Lịch sử truyền thống
Trận phục kích bắn rơi máy bay Mỹ của trung đội nữ dân quân xã Tráng Liệt, Bình Giang (Đêm 31 tháng 3 năm 1968)
04/01/2022 10:12:56

Chiến công bắn rơi máy bay A-6A tại huyện Ninh Giang của Trung đội nữ dân quân xã Tráng Liệt, huyện Bình Giang, đêm 31 tháng 3 năm 1968, tại khu vực thị trấn Ninh Giang là trận chiến đấu với tinh thần chủ động và đạt hiệu suất cao. Đặc biệt, đây là trung đội nữ dân quân trực chiến bắn máy bay Mỹ mà toàn bộ chị em đều theo đạo Thiên chúa giáo. Trận thắng này là một trong ba chiến công bắn rơi máy bay Mỹ của nữ dân quân Quân khu 3 trong chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của không quân Mỹ.

I. TÌNH HÌNH CHUNG

1. Địa hình:

Thị trấn Ninh Giang thuộc huyện Ninh Giang, trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của không quân Mỹ (1965 - 1968), nơi đây là thị trấn sầm uất, dân cư đông đúc, là giao điểm của các tuyến đường thuỷ, bộ. Đường bộ từ Hà Nội đi cửa biển Diêm Điền, Thụy Anh và từ Hà Nội đi Kiến An, Hải Phòng. Đường thuỷ từ Hải Phòng về Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định theo sông Hồng ngược lên Hà Nội. Thị trấn có nhà máy xay vào loại lớn ở miền Bắc lúc đó, là cửa ngõ ra vào của không quân địch; nên ngay từ đầu cuộc chiến tranh phá hoại, không quân Mỹ đã coi đây là một trọng điểm cần đánh phá.

2. Tình hình địch:

Không quân địch khi đánh phá vào địa bàn, thường dùng từ 02 đến 04 tốp máy bay, mỗi tối từ 02 đến 03 chiếc, bay ở độ cao từ 800m đến 1.500m. Đường bay thường từ cửa sông Thái Bình bay vào, chia làm nhiều tầng, nhiều hướng, nhiều lần; đồng thời, dùng tốp nhỏ bay thấp theo triền sông Luộc để tìm đánh mục tiêu di động.

Giai đoạn cuối năm 1967, đầu năm 1968 chúng thường bay đánh đêm vào các thời điểm từ 10 giờ tối đến 04 giờ sáng, nhằm tạo bất ngờ và gây khó khăn cho hỏa lực phòng không của ta khi nổ súng tiêu diệt.

3. Tình hình ta:

Trung đội Nữ dân quân trực chiến bắn máy bay Mỹ của xã Tráng Liệt (Bình Giang) được biên chế 22 đồng chí, trung bình là 18 tuổi, ăn ở tập trung do địa phương cung cấp và bảo đảm hoàn toàn. Chị em đều có ý chí quyết tâm chiến đấu cao, đã qua nhiều đợt huấn luyện và trực tiếp chiến đấu. Ban chỉ huy trung đội gồm: Trung đội trưởng Đặng Thị Minh; trung đội phó Bùi Thị Kim; Chính trị viên Nguyễn Văn Giám. Trung đội được trang bị 04 khẩu súng máy phòng không 12,7mm, lượng đạn khoảng trên 2.000 viên.

Trung đội được thành lập tháng 9 năm 1967, đến tháng 10 năm 1967 tỉnh đội Hải Dương và huyện đội Bình Giang đã cử cán bộ về tổ chức huấn luyện tại xã 20 ngày. Từ tháng 11 năm 1967 đến tháng 02 năm 1968, trung đội đã trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ cầu Sắt (Bình Giang) và cống Bá Thuỷ (Gia Lộc).

Đầu tháng 3 năm 1968, trung đội xung phong cơ động xuống Hà Kỳ (Tứ Kỳ) để đón lõng đường bay của máy bay địch vào đánh phá thị trấn Ninh Giang. Ngày 16 tháng 3 năm 1968, trung đội được lệnh chuyển về triển khai trận địa tại cụm chiến đấu ở thị trấn Ninh Giang.

II. TỔ CHỨC CHUẨN BỊ CHIẾN ĐẤU

Biết rõ tầm quan trọng của thị trấn Ninh Giang, Tỉnh đội đã lên kế hoạch tác chiến cụ thể cho khu vực thị trấn và thành lập cụm phòng không của tỉnh, luôn trực chiến ở khu vực này. Cụm phòng không gồm các đơn vị: Trung đội tự vệ thị trấn Ninh Giang, Trung đội Nữ dân quân Tráng Liệt (Bình Giang); Trung đội Nữ dân quận Long Xuyên (Bình Giang); Trung đội trực chiến xã Hiệp Lực (Ninh Giang); Trung đội trực chiến xã Hà Kỳ (Tứ Kỳ). Các đơn vị này đều được trang bị súng máy phòng không 12,7mm và súng đại liên.

Các đơn vị đều bố trí trận địa ở bãi sông Luộc, khu vực thị trấn. Riêng trung đội Nữ dân quân Tráng Liệt, được chỉ huy cụm đồng ý cho cơ động bố trí trận địa ở bãi sông gần bến đò Chanh thuộc địa phận xã Phụ Dực (Thái Bình).

Trung đội di chuyển sang Thái Bình từ ngày 24 tháng 3 năm 1968, trong thời gian này trung đội đã ba lần báo động luyện tập bắn mục tiêu ban đêm, cắm hướng và thống nhất chỉ huy theo khẩu lệnh.

Do máy bay địch thường bay đánh ban đêm nên ban ngày trung đội làm công tác chuẩn bị chiến đấu, tất cả 04 khẩu 12,7mm đều quay nòng súng về hướng 34 (hướng tây bắc) để đón đường bay ra của địch.

III. DIỄN BIẾN, KẾT QUẢ VÀ Ý NGHĨA

1. Diễn biến:

Hồi 23 giờ đêm ngày 21 tháng 3 năm 1968, một tốp máy bay địch bay vào Vĩnh Bảo (Hải Phòng), qua Nguyên Giáp, Tiên Động ném bom, bắn phá khu vực Nho Lâm, Phượng Kỳ (Tứ Kỳ) rồi vòng sang khu vực thị trấn Ninh Giang. Khi nghe thấy tiếng máy bay và tiếng bom nổ phía huyện Tứ Kỳ, cụm chiến đấu của tỉnh và Trung đội Nữ dân quân Tráng Liệt đã chuyển vào “cấp 1”, sẵn sàng chiến đấu. Phán đoán máy bay địch sẽ bay ra qua trận địa phục kích, nên cả 04 khẩu đội của Trung đội nữ Tráng Liệt đã trong tư thế sẵn sàng nhả đạn khi chúng bay qua.

Đúng như dự đoán, tốp máy địch sau khi đã trút bom bắn phá, chúng bay ra ở độ cao khoảng 1.000 đến 1.500m, tiếng động cơ rõ dần, các khẩu đội đều đã bắt được mục tiêu. Khi ước đoán máy bay địch vào đúng cự ly cho phép, trung đội trưởng Đặng Thị Minh hạ khẩu lệnh “Bắn”, tất cả 04 khẩu 12,7 mm đều nhả đạn, bắn chạm vào một mục tiêu. Trên bầu trời đen đặc bỗng xuất hiện đám lửa loé sáng từ thân máy bay rồi kéo dài ra phía biển. Đúng 23 giờ 10 phút, chiếc máy bay A6A của giặc Mỹ lao đầu xuống biển.

2. Kết quả:

- Về địch: Bị bắn rơi 01 máy bay A-6A.

- Về ta: Tiêu hao 57 viên đạn 12,7mm; người và vũ khí trang bị an toàn.

3. Ý nghĩa:

- Đây là chiến công của một Trung đội Nữ dân quân mà tất cả chị em đều theo đạo Thiên chúa, chiến công thể hiện tinh thần "Toàn dân một ý chí" không phân biệt giáo, lương cùng đồng tâm hợp lực kiên quyết đánh địch giành thắng lợi.

- Chiến công được lập đúng vào ngày cuối cùng khi đế quốc Mỹ buộc phải tuyên bố kết thúc cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất ở miền Bắc Việt Nam.

- Nhận được tin Trung đội nữ dân quân Tráng Liệt bắn rơi máy bay Mỹ vào ban đêm, có nhiều phái đoàn quân sự nước ngoài đến tận Tráng Liệt, trực tiếp gặp chị em trong trung đội để nắm tình hình và học tập (ngày 10 tháng 4 năm 1968, phái đoàn quân sự In-đô-nê-xi-a; ngày 20 tháng 8 năm 1968, phái đoàn quân sự Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và đến ngày 27 tháng 8 năm 1968, đoàn phụ nữ Ca-na-đa). Các phái đoàn đều tập trung nghiên cứu ba vấn đề:

+ Trong điều kiện vũ khí trang bị còn thô sơ, tại sao một đơn vị nữ dân quân lại bắn rơi được máy bay Mỹ vào ban đêm.

+ Cơ động chiến đấu xa quê hương, làm thế nào để bảo đảm được công tác hậu cần.

+ Tổ chức lực lượng ra sao, cách đánh như thế nào để đạt hiệu quả. Chị em trong trung đội đã trả lời tất cả các câu hỏi của các phái đoàn quốc tế đúng như thực tế đã diễn ra, khiến các đoàn đều khâm phục và hết lời ca ngợi.

IV. ƯU, KHUYẾT ĐIỂM VÀ KINH NGHIỆM

1. Ưu điểm:

- Làm tốt công tác chuẩn bị chiến đấu, phát hiện địch từ xa, chỉ huy bình tĩnh, kiên quyết, hạ khẩu lệnh bắn dứt khoát, kịp thời.

- Công tác huấn luyện tốt, xạ thủ có yếu lĩnh động tác thuần thục, thao tác bình tĩnh, chuẩn xác.

2. Khuyết điểm:

- Công tác hiệp đồng, chuẩn bị chiến đấu của toàn cụm chưa tốt; khi máy bay địch đã vào tầm bắn, Trung đội Nữ dân quân Tráng Liệt (bờ nam sông Luộc) bắn xong một điểm xạ, các cụm chiến đấu bên phía Ninh Giang (bờ bắc sông Luộc) mới nổ súng, do vậy không tạo được hoả lực tập trung để tiêu diệt thêm máy bay địch.

3. Kinh nghiệm:

- Một trung đội nữ dân quân dù được trang bị vũ khí thô sơ, nếu có quyết tâm cao, trình độ chiến thuật, kỹ thuật thuần thục, bản lĩnh chiến đấu vững vàng, nhất định sẽ bắn rơi máy bay địch.

- Trong tác chiến phòng không, chỉ huy phải linh hoạt, dứt khoát, phán đoán đúng đường bay, tốc độ, độ cao, hạ mệnh lệnh chính xác, đúng thời cơ. Các khẩu đội bám sát chỉ huy, đồng loạt nổ súng vào một mục tiêu, sẽ tiêu diệt được địch.

Nguồn: Hải Dương - Một số trận đánh điển hình trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược

(Tập 2 - Phục kích, tập kích và bắn máy bay Mỹ)

Các tin mới hơn
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến dịch Điện Biên Phủ(22/03/2024)
Người nhóm lửa cách mạng ở TP Hải Dương(27/09/2023)
Cầu phao đường sắt Phú Lương - kỳ tích thời chống Mỹ(20/09/2023)
Tuyên ngôn Độc lập - một áng văn lập quốc vĩ đại(02/09/2023)
Tiếng thơm Nguyễn Đức Sáu(04/07/2023)
Các tin cũ hơn
Trận bắn rơi máy bay Mỹ tại khu vực động Kính Chủ, xã Phạm Mệnh (Kinh Môn) Ngày 12 tháng 9 năm 1966(04/01/2022)
Trận hóa trang đánh địch giữa ban ngày tại chợ Thọ Trương, Thanh Miện (Ngày 01 tháng 3 năm 1953) (28/12/2021)
Trận đánh cứ điểm Phương Điếm, huyện Gia Lộc (ngày 06 tháng 12 năm 1953)(28/12/2021)
Trận đánh mìn phá hủy đoàn tàu chở lính Âu Phi tại ga Phạm Xá, Kim Thành (Ngày 31 tháng 01 năm 1954)(28/12/2021)
TRẬN ĐÁNH ĐỊCH Ở THÔN LÝ VĂN, XÃ PHÚ ĐIỀN, NAM SÁCH (Ngày 21 tháng 8 năm 1952)(24/12/2021)
na
Video
Phóng sự Ảnh
Trang tin đơn vị
Hệ thống văn bản
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website