Lịch sử truyền thống
Quân tình nguyện Việt Nam giúp Lào - thực tiễn và bài học kinh nghiệm
22/11/2019 12:00:00

 Cách đây 70 năm, ngày 30-10-1949, các lực lượng quân sự Việt Nam chiến đấu và công tác giúp Lào chính thức mang tên Quân tình nguyện. Cũng từ đó, hình ảnh người chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam đã trở thành biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần quốc tế trong sáng, giúp Bạn vững bước trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc và thời kỳ đầu xây dựng, phát triển đất nước.

Quân tình nguyện Việt Nam và quân đội giải phóng nhân dân Lào (Ảnh tư liệu)

Những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, theo yêu cầu của Chính phủ độc lập lâm thời Lào Ít-xa-la,Trung ương Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định xây dựng và phát triển các đơn vị Việt kiều Giải phóng quân. Các đơn vị này được gắn kết với các đơn vị vũ trang yêu nước Lào Ít-xa-la thành lập “Liên quân Lào - Việt”, phối hợp với một số đơn vị bộ đội chủ lực và địa phương của Khu 4 (Việt Nam) chiến đấu, ngăn chặn các cuộc tiến công của quân Pháp, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ ở các thành phố, thị trấn vừa được giải phóng, tạo thuận lợi cho cách mạng Lào vượt qua giai đoạn khó khăn, xây dựng, phát triển lực lượng đẩy mạnh kháng chiến. Đây là tiền đề cho việc Quân tình nguyện Việt Nam sang giúp Bạn chiến đấu bảo vệ nền độc lập, tự do của đất nước Lào sau này.

Nhất quán quan điểm “dân tộc Việt Nam đoàn kết chặt chẽ với dân tộc Miên, Lào thì sức mạnh đủ đánh tan thực dân Pháp”1, từ những đơn vị hoạt động phân tán với quy mô tổ chức nhỏ (tổ, đội), đến những năm 1948-1949, lực lượng quân sự Việt Nam đã từng bước phát triển thành các đơn vị độc lập (cấp đại đội, tiểu đoàn và trung đoàn). Đặc biệt,với quyết định của Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương về “Các lực lượng quân sự Việt Nam chiến đấu và công tác giúp Lào tổ chức thành hệ thống riêng và lấy danh nghĩa là Quân tình nguyện”, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc về quy mô tổ chức lực lượng và phạm vi hoạt động của các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam ở Lào. Từ đây, các đoàn Quân tình nguyện lần lượt được thành lập khắp nơi trên đất nước Bạn2, tạo ra thế và lực mới cùng với Bạn đẩy mạnh các hoạt động tác chiến rộng khắp. Đồng thời, xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang cách mạng Lào đủ khả năng phối hợp, hiệp đồng với các đơn vị Bộ đội chủ lực Việt Nam tiến hành tác chiến tập trung quy mô cấp chiến dịch, như: chiến dịch Thượng Lào (năm 1953), chiến dịch Trung Lào, Hạ Lào - Đông Bắc Cam-pu-chia và Thượng Lào (năm 1954), góp phần quan trọng vào thành công của cuộc kháng chiến chống Pháp ở Lào và thắng lợi vẻ vang chống kẻ thù chung của nhân dân ba nước Đông Dương.

Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương (năm 1954) được ký kết, hòa bình lập lại trên bán đảo Đông Dương, theo chỉ thị của Trung ương Đảng ta, các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam lần lượt rút về nước. Tuy nhiên, với bản chất hiếu chiến và âm mưu phản cách mạng toàn cầu, đế quốc Mỹ đã hất cẳng Pháp, tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược, thống trị các nước Đông Dương bằng chủ nghĩa thực dân kiểu mới. Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia lại tiếp tục. Theo yêu cầu của Đảng, Chính phủ kháng chiến Lào và quan điểm“Giúp bạn là tự giúp mình”, Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng Việt Nam lại cử các đơn vị Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam3 (sau đây gọi chung là Quân tình nguyện Việt Nam) lên đường sang giúp Lào tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ4.

Trên cơ sở thống nhất quan điểm, đường lối, chủ trương giữa hai Đảng, các đơn vị Quân tình nguyện luôn nêu cao tinh thần quốc tế trong sáng, tích cực, chủ động đẩy mạnh các hoạt động giúp Bạn xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng, phát triển lực lượng vũ trang và sát cánh chiến đấu bảo vệ các khu căn cứ, mở rộng vùng giải phóng. Đặc biệt, với tinh thần đoàn kết, liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung, các đơn vị quân đội hai nước đã chủ động phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ tổ chức mở nhiều chiến dịch, với đa dạng các loại hình tác chiến, tiêu diệt lớn quân địch, như: Nậm Thà (năm 1962),128, 74A (năm 1964), Nậm Bạc (năm 1968), Mường Sủi (năm 1969), Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng (10-1969 đến 4-1970), Đường 9-Nam Lào (năm 1971), Cánh Đồng Chum - Loong Chẹng (12-1971 đến 4-1972) và Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng (năm 1972). Những chiến thắng đó, đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam; yếu tố quyết định lần lượt đánh bại các chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh đặc biệt tăng cường” của đế quốc Mỹ ở Lào, tạo thế và lực giúp Bạn đẩy mạnh thực hiện thắng lợi “ba đòn chiến lược” và mũi đấu tranh pháp lý, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Sau năm 1975, lợi dụng những khó khăn ban đầu của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, các thế lực thù địch tiếp tục chống phá cách mạng Lào. Theo yêu cầu của Bạn, Bộ Quốc phòng Việt Nam giao nhiệm vụ cho một số đơn vị Quân tình nguyện sang giúp Bạn xây dựng thực lực cách mạng, phát triển lực lượng vũ trang, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Lào. Đến tháng 01-1989, các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ quốc tế vẻ vang, lần lượt rút hết quân về nước.

Như vậy, trong suốt chặng đường lịch sử hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cũng như thời kỳ đầu xây dựng, củng cố nền hòa bình đất nước của nhân dân các bộ tộc Lào đều ghi dấu ấn sự đóng góp quan trọng của cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam. Đó là sự dũng cảm trong chiến đấu, không ngại gian khổ, chấp nhận hy sinh, sẵn sàng làm mọi việc giúp Bạn trên tinh thần quốc tế trong sáng và nghĩa cử cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Đây cũng là nền tảng, tạo động lực mạnh mẽ để các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam ở Lào hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Qua thực tiễn giúp cách mạng Lào của Quân tình nguyện Việt Nam, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm chủ yếu sau.

Thứ nhất, thường xuyên quán triệt sâu sắc đường lối cách mạng của Đảng ta và tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực hiện nhiệm vụ. Khi đề cập tới nhiệm vụ sát cánh chiến đấu với quân và dân Lào anh em, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện: “Sự thật thì chưa tìm ra chữ gì để thay thế chữ giúp, thực ra không phải là giúp mà là làm nhiệm vụ quốc tế”5. Điều đó cho thấy rằng, đây là một nhiệm vụ rất mới mẻ, nên việc quán triệt sâu sắc quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp về thực hiện nhiệm vụ này là vô cùng quan trọng, để mọi cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện nhận thức đầy đủ, hiểu rõ bản chất nghĩa vụ quốc tế cao cả của người cộng sản, từ đó có hành động đúng đắn trong tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ. Nhờ vậy, khi có yêu cầu của Bạn, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện dù trực tiếp tham gia chiến đấu hoặc làm chuyên gia giúp cách mạng Lào đều nêu cao tinh thần quốc tế trong sáng, đồng cam, cộng khổ cùng quân và dân Lào anh em, gắn bó máu thịt, không quản ngại hy sinh nỗ lực giúp cuộc cách mạng giải phóng đất nước của nhân dân Lào giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi cuối cùng.

Thứ hai, tăng cường đoàn kết giúp Bạn xây dựng và chiến đấu theo đường lối, chủ trương, kế hoạch thống nhất giữa ta và Bạn. Mặc dù cùng chung nhiệm vụ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhưng cách mạng mỗi nước phát triển không đều, nên việc vận dụng đường lối cũng như các quan điểm giúp Bạn phải được nghiên cứu, bàn bạc thống nhất, phù hợp với tình hình của cách mạng Lào trong từng thời kỳ, từng giai đoạn cách mạng. Theo đó, các cấp lãnh đạo, chỉ huy Quân tình nguyện Việt Nam đã thường xuyên giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ quan điểm: Cách mạng Lào phải do nhân dân Lào tự làm lấy. Việt Nam giúp Lào là tạo điều kiện để Bạn từng bước đảm nhiệm sứ mệnh lịch sử của đất nước. Quá trình giúp Bạn, phải thực sự tôn trọng quyền làm chủ của Bạn và theo phương châm: cơ bản, toàn diện, liên tục, hiệu quả. Việc giúp Bạn bắt đầu từ đề xuất, kiến nghị những vấn đề chiến lược có tính chất quan trọng để lãnh đạo Bạn xem xét, trao đổi đi đến thống nhất về chỉ đạo chiến tranh, về xây dựng và chiến đấu của quân đội. Như vậy, trên cơ sở nhất trí cao về quan điểm, đường lối, chủ trương và các biện pháp thực hiện giữa ta và Bạn, cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam với tình cảm và tinh thần trách nhiệm, cùng với Bạn xây dựng và chiến đấu, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng mà Đảng Nhân dân cách mạng Lào đề ra, góp phần vào thắng lợi chung của cách mạng ba nước Đông Dương.

Thứ ba, xây dựng các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam, nhất là đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, đủ sức lãnh đạo, chỉ huy đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thực tiễn cho thấy, mặc dù được sự tin yêu, đùm bọc, che chở, giúp đỡ như anh, em ruột thịt của nhân dân các bộ tộc Lào, song việc phải tác chiến độc lập ở chiến trường xa hậu phương và sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên là một khó khăn lớn đến hiệu quả hoạt động của các đơn vị Quân tình nguyện. Để khắc phục điều đó, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị Quân tình nguyện đã chú trọng tập trung xây dựng đơn vị vững mạnh về mọi mặt, xây dựng cho mọi cán bộ, chiến sĩ, nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về năng lực tác chiến độc lập, tinh thần bền bỉ, sức chịu đựng cao, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, thiếu thốn, không ngừng nêu cao tinh thần quốc tế cao cả, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong những năm tháng hoạt động trên khắp đất nước Lào và ở mọi lĩnh vực công tác, Quân tình nguyện Việt Nam luôn chủ động đề ra các giải pháp tích cực, phát huy bản chất “Bộ đội cụ Hồ” giúp Bạn trên mọi phương diện, không chỉ trong chiến đấu, xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang cách mạng, mà còn thực sự trở thành đội quân công tác, làm công tác dân vận giỏi, cùng với quân đội và nhân dân các bộ tộc Lào phát triển căn cứ địa cách mạng, gây dựng cơ sở chính trị vững mạnh phát triển chiến tranh nhân dân đáp ứng yêu cầu kháng chiến. Bên cạnh đó, công tác chính sách cũng được tổ chức thực hiện chặt chẽ, nhất là chính sách thương binh, tử sĩ, chính sách hậu phương quân đội,... góp phần quan trọng để cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện yên tâm công tác, cống hiến sức lực, trí tuệ,... vì nhiệm vụ quốc tế cao cả.

Ngày nay, cuộc cách mạng của nhân dân hai nước đã chuyển sang thời kỳ mới - thời kỳ độc lập và phát triển của mỗi quốc gia, song truyền thống đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung và những bài học kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ quốc tế vẫn còn nguyên giá trị, cần được tiếp tục kế thừa, phát triển và vận dụng sáng tạo trong điều kiện mới, vì mục tiêu: hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của mỗi nước trong khu vực và trên thế giới.

Đại tá NGUYỄN KHẮC BÌNH, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam
____________________

1 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 1, Nxb CTQG, H. 1998, tr. 532.

2 - Tổ chức thành lập các đoàn Quân tình nguyện: 80, 81, 82, 83ở Thượng Lào; Đoàn 280 ở Trung Lào và các đại đội, tiểu đoàn hoạt động ở Hạ Lào.

3 - Từ năm 1954 đến năm 1959, chuyển chế độ Quân tình nguyện sang chế độ Quân tình nguyện và Cố vấn quân sự (sau đó là Chuyên gia quân sự).

4 - Trong những năm 1960 -1968, Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng Việt Nam lần lượt cử các đoàn Chuyên gia quân sự 959, 463, 565 và các đoàn Quân tình nguyện 335, 316, 763, 766, 866, 968 sang giúp Bạn. Năm 1970, thành lập Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào (Bộ Tư lệnh 959). Năm 1971, tách ra thành đoàn Chuyên gia Quân sự 959 và Bộ Tư lệnh 31. Năm 1972, hợp nhất Sư đoàn 316 với Bộ Tư lệnh Mặt trận 31 thành Bộ Tư lệnh Mặt trận 316. Tiếp đó, tách ra thành Sư đoàn 316 (năm 1973) và Sư đoàn 31 (năm 1974) hoạt động ở Lào đến năm 1975.

5 -Lịch sử Quân tình nguyện Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tại Lào (1945-1954), Nxb QĐND, H. 2002, tr.362.

Nguồn: Tạp chí QPTD online 
Các tin mới hơn
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến dịch Điện Biên Phủ(22/03/2024)
Người nhóm lửa cách mạng ở TP Hải Dương(27/09/2023)
Cầu phao đường sắt Phú Lương - kỳ tích thời chống Mỹ(20/09/2023)
Tuyên ngôn Độc lập - một áng văn lập quốc vĩ đại(02/09/2023)
Tiếng thơm Nguyễn Đức Sáu(04/07/2023)
Các tin cũ hơn
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam(05/11/2019)
Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh-Ngày truyền thống Bộ đội Trường sơn(05/11/2019)
Phát triển sáng tạo nghệ thuật tác chiến hải quân từ chiến thắng trận đầu(05/11/2019)
na
Video
Phóng sự Ảnh
Trang tin đơn vị
Hệ thống văn bản
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website