Lịch sử truyền thống
Trận đánh mìn phá hủy đoàn tàu hỏa chở lính Pháp của du kích xã Bình Định, huyện Cẩm Giàng (Ngày 05 tháng 10 năm 1948)
29/11/2021 12:00:00

Trận đánh mìn diệt đoàn tàu hỏa chở lính Pháp của đội du kích xã Bình Định (nay là xã Cẩm Định và xã Cẩm Hoàng), huyện Cẩm Giàng, ngày 5 tháng 10 năm 1948 đã thể hiện được vị trí, vai trò của dân quân du kích tỉnh Hải Dương, đưa chiến tranh nhân dân vào sâu trong lòng địch, đánh tiêu hao, tiêu diệt lực lượng địch, làm hoang mang tinh thần quân Pháp, góp phần vào thành tích chung để viết nên truyền thống “Tiếng sấm đường 5”, cổ vũ phong trào toàn dân kháng chiến trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

I. TÌNH HÌNH CHUNG

1. Địa hình:

Đầu năm 1948, xã Bình Định, huyện Cẩm Giàng nằm trong vùng kiểm soát của địch. Đoạn đường sắt Hải Phòng - Hà Nội chạy ngang qua địa phận xã. Phía đông giáp ga Cao Xá; phía tây giáp ga Cẩm Giàng; phía bắc đường tàu là cánh đồng, cách đường quốc lộ 5 khoảng 1,6 ki-lô mét, cách bốt Cẩm Giàng (Sous-Seeteur) 1,9 ki-lô-mét; phía nam đường tàu là cánh đồng, cách khu vực dân cư xã Bình Định khoảng 600 mét. Với địa hình trên, muốn tổ chức đánh địa lôi quả không đơn giản, vì đường sắt xa làng, giữa cánh đồng trống, nếu muốn đánh thì phải tiếp cận rất gần, địa hình lại không thuận lợi, duy chỉ có khu vực Chùa Dê là dễ tiếp cận, vì ở đây có một số mô gạch đá và cây cối, nhưng đường rút sau khi đánh lại hoàn toàn bất lợi.

2. Tình hình địch:

Đoạn đường sắt chạy qua địa phận xã Bình Định, địch thường bố trí lực lượng ở 3 bốt bảo vệ và cảnh giới kiểm soát. Bốt Cầu Ghẽ nằm trên đất xã Tân Trường sát đường 5, cách xã Bình Định một cánh đồng. Bốt Cẩm Giàng cách xã Bình Định 2,5 ki-lô-mét. Bốt An Tĩnh thuộc địa phận xã Cao An cách 3 ki-lô-mét. Hàng ngày, bọn lính ở các bốt thường phối hợp tuần tra bảo vệ đoạn đường này. Ngoài ra, chúng còn giao cho bọn ngụy quyền, tề dõng ở các thôn, xã hai bên đường bảo vệ. Ban đêm chúng thường rải quân phục kích, cho xe goòng chạy đi chạy lại trên đường sắt để ngăn chặn hoạt động phá hoại của ta. Ban ngày, đội quân sục sạo, dò mìn đi kiểm tra đường, không bỏ sót một ô tà vẹt nào, rồi rải quân gác đường ở An Điền, Mai Trung chờ cho đoàn tàu đầu tiên trong ngày chạy qua an toàn thì chúng mới rút về vị trí.

3. Tình hình ta:

Trung tuần tháng 9 năm 1948, Chi ủy và Ban chỉ huy xã đội đã thống nhất phân công đồng chí Nguyễn Văn In - Chính trị viên xã đội cùng 3 du kích đi điều tra trinh sát trận địa. Trải qua một tuần, cứ ban đêm thì bám sát đường nắm địch, khảo sát địa hình, ban ngày thì từ cơ sở bí mật trong xã hóa trang đi làm đồng để theo dõi địch đi kiểm tra mìn trên đường sắt. Giai đoạn này, ở khu vực Cẩm Giàng, du kích mới chỉ biết cách đánh mìn giật dây là chủ yếu, do vậy, vị trí ẩn nấp của người giật mìn phải được bố trí gần nơi đặt mìn. Do đặc điểm địa hình đoạn đường này, duy nhất chỉ có khu vực Chùa Dê nằm sát phía nam đường tàu là nơi cho quân ta ẩn nấp giật mìn thuận lợi. Trong lập kế hoạch phương án tác chiến, lực lượng tham gia trận đánh của ta đã tính đến hai khó khăn: Một bên khu vực Chùa Dê nơi ẩn nấp giật mìn diện tích hẹp, bọn địch ban ngày thường la cà sục sạo vào nơi hoang vắng này; hai là, sau khi mìn nổ, người giật mìn chỉ có con đường duy nhất là rút về phía nam, chứ không vượt qua đường tàu rút về xã được, mà phía nam lại là cánh đồng trống trải sát đồn bốt giặc, nên hết sức nguy hiểm.

II. NHIỆM VỤ VÀ QUYẾT TÂM CHIẾN ĐẤU

1. Nhiệm vụ:

Sau những đợt tổng phá tề thắng lợi, căn cứ vào sự chỉ đạo của Liên khu 3 và tỉnh Hải Dương, huyện Cẩm Giàng một mặt đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị, giữ vững cơ sở kháng chiến, đồng thời đẩy mạnh kết hợp đấu tranh vũ trang mà hướng chính nhằm vào đánh phá giao thông vận tải của địch trên đường sắt. Từ chủ trương trên, đầu tháng 9 năm 1948, Huyện ủy và Huyện đội Cẩm Giàng giao nhiệm vụ cho đội du kích xã Bình Định nghiên cứu tình hình trên đoạn đường sắt từ An Điền đến Ngặt Kéo (cách 3 ki-lô-mét) để tổ chức một trận đánh mìn diệt đoàn tàu quân sự địch.

2. Quyết tâm chiến đấu:

Thực hiện sự chỉ đạo của Huyện ủy và Huyện đội Cẩm Giàng, đội du kích xã Bình Định đã xây dựng quyết tâm tổ chức đặt mìn diệt đoàn tàu quân sự của Pháp. Trong buổi họp Chi bộ bất thường để đội du kích bước vào trận đánh, hai đồng chí được phân công giật mìn đã xác định rõ trách nhiệm nặng nề và sẵn sàng hy sinh thân mình để đánh được đoàn tàu địch. Cả hai đồng chí đều dặn lại: “Nếu lúc nào nghe tiếng mìn nổ thì đó là giờ hy sinh và là ngày giỗ của chúng tôi!”. Cả chi bộ đứng lặng truy điệu sống hai đồng chí, dám chấp nhận hy sinh vì chiến thắng trận đánh.

* Cách đánh: Áp dụng cách đánh “Mìn giật dây” với khối lượng thuốc nổ bằng một quả bom 50kg. Quả bom này do máy bay địch ném xuống nhưng bị câm, anh em công binh xưởng tỉnh đội cải tiến, nắp nụ xòe để biến thành “Mìn giật dây” giao cho du kích xã; với phương pháp: Chôn mìn xuống giữa hai thanh sắt của đường tàu, nối liền dây mìn vào ngòi mìn rồi ngụy trang mặt đường thật chu đáo. Tổ giật mìn ở gốc dây sát vị trí, đợi mục tiêu đến giật mìn rồi rút nhanh về phía nam. ,

* Sử dụng lực lượng - tổ chức bố trí đội hình:

- Vị trí đặt mìn: Đoạn đường sắt chạy qua khu vực Chùa Dê, nơi có vài mô gạch đất mà địch phá còn sót lại. Nơi gốc dây là mô gạch, cách vị trí đặt mìn 35 mét.

- Tổ chức lực lượng: Sau khi được Huyện ủy và Huyện đội Cẩm Giàng nhất trí cho triển khai phương án chiến đấu, Ban chỉ huy xã đội tập trung vào lựa chọn người trực tiếp đánh mìn. Cả 7 đồng chí được lựa chọn tham gia trận đánh này đều xung phong ở lại gốc dây mìn trực tiếp đánh địch. Cuối cùng, Chi ủy và Ban chỉ huy xã đội đã quyết định giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Văn In - Chính trị viên xã đội trực tiếp chỉ huy và đồng chí In đã chọn đồng chí Vũ Tiến Yểng để cùng mình ở lại gốc dây mìn; 5 đồng chí còn lại được phân công làm nhiệm vụ yểm trợ, thu hút hỏa lực địch về phía bắc để hai đồng chí giật mìn rút về phía nam.

 

III. DIỄN BIẾN VÀ KẾT QUẢ TRẬN CHIẾN ĐẤU

1. Diễn biến:

Sau 3 ngày đêm đặt “Mìn giả” vào vị trí định sẵn mà kẻ địch không phát hiện được, nên đêm ngày 03 tháng 10 năm 1948, cấp trên cho lệnh đặt mìn thật vào trận địa. Từ lúc trời vừa tối, một tổ “Tiền tiêu” được cử lên bám sát đường theo dõi địch; bộ phận còn lại mang quả mìn 50kg tập kết ở cánh đồng Phú Quân, cách đường sắt 300 mét lên đặt vào đúng vị trí đã định.

Sáng ngày 04 tháng 10, tình hình diễn ra đúng như dự kiến, đội quân tuần tra dò mìn của địch đã không phát hiện được gì ở khu vực Chùa Dê. Trận địa mìn của ta vẫn còn nguyên vẹn. Chờ cho đoàn tàu đầu tiên trong ngày chạy qua, bọn lính gác đường ở An Điềm, Mai Trung mới quay về bốt. Khoảng 10 giờ trưa, hai đồng chí In và Yểng từ trong xã đóng vai người dân đi làm, mỗi đồng chí đi theo một hướng khác nhau ra cánh đồng, khéo léo vượt sang phía nam đường sắt, chọn thời điểm thích hợp rồi tiến vào vị trí giật mìn. 5 đồng chí yểm trợ chia làm 3 mũi tản ra các cánh đồng sát khu vực đường tàu về phía nam. Khoảng 12 giờ 30 phút, một đoàn tàu từ Hải Dương chạy lên nhưng là đoàn tàu chở đá. Đến 14 giờ, có tiếp một đoàn tàu từ thị xã Hải Dương đang chạy về hướng trận địa. Đồng chí In tập trung quan sát và phát hiện thấy đoàn tàu có những toa bịt kín và chở lính. Xác định đúng là đoàn tàu quân sự, hai đồng chí cầm chắc đầu dây, mắt dính vào điểm chuẩn. Chờ cho đoàn tàu lăn bánh đến hố chôn mìn, rồi cả hai gò lưng kéo dây cho mìn nổ, nhưng thật đáng tiếc, dây mìn đã bị đứt ở đoạn giữa. Cả hai nhìn đoàn tàu địch chạy qua, vì sơ suất nên chưa đánh được đoàn tàu. Sau khi kiểm tra lại đường dây, ngụy trang lại vị trí ẩn nấp, hai người rút ra khỏi gốc dây mìn rồi tản ra mỗi người một hướng về cơ sở báo tình hình.

Ngay đêm đó, Chi ủy và Ban chỉ huy xã đội đã quyết định khắc phục tình huống xảy ra bằng cách thay dây giật mìn bằng dây thép tốt hơn, chuyển gốc dây mìn vào sát bờ mương, cách đường tàu chừng 35 mét.

Sáng ngày 05 tháng 10 năm 1948, vẫn thực hiện công việc như hôm trước, gần 10 giờ trưa, hai đồng chí In và Yểng đã bí mật vào được vị trí giật mìn và các mũi yểm trợ triển khai ở cánh đồng phía bắc.

Căng thẳng trong chờ đợi suốt gần 4 giờ mà vẫn không có đoàn tàu nào chạy qua. Đến 14 giờ kém 10 phút, từ thị xã Hải Dương, một đoàn tàu kéo theo 12 toa (loại toa chở khách) chạy về phía Hà Nội. Trên tàu nhốn nháo bọn lính Âu Phi. Đoàn tàu đang từ từ lao vào trận địa. Khi nửa trên đoàn tàu vào vị trí đặt mìn, thì một tiếng nổ rung động cả một vùng, quả mìn 50kg đã phá hủy đầu máy và lật đổ 6 toa, các toa còn lại đều bị trật bánh nghiêng ngả, dồn ép vào nhau. Bọn lính trên tàu kêu la, những tên sống sót sau khi hoàn hồn cầm súng lao xuống vệ đường và bắn xối xả ra các hướng. Sau khi mìn nổ, các tổ yểm trợ ở cánh đồng Phú Quân được lệnh nổ súng để đánh lạc hướng địch truy đuổi người giật mìn, nhưng do vũ khí cất giấu ở hầm lâu ngày, nên khi bắn thì đạn không nổ, ném lựu đạn thì lựu đạn câm. Anh em đành phải bí mật rút lui. Giữa lúc đó ở phía bên kia đường tàu, hai đồng chí In và Yểng đã nhanh chóng rời vị trí, men theo bờ mương, lẩn vào cánh đồng lúa đang độ chín. Bọn lính ở các chốt gần đó như bốt Cầu Ghẽ, Cẩm Giàng, Ngặt Kéo đến chi viện và truy tìm người giật mìn. Phát hiện được gốc dây mìn, đoán chắc là quân ta còn ẩn nấp ở đâu đây, bọn chúng liền phối hợp rải quân vây chặt cánh đồng phía nam gần khu vực Chùa Dê. Sau một hồi càn quét, bọn địch phát hiện thấy và bắn chết hai du kích của ta. Đồng chí Nguyễn Văn In và Vũ Tiến Yểng chiến đấu dũng cảm và hy sinh oanh liệt sau khi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh đổ đoàn tàu quân sự địch.

2. Kết quả:

Về địch: Bị tiêu diệt và bị thương 250 tên viễn chinh xâm lược; phá hủy 1 đầu máy, đổ và hư hại nặng 6 toa, 5 toa khác bị hư hại nhẹ; phá 140 mét đường sắt, làm đoạn đường này bị ách tắc suốt 3 ngày đêm.

Về ta: 02 đồng chí hy sinh.

IV. BÀI HỌC KINH NGHIỆM

Đây là trận đánh mìn thắng lợi giòn giã nhất trên địa bàn Hải Dương tính từ đầu cuộc kháng chiến đến tháng 5 năm 1948, gần như xóa sổ một đơn vị lính viễn chinh xâm lược Pháp.

Trận đánh biểu thị tinh thần quyết tâm rất lớn của đơn vị du kích xã, đặc biệt của hai đồng chí trực tiếp đánh mìn, dám chấp nhận hy sinh để đánh đổ đoàn tàu quân sự của địch.

Trận đánh thể hiện được tính kiên trì bám và đánh trúng đoàn tàu quân sự địch. Trong khắc phục sự cố, tập trung dân chủ bàn biện pháp có hiệu quả nhất, chứng tỏ sự lãnh đạo của Chi ủy và Ban chỉ huy xã đội là nhất quán và quyết tâm cao. Trận đánh đã bố trí lực lượng thích hợp, biết lợi dụng địa hình, địa vật, sử dụng vũ khí thu được của địch, cải tiến để đánh lại chúng.

Tuy thắng lợi lớn, nhưng trận đánh cũng còn có những thiếu sót, nhất là việc kiểm tra sử dụng vũ khí của các mũi yểm hộ chưa tốt, nên không thực hiện được ý định ban đầu là đánh lạc hướng địch để giải thoát cho hai du kích giật mìn. Việc dự kiến phương án địch tổ chức lực lượng lớn bao vây truy tìm người giật mìn cũng chưa tính hết, nên cả hai đồng chí trực tiếp đánh mìn đều hy sinh. Trận đánh mìn của du kích xã Bình Định gây tiếng vang lớn trong cả tỉnh, chiến khu và trong cả nước, khích lệ tinh thần dám đánh giặc và thắng giặc, tạo đà cho phong trào đánh địch trên đường sắt, đường 5 ngày càng mạnh mẽ hơn./.

Nguồn: Hải Dương - Một số trận đánh điển hình trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược
(Tập 1 - Chống càn và đánh phá giao thông) 
Các tin mới hơn
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến dịch Điện Biên Phủ(22/03/2024)
Người nhóm lửa cách mạng ở TP Hải Dương(27/09/2023)
Cầu phao đường sắt Phú Lương - kỳ tích thời chống Mỹ(20/09/2023)
Tuyên ngôn Độc lập - một áng văn lập quốc vĩ đại(02/09/2023)
Tiếng thơm Nguyễn Đức Sáu(04/07/2023)
Các tin cũ hơn
Đại tướng Võ Nguyên Giáp với lực lượng vũ trang Quân khu 3(23/08/2021)
Lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh và thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám(19/08/2021)
Những nét đặc trưng văn hóa quân sự Đại tướng Võ Nguyên Giáp(18/08/2021)
Người làm rạng rỡ non sông đất nước ta(17/05/2021)
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Kỳ tích của thời đại Hồ Chí Minh(07/05/2021)
na
Video
Phóng sự Ảnh
Trang tin đơn vị
Hệ thống văn bản
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website