Văn bản mới
Gợi ý trả lời: Thi tìm hiểu “Quân khu 3 - Những chặng đường lịch sử”
26/05/2015 02:37:27

Câu 1: Quân khu 3 thành lập ngày tháng năm nào, đã bao lần thay đổi, sáp nhập? hiện nay Quân khu 3 gồm những tỉnh, thành phố nào?


Trả lời:

- Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Đến tháng 10/1945, Chính phủ quyết định thành lập các chiến khu. Trong phạm vi đồng bằng Bắc Bộ và phụ cận có các Chiến khu 2, 3 và 11 (Chiến khu 2, Chiến khu 3 gồm hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Quân khu 3 hiện nay: Chiến khu 2 gồm các tỉnh: Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Hà Đông, Sơn Tây, Hòa Bình, Sơn La và Lai Châu; Chiến khu 3 gồm các tỉnh: Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Kiến An, Quảng Yên, Hải Ninh và thành phố Hải Phòng; Chiến khu 11 là đặc khu Hà Nội trực thuộc Trung ương). Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ Chiến khu 11 sáp nhập vào Chiến khu 2.


- Trước yêu cầu của cuộc kháng chiến ngày càng gay go, ác liệt, ngày 25/8/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 120-SL thành lập Liên khu 3, trên cơ sở hợp nhất Chiến khu 2, Chiến khu 3 và xác định rõ phương hướng cùng cả nước chủ động đưa cuộc kháng chiến sang giai đoạn mới, đánh bại âm mưu bình định của địch, xây dựng và phát triển lực lượng đáp ứng nhiệm vụ kháng chiến. Địa bàn Liên khu 3 gồm các tỉnh: Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Hòa Bình, Hà Đông, Sơn Tây, Hải Dương, Hưng Yên, Kiến An, Hải Phòng, Thái Bình. Tháng 5/1952, Trung ương Đảng, Chính phủ quyết định thành lập Khu Tả Ngạn trực thuộc Trung ương Đảng, địa bàn khu Tả Ngạn gồm các tỉnh: Hải Phòng, Kiến An, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình. Lúc này Liên khu 3 còn lại các tỉnh: Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Hà Đông, Sơn Tây, Hòa Bình. Địa bàn Quân khu 3 gồm Liên khu 3 và Khu Tả Ngạn.


- Ngày 03/6/1957, Bác Hồ ký Sắc lệnh số 017/SL thành lập các Quân khu: Việt Bắc, Tây Bắc, Đông Bắc, Tả Ngạn, Hữu Ngạn, Quân khu 4. Ngày 10/9/1957, Bộ Quốc phòng ra Nghị định 254/NĐ quy định phạm vi địa giới hành chính do các quân khu phụ trách. Theo đó, địa bàn Quân khu 3 lúc này gồm Quân khu Tả Ngạn và Quân khu Hữu Ngạn. Quân khu Tả Ngạn bao gồm các tỉnh: Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Kiến An, Thái Bình. Đến năm 1957 có thêm Hồng Quảng và Hải Ninh. Đồng chí Thiếu tướng Hoàng Sâm - Tư lệnh Quân khu, đồng chí Nguyễn Quyết - Chính ủy Quân khu. Quân khu Hữu Ngạn bao gồm các tỉnh: Hòa Bình, Thanh Hóa (Thanh Hóa mới tách từ Quân khu 4 về), Thiếu tướng Vương Thừa Vũ - Tư lệnh, đồng chí Trần Độ - Chính ủy.


Ngày 01/11/1963, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 51/QĐ-BQP điều chỉnh địa giới Quân khu Tả Ngạn và Quân khu Hữu Ngạn, tổ chức lại với tên gọi Quân khu Đông Bắc và Quân khu 3.


Ngày 27/3/1967, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký Quyết định số 22/QĐ-BQP tách Quân khu 3 thành Quân khu Tả Ngạn và Quân khu Hữu Ngạn. Quân khu Tả Ngạn gồm các tỉnh: Hà Bắc, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình; Quân khu Hữu Ngạn gồm các tỉnh: Thanh Hóa, Hà Nam, Ninh Bình, Hà Tây và Hòa Bình.


Ngày 29/5/1976, Chủ tịch nước ký Sắc lệnh số 45/LCT hợp nhất Quân khu Tả Ngạn và Quân khu Hữu Ngạn để thành lập lại Quân khu 3 và điều chỉnh địa giới hành chính tách tỉnh Thanh Hóa về thuộc Quân khu 4. Như vậy, từ giai đoạn này địa bàn Quân khu 3 gồm các tỉnh: Hải Hưng, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Bắc, Hà Nam Ninh và Hà Sơn Bình.


Ngày 14,15 tháng 7/1976, Đảng ủy Quân khu 3 họp phiên đầu tiên, ra nghị quyết lãnh đạo Quân khu theo yêu cầu mới. Đảng ủy Quân khu thống nhất đánh giá về vị trí, nhiệm vụ quan trọng của Quân khu 3 trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quân khu 3 là địa bàn đông dân cư, giàu của, giàu truyền thống yêu nước, cách mạng, có vị trí quan trọng cả về công nghiệp, nông nghiệp và giao thông,… có mục tiêu chiến lược về quân sự.


Trong hai ngày 29, 30 tháng 6/1978, Quân khu 3 và Quân khu 1 tiến hành bàn giao nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, tổ chức, biên chế, vũ khí, trang bị của LLVT hai tỉnh Hà Bắc và Quảng Ninh từ địa bàn Quân khu 3 cho Quân khu 1.


Ngày 20/4/1979, Chủ tịch nước ký Sắc lệnh số 71/LCT tách tỉnh Quảng Ninh ra khỏi Quân khu 1 để thành lập Đặc khu Quảng Ninh, trực thuộc Trung ương. Ngày 7/7/1979, Đảng ủy Đặc khu Quảng Ninh, họp phiên đầu tiên công bố các quyết định của Bộ Chính trị về thành lập Đặc khu Quảng Ninh và danh sách Đảng ủy Đặc khu. Ngày 4/8/1987, Đảng ủy Quân sự Trung ương ra Nghị quyết số 154/NQ hợp nhất Đặc khu Quảng Ninh vào Quân khu 3.


Ngày 12/8/1991, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII ra nghị quyết chia tỉnh Hà Nam Ninh tái lập tỉnh Nam Hà và Ninh Bình. Những năm tiếp theo địa giới Quân khu tiếp tục được điều chỉnh: Ngày 01/01/1997 tỉnh Hà Nam được tái lập, từ việc chia tách tỉnh Nam Hà thành Nam Định và Hà Nam. Tháng 3/1997 tách tỉnh Hải Hưng thành hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên; tháng 10/1999 tách Hà Tây về Quân khu Thủ Đô.


Từ tháng 10/1999 đến nay, địa bàn Quân khu 3 gồm 9 tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Hòa Bình, Hải Dương, Hưng Yên; diện tích tự nhiên 20.150 km2, có 118,825 km đường biên giới trên bộ với Trung Quốc, 516 km bờ biển, với trên 3000 hòn đảo lớn nhỏ, án ngữ hướng biển Đông và Đông Bắc của Tổ quốc; dân số trên 12,6 triệu người, có trên 20 dân tộc anh em cùng chung sống; có 94 quận, huyện, thị xã, thành phố (thuộc tỉnh); có 1.822 xã phường, thị trấn, trong đó có 3 huyện, thành phố biên giới (Bình Liêu, Hải Hà, thành phố Móng Cái/Quảng Ninh); có 16 xã biên giới; 21 huyện, 366 xã miền núi; 14 huyện, 122 xã ven biển, 4 huyện đảo (Cô Tô, Vân Đồn/Quảng Ninh; Bạch Long Vỹ, Cát Hải/Hải Phòng) và 34 xã đảo.


Như vậy, Quân khu 3 ngày nay là tên gọi của một tổ chức hành chính quân sự, đã được trải qua nhiều lần thay đổi về tên gọi, địa giới, mà phần lớn là vùng đồng bằng Bắc Bộ và vùng phụ cận. Ngày 31/10/1945 ngày thành lập Chiến khu 3, được xác định là Ngày truyền thống của LLVT Quân khu 3.


Câu 2: Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhiều trận đánh của quân và dân Quân khu 3 đã đi và lịch sử, đồng chí hãy cho biết thời gian và diễn biến của 5 trận đánh tiêu biểu?


Trả lời:

1. Bảy ngày đêm chiến đấu bảo vệ thành phố Cảng của quân và dân Hải Phòng (từ ngày 20 đến ngày 26/11/1946)


Tháng 10 năm 1946, thực hiện các mật lệnh của Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương, địch đã lập xong kế hoạch đánh chiếm Hải Phòng. Lúc này tổng số quân Pháp ở Hải Phòng có trên 3.000 tên, trong đó có trung đoàn bộ binh Lê dương số 3 (thiếu một tiểu đoàn), trung đoàn pháo binh thuộc địa Ma-rốc số 4 (thiếu một tiểu đoàn), một trung đoàn thiết giáp, cùng bộ phận hải quân và không quân, chúng liên tiếp gây nên những vụ việc nghiêm trọng hòng tạo cớ để nổ súng đánh chiếm toàn bộ Hải Phòng.


Lực lượng quân sự của ta lúc này ở nội thành có Trung đoàn 41 Vệ quốc đoàn (sau đổi thành Trung đoàn 42) gồm 3 tiểu đoàn được biên chế, trang bị đầy đủ (là lực lượng nòng cốt), đại đội công an xung phong, đội cảnh vệ, một đại đội thuỷ quân Bạch Đằng, đại đội tự vệ Yết Kiêu có 40 người, lực lượng tự vệ được tổ chức theo khu hành chính, mỗi khu phố có từ một đến hai trung đội. Tổng cộng 13 khu phố nội thành có 21 đại đội gồm 3.000 đội viên dưới sự chỉ huy thống nhất của Ban chỉ huy Tự vệ thành. Vũ khí tự trang bị theo phương châm "Lấy vũ khí địch tự trang bị cho mình" (vũ khí đã trang bị có 427 khẩu các loại, có cả súng trung liên và súng phóng lựu).


Kết quả: Địch bị tiêu diệt 137 tên, bị thương 27 tên, ta thu 2 trung liên, 5 tiểu liên, 9 các-bin, 10 súng trường, 56 lựu đạn, phá huỷ một xe tăng. Ta hy sinh 32 đồng chí, bị thương 14 đồng chí, bị bắt 15 đồng chí, mất tích 8 đồng chí.


Bảy ngày đêm chiến đấu ác liệt và ngoan cường, quân dân thành phố Hải Phòng đã đánh bại âm mưu "đánh nhanh, thắng nhanh" của Pháp nhằm tiêu diệt chính quyền và lực lượng quân sự non trẻ của ta, tái chiếm Hải Phòng, tạo đầu cầu mở rộng cuộc chiến tranh ra toàn cục. Trong điều kiện vô cùng khó khăn, ác liệt, quân dân Hải Phòng đã thể hiện ý chí quyết tâm, lòng dũng cảm, sự mưu trí sáng tạo, tinh thần sẵn sàng chịu đựng mọi gian khổ, hy sinh, chiến đấu đến cùng vì độc lập, tự do dân tộc. Những trận đánh tiêu biểu ở Nhà hát lớn, Bưu điện thành phố, trại Bảo An binh, nhà ga xe lửa… mãi mãi đi vào trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam nói chung và quân dân Hải Phòng nói riêng.


2. Trận đánh mìn của du kích thôn Dương, xã Yên Dương, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định (ngày 17/6/1950)


Lực lượng ta: Một trung đội gồm 3 tổ du kích với những quả mìn muỗi, mìn dưa thô sơ, bằng lối đánh sáng tạo, gan dạ, các chiến sĩ thôn Dương đã cầm cự suốt 2 giờ liền, tiêu diệt nhiều tên địch, không cho chúng vào căn cứ, bảo tồn lực lượng ta.


Lực lượng địch: Gồm 1 tiểu đoàn hỗn hợp chia làm 3 mũi từ các bốt cầu Tào, Cát Đằng trên đường 10, Phố Cháy, cầu Ngăm trên đường 12 và một số quân từ Ninh Bình kéo ra đánh vào Yên Dương với ý đồ cất vó các đơn vị bộ đội địa phương mà chúng cho là đang có mặt tại đây.


Kết quả: Sau hơn 2 giờ chiến đấu, ta tiêu diệt 50 tên, làm bị thương 50 tên khác; phá huỷ 1 đại liên, 1 trung liên và nhiều quân trang, quân dụng. Ta bảo toàn lực lượng.


Trận đánh đã đi vào truyền thống bằng những câu thơ lưu truyền:

                                    "Vũ Dương anh dũng là đây

                                    Khu Ba khét tiếng, giặc Tây kinh hồn".


Đây là một trận đánh mìn thắng lợi sớm nhất và lớn nhất của dân quân du kích xã Yên Dương. Chỉ dùng loại mìn muỗi, mìn dưa và những quả lựu đạn cháy, lựu đạn na do địa phương sản xuất, dân quân du kích thôn Dương đã bày sẵn thế trận vừa đơn giản, vừa bất ngờ; thực hiện tiêu hao, tiêu diệt gây thiệt hại lớn cho quân địch, bảo toàn lực lượng ta, gây tiếng vang lớn. Chiến thắng Yên Dương đã cổ vũ lòng tin, tinh thần quyết đánh và quyết thắng. Trận đánh cũng làm cho lính Bảo Hoàng và lính Dõng hoang mang, lo sợ. Mãi đến năm 1951, khi thực hiện kế hoạch tăng cường và mở rộng chiến tranh, địch mới dám càn quét trở lại vùng này.


3. Trận chống càn của Đại đội 24 bộ đội địa phương cùng du kích xã Phan Tây Hồ, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên (ngày 05/3/1951)


Trận phối hợp chống càn giữa Đại đội 24 (sông Luộc) bộ đội địa phương huyện Tiên Lữ với Đại đội du kích cùng nhân dân xã Phan Tây Hồ, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên ngày 05/3/1951 đã bẻ gãy chiến dịch "Con Rồng" của địch. Đây là một thắng lợi lớn, làm thiệt hại hai tiểu đoàn Âu Phi thuộc Binh đoàn cơ động số 3 (GM3) của Pháp, có máy bay và pháo binh yểm trợ.


Lực lượng địch khoảng 400 tên, lực lượng chính gồm 2 tiểu đoàn của GM3 (binh đoàn chủ lực Cơ động số 3) được hợp quân từ thị xã Hưng Yên và huyện Ân Thi. Lực lượng còn lại được điều động từ các đồn bốt lân cận như Đình Cao, Dục, La Tiến, Xuôi…


Lực lượng của ta gồm có Đại đội 24 (sông Luộc), tổng số 137 cán bộ, chiến sĩ được trang bị đầy đủ vũ khí. Du kích xã Phan Tây Hồ gồm 81 đồng chí, đều đã trải qua chiến đấu và phục vụ chiến đấu, bám đất giữ làng chống địch càn quét. Dân số toàn xã có 700 người, năm 1949 xã có 170 đảng viên, đến đầu năm 1951 do địch khủng bố gắt gao, áp dụng kế hoạch "Tân thành, trừ càn, diệt cộng" nên chỉ còn 53 đảng viên.


Kết quả: Địch chết và bị thương 320 tên. Ta hy sinh 7, bị thương 9 đồng chí.


Trận đánh đã củng cố lòng tin và chứng minh sức mạnh tổng hợp giữa bộ đội và du kích, góp phần nâng cao tinh thần chiến đấu, cổ vũ quân và dân tỉnh Hưng Yên tiếp tục đấu tranh với kẻ thù. Qua trận đánh, kẻ địch bị động bất ngờ trước sức mạnh của lực lượng ta, quân chủ lực của địch ngày càng bị động lúng túng, các binh đoàn (GM) phải phân tán lực lượng vào các cuộc càn quét ở phía sau vùng tạm chiếm.


4. Trận kỳ tập đồn Nhân Lang của Tiểu đoàn 38 bộ đội địa phương tỉnh Thái Bình (ngày 08/4/1951)


Trận kỳ tập đồn Nhân Lang của Tiểu đoàn 38 là trận đánh đầu tiên của bộ đội địa phương tỉnh Thái Bình theo cách đánh kỳ tập "Nội công, ngoại kích". Một hình thức đánh đồn biết vận dụng đúng đắn đường lối chiến tranh nhân dân của lực lượng vũ trang địa phương hoạt động ở đồng bằng trong hình thái chiến thuật cài răng lược. Đây là trận đánh chuẩn bị công phu, nhất là công tác địch vận, xây dựng cơ sở nội ứng.


Lực lượng ta gồm: Tiểu đoàn 38, quân số đầy đủ theo biên chế, trang bị khá mạnh, có phân đội trợ chiến, trang bị 2 cối 60 ly, 2 đại liên, 3 ba-dô-ca, trung liên được trang bị tới tiểu đội bộ binh.


Lực lượng địch: Trong đồn có 50 tên (một trung đội) hầu hết là lính nguỵ, có một số người tại địa phương, do tên thiếu uý Lục chỉ huy.


Kết quả: Ta tiêu diệt 2 tên, bắt sống 50 tên, thu toàn bộ vũ khí, san phẳng đồn. Ta không có thương vong.


Đây là trận đánh đầu tiên của Tiểu đoàn 38 theo cách đánh kỳ tập. Trận đánh thắng lợi, diễn ra nhanh gọn, tốn ít xương máu, đạt hiệu suất chiến đấu cao, làm cho nhân dân thấy được lòng nhân đạo của bộ đội, của cách mạng, đặc biệt đồng bào có con em đi lính. Hệ thống đồn bốt dọc bờ nam sông Luộc bị chặt đứt một mắt xích, địch còn lại không dám hoành hành như trước, phong trào cách mạng của địa phương được củng cố, phát triển.


5. Trận chống càn Tô-rô của Đội vũ trang tuyên truyền huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam tại thôn Phương Thượng (ngày 12/02/1952)


Trận càn Tô-rô ngày 12/02/1952 của du kích và nhân dân thôn Phương Thượng, xã Lê Hồ, huyện Kim Bảng đã làm thiệt hại lực lượng quân Pháp đồn trú tại khu vực bốt chùa Ông, xã Tượng Lĩnh.


Trong năm 1951 và đầu năm 1952, quân Pháp đồn trú tại bốt Nhật Tựu và bốt chùa Ông thường xuyên mở các cuộc càn quét tiêu diệt lực lượng, phá cơ sở cách mạng của ta, uy hiếp tinh thần nhân dân huyện Kim Bảng.


Ngày 11/02/1952, quân địch đồn trú tại bốt chùa Ông đã tổ chức hành quân càn quét nhằm tiêu diệt lực lượng và phá cơ sở cách mạng của ta tại thôn Phương Thượng, lực lượng khoảng 60 tên, được trang bị đầy đủ vũ khí, có hoả lực mạnh.


Nhân dân thôn Phương Thượng có 282 hộ, 1.619 nhân khẩu, diện tích tự nhiên có 435 mẫu Bắc Bộ, ruộng chủ yếu chỉ cấy được 1 vụ (vụ chiêm), nhân dân sống bằng nghề làm ruộng là chủ yếu, thành phần bần cố nông, trung nông. Trong thôn, ta đã xây dựng được một số cơ sở cách mạng, lực lượng đội vũ trang tuyên truyền huyện Kim Bảng tại thôn Phương Thượng có 50 người. Trang bị vũ khí có đại liên, trung liên, tiểu liên, súng trường và lựu đạn. Đội do đồng chí Nguyễn Quốc Trung, huyện đội trưởng chỉ huy; đội đã được thử thách qua một số trận chiến đấu.


Kết quả, trận càn Tô-rô của địch bị thất bại hoàn toàn, 40 tên địch bị tiêu diệt và bị thương, tên Tô-rô, đồn trưởng bốt chùa Ông trực tiếp chỉ huy trận càn quét bị ta tiêu diệt ngay từ loạt đạn đầu. Những tên sống sót chạy về bốt, hồn xiêu phách lạc.


Trận chiến đấu giành thắng lợi đã củng cố lòng tin cho nhân dân và lực lượng vũ trang địa phương, đồng thời đã khẳng định vai trò vũ trang tuyên truyền của đội. Sau trận đánh, đội vũ trang tuyên truyền đã có thêm những bài học kinh nghiệm quý về việc kết hợp giữa tuyên truyền với cảnh giác sẵn sàng chiến đấu, thực hiện nhiệm vụ chiến đấu tiêu diệt địch.


6. Trận tập kích Đỗ Xá của Đại đội 91 bộ đội địa phương tỉnh Nam Định (ngày 31/7/1953)


Trận tập kích Đỗ Xá của Đại đội 91 ngày 31/7/1953 vào trung tâm chỉ huy hành quân của hai Binh đoàn cơ động số 6 và số 7, lực lượng chủ lực tinh nhuệ của quân đội Pháp khi chúng đang tiến hành cuộc càn "Thánh tử vì đạo" tại Đỗ Xá là một trận đánh xuất sắc đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, làm chậm tốc độ hành quân của chúng.


Chỉ có một lực lượng nhỏ, vũ khí trang bị thiếu, lại bị kẹp giữa hai cánh quân thuỷ, bộ của địch có ưu thế áp đảo về quân số và hoả lực, nhưng bằng tinh thần gan dạ, không sợ ác liệt, hy sinh, kiên quyết chủ động tiến công, mở đường mà đi, tìm địch mà đánh, các chiến sĩ Đại đội 91 đã tiêu diệt được nhiều địch, đạt hiệu suất chiến đấu cao, bảo toàn được lực lượng, càng đánh càng mạnh, càng trưởng thành.


Kết quả: Địch chết và bị thương 162 tên (trong đó có tên thiếu tướng Ghơ-lít). Ta phá huỷ nhiều xe quân sự và súng đạn các loại. Cuộc hành quân càn quét của địch phải chậm lại 4 ngày; lực lượng ta chỉ bị thương 3 đồng chí.


Trận chiến đấu giành thắng lợi trước hết là bộ đội ta có quyết tâm chiến đấu cao, chủ động tiến công tiêu diệt địch, tổ chức chiến đấu nhanh, xác định phương án chiến đấu chính xác, triển khai lực lượng đánh địch kịp thời. Chỉ huy kiên quyết, bộ đội chiến đấu dũng cảm, linh hoạt, hành động táo bạo chớp nhoáng không cho địch kịp trở tay, đánh trúng trung tâm chỉ huy làm địch rối loạn ngay từ đầu.


Trận tập kích Đỗ Xá thắng lợi đã cổ vũ lòng tin của nhân dân trong vùng đối với công cuộc kháng chiến. Tại các thôn ven đường từ cầu Vôi đến Nam Phong và thành phố Nam Định, nhân dân được chứng kiến quang cảnh ùn tắc, từng đoàn xe chở đầy xác chết và lính địch bị thương nối đuôi nhau chạy không dứt.


Sau trận đánh, bọn lính lê dương mất tinh thần không dám hung hăng, ngỗ ngược như trước, thấy bóng dáng chủ lực ta là tránh né ngay. Chiến thắng của Đại đội 91 tạo đà cho lực lượng vũ trang địa phương của tỉnh phát triển và mở rộng, ta ở thế chủ động, địch rơi vào thế bị động, lúng túng tìm mọi cách đối phó.


7. Trận chống càn của du kích xã Nguyên Xá (từ ngày 20 đến 24/02/1954)


Làng kháng chiến Nguyên Xá nằm sát đường 10, gần cầu Nguyên Xá đã làm cho địch nhiều phen khiếp vía, là mối đe doạ an toàn của địch trên tuyến giao thông này. Vì vậy Nguyên Xá là một trong những trọng điểm mà Binh đoàn cơ động số 8 (GM8) của địch tập trung đánh phá.


Quân dân Nguyên Xá đã anh dũng đánh thắng cuộc càn quét 5 ngày đêm liền của hơn 2.000 quân địch thuộc Binh đoàn cơ động số 8 phần lớn là lính Âu Phi, được máy bay, pháo binh, xe tăng yểm trợ, diệt gần 100 tên địch, ta hy sinh 01, bị thương 3 đồng chí.


Thất bại của Binh đoàn cơ động số 8 đã gây hoang mang cho các đồn bốt quanh vùng, đẩy địch ở Thái Bình lún sâu vào thế bị động lúng túng.


Trận chống càn thắng lợi của nhân dân và du kích Nguyên Xá khẳng định đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, sáng tạo của Đảng, chứng minh chủ trương xây dựng làng chiến đấu của Đảng là hoàn toàn đúng đắn; cổ vũ, động viên toàn dân cầm vũ khí chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp. Quân dân Nguyên Xá đã làm thất bại âm mưu của địch dùng lực lượng chủ lực cơ động càn quét nhằm tiêu diệt chủ lực ta, giải vây cho các lực lượng chiếm đóng, tái lập tề, bắt thanh niên đi lính, khai thông đường giao thông huyết mạch số 10. Chiến thắng còn khẳng định, Nguyên Xá trong điều kiện khó khăn song đã thực sự là một pháo đài đánh giặc, dựa vào lực lượng của địa phương và thế trận đã chuẩn bị sẵn có thể cản phá nhiều đợt tiến công của địch có số lượng đông, được trang bị vũ khí hiện đại, làm thất bại âm mưu càn quét của địch, bảo vệ làng xóm. Nguyên Xá là cơ sở cấp xã điển hình về thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện trong chống thực dân Pháp xâm lược.


Qua chiến đấu, kinh nghiệm rút ra là: Cách đánh cơ bản của làng xã chiến đấu trong chống địch càn quét là phân tán lực lượng, đánh bằng hoả lực, xung lực, kết hợp với chông, mìn, cạm bẫy; cơ động đánh địch cả trước mặt và bên sườn, phía sau lưng, cả bên trong và bên ngoài; lúc ẩn, lúc hiện, làm cho địch bị động, không biết lực lượng ta ở đâu để tập trung đối phó. Thường xuyên bám sát địch, chuẩn bị đánh địch liên tục, dẻo dai, nhiều ngày cho đến khi buộc địch phải ngừng cuộc càn quét.


8. Trận tập kích sân bay Cát Bi của bộ đội địa phương tỉnh Kiến An (ngày 07/3/1954)


Trận tập kích sân bay Cát Bi là một trong những trận sử dụng lực lượng nhỏ tinh nhuệ, có cách đánh táo bạo, hợp lý, nhanh gọn, chính xác, đạt hiệu suất chiến đấu cao. Trận đánh đã góp thêm những kinh nghiệm quý để phát triển cách đánh của bộ đội Đặc công ta.

           

Lực lượng ta có 32 đồng chí bộ đội địa phương tỉnh Kiến An, trang bị vũ khí đầy đủ, được các cơ sở địa phương huyện Kiến Thuỵ, Tiên Lãng, Hải An phối hợp giúp đỡ.

          

Kết quả, ta tiêu diệt 6 tên lính Âu Phi, phá huỷ 59 máy bay. Về ta, 3 đồng chí hy sinh, bị thương 3 đồng chí, một đồng chí bị địch bắt.

           

Kết quả trận đánh làm nức lòng nhân dân cả nước, cổ vũ phong trào thi đua giết giặc lập công trên mặt trận Điện Biên Phủ và các mặt trận khác. Thắng lợi của ta ở Cát Bi làm cho Bộ Chỉ huy quân Pháp, các sĩ quan, binh lính, tay sai địch hoang mang dao động, mất lòng tin vào sự "bất khả xâm phạm" của các căn cứ nằm sâu trong vùng kiểm soát.


Thắng lợi của trận đánh do nhiều nguyên nhân, trước hết là Ban chỉ huy Tỉnh đội đã tổ chức chuẩn bị chu đáo, từ việc xây dựng lực lượng, xây dựng kế hoạch và luyện tập theo kế hoạch đến việc động viên, giáo dục chính trị tư tưởng, bảo đảm vật chất hậu cần. Cán bộ, chiến sĩ có quyết tâm chiến đấu cao, đoàn kết một lòng, ý thức kỷ luật tự giác nghiêm minh, tinh thần dũng cảm và bản lĩnh chiến đấu kiên cường. Làm tốt công tác phối hợp, hiệp đồng giữa đơn vị với cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương, dựa vào nhân dân để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chiến đấu.

           

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện khen và tặng danh hiệu "Đoàn dũng sĩ Cát Bi"; Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Quân công hạng Nhất cho toàn đơn vị; Huân chương Quân công hạng Nhì cho đồng chí Tỉnh đội trưởng; hai Huân chương Quân công hạng Ba cho 2 đồng chí quân báo tỉnh đội; 28 Huân chương Chiến công hạng Nhất cho mỗi cán bộ, chiến sĩ tham gia trận đánh.

           

9. Trận vận động phục kích Bần Yên Nhân - Như Quỳnh của Trung đoàn 42 (ngày 21/4/1954)

           

Trận đánh diễn ra vào thời kỳ cuối cuộc kháng chiến chống Pháp, để phối hợp với chiến trường chính Điện Biên Phủ. Trong trận chiến đấu này, mặc dù địch đã chú ý đề phòng và tăng cường các biện pháp bảo vệ, nhưng Trung đoàn 42 đã nêu cao tinh thần quyết đánh, quyết thắng, biết dựa vào nhân dân, nắm chắc địa hình, tình hình địch và lợi dụng chỗ yếu, chỗ sơ hở của địch để xác định cách đánh chính xác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

           

Kết quả, địch bị tiêu diệt 170 tên, bị thương 64 tên; ta bắt sống 168 tên; thu 2 khẩu ĐKZ 57mm, 2 đại liên, 1 cối 60mm, 12 trung liên, 6 các bin, 70 súng trường, 13 súng ngắn, 6 ba-dô-ca, 7 ống nhòm, 2 địa bàn, 2 máy ảnh. Phá huỷ 1 súng ĐKZ 57mm, 1 xe tăng, 1 xe zép; giải thoát 104 người dân bị địch bắt.

           

Ta hy sinh 42 đồng chí, bị thương 96 đồng chí.

           

Thắng lợi của trận đánh là do ta đã nắm được quy luật hoạt động và đánh giá đúng điểm mạnh, yếu của địch. Mặc dù quân số đông, hoả lực mạnh nhưng địch vẫn có những sơ hở như: đội hình hành quân dài, khi bị ta đánh, triển khai chậm, ỷ vào sức mạnh của hoả lực. Trên cơ sở phân tích mạnh, yếu của địch, Trung đoàn 42 đã phối hợp với bộ đội địa phương và du kích chỉ trong 35 phút, ta đã tiêu diệt gần 1 tiểu đoàn lính Âu Phi tinh nhuệ thuộc Binh đoàn cơ động số 3 của Pháp. Trận đánh diễn ra ngay trên trục đường vận chuyển huyết mạch của địch ở gần Hà Nội, trung tâm đầu não chỉ huy cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương nhưng chúng đã thất bại, không kịp chi viện, hỗ trợ cho nhau.

           

Trận đánh làm ngừng trệ việc vận chuyển binh khí kỹ thuật của địch cho các chiến trường, khiến cho chúng càng thêm lúng túng, bị động, phải phân tán đối phó khắp nơi, nhất là việc bảo đảm hành lang an toàn sau lưng, tạo điều kiện cho chiến trường Điện Biên Phủ giành thắng lợi. Trận đánh đã củng cố lòng tin của nhân dân vào thắng lợi của kháng chiến và góp phần thúc đẩy phong trào toàn dân đánh giặc. Đây là trận thắng thứ 3 của Trung đoàn 42 trong vòng hơn 1 tháng, thể hiện tinh thần khắc phục khó khăn, dũng cảm chiến đấu, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn.


10. Trận đánh 86 ngày đêm bảo vệ thành phố Nam Định

- Thời gian: Từ ngày 20/12/1946 đến 15/3/1947

- Lực lượng ta: 02 tiểu đoàn, 02 đại đội và hơn 700 tự vệ; ngoài ra còn có 20 tiểu đoàn bộ đội tỉnh Hà Nam và Ninh Bình.

- Lực lượng địch: 01 tiểu đoàn gồm 450 tên, ngoài ra còn sử dụng 1.500 quân, cùng các phương tiện chiến tranh để ứng cứu giải vây cho lực lượng ở thành phố Nam Định.

- Kết quả: Ta tiêu diệt hơn 400 tên địch và rút ra khỏi thành phố an toàn.


11. Trận chống càn tại làng Vạn Thọ, Nhân Nghĩa (Lý Nhân, Hà Nam)

- Thời gian: Từ ngày 12 đến 14/3/1952

- Lực lượng tham gia: 2 đại đội bộ binh thuộc Tiểu đoàn 738/Đại đoàn 320; 01 đại đội thuộc huyện Lý Nhân; 03 trung đội du kích.

- Lực lượng địch: Binh đoàn cơ động số 4 Âu Phi có máy bay, pháo binh và xe lội nước yểm trợ.

- Kết quả: Ta bẻ gãy các đợt tiến công, càn quét của địch, bao vây truy bắt 60 tên.


Câu 3: Chiến khu Trần Hưng Đạo gồm những tỉnh, thành phố nào? hiện nay thuộc tỉnh, thành phố nào? vị trí, vai trò của Chiến khu trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc?


Trả lời:


- Chiến khu Trần Hưng Đạo tức Chiến khu Đông triều (còn gọi là Đệ tứ chiến khu), thành lập ngày 8/6/1945, lúc đầu gồm: Đông Triều, Chí Linh, Mạo Khê, Tràng Bạch. Đến cuối tháng 6/1945 có thêm Kinh Môn, Thanh Hà, Thủy Nguyên, Uông Bí, Yên Hưng và một phần Kim Thành, sau mở rộng tới Kiến An, Đồ Sơn, Quảng Yên, Hòn Gai, trong đó Đông Triều và Chí Linh là trung tâm của Chiến khu.


- Chiến khu Trần Hưng Đạo nay thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và thành phố Hải Phòng.


- Chiến khu Trần Hưng Đạo ra đời tạo bàn đạp quân sự cho tổng khởi nghĩa ở vùng duyên hải Đông Bắc. Từ lợi thế của Đông Triều và Chí Linh, một vùng rừng núi hiểm trở, có đường nối thông với khu giải phóng của Trung ương. Đây là địa bàn thuận lợi với hoạt động của ta, nhưng lại khó khăn đối với địch. Nơi đây đã thực sự trở thành bàn đạp để xuất phát tiến công cũng như bảo toàn lực lượng khi cần phải phòng ngự. Chiến khu Trần Hưng Đạo có địa thế rất hiểm, cắm vào bên sườn, phía sau thế chiến lược của địch, luôn đe dọa, làm mất an toàn hậu phương địch.


- Chiến khu Trần Hưng Đạo là một trong những chiến khu lớn của cả nước, giữ vai trò quan trọng trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, trực tiếp tham gia khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi trong cách mạng tháng Tám ở vùng duyên hải Đông Bắc. Có thành tích lớn trong xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang và lập được nhiều chiến công trong chiến đấu tiêu diệt quân Nhật, quân Tưởng, tàn quân Pháp, các lực lượng phỉ và tổ chức vũ trang của các đảng phái phản động, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, chống thù trong giặc ngoài trên một khu vực rộng lớn và quan trọng của vùng duyên hải Đông Bắc.


- Chiến khu Trần Hưng Đạo ra đời và làm tròn nhiệm vụ lịch sử của mình trước hết bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự giác ngộ cách mạng của giai cấp công nhân vùng mỏ, thành phố Hải Phòng và nhân dân vùng duyên hải Đông Bắc. Mặt khác, sự tồn tại và phát triển lớn mạnh, nhanh chóng của chiến khu Trần Hưng Đạo là sự cổ vũ lớn lao, là chỗ dựa vững chắc cho nhân dân trong cao trào kháng Nhật cứu nước, đập tan bộ máy bù nhìn và các đảng phái phản động, xây dựng nên chính quyền dân chủ nhân dân. Những hoạt động tác chiến của LLVT chiến khu Trần Hưng Đạo đã tạo điều kiện thuận lợi cho khởi nghĩa giành chính quyền và bảo vệ chính quyền cách mạng, xây dựng tiềm lực cho cuộc kháng chiến chống Pháp lâu dài sau này.


Câu 4: Đồng chí hãy làm rõ vai trò, vị trí quan trọng của Quân và dân Quân khu 3 trong chống chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của đế quốc Mỹ ra miền Bắc những năm 1964 - 1972?


Trả lời:


Từ cuối năm 1954 đến năm 1959, trên cơ sở quán triệt nghị quyết của Bộ Chính trị và Trung ương Đảng:"Đoàn kết và lãnh đạo nhân dân đấu tranh thực hiện Hiệp định đình chiến, củng cố hoà bình, ra sức hoàn thành cải cách ruộng đất, tăng cường xây dựng quân đội nhân dân để củng cố miền Bắc, giữ vững và đẩy mạnh cuộc đấu tranh chính trị ở miền Nam, nhằm củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập dân chủ trong toàn quốc". Quân và dân Quân khu 3 vừa tập trung khôi phục, củng cố chính quyền cách mạng, vừa chống lại âm mưu chống phá thi hành Hiệp định đình chiến, nhất là xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng; kẻ địch tung tin "Miền Bắc mất chúa", "Mỹ sẽ ném bom nguyên tử và đánh ra miền Bắc" để đe doạ, dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào (nhất là đồng bào theo đạo Thiên chúa giáo) di cư vào Nam. LLVT Quân khu đã cùng với các tổ chức, đoàn thể cách mạng vận động hàng chục nghìn đồng bào ở các tỉnh Thanh Hoá, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Hà Tây, Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh không mắc mưu kẻ thù, ở lại quê hương xây dựng cuộc sống mới.


- Trước sự sa lầy và có nguy cơ thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam, đế quốc Mỹ đã liều lĩnh mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân ra miền Bắc nước ta. Ngày 5/8/1964 lợi dụng sự kiện “Vịnh Bắc bộ”, Mỹ tuyên bố “Đưa Bắc Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá”, nhằm đánh vào ý chí, quyết tâm chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta, phá hoại sự nghiệp xây dựng CNXH ở miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc với miền Nam. Trong cuộc chiến tranh này, Quân khu 3 là một trong những địa bàn chiến lược, có nhiều mục tiêu là trọng điểm đánh phá của địch, trong đó Hải Phòng là mục tiêu huỷ diệt của chúng.


- Ngày 7/2/1965, viện cớ trả đũa Quân Giải phóng, Mỹ mở chiến dịch “Mũi lao lửa” bắn phá thị xã Đồng Hới và Vĩnh Linh, mở đầu chiến tranh phá hoại miền Bắc. Ngày 26/3/1965, Mỹ đã cho nhiều tốp máy bay đánh phá đảo Bạch Long Vĩ. Quân ủy Trung ương và Bộ tổng Tư lệnh nhận định sắp tới địch sẽ tiếp tục đánh phá sâu vào hậu phương miền Bắc, mà trước mắt là Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định…mục tiêu chủ yếu của chúng là nhằm vào các tuyến đầu mối giao thông quan trọng. Quân khu 3 được giao nhiệm vụ phối hợp với các địa phương của Thanh Hóa chỉ huy và chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng. Bộ Tư lệnh Quân khu đã lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, làm thất bại âm mưu của đế quốc Mỹ.


- Tháng 3/1965 Mỹ bắt đầu đưa quân viễn chinh vào miền Nam và tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc. Chấp hành chỉ thị của Bộ Tổng tham mưu, Quân khu 3 đã tổ chức động viên lực lượng, tổ chức huấn luyện bổ sung quân cho chiến trường miền Nam; cùng với nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam, Quân khu đã tập trung cho nhiệm vụ phát triển sản xuất và chiến đấu đánh bại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.


- Cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc kéo dài gần 4 năm và tiến hành trong 3 bước leo thang:


Bước 1: Từ 15/3/1965 đến 13/6/1965, Mỹ đánh phá Hải Lĩnh (Thanh Hóa), đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) sau đó đánh phá cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) và một số mục tiêu thuộc tỉnh Hòa Bình, Nam Hà, Ninh Bình.


Bước 2: Từ 14/6/1965 đến 21/2/1967, Mỹ leo thang ra ngoài vĩ tuyến 20 (trừ Hà Nội, Hải Phòng). Từng bước địch mở rộng mục tiêu đánh phá Nam Định, cầu Gián, cầu Non Nước (Ninh Bình), huyện Kiến Xương (Thái Bình); nhiều địa điểm thuộc Hà Bắc, Quảng Ninh, Uông Bí, Hải Hưng.


Bước 3: Từ 22/2/1967 đến 31/3/1968, Mỹ leo thang đánh phá mạnh nội thành Hải Phòng, nhằm cô lập Hải Phòng với Hà Nội và các khu vực khác hòng làm tê liệt giao thông vận chuyển từ Bắc vào Nam và từ bên ngoài vào miền Bắc. Mục tiêu nhằm vào sáu hệ thống theo chốt: giao thông, kho nhiên liệu, điện lực, công nghiệp, một số cơ sở quân sự và hệ thống phòng không. Năm 1967 là năm Mỹ đánh phá ác liệt nhất vào các tỉnh Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Hải Hưng,…


- Mục đích cơ bản của chiến tranh phá hoại của Mỹ là nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam và nâng đỡ tinh thần cho ngụy quân, ngụy quyền, tiến hành “Chiến tranh cục bộ”. Quá trình phát triển chiến tranh hiện đại quan hệ chặt chẽ với tình hình diễn biến chiến đấu của quân dân miền Nam. Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền bắc 1965 - 1968, quân dân miền Bắc đã bắn rơi 3.243 máy bay Mỹ. Riêng Quân khu 3, quân dân 5 tỉnh thuộc phía Tả ngạn đã bắn rơi 591 máy bay Mỹ, dẫn đầu là Hải Phòng bắn rơi 215 chiến; quân dân 5 tỉnh phía Hữu ngạn bắn rơi 512 chiếc, dẫn đầu là Thanh Hóa bắn rơi 274 chiếc. Cũng trong 4 năm 1965 -1968, toàn Quân khu đã có 547.960 thanh niên ra mặt trận. Hầu hết các đơn vị quân bổ sung từ Quân khu 3 vào chiến trường đều chiến đấu giỏi, được thưởng nhiều huân chương. Một số đơn vị và nhiều cán bộ, chiến sĩ được tuyên dương “Đơn vị anh hùng” và “Anh hùng LLVT nhân dân”. Hàng vạn người được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”.


- Năm 1972, trước nguy cơ thất bại của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, chính quyền Ních - xơn đã huy động lực lượng không quân, hải quân, yểm trợ tối đa cho Ngụy quân phong tỏa và đánh phá miền Bắc. Để sẵn sàng đối phó với những âm mưu mới của địch, ngay từ những tháng đầu năm 1972 Quân khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu (Tả ngạn và Hữu ngạn) đã họp bàn bổ sung kế hoạch tác chiến. Ngày 13/4/1972 lần đầu tiên Mỹ dùng máy bay B52 với sự yểm trợ của máy bay phản lực tập trung đánh Hàm Rồng và sân bay Sao Vàng, mở đầu cho chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai; trong cuộc chiến này Hải Phòng được xác định là trọng điểm đánh phá của địch sau thủ đô Hà Nội. Cùng với âm mưu đánh phá miền bắc bằng máy bay và tàu chiến; từ 9/5/1972, tổng thống Mỹ Ních - xơn ra lệnh tiến hành một chiến dịch phong tỏa bằng thủy lôi trên sông, trên biển miền Bắc. Cửa biển Hải Phòng là một trọng điểm phong tỏa của địch.


Để giành thế chủ động trong cuộc đàm phán tại Pa - ri, nhằm áp đặt các yêu sách có lợi. Mỹ đã chuẩn bị cho bước leo thang mới. Ở miền Nam chúng tăng viện trợ vũ khí và phương tiện chiến tranh cho chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Ở miền Bắc, Mỹ tăng cường hoạt động ném bom bằng B52 xuống Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An. Trước tình hình đó Bộ tổng Tham mưu ra chỉ lệnh cho các lượng lượng phòng không “có nhiều khả năng địch sẽ đánh phá trở lại miền Bắc với mức độ ác liệt hơn, kể cả việc dùng B52 đánh ồ ạt vào Hà Nội, Hải Phòng”.


Ngày 14/12/1972 Ních - Xơn ra lệnh cho không quân mở cuộc tập kích chiến lược bằng B52 vào Hà Nội, Hải Phòng. Đêm 18/12/1972, đế quốc Mỹ đã huy động 90 lần chiếc máy bay B52 và 142 lần chiếc máy bay chiến thuật làm 3 đợt đánh vào các sân bay Nội Bài, Hòa Lạc, Gia Lâm và một số mục tiêu khác ở Thủ đô Hà Nội. cùng lúc đánh Hà Nội, 19 giờ một phút bảy tốp cường kích gồm 26 chiếc A6, A7 và F4H thay nhau đánh phá nhiều điểm ở cả nội và ngoại thành Hải Phòng. Trong 3 ngày 19, 20, 21 quân dân thành phố Cảng đã phối hợp với quân, dân Thủ đô bắn rơi 12 máy bay Mỹ. 10 giờ sáng ngày 29/12/1972, tự vệ nông trường Xuân Mai (Hòa Bình) bắn rơi 1 chiếc F.111A đây là đơn vị cuối cùng của quân và dân Quân khu 3 góp phần đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không bằng B52 của đế quốc Mỹ. 7 giờ sáng ngày 30/12/1972 tổng thống Mỹ Ních - xơn buộc phải tuyên bố ngừng ném bom, bắn phá từ vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị chính phủ ta ngồi lại bàn đàm phán Pa-ri. Ngày 12 và 13/1/1973 bản dự thảo Hiệp định về cơ bản đã được thỏa thuận. Ngày 15/1/1973 Chính phủ Mỹ phải tuyên bố ngừng mọi hoạt động quân sự tiến công bao gồm ném bom, bắn trọng pháo, thả mìn ở miền bắc Việt Nam.


Trong cuộc chiến đấu đánh trả máy bay, tàu chiến Mỹ, quân và dân Quân khu đã phối hợp chặt chẽ với Quân chủng Hải quân, Phòng không - Không quân tạo nên thế trận hiệp đồng vừa rộng khắp, vừa có trọng điểm, đánh địch nhiều tầng, mọi hướng, đạt hiệu suất chiến đấu cao, đã cùng các lực lượng trên địa bàn đánh 39.450 trận, bắn rơi 1.524 máy bay Mỹ (trong tổng số 4.181 máy bay bị bắn rơi ở miền Bắc), trong đó có 10 máy bay B52; 2 máy bay F111, bắt sống nhiều giặc lái; bắn chìm, bắn cháy 75 tàu chiến các loại; tiêu diệt nhiều toán biệt kích Mỹ nguỵ; rà phá và tháo gỡ gần 69.000 quả bom, mìn, thuỷ lôi; phá tan chiến dịch phong toả đường biển vào cảng Hải Phòng.


- Từ 1965 đến 1972 Quân khu tuyển trên 10 vạn quân chi viện cho chiến trường. góp phần cùng cả nước làm nên "Đại thắng mùa xuân năm 1975", hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.


Câu 5: Những thành tích tiêu biểu của quân và dân Quân khu 3 trong hai cuộc kháng chiến và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc? LLVT Quân khu 3 đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng những phần thưởng cao quý nào trong 70 năm qua?


Trả lời:          


- Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp với tinh thần tự lực, tự cường, kháng chiến đi đôi với kiến quốc, quân và dân đồng bằng sông Hồng đã lập nên bao kỳ tích anh hùng, đồng thời tích cực chi viện cho các chiến trường; chỉ riêng cho các chiến dịch lớn, đã chi viện 520.000 lượt dân công, 3.600.000 ngày công, 16 nghìn 140 tấn lương thực thực phẩm; trong đó riêng huy động cho chiến dịch Điện Biên Phủ 1.464 tấn gạo; 64 tấn thịt; 266 tấn muối; 51,66 tấn rau khô; 1.721 xe đạp thồ; 736 xe trâu, xe bò, xe ngựa. Quân và dân Quân khu đã huy động hàng chục vạn con em các dân tộc vào bộ đội chi viện cho tiền tuyến và tham gia những đoàn quân Nam tiến, gần 235.200 thanh niên nhập ngũ, cùng hàng vạn bộ quần áo, chăn màn, hàng ngàn tấn gạo chi viện cho mặt trận phía Nam.


- Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, với tính chất vừa là hậu phương, vừa là tiền tuyến, địa bàn Quân khu 3 là căn cứ chiến lược chủ yếu của hậu phương quốc gia, đồng thời là chiến trường ác liệt chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ; vừa sản xuất, vừa chiến đấu, "Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược" đã trở thành khẩu hiệu hành động của mỗi chiến sĩ, mỗi người dân châu thổ sông Hồng. Từ đây đã có 1,7 triệu thanh niên, hàng chục sư đoàn và trung đoàn, hàng trăm tiểu đoàn, hàng chục vạn thanh niên xung phong, hàng ngàn cán bộ các ngành tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, xây dựng chính quyền cách mạng ở miền Nam và làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào, Campuchia. (17 năm từ 1958 - 1975 đã tuyển gần 1,4 triệu quân chiếm gần 11% dân số của Quân khu, trong đó tỉnh Thái Bình có tỷ lệ cao nhất chiếm tới 13,7% dân số). Từ năm 1967 - 1975 Quân khu đã chi viện cho các chiến trường 606.480 cán bộ chiến sỹ, với 3 sư đoàn hoàn chỉnh (320, 304, 341); 3 khung sư đoàn ( 330, 320b, 338); 15 trung đoàn hoàn chỉnh, 2 khung trung đoàn; 903 tiểu đoàn; 66 đại đội). Đón và nuôi dưỡng hàng chục ngàn bộ đội, thương bệnh binh, gia đình cán bộ, con em miền Nam tập kết, đào tạo để trở thành cán bộ, chiến sỹ phục vụ sự nghiệp cách mạng. Với 17 đoàn an dưỡng thương, bệnh binh, đã nuôi dưỡng 30 vạn thương binh, bệnh binh ở các chiến trường về hậu phương (Quân khu đã đón 45 chuyến tàu gồm: 43.346 bộ đội; 1.775 thương bệnh binh; 5.992 học sinh; 1.433 gia đình cán bộ (tổng số gần 80 ngàn người), huy động nhân dân bảo đảm 6.600 tấn gạo, 175.000 tấn muối, hàng ngàn tấn rau quả, thực phẩm; cấp 53.500 bộ quần áo, 63.500 chăn bông, 46.000 chiếc màn, 73.000 đôi giầy cho các lực lượng miền Nam tập kết ra địa bàn Quân khu. Chỉ riêng trên địa bàn các tỉnh tả ngạn sông Hồng, nhân dân đã xây 220 nhà cho thương binh với diện tích 11.283m2; ủng hộ 1.370 giường, phản; gần 22.200 cây tre, gỗ; 45.300 ngày công).


- Trong giai đoạn thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Quân khu đã tích cực chi viện cho các hướng, điển hình từ năm 1978 đến 1984 đã chi viện đắc lực về lực lượng, cơ sở vật chất trang bị kỹ thuật cho các tuyến phòng thủ biên giới phía Bắc, Đông Bắc, biển và hải đảo của Tổ quốc. Các tỉnh, thành phố đã tổ chức 40 Trung đoàn tự vệ, dân quân với 37 vạn lượt người cùng các đơn vị chủ lực xây dựng các công trình quốc phòng; chi viện hàng ngàn tấn xi măng, hàng trăm tấn sắt thép, hàng trăm ngàn ngày công, hàng chục vạn cán bộ, chiến sỹ trực tiếp tham gia nhiệm vụ xây dựng, chiến đấu, phục vụ chiến đấu bảo vệ biên giới.


Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ xâm lược và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, toàn Quân khu đã có 223.520 liệt sỹ, 143.258 thương binh, bệnh binh. 70 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, LLVT Quân khu luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là Quân khu có vị trí chiến lược trọng yếu của cả nước; đã xây đắp và không ngừng tô thắm truyền thống vẻ vang: “Đoàn kết, chủ động, sáng tạo, hy sinh, chiến thắng”.


- Với những chiến công và thành tích xuất sắc, LLVT Quân khu được Đảng, Nhà nước, Quân đội tặng nhiều phần thưởng cao quý.


+ Ngày 17/8/1985, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng lần thứ nhất cho LLVT Quân khu 3;


+ Ngày 08/10/2010, Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng lần thứ 2 cho LLVT Quân khu 3;


+ Ngày 02/3/1979, Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh hạng Nhất cho Quân khu Tả Ngạn, Quân khu Hữu Ngạn;


+ Ngày 17/7/2002, Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cho LLVT Quân khu 3;


+ Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc Lập cho 210 tập thể và cá nhân (5 lần tặng thưởng Huân chương Độc Lập cho LLVT Quân khu 3);


+ 800 tập thể được phong tặng, 281 cá nhân được phong tặng và truy tặng danh cao quý hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân";


+ 16.280 Bà Mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam Anh hùng”;

           

+ LLVT Quân khu 3 nhiều lần được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Tôn Đức Thắng, các đồng chí Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về thăm, tặng lẵng hoa và gửi thư khen; cùng hàng ngàn lượt tập thể đơn vị được tặng Huân, Huy chương các loại…


Câu 6Viết về Quân khu 3, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Quân khu 3, quân khu đồng bằng án ngữ Thủ đô, dựa vào Tây Bắc và Việt Bắc, nối liền đất Thanh, Nghệ miền Trung, lại nhìn ra biển cả, giàu tài nguyên và quan trọng về chiến lược. Thời bình đây là một trong những vùng đất căn bản để xây dựng và phát triển, là cửa ngõ giao lưu quốc tế của đất nước. Thời chiến đây là hậu phương quốc gia, đồng thời là mặt trận chống quân xâm lược..”, điều đó có ý nghĩa như thế nào trong xây dựng LLVT Quân khu hiện nay? Cảm nghĩ của bản thân về hình ảnh người chiến sĩ đồng bằng sông Hồng(bài viết không quá 2.000 từ, nếu bằng videoClip không quá 10 phút).


Trả lời:

- Quân khu 3 là địa bàn chiến lược rất quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh, ngoại giao; là trung tâm đồng bằng Bắc Bộ. Có thế mạnh về công, nông, lâm, ngư nghiệp, có núi rừng hiểm trở, có biển đảo rộng lớn; có hệ thống giao thông rất thuận lợi giữa Quân khu với thủ đô Hà Nội và nhiều vùng trọng yếu khác trong nước và quốc tế. Trải qua các thời đại dưới con mắt của kẻ thù ngoại bang, luôn coi đây là địa bàn quan trọng, là mục tiêu, hướng tiến công chủ yếu, tạo điều kiện để phát triển lực lượng, làm bàn đạp để tiến hành chiến tranh xâm lược trên phạm vi miền Bắc và cả nước; cũng là nơi chúng co cụm rút lui cuối cùng.


- Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Quân khu 3 có vị trí quan trọng trong thế trận chiến tranh nhân dân, là địa bàn trọng yếu trong khu vực phòng thủ Đông Bắc và Thủ đô Hà Nội; là khu vực kinh tế năng động của cả nước; góp phần to lớn vào sự nghiệp CNH,HĐH đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.


- Trình bày cảm nghĩ của bản thân về hình ảnh Người chiến sĩ đồng bằng sông Hồng, cũng như vai trò, trách nhiệm của bản thân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay?

Các tin mới hơn
THỂ LỆ CUỘC THI TRỰC TUYẾN TÌM HIỂU NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 8 KHÓA XII(01/03/2024)
Thể lệ cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến tìm hiểu chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực(10/11/2023)
LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ(26/08/2023)
Quy định về tổ chức tuyển sinh và chỉ tiêu tuyển sinh vào đào tạo đại học, cao đẳng hệ quân sự tại các trường quân đội năm 2023(05/04/2023)
Hướng dẫn đăng ký sơ tuyển vào đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp quân sự và đăng ký dự kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2023(05/04/2023)
Các tin cũ hơn
Nghị định số 26/2015/NĐ-CP ngày 09/3/2015 của Chính phủ(20/05/2015)
Thông báo Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI)(13/05/2015)
Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015)(02/04/2015)
Thi tìm hiểu 70 năm Ngày truyền thống LLVT Quân khu(24/03/2015)
Thông tin mới về công tác tuyển sinh quân sự năm 2015(05/03/2015)
na
Video
Phóng sự Ảnh
Trang tin đơn vị
Hệ thống văn bản
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website