Lịch sử truyền thống
KỶ NIỆM 50 NĂM CHIẾN THẮNG “HÀ NỘI - ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG” (12-1972 / 12-2022) Nghệ thuật tác chiến trong Chiến dịch Phòng không Hà Nội - Hải Phòng cuối năm 1972
27/12/2022 08:21:00

Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972 là chiến thắng của sức mạnh tổng hợp được hội tụ từ đường lối chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, được biểu hiện bằng tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam. Trong đó, nghệ thuật tác chiến trên mặt trận đối không được xây dựng và phát triển lên đỉnh cao. Qua phân tích của các nhân chứng lịch sử, nhà khoa học, Báo Quân đội nhân dân trân trọng giới thiệu đến bạn đọc loạt bài “Nghệ thuật tác chiến trong Chiến dịch Phòng không Hà Nội-Hải Phòng cuối năm 1972”.

Bài 1: Xác định khu vực chủ yếu, đối tượng chủ yếu

 

Xác định khu vực chủ yếu, đối tượng chủ yếu là vấn đề quan trọng, cốt lõi để tạo lập thế trận. Với việc nắm chắc tình hình, dự báo sát đúng âm mưu, thủ đoạn của địch, trong Chiến dịch Phòng không Hà Nội-Hải Phòng cuối năm 1972, ta đã nhận định chính xác khu vực tác chiến chủ yếu và đối tượng chủ yếu của không quân Mỹ để xây dựng thế trận phòng không 3 thứ quân vững chắc.
 

Đánh Hà Nội để đạt được mục tiêu chiến lược

“... Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”. Từ cuối năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định như vậy, bởi Người nghiên cứu rất kỹ âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù. Trong các cuộc chiến tranh mà Mỹ từng tham chiến, trước khi kết thúc, Mỹ đều dùng vũ khí tối tân, kể cả vũ khí hạt nhân để hủy diệt các thành phố lớn, các trung tâm đầu não của đối phương nhằm phô diễn sức mạnh và tạo lợi thế khi đàm phán. Thực tiễn, các thành phố: Dresden của Đức (1945), Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản (1945), Bình Nhưỡng của Triều Tiên (1950-1953)... đều đã trở thành những đống tro tàn bởi các cuộc không kích hủy diệt của Mỹ. Kịch bản ấy đối với Hà Nội cũng không loại trừ.

Thiếu tướng, TS Đỗ Minh Xương, Giám đốc Học viện Lục quân luận giải: Nghiên cứu quy luật chiến tranh phá hoại của Mỹ và phân tích vai trò của từng khu vực tác chiến chiến dịch, ta đã xác định Hà Nội là khu vực mà đế quốc Mỹ chú ý cao nhất. Để ép ta về chính trị, Nixon sẽ tập trung không lực đánh phá Hà Nội, vì Hà Nội là trung tâm đầu não của cách mạng, là nơi nhạy cảm nhất về chính trị. Vì vậy, chỉ có đánh Hà Nội thì địch mới có thể đạt được mục tiêu chiến lược là buộc ta phải chấp nhận những điều kiện của chúng trên bàn Hội nghị Paris.

Xác định khu vực chủ yếu là Hà Nội, trong quá trình chuẩn bị tác chiến, ta đã tập trung xây dựng thế trận phòng không nhiều tầng, nhiều lớp. Theo Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu, nguyên Phó chính ủy Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ), nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương): Năm 1972, Bộ đội PK-KQ cùng một lúc phải đảm đương 3 nhiệm vụ rất nặng nề: Vừa tiếp tục tham gia tác chiến trong đội hình quân, binh chủng hợp thành ở Mặt trận phía Nam; vừa phải bảo vệ giao thông vận chuyển trên địa bàn Quân khu 4; đồng thời sẵn sàng đánh trả cuộc tập kích đường không của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng... Lực lượng phòng không buộc phải chia nhỏ ra để đáp ứng các yêu cầu chiến lược nói trên.

Tuy vậy, theo Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu, trước âm mưu của đế quốc Mỹ, cuối năm 1972, ở Hà Nội, ta đã xây dựng thế trận phòng không tương đối vững chắc với các trung đoàn tên lửa, trung đoàn pháo cao xạ, hàng trăm đội dân quân, tự vệ bảo vệ Hà Nội. Cùng với đó là 4 trung đoàn không quân tiêm kích triển khai lực lượng chiến đấu ở các sân bay vòng trong, sẵn sàng đánh B-52 và máy bay chiến thuật theo 5 hướng xung quanh Hà Nội. Ngoài ra, ta bố trí các trung đoàn radar ở Nghệ An, Tây Bắc, Quảng Bình và Vĩnh Linh (Quảng Trị), hình thành thế bố trí ở tuyến trước, vừa bảo đảm radar cho tác chiến phòng không trong khu vực, vừa cảnh giới, phát hiện B-52 báo động từ xa cho Hà Nội.

 

Kiên quyết chấp hành triệt để mệnh lệnh của Bộ Tổng Tư lệnh, tháng 12-1972. Ảnh tư liệu

Xác định đối tượng chủ yếu

Ra đời từ năm 1952, “siêu pháo đài bay” B-52 được đánh giá là loại máy bay ném bom chiến lược trụ cột của không quân trong chiến lược quân sự toàn cầu của Mỹ. Từ rất sớm, với tầm nhìn xa, sắc bén, Bác Hồ đã dự báo tình huống chiến tranh để quân và dân ta chủ động chuẩn bị. Sau khi oanh tạc ở Đông Bắc và chiến trường Quân khu 4, ta nhận định sớm hay muộn, không quân Mỹ cũng sẽ đánh Hà Nội và một số tỉnh, thành phố, thị xã ở miền Bắc. Với “át chủ bài” trong tay, nếu tấn công Hà Nội thì B-52 là đối tượng chủ yếu ta phải tiêu diệt.

“Chỉ có bắn rơi B-52 và bắt sống giặc lái mới có thể đánh bại ý chí xâm lược của địch, tạo điều kiện, thời cơ thuận lợi cho ta trên mặt trận ngoại giao và toàn chiến trường Việt Nam. Xác định máy bay B-52 là đối tượng chủ yếu chính là nghệ thuật chọn “tử huyệt” của địch để đánh”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, nguyên Phó cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam khẳng định.

Theo lời kể của Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu, giữa tháng 5-1972, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp hỏi đồng chí Lê Thanh Cảnh, Trưởng phòng Tác chiến, Quân chủng PK-KQ: “Tỷ lệ B-52 bị bắn rơi ở mức độ nào thì Mỹ chịu đựng được và tiếp tục ném bom; mức độ nào thì Nhà Trắng rung chuyển; mức độ nào khiến Mỹ không chịu nổi, phải thua?". Sau hơn một tuần nghiên cứu, Quân chủng PK-KQ đã tìm ra 3 đáp số: N1 (tỷ lệ Mỹ chịu được) từ 1 đến 2%. N2 (tỷ lệ Nhà Trắng rung chuyển) từ 6 đến 7%. N3 (tỷ lệ buộc Mỹ thua cuộc) trên 10%. Đồng chí Lê Văn Tri, Tư lệnh Quân chủng PK-KQ báo cáo Đại tướng Võ Nguyên Giáp và hứa quyết tâm, Quân chủng sẽ phấn đấu đạt N2 và vươn tới N3.

Ngày 28-6-1972, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ thị cho Tư lệnh Lê Văn Tri: Sắp tới, không quân Mỹ sẽ đánh ác liệt hơn, kể cả B-52. Ta phải kiên quyết tổ chức những trận hiệp đồng nhiều binh chủng, đánh địch đau hơn nữa, nhất là vào những thời gian cao điểm.

Thực hiện chỉ thị của Đại tướng, đầu tháng 7-1972, Bộ Tổng Tham mưu mở hội nghị chuyên đề về cách đánh B-52 và triển khai công tác chuẩn bị sẵn sàng đối đầu với "siêu pháo đài bay".

Xác định B-52 là đối tượng chủ yếu nên ta tập trung lấy tên lửa SAM-2 để đối chọi với chúng. Theo Trung tướng, PGS, TS, Anh hùng LLVT nhân dân Phan Thu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: Tháng 4-1972, sau khi đưa B-52 vào đánh phá một số khu vực ở Hải Phòng, lực lượng tên lửa của ta ở thành phố cảng đã phóng nhiều đạn nhưng không trúng mục tiêu. Thời điểm đó, Mỹ tin rằng SAM-2 không phải là đối thủ khiến B-52 phải lo sợ, mà nguy cơ chính là không quân Việt Nam. Từ đó, các tướng lĩnh ở Lầu Năm Góc đưa ra lời tuyên bố như đinh đóng cột: "Bằng kỹ thuật điện tử, không lực Hoa Kỳ có thể bịt mắt toàn bộ hệ thống phòng không của đối phương"; "Giờ đây, không lực Hoa Kỳ có thể ném bom bất cứ mục tiêu nào trên lãnh thổ Bắc Việt như đi vào chỗ không người”. Những đánh giá đó đã khiến các phi công Mỹ, nhất là các phi công B-52 chủ quan, kiêu ngạo.

Trung tướng Phan Thu cho biết: Qua thực tiễn chiến đấu ở Việt Nam, tên lửa SAM-2 nhiều lần được cải tiến kỹ thuật, khoảng hàng chục nội dung lớn, nhỏ nên tính năng kỹ thuật của tên lửa SAM-2 năm 1972 vượt trội so với tên lửa SAM-2 năm 1965. Để bảo vệ Hà Nội, đội hình tên lửa ôm sát yếu địa phù hợp với lực lượng ít, nhưng vẫn tập trung lực lượng đánh B-52 trên hướng và đường bay chủ yếu, ngoài ra còn có thể đánh địch trên các hướng khác, có khả năng chống nhiễu cao và có thể chi viện được cho nhau. Trung đoàn Tên lửa 261 (Sư đoàn 361) bố trí bên tả ngạn sông Hồng, đón đánh B-52 trên hướng chủ yếu, đường bay chủ yếu từ Tây Bắc Tam Đảo xuống, ngã ba Việt Trì vào và sử dụng một bộ phận lực lượng đánh địch từ hướng Đông Bắc xuống. Trung đoàn Tên lửa 257 (Sư đoàn 361) ở hữu ngạn sông Hồng, đón đánh các đường bay B-52 từ Ba Vì xuống và từ Đường số 6 vào Hà Nội, đồng thời sử dụng một bộ phận lực lượng đón đánh địch ở hướng Nam và Đông Nam lên. Khi Trung đoàn Tên lửa 274 được tăng cường bảo vệ Hà Nội đã nhanh chóng củng cố lực lượng, khôi phục khí tài, sẵn sàng đánh địch trên hướng Tây Nam và Nam Hà Nội.

“Khi B-52 vào đánh Hà Nội, "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" không đứng về phía Mỹ. Hà Nội ở sâu trong đất liền, khi máy bay B-52 càng bay vào, góc tà của nó càng nâng cao nên đã thoát ra khỏi sự yểm trợ về nhiễu của các mục tiêu gây nhiễu ngoài đội hình, khiến B-52 lúc này chỉ còn dựa vào máy gây nhiễu của bản thân nó, tạo điều kiện cho tên lửa SAM-2 bắt được mục tiêu và đánh bằng phương pháp bắn đón vượt nửa góc”-Trung tướng, PGS, TS, Anh hùng LLVT nhân dân Phan Thu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết.

 

SƠN BÌNH

Nguồn: qdnd.vn 
Các tin mới hơn
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến dịch Điện Biên Phủ(22/03/2024)
Người nhóm lửa cách mạng ở TP Hải Dương(27/09/2023)
Cầu phao đường sắt Phú Lương - kỳ tích thời chống Mỹ(20/09/2023)
Tuyên ngôn Độc lập - một áng văn lập quốc vĩ đại(02/09/2023)
Tiếng thơm Nguyễn Đức Sáu(04/07/2023)
Các tin cũ hơn
Những nữ chiến sĩ báo vụ xứ Đông góp phần làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”(22/12/2022)
Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt (23/11/1922 – 23/11/2022) Những cống hiến to lớn của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đối với sự phát triển của đất nước(22/11/2022)
Thành phố Hải Dương 68 năm xây dựng và phát triển(10/10/2022)
Giành chính quyền cách mạng ở tỉnh Hải Dương(14/08/2022)
Sáng mãi cuộc đời, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh(19/05/2022)
na
Video
Phóng sự Ảnh
Trang tin đơn vị
Hệ thống văn bản
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website