càng có vị thế quan trọng đối với cả nước ta, về chính trị, về kinh tế và văn hóa, về an ninh và quốc phòng…”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo hợp nhất Quân khu Tả Ngạn, Quân khu Hữu Ngạn thành Quân khu 3, tạo nên thế và lực mới cho Quân khu. Quân khu 3 trở thành địa bàn rộng lớn với đầy đủ 2 tính chất vừa là tiền tuyến vừa là hậu phương. Khi cuộc chiến tranh nổ ra ở hai đầu đất nước, dưới sự chỉ đạo của Đại tướng, Quân khu 3 tiếp tục làm tốt công tác tuyển quân, chi viện sức người, sức của cho các chiến trường. Riêng năm 1977, Bộ Quốc phòng giao cho Quân khu tuyển 77.200 quân (có 23.000 quân bổ sung cho mặt trận biên giới Tây Nam) và thành lập các trung đoàn dân quân tự vệ đi xây dựng kinh tế ở các tỉnh phía Nam.

Khái quát về những chiến công của Quân khu 3, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng bằng Bắc Bộ là chiến trường giành giật quyết liệt giữa ta và địch, nổi tiếng với những làng chiến đấu, với chiến tranh du kích sau lưng địch. Kháng chiến chống Mỹ, đồng bằng Sông Hồng đã cung cấp thường xuyên và ngày càng nhiều sức người, sức của của hậu phương lớn ra tiền tuyến lớn, nơi đã diễn ra cuộc chiến tranh nhân dân đất đối không, chiến tranh nhân dân trên chiến trường sông biển với trình độ ngày càng cao, đánh bại chiến tranh phá hoại, ngăn chặn và phong tỏa bằng không quân và hải quân của địch”.

Trải qua gần 8 thập kỷ xây dựng, chiến đấu và phát triển, LLVT Quân khu 3 đã lập nên những chiến công hiển hách. Những thành tích đó luôn gắn liền với sự quan tâm chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong thời kỳ mới, LLVT Quân khu 3 tích cực phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các cơ quan, ban, ngành xây dựng phòng thủ Quân khu, khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững chắc, là địa bàn có kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển; quốc phòng, an ninh vững mạnh, cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nguyễn Thanh (tổng hợp)

Nguồn: quankhu3.vn

Các tin mới hơn
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến dịch Điện Biên Phủ(22/03/2024)
Người nhóm lửa cách mạng ở TP Hải Dương(27/09/2023)
Cầu phao đường sắt Phú Lương - kỳ tích thời chống Mỹ(20/09/2023)
Tuyên ngôn Độc lập - một áng văn lập quốc vĩ đại(02/09/2023)
Tiếng thơm Nguyễn Đức Sáu(04/07/2023)
Các tin cũ hơn
Lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh và thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám(19/08/2021)
Những nét đặc trưng văn hóa quân sự Đại tướng Võ Nguyên Giáp(18/08/2021)
Người làm rạng rỡ non sông đất nước ta(17/05/2021)
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Kỳ tích của thời đại Hồ Chí Minh(07/05/2021)
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng(01/02/2021)
na
Video
Phóng sự Ảnh
Trang tin đơn vị
Hệ thống văn bản
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website