Lịch sử truyền thống
Trận bắn rơi máy bay Mỹ tại khu vực động Kính Chủ, xã Phạm Mệnh (Kinh Môn) Ngày 12 tháng 9 năm 1966
04/01/2022 10:10:46

Trận chiến đấu của dân quân xã Phạm Mệnh, huyện Kinh Môn phối hợp với Tiểu đoàn 75, tỉnh đội Hải Dương bắn rơi 01 máy bay F4 của Mỹ bằng súng máy cao xạ 12,7mm tại khu vực Động Kính Chủ ngày 12 tháng 9 năm 1966, là trận chiến đấu được tổ chức hiệp đồng chặt chẽ giữa bộ đội địa phương và dân quân du kích xã, phát huy được sức mạnh của thế trận phòng không nhân dân trong chiến tranh nhân dân.

I. TÌNH HÌNH CHUNG

1. Địa hình:

Phạm Mệnh là xã miền núi nằm trải dài theo sông Kinh Thầy về phía đông bắc huyện Kinh Môn; phía đông giáp xã Hiệp Sơn, phía nam giáp xã An Sinh và dãy núi An Phụ, phía tây giáp xã Thái Sơn, phía Bắc giáp sông Kinh Thầy; diện tích tự nhiên 4,38km2. Trên địa bàn xã có 02 dãy núi đá Dương Nham và Lĩnh Đông (còn gọi là dãy núi Kính Chủ) chạy dọc bờ sông Kinh Thầy. Núi đá vôi Phạm Mệnh có rất nhiều hang động, trong đó động Kính Chủ lớn nhất, là điều kiện thuận lợi cho việc trú quân, giấu quân, phòng không sơ tán và tạo lợi thế cho ta trong tác chiến tránh địch tiến công đường không.

Nơi ta bố trí nghi binh lừa địch và diễn ra trận đánh ngày 12 tháng 9 năm 1966, là khu vực cánh đồng trước động Kính Chủ (thuộc dãy núi đá Dương Nham có độ cao 80 đến 100m), phía đông, phía tây và phía nam là cánh đồng của các xã Hiệp Sơn, An Sinh, Thái Sơn. Dãy núi An Phụ có độ cao trung bình 100m, trong đó đỉnh cao nhất có độ cao 243m. Với địa thế thuận lợi cho phép ta phát huy được hiệu quả của các loại súng phòng không tầm thấp và thế trận phòng không nhân dân đánh địch tiến công đường không đánh phá khu vực trận địa.

2. Tình hình địch:

Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất bằng không quân (1965 - 1968), đế quốc Mỹ đã nhiều lần dùng máy bay đánh phá khu vực động Kính Chủ, gây nhiều thiệt hại về người và cơ sở vật chất. Riêng trong tháng 7 và tháng 8 năm 1966, không quân Mỹ đã 06 lần oanh tạc vào khu vực động Kính Chủ, điển hình là: Hồi 10 giờ 45 phút, ngày 01 tháng 7 năm 1966, đế quốc Mỹ đã huy động 15 máy bay đánh phá khu vực núi Kính Chủ, bắn 97 quả rốc két, thả 16 quả bom (loại 900kg) làm cháy 04 bể dầu, 03 người chết, 08 người bị thương và phá huỷ một số tài sản của nhân dân. Hồi 10 giờ, ngày 12 tháng 7 năm 1966, chúng huy động 08 máy bay bay thấp theo sông Đá Bạch thăm dò mục tiêu của ta, rồi bất ngờ bổ nhào cắt bom, bắn rốc két và tên lửa xuống kho xăng dầu động Kính Chủ làm cháy 03 bể dầu. Ngày 23 tháng 7 năm 1966, địch tiếp tục thả 26 quả bom và bắn trên 200 quả rốc két xuống kho xăng dầu Kính Chủ làm cháy 27 phi dầu và chết 01 người.

Mặc dù địch được trang bị phương tiện kỹ thuật hiện đại, chủ động không gian và thời gian; song điểm yếu của địch là qua nhiều lần dùng không quân đánh phá trên địa bàn đã bị ta phát hiện quy luật và thủ đoạn hoạt động, hướng tiến công, từ đó tìm ra cách đánh có hiệu quả.

3. Tình hình ta:

Xã Phạm Mệnh có dãy núi đá với nhiều hang động có thể chứa từ 100 đến 300 người, nên trong thời kỳ này có nhiều cơ quan, đơn vị của Trung ương về đây sơ tán như: Đơn vị xăng dầu Sư đoàn 203 – Hải Phòng, nhà máy đóng tàu Bạch Đằng cùng các cửa hàng nông sản, cửa hàng lương thực, cửa hàng bách hoá, cửa hàng vật liệu kiến thiết của huyện. Vì vậy, Phạm Mệnh trở thành mục tiêu bắn phá trọng điểm của không quân địch trên địa bàn huyện Kinh Môn thời kỳ này, đồng thời cũng là mục tiêu bảo vệ quan trọng của lực lượng phòng không cấp trên và lực lượng vũ trang địa phương.

Trước âm mưu của đế quốc Mỹ mở rộng quy mô ném bom phá hoại miền Bắc, cùng với các địa phương trên địa bàn huyện, cấp uỷ, chính quyền xã Phạm Mệnh đã chú trọng làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tuyên truyền khơi dậy lòng căm thù giặc, ý thức cảnh giác, truyền thống cách mạng trong cán bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang địa phương. Mọi người đều nêu cao trách nhiệm, tích cực tham gia xây dựng thế trận phòng không nhân dân, xây dựng hầm hào công sự trận địa phục vụ chiến đấu và phòng tránh.

Lực lượng dân quân của xã gồm 01 đại đội, quân số 360 đồng chí, Ban chỉ huy xã đội gồm 03 đồng chí: Xã đội trưởng, chính trị viên xã đội (do đồng chí Bí thư Đảng uỷ kiêm nhiệm) và đồng chí xã đội phó. Đại đội biên chế 03 trung đội, trang bị 04 khẩu súng máy phòng không 12,7mm, 04 đại liên và hơn 20 khẩu súng trường K44. Đại đội dân quân thường xuyên được luyện tập và duy trì nghiêm chế độ tuần tra canh gác, trực tiếp bảo vệ làng xã; các tổ cứu thương, cứu hoả, cứu sập được luyện tập, rút kinh nghiệm sau mỗi trận đánh.

Lực lượng phối hợp tác chiến trên địa bàn xà có Tiểu đoàn pháo phòng không 75 tỉnh đội Hải Dương, trang bị 02 khẩu súng máy phòng không 14,5mm, 03 pháo phòng không 37mm. Lực lượng phòng không các xã trong khu vực được triển khai trên các điểm cao thuộc dãy núi An Phụ, tạo thế trận liên hoàn và phát huy hiệu quả trong quá trình chiến đấu.

II. DIỄN BIẾN TRẬN ĐÁNH

Chấp hành nghiêm chỉ lệnh chiến đấu của trên, lực lượng dân quân xã đã tổ chức tốt các đài quan sát phát hiện máy bay địch từ xa và các chất chiến đấu trên các điểm cao thuộc dãy núi Kính Chủ; thực hiện nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu 24/24 giờ, sẵn sàng đánh trả máy bay địch.

Do nắm chắc quy luật và thủ đoạn đánh phá của máy bay địch, Ban chỉ huy xã đội và Tiểu đoàn 75 bộ đội địa phương tỉnh Hải Dương đã bàn phương án nghi binh lừa địch. Huy động các lực lượng làm 08 mô hình xe ôtô và sửa mới 100m đường dẫn vào kho xăng dầu để nhử máy bay địch; đồng thời, làm tốt công tác chuẩn bị chiến đấu chờ thời cơ nổ súng tiêu diệt.

Hồi 11 giờ ngày 12 tháng 9 năm 1966, theo thông báo của trên và báo cáo từ các đài quan sát của lực lượng dân quân xã và Tiểu đoàn 75; ta phát hiện 01 tốp máy bay địch gồm 05 chiếc, trong đó có 01 máy bay trinh sát và 04 máy bay F4, bay từ dãy núi An Phụ vào trận địa ta đã mai phục. Các chốt chiến đấu của lực lượng dân quân tiểu đoàn 75 đã sẵn sàng nổ súng. Sau khi lượn vòng tìm mục tiêu, 03 chiếc F4 bất ngờ bổ nhào đánh phá vào khu vực ta nghi binh. Các chốt phòng không của ta đồng loạt nổ súng. Lực lượng dân quân xã và Tiểu đoàn 75 bộ đội địa phương tỉnh đã phối hợp chiến đấu bắn cháy 01 trong số 03 máy bay F4 của địch vào đánh phá.

III. KẾT QUẢ, Ý NGHĨA TRẬN ĐÁNH

1. Kết quả:

- Về địch: Bị bắn rơi 01 máy bay F4, lực lượng còn lại buộc phải tháo chạy. - Về ta: Lực lượng dân quân xã và Tiểu đoàn 75 bộ đội địa phương tỉnh đảm bảo an toàn về người và vũ khí trang bị.

2. Ý nghĩa:

Với tinh thần tích cực chủ động, khôn khéo nghi binh lừa địch, nhằm hạn chế uy lực không quân địch, phát huy hiệu quả vũ khí của ta; lực lượng dân quân xã Phạm Mệnh và Tiểu đoàn 75 tỉnh đội đã làm cho địch từ thế chủ động chuyển sang bị động, lúng túng trong thế trận phòng không nhân dân của ta, tạo thời cơ tiêu diệt địch. Thắng lợi của trận đánh đã góp phần cổ vũ quân và dân trong tỉnh quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

IV. ƯU ĐIỂM, KHUYẾT ĐIỂM VÀ KINH NGHIỆM

1. Ưu điểm:

- Nắm chắc âm mưu thủ đoạn của địch, khôn khéo nghi binh lừa địch, chủ động đánh địch với tinh thần quyết tâm cao.

- Tổ chức hiệp đồng chặt chẽ, chỉ huy liên quyết, linh hoạt, chiến sĩ dân quân và bộ đội biên trì, dũng cảm, hành động thống nhất, chọn đúng thời cơ tiêu diệt địch.

2. Khuyết điểm:

Tuy bắn rơi được máy bay địch, đảm bảo an toàn về người và vũ khí trang bị; song khả năng hiệp đồng giữa các bộ phận còn hạn chế, khi bắn chưa được đồng loạt, tập trung nên tiêu hao nhiều đạn.

3. Một số kinh nghiệm:

- Biết phát huy sức mạnh và khơi dậy tinh thần, ý chí, quyết tâm của toàn dân vừa lao động sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi.

- Kịp thời phát hiện, nắm chắc âm ưu, thủ đoạn của địch, xây dựng kế hoạch tác chiến cụ thể, khôn khéo nghi binh lừa địch để phát huy tối đa khả năng hoả lực của các loại vũ khí được trang bị. Chọn vị trí xây dựng trận địa, xác định cách đánh phù hợp tạo nên yếu tố bất ngờ.

- Chỉ huy phải kiên quyết, linh hoạt, hiệp đồng chặt chẽ giữa các bộ phận; coi trọng rèn luyện tính kiên trì, ý thức chấp hành mệnh lệnh trong chiến đấu.

Nguồn: Hải Dương - Một số trận đánh điển hình trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược
(Tập 2 - Phục kích, tập kích và bắn máy bay Mỹ)
Các tin mới hơn
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến dịch Điện Biên Phủ(22/03/2024)
Người nhóm lửa cách mạng ở TP Hải Dương(27/09/2023)
Cầu phao đường sắt Phú Lương - kỳ tích thời chống Mỹ(20/09/2023)
Tuyên ngôn Độc lập - một áng văn lập quốc vĩ đại(02/09/2023)
Tiếng thơm Nguyễn Đức Sáu(04/07/2023)
Các tin cũ hơn
Trận hóa trang đánh địch giữa ban ngày tại chợ Thọ Trương, Thanh Miện (Ngày 01 tháng 3 năm 1953) (28/12/2021)
Trận đánh cứ điểm Phương Điếm, huyện Gia Lộc (ngày 06 tháng 12 năm 1953)(28/12/2021)
Trận đánh mìn phá hủy đoàn tàu chở lính Âu Phi tại ga Phạm Xá, Kim Thành (Ngày 31 tháng 01 năm 1954)(28/12/2021)
TRẬN ĐÁNH ĐỊCH Ở THÔN LÝ VĂN, XÃ PHÚ ĐIỀN, NAM SÁCH (Ngày 21 tháng 8 năm 1952)(24/12/2021)
TRẬN CHỐNG CÀN TẠI THÔN GIANG HẠ, XÃ TÂN DÂN, CHÍ LINH (Ngày 25 tháng 11 năm 1952)(24/12/2021)
na
Video
Phóng sự Ảnh
Trang tin đơn vị
Hệ thống văn bản
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website