Lịch sử truyền thống
Trận đánh cứ điểm Phương Điếm, huyện Gia Lộc (ngày 06 tháng 12 năm 1953)
28/12/2021 12:00:00

Thực hiện chủ trương của Quân khu Tả Ngạn, cuối tháng 11 năm 1952, Trung đoàn 42 xác định quyết tâm tập kích cứ điểm Phương Điếm (Gia Lộc) và đánh địch chi viện từ thị xã Hải Dương xuống, mở đầu cho đợt họat động Đông Xuân 1953 - 1954 trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Đây là một trận đánh thắng lợi có quy mô lớn nhất của Trung đoàn 42 từ khi thành lập. Việc vận dụng thành công hình thức tác chiến “Đánh điểm, diệt viện” trên chiến trường Tả Ngạn đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung và rút ra nhiều kinh nghiệm quý cho đơn vị và lực lượng vũ trang tỉnh ta.

I. TÌNH HÌNH CHUNG 1.

Địa hình:

Thị xã Hải Dương là tỉnh lỵ án ngữ tuyến đường chiến lược số 5 và đường sắt nối Hải Phòng với Hà Nội. Đường 17 từ thị xã chạy về phía Nam tới thị trấn Ninh Giang, khu quân sự của địch trên phòng tuyến sông Luộc. Đường 192 nối đường 17 tại ngã ba Phương Điếm, chạy về phía Nam qua căn cứ du kích của ta và nối với đê sông Luộc. Làng mạc dọc đường từ thị xã Hải Dương xuống Phương Điếm phần lớn chưa bị tàn phá vì dân bị địch o ép lập tề.

Vị trí Phương Điếm nằm trên làng Phương Điếm cũ, thuộc xã Phương Hưng (nay là thị trấn Gia Lộc), cách thị xã Hải Dương 10km về phía Nam. Cứ điểm Phương Điếm kẹp giữa tam giác do sự giao nhau của ba đường lớn (phía đông là đường 17, phía tây là đường 192, phía nam là đường lớn giữa làng nối đường 17 với đường 192). Xung quanh cứ điểm, có rào thép gai bao bọc xen kẽ với ao, hồ và các gò đất địch chưa kịp san lấp.

2. Tình hình địch:

Lực lượng chiếm đóng tại thị xã Hải Dương gồm sở chỉ huy ba cấp của địch (Chỉ huy khu, phân khu và chi khu) với hơn một chục cứ điểm có lực lượng đồn trú và một đại đội pháo 105mm. Dọc các tuyến đường địch đã bố trí dày đặc các đồn bốt nhằm khống chế các lực lượng của ta.

Phương Điếm là cứ điểm chi khu thuộc hệ thống chỉ huy của địch ở thị xã Hải Dương. Đây là một cứ điểm mạnh, bố phòng kiểu mới với phần lớn hệ thống công sự bằng xi măng cốt sắt, kiểu boongke, có nhiệm vụ án ngữ đường 17 và trực tiếp bảo vệ phía Nam thị xã Hải Dương.

Về lực lượng: Địch bố trí 01 đại đội lính Âu Phi, khoảng 80 tên do viên quan Ba Ca-Muyt chỉ huy. Ngày 05 tháng 12 năm 1953, địch tăng thêm một đại đội ngụy 106 tên, do tên sĩ quan Ca-Đăng chỉ huy, bố trí ở các công sự vòng ngoài vị trí Phương Điếm.

Về công sự: Có hệ thống đồn, lô cốt xi măng gạch và lô cốt boongke kết hợp với rào dây thép gai nhiều tầng dày đặc. Cứ điểm kiến trúc kiểu chữ nhật, chiều dài (từ Đông sang Tây) khoảng 70 đến 80m, chiều rộng (từ Bắc xuống Nam) khoảng 50 đến 60m. Giữa sân có lô cốt chính hình vuông 03 tầng, xây bằng xi măng gạch, cao 15m, mỗi cạnh 05m, xung quanh có chăng lưới thép gai (đề phòng ta áp sát đánh bộc phá). Các tầng đều có lỗ châu mai bắn ra được bốn phía. Tường lô cốt dày khoảng 0,8m chịu được các loại đạn súng cối của ta. Tại đây địch bố trí một pháo 20mm, một trong liên 12,7mm và một tiểu đội bộ binh, đồng thời là vị trí chỉ huy của tên quan ba Ca-Muyt.

Ở các góc cứ điểm có 04 lô cốt gạch xây xi măng, ba chiếc hình vuông mỗi cạnh 2m, cao 3m; riêng lô cốt số 02 hình tròn đường kính 5m, có 02 tầng. Mỗi lô cốt có một tiểu đội lính, hỏa lực bố trí có thể bắn đan chéo sát tường trở ra ngoài rào. Liên kết 04 lô cốt trên là tường xây xi măng gạch dày 0,8m cao 2,5m, có các lỗ bắn ra xung quanh. Chân tường bên ngoài sát hào có bồi đắp thêm đất dày 1,5m. Trận địa cối 120mm bố trí trong công sự xây hình tròn tại phía Tây cốt chính.

Về doanh trại: Có 09 nhà gạch dài từ 10 đến 20m xây sát phía trong tường, nóc xây gạch có thể chống được đạn cối 81mm. Khi báo động, lính ngủ trong nhà có thể bám tường và từ các lỗ bắn chiến đấu ngay được.

Về vật cản: Xung quanh bên ngoài tường có hào nước rộng khoảng 10m, sâu 2,5m, bùn ngập sâu từ đầu gối đến thắt lưng, nếu ở dưới lòng hào có thể tránh được hỏa lực bắn thẳng của địch. Phía ngoài hào nước có sáu, bảy lớp dây thép gai, mỗi lớp rộng từ 1,5 đến 4m, cách nhau từ 5 đến 20m, kiểu mái nhà, cũi lợn, lưới vướng chân có bãi mìn xen kẽ. Riêng phía Bắc và Nam còn có thêm rào chéo cánh sẻ, xen giữa các lớp rào là hệ thống lô cốt, boongke; ngoại vi gồm 05 lô cốt tròn và 03 lô cốt hình chữ T, mỗi lô cốt bố trí khoảng một tiểu đội lính, trang bị súng trung liên.

(Đại đội ngụy mới điều về ngày 05 tháng 12 năm 1953, được bố trí ở trong các lô cốt nói trên).

Khi bị đánh, cứ điểm Phương Điếm có khả năng được các trận địa pháo từ thị xã Hải Dương (04 khẩu 105mm), Hòa Loan (04 khẩu105mm), đường 5 (02 khẩu 105mm) bắn chi viện trực tiếp; pháo ở trận địa Neo (Thanh Miện) bắn chặn đường ta rút quân. Máy bay địch từ sân bay Cát Bi (Hải Phòng) yểm trợ cả ngày lẫn đêm. Khi cần, chỉ sau 30 phút sẽ có quân chi viện với xe tăng đi cùng chi viện lực lượng có thể tới một tiểu đoàn (hành quân từ thị xã Hải Dương theo đường 17).

Tóm lại: Địch có lực lượng đông, hỏa lực mạnh, máy bay chi viện kịp thời, bố phòng kín, công sự vững chắc, chướng ngại vật dày đặc, ứng cứu chi viện nhanh. Điểm yếu là tinh thần sa sút, lực lượng hỗn hợp (cả lính Âu - Phi và ngụy) dễ bị rối loạn khi ta tiến công.

3. Tình hình ta:

- Lực lượng của Trung đoàn 42:

Sau đợt họat động cuối tháng 11 năm 1953, Trung đoàn về trú quân ở huyện Thanh Miện, cách vị trí Phương Điếm khoảng 15 km về phía Tây Nam. Biên chế gồm: Sở chỉ huy trung đoàn, 03 tiểu đoàn bộ binh (tiểu đoàn 664, tiểu đoàn 652 và tiểu đoàn 234 thiếu 01 đại đội), các đại đội trực thuộc gồm: đại đội hỏa lực, trinh sát, thông tin.

Mỗi tiểu đoàn có khoảng 400 quân, biên chế 03 đại đội bộ binh và 01 đại đội trợ chiến. Hỏa lực của tiểu đoàn có 04 khẩu cối 82mm, 04 cối 60mm, 04 đại liên, 02 đến 03 khẩu FIAT (súng chống tăng) và 16 súng trung liên; mỗi trung đội có 05 đến 06 khẩu tiểu liên, còn lại là súng trường. Riêng tiểu đoàn 664 được trang bị thêm 500kg bộc phá. Đại đội hỏa lực của trung đoàn được trang bị 01 khẩu SKZ 120mm (súng không giật, bắn đạn lõm diệt lô cốt), 04 khẩu ĐKZ 57mm, 02 khẩu 12,7 mm.

- Lực lượng bộ đội địa phương và dân quân du kích:

Phối hợp tác chiến với Trung đoàn 42 có đại đội bộ đội địa phương huyện Tứ Kỳ và dân quân du kích các xã của huyện Gia Lộc được huy động để dẫn đường, tải thương và phục vụ chiến đấu.

II. TỔ CHỨC CHUẨN BỊ CHIẾN ĐẤU

1. Quyết tâm chiến đấu của Trung đoàn:

Tiến hành một trận đánh quy mô lớn cấp trung đoàn với phương thức tác chiến “đánh điểm, diệt viện” quyết giành thắng lợi để mở đầu cho đợt hoạt động mạnh của quân và dân Hải Dương trong Đông Xuân 1953 – 1954, lập thành tích kỷ niệm ngày thành lập Quân đội và rút kinh nghiệm xây dựng Trung đoàn ngày càng vững mạnh.

2. Cách đánh:

- Diệt cứ điểm Phương Điếm bằng cường tập: Bí mật cắt, gỡ chướng ngại vật, bất ngờ đồng loạt nổ bộc phá mở đường qua vật cản, nhanh chóng áp sát đánh thẳng vào trung tâm bằng nhiều hướng, nhiều mũi, phát triển chiến đấu diệt địch trong từng lô cốt, từng nhà, giải quyết gọn trận đánh trong đêm, buộc địch ở thị xã Hải Dương phải gấp rút hành quân ứng cứu, tạo điều kiện cho lực lượng phục kích tiêu diệt.

- Đánh địch chi viện: Vận động phục kích đường 17 phía bắc Phương Điếm, lợi dụng làng mạc bí mật “ém” quân, kết hợp độn thổ gần đường, năm vững thời cơ, kịp thời vận động xuất kích làm nhiều mũi chặn đầu, khóa đuôi, đánh sườn, kiên quyết chia cắt tiêu diệt địch chi viện.

3. Tổ chức sử dụng lực lượng và nhiệm vụ các phân đội:

* Cường tập cứ điểm Phương Điếm:

Do tiểu đoàn bộ binh 664 đảm nhiệm, được tăng cường đại đội hỏa lực và một bộ phận trinh sát, thông tin của trung đoàn. Hỏa lực chính có 01 khẩu SKZ 120mm (03 viên đạn), 02 khẩu ĐKZ 57mm (30 viên đạn), 16 trung liên (700 viên đạn/khẩu), 500kg bộc phá (30 khối và 33 ống).

- Bố trí cụ thể:

+ Hướng chủ yếu: Do đại đội 59 đảm nhiệm, được tăng cường 01 khẩu ĐKZ 57mm, 02 khẩu đại liên, 02 khẩu PIAT; có nhiệm vụ tiến công từ hướng Nam đánh thẳng vào lô cốt đầu cầu số 02, diệt địch ở các lô cốt số 02, 01, 03 và địch trong các nhà số 01, 02, 03, 08, 09, hiệp đồng với hướng thứ yếu tiêu diệt địch.

+ Hướng thứ yếu: Do đại đội 53 (thiếu 01 trung đội) đảm nhiệm, được tăng cường 02 đại liên, 01 khẩu PIAT; có nhiệm vụ tiến công từ hướng Bắc đánh thẳng vào lô cốt đầu cầu số 04, phát triển chiến đấu tiêu diệt địch ở các nhà số 04, 05, 06, 07; hiệp đồng với hướng chủ yếu tiêu diệt lô cốt chính, đồng thời điều 01 trung đội bao vây hướng Đông.

+ Lực lượng dự bị của tiểu đoàn: Do đại đội 56 (thiếu 01 trung đội) đảm nhiệm, sẵn sàng vào chiến đấu theo hướng chủ yếu; tiếp sức cho đại đội 59; đồng thời cử 01 trung đội, chia thành nhiều tổ, luồn rào bí mật tiếp cận, khi nổ súng dùng hỏa lực và bộc phá diệt 08 lô cốt boongke ngoại vi, khi trận đánh kết thúc, để lại 01 trung đội cảnh giới bảo đảm cho bộ đội và dân công thu dọn chiến trường và lui quân.

+ Đại đội hỏa lực: Bố trí trên hướng Nam, ngoài hàng rào thứ nhất, gồm: 01 khẩu SKZ 120mm, 01 khẩu ĐKZ 57mm và 01 khẩu 12,7mm; có nhiệm vụ chế áp hỏa lực địch ở lô cốt chính và các hóa điểm bên sườn, chi viện cho hướng chủ yếu. Tổ chức 02 bộ phận, mỗi bộ phận có 02 khẩu cối 82mm, 02 khẩu cối 60mm có nhiệm vụ kiềm chế pháo địch ở Hòa Loan và bốt Neo (Thanh Miện).

- Một số nội dung chính về hiệp đồng bảo đảm:

18 giờ ngày 05 tháng 12 năm 1953, các bộ phận chỉ huy, trinh sát, liên lạc, cảnh giới đi trước tổ chức dò mìn, cắt và chống rào, cảnh giới trận địa, trong lúc này bộ đội bắt đầu hành quân.

21 giờ 30 phút trên các hướng bí mật gài bộc phá và liên kết lại để điểm hỏa đồng loạt. Đồng thời, bên ngoài từng bộ phận xung lực, hỏa lực vào chiếm lĩnh trận địa, đến 22 giờ 30 phải xong.

22 giờ 30 phút gài xong bộc phá trên hướng chủ yếu, lợi dụng bí mật gài tiếp khối bộc phá 40kg áp sát tường lô cốt số 02, hướng thứ yếu gài khối bộc phá 20kg áp sát lô cốt số 04, các bộ phận sẵn sàng nổ súng.

Lệnh nổ súng do sở chỉ huy tiểu đoàn phát bằng điện thoại cho các hướng, đồng thời bắn pháo hiệu một xanh, một đỏ, cùng với tiếng nổ đồng loạt của bộc phá phá rào và khối bộc phá 40kg trên hướng chủ yếu.

Dự kiến nổ súng lúc 0 giờ, giải quyết trận đánh xong trước 03 giờ ngày 06 tháng 12 năm 1953.

- Thông tin liên lạc:

Dùng điện thoại liên lạc từ sở chỉ huy tới các hướng chủ yếu, thứ yếu và đại đội 200; đồng thời mỗi hướng có từ 03 đến 05 liên lạc chạy chân. Trên từng hướng dùng truyền miệng, các tổ tiến sát địch thì dùng dây giật theo ám hiệu đã được quy định trước ở từng bộ phận. Dùng tín hiệu đèn pin: Quay tròn là đã chiếm được, lắc ngang là yêu cầu ngừng bắn, lắc dọc là yêu cầu tiếp tục bắn. Buộc khăn tay trắng trên cánh tay trái làm ám hiệu nhận nhau trong đêm.

Chỉ huy đánh cứ điểm: Đồng chí trung đoàn trưởng Nguyễn Như Thiết trực tiếp chỉ huy trận đánh trên hướng chủ yếu; Tiểu đoàn phó Lê Duy Mật chỉ huy hướng thứ yếu.

* Phục kích đánh địch chi viện trên đường 17:

Sử dụng lực lượng tiểu đoàn bộ binh 652 và tiểu đoàn 234 cùng đại đội bộ đội địa phương huyện Tứ Kỳ, do đồng chí trung đoàn phó Nguyễn Hữu Nghị và đồng chí Thanh tỉnh đội phó chỉ huy. Tổng số có 06 đại đội bộ binh, hỏa có 04 khẩu cối 82mm, 04 khẩu ĐKZ 57mm và 04 khẩu đại liên.

- Trận địa phục kích:

Đường 17, đoạn cách Phương Điếm 2km, về phía Bắc. Nhiệm vụ là bí mật hành quân chiếm lĩnh trận địa xong trước 02 giờ sáng ngày 06 tháng 12 năm 1953. Sau khi vị trí Phương Điếm bị diệt, nắm chắc hành động của địch từ thị xã Hải Dương đi ứng cứu, nắm thời cơ kịp thời nổ súng, vận động xung phong tiêu diệt xe tăng và bộ binh địch, giải quyết chiến đấu nhanh gọn, lui quân phân tán theo nhiều đường, hạn chế tác hại phi pháo địch

+ Bộ phận chặn đầu: Do đại đội 77 tiểu đoàn bộ binh 234 được tăng cường 01 khẩu ĐKZ và 01 khẩu đại liên; bố trí ở rìa Tây thôn Gia Tân, đồng chí Thanh tỉnh đội phó đi cùng đại đội này.

+ Bộ phận khóa đuôi: Do đại đội 15 và 76 của tiểu đoàn bộ binh 652 được tăng cường 02 khẩu ĐKZ 57mm và 02 khẩu đại liên; bố trí ở thôn Khuê Liễu (cách đường 600m). Có nhiệm vụ chặn đứng quân địch trên đường 17, cùng các bộ phận khác hiệp đồng diệt địch; đồng thời, sẵn sàng chặn đánh quân địch từ thị xã Hải Dương tiếp tục xuống ứng cứu.

+ Bộ phận đánh tạt sườn: Do đại đội 61 của tiểu đoàn bộ binh 652 được tăng cường 01 khẩu ĐKZ 57mm và 01 đại liên; Cử 01 trung đội có 01 khẩu ĐKZ 57mm đi cùng, độn thổ đánh địch tại cánh đồng phía Nam thôn Khuê Liễu (cách đường 500m) và đại đội 75 của tiểu đoàn bộ binh 234 được tăng cường 01 đại liên bố trí ở thôn Thạch Lỗi (xã Thạch Khôi), phía Tây đường 17 đảm nhiệm. Khi nổ súng, bật hầm xung phong lên đường chia cắt đội hình địch, tạo thế cho 02 trung đội còn lại (bố trí ở thôn Đồng Bào, cách đường 02km) vận động tiếp sức diệt địch.

III. DIỄN BIẾN, KẾT QUẢ VÀ Ý NGHĨA TRẬN ĐÁNH

1. Diễn biến trận đánh điểm (tiêu diệt cứ điểm Phương Điếm):

19 giờ ngày 05 tháng 12 năm 1953, bộ phận đi trước gồm chỉ huy trưởng các hướng, mũi, cùng trinh sát liên lạc đã đến vị trí tạm dừng, cảnh giới và chuẩn bị vào dò gỡ mìn, cắt và chống rào.

19 giờ 30 phút đột nhiên địch thổi kèn báo động, bắn trung liên, đại liên nhiều ra hướng bắc, cối 120mm bắn hai phát vu vơ, pháo ở thị xã Hải Dương bắn cầm về phía quán Phấn. Các bộ phận của ta kiên trì bí mật theo dõi.

20 giờ, địch ngừng tiếng súng, các mũi tiến công bắt đầu tiếp cận dò gỡ mìn, đánh dấu đường, chống, cắt rào bên ngoài và bí mật gài bộc phá vào các hàng rào bên trong... Bộ đội phía sau nhích dần đội hình lên vị trí tạm dừng. Hỏa lực, sở chỉ huy và lực lượng dự bị lần lượt vào chiếm lĩnh trận địa.

Địch ở các lô cốt số 01, số 02 liên tục soi đèn về hướng Nam.

Từ 23 giờ ngày 05 tháng 12 đến 02 giờ 30 phút ngày 06 tháng 12, ta đã lần lượt cài xong bộc phá trên các hướng. Các bộ phận xung kích, hỏa lực, sở chỉ huy cũng lần lượt chiếm lĩnh trận địa xong. Riêng bộ phận bao vây vòng ngoài phải chờ đến 03 giờ sáng ngày 06 tháng 12 mới gặp được người dẫn đường vào chiếm lĩnh trận địa.

03 giờ 45 phút ngày 06 tháng 12, hướng thứ yếu phía Bắc đã gài xong ống bộc phá cuối cùng, cho người ra báo cáo đại đội trưởng Lợi, đồng chí Lợi cho liên lạc báo cáo tiểu đoàn “Bộc phá rào 7 đã gài xong, đề nghị cho lệnh phát hỏa”, bộc phá viên phụ trách hàng rào số 06 nằm ngay cạnh nghe thấy hai tiếng “phát hỏa”, tưởng có lệnh nổ súng, liền chạy lên giật nụ xòe. Bộc phá ở hàng rào số 06 nổ, các hàng rào khác cùng đồng loạt nổ, riêng hàng rào số 07 không nổ.

Hướng chủ yếu phía Nam lúc này cũng đã gài bộc phá xong ở các hàng rào, đang liên kết khối thuốc nổ 40kg để phá lô cốt số 02; chưa kịp kiểm tra báo cáo thì thấy hướng Bắc có bộc phá nổ, đại đội trưởng Vinh liền cho điểm hỏa điện, bộc phá các rào và khối 40kg đồng loạt nổ.

Tại sở chỉ huy bắn lên hai phát tín hiệu xanh, đỏ (hiệu lệnh nổ súng). Lúc đó là 03 giờ 50 phút ngày 06 tháng 12 năm 1953.

- Xung phong đánh chiếm đầu cầu và phát triển đánh chiếm bên trong:

+ Trên hướng chủ yếu (phía Nam): Các tiểu đội 1, 2, 3 của trung đội 1, đại đội 59 nhanh chóng xung phong tới cửa mở, nhưng không có lối vào (vì khối bộc phá 40kg nổ nhưng chưa tiêu diệt được mục tiêu), anh em đã dũng cảm bám cọc dây thép gai leo lên nóc nhà nhảy vào bên trong. Địch ở các lô cốt số 01, số 02 và trên nóc nhà chống trả quyết liệt, tiểu đội trưởng và tổ trưởng đầu cầu bị thương.

Lô cốt chính và lô cốt số 02 bắn mạnh ra hướng chủ yếu, ta dùng tiểu liên kiềm chế hỏa điểm rồi tung lựu đạn, thủ pháo qua lỗ châu mai vào bên trong, diệt được lô cốt số 02. Đại đội trưởng Vinh cho trung liên, PIAT bắn kiềm chế lô cốt chính rồi tung thủ pháo, lựu đạn vào diệt địch trong công sự cối 120mm.

Trung đội 2 xung phong lên tiếp sức, hỏa lực địch từ phía lô cốt chính bắn ra bị thương vong 08 đồng chí. Trung đội 3 có Chính trị viên Tuấn đi cùng cũng bám theo đội hình xung phong lên.

Nổ súng được khoảng 15 phút thì pháo 105mm của địch từ thị xã Hải Dương và đường 5 bắn từng loạt vào hướng Nam và Bắc (phía ngoài hàng rào số 01).

Đại đội 59 dùng tiểu liên, lựu đạn, thủ pháo diệt các ổ đề kháng của địch, lần lượt phát triển đánh chiếm các nhà số 01, 02, 03, 08, 09, các lô cốt số 01, 03 và trận địa cối 120mm.

Địch ở lô cốt chính vẫn ngoan cố chống cự, chúng tung lựu đạn ra xung quanh khiến các tổ bộc phá của ta nhiều lần tiến lên nhưng không tiếp cận được để đặt bộc phá. Ít phút sau, đồng chí Bào (Trung đội trưởng trung đội 1) phát hiện thấy phía sau lô cốt có một cửa không rào, lệnh cho một chiến sĩ vọt lên áp sát đặt khối bộc phá 15kg và điểm hỏa. Bộc phá nổ, lô cốt chính sụp đổ, tên quan Ba Ca-Muột cùng bọn địch ngoan cố còn lại đều bị tiêu diệt. Lúc này đại đội 59 cũng đã bắt liên lạc được với đại đội 53 trên hướng thứ yếu để cùng phối hợp tiêu diệt địch. Trong quá trình chiến đấu ta gọi hàng được 16 tên lính da đen.

+ Trên hướng thứ yếu (phía Bắc): Khi bộc phá nổ, tiểu đội 1 được lệnh xung phong. Nhưng do bộc phá ở hàng rào số 07 không nổ, rào không bị phá, các chiến sĩ nhảy qua rào, bám được vào hào. Khối bộc phá 10kg nổ nhưng vẫn không phá được tường, không mở được cửa; địch ở lô cốt số 04 và ở các dãy nhà bắn ra quyết liệt. Tiểu đội 1 đã mưu trí bám cọc rào trèo qua dây thép gai, công kênh nhau leo lên nóc lô cốt số 04, lật mái tôn thả lựu đạn xuống tiêu diệt địch.

Đại đội trưởng Lợi cùng lực lượng phía sau tiến lên, bám được hào, một bộ phận tiếp tục trèo lên nóc, một bộ phận chui qua lỗ bắn của lô cốt số 04 phát triển vào chiến đấu bên trong. Các mũi lần lượt đánh chiếm các dãy nhà số 06, 05, 04, 07, 08 và lô cốt số 03; bắt liên lạc được với hướng chủ yếu. Khi đánh chiếm các nhà số 06, 05, 04 ta gọi hàng được 10 lính Âu - Phi.

Tiểu đoàn phó Mật cũng tiến theo đội hình vào bên trong, lệnh cho thu dọn chiến trường rồi lui quân; đồng thời lệnh cho một tên tù binh tháo khẩu cối 120mm. Đang tháo thì đạn cối nổ (Do thủ pháo của ta ném vào, liều phụ bốc cháy gây nổ đạn) tù binh bị chết, đồng chí Mật cùng một số chiến sĩ bị thương.

Sau 30 phút, trận đánh kết thúc (Lúc đó vào khoảng 04 giờ 20 phút ngày 06 tháng 12 năm 1953).

+ Bộ phận thu dọn chiến trường: Đại đội phó Tráng chỉ huy một trung đội của đại đội 56 (đội dự bị (2) đang cảnh giới bảo đảm cho dân công thu dọn chiến trường, thì 12 tên địch giả chết ngóc đầu dây bám vào công sự bắn lại. Trời đã sáng, pháo địch từ thị xã Hải Dương và từ đường 5 tiếp tục bắn vào khu vực bên ngoài hàng rào. Cùng lúc đó có tiếng máy bay địch đến cứu viên, Bộ phận cảnh giới, thu dọn của ta đã không kiên quyết đánh trả mà lại rút lui nên dân công cũng rút theo, vì vậy chiến lợi phẩm không thu được hết.

06 giờ ngày 06 tháng 12 năm 1953, ta đã lui quân xong.

06 giờ 30 phút ngày 06 tháng 12, máy bay trinh sát của địch chỉ điểm cho pháo binh bắn chặn đường rút quân của ta, nhưng đại bộ phận tiểu đoàn đã phân tán rút lui an toàn.

07 giờ ngày 06 tháng 12, lực lượng ta đã về tới khu vực trú quân tại An Cư, Triều Nội, An Vệ (cách Phương Điếm 10km về phía Nam). Riêng bộ phận thu dọn của đại đội 56 rút lui sau, bị thương thêm 03 đồng chí.

- Kết quả diệt cứ điểm Phương Điếm:

+ Về địch: Bị tiêu diệt 130 tên (trong đó có tên quan Ba Ca-Muyt và hơn 50 lính Âu - Phi); bị bắt 48 tên. Vũ khí bị ta thu 03 khẩu Bazoka, 03 đại liên, 02 cối 81mm, 11 trung liên, 62 tiểu liên và súng trường, 06 súng ngắn, một số khí tài thông tin và quân trang, quân dụng, bị phá hủy 02 xe tải, 01 xe zip, 01 cối 120mm, 01 pháo 20mm và 01 trong liên 12,7mm.

+ Về ta: Hy sinh 24 đồng chí, bị thương 87 đồng chí. Vũ khí, mất 16 súng tiểu liên và súng trường.

2. Diễn biến trận diệt viện trên đường 17:

0 giờ ngày 06 tháng 12 năm 1953, từng bộ phận của lực lượng đánh viện đã vào chiếm lĩnh trận địa xong, đúng kế hoạch, bảo đảm an toàn.

03 giờ 30 phút ngày 06 tháng 12, thấy tiếng bộc phá và tiếng súng phía Phương Điểm nổ, sau 01 giờ lại im ắng, anh em đoán đơn vị bạn đã diệt xong Phương Điếm. Ngay lúc đó, các bộ phận được sở chỉ huy Trung đoàn điện thoại báo cho biết ta diệt xong Phương Điếm, động viên các bộ phận kiên quyết diệt viện lập thành tích thi đua với đơn vị bạn; cán bộ, chiến sĩ càng phấn khởi, nô nức quyết tâm diệt địch lập công.

Lúc 06 giờ ngày 06 tháng 12, địch cho máy bay trinh sát lượn vòng chỉ điểm cho pháo binh bắn mạnh hai bên đường 17 và xung quanh Phương Điếm. Đến 07 giờ, khoảng một tiểu đoàn địch, có 04 xe tăng hộ tống và 10 xe quân sự tiến từ thị xã Hải Dương qua quán Phấn, dọc theo đường 17 đi xuống.

09 giờ 30 phút, khoảng 03 đại đội địch đã lọt vào trận địa phục kích của ta.

Trung đoàn hạ lệnh nổ súng! Đại đội 77 dùng ĐKZ bắn xe tăng dẫn đầu, đại liên bắn quét kiềm chế, chi viện cho đơn vị xuất kích ra đường chặn đầu lực lượng địch. Máy bay địch thả bom cháy (napan) trúng đội hình ta, một số thương vong ngay trên đường xung phong, đơn vị vẫn quyết tâm xông lên chặn địch.

Đại đội 75 xung phong ra đường chia cắt đội hình phía sau, đánh bật đại đội đi cuối của địch về phía Đông và về phía Tây đường, thực hiện khóa đuôi.

Đại đội 76 chia thành 02 mũi đồng loạt xung phong, một mũi đánh dọc theo đường lên phía đại đội 75 hiệp đồng diệt địch, một mũi đánh dọc xuống phía Nam hiệp đồng với các lực lượng đánh sườn diệt địch.

Trung đội độn thổ của đại đội 61, bật nắp hầm xung phong lên đường đánh tạt sườn quân địch. Xe tăng và bộ binh địch chống cự quyết liệt hòng phá vòng vây của ta. Chúng dạt sang phía Tây đường nhưng bị đại đội 75 đánh bật lại. 02 trung đội của đại đội 61 bố trí ở thôn Đồng Bào cũng kịp vận động tới tiến công vào đội hình quân địch đang rối loạn. Địch hoảng loạn chống đỡ, một số thương vong, một số tháo chạy về phía thôn Phú Tài, tìm đường chạy về thị xã Hải Dương.

Sau 30 phút, trận chiến đấu kết thúc

Kết quả:

- Về địch: Tiểu đoàn chi viện của địch bị tiêu diệt hơn 200 tên (có 01 quan Tư, 02 quan Ba); bị bắt sống 40 tên; Cháy 02 xe tăng, 03 xe quân sự; bị thu 01 súng đại liên, 07 súng trung liên, 68 súng tiểu liên và súng trường.

- Về ta: Ta hy sinh 31 đồng chí, bị thương 74 đồng chí (chủ yếu là do phi pháo địch).

3. Kết quả chung toàn trận đánh điểm, diệt viện:

- Về địch: Bị tiêu diệt hơn 330 tên, bị bắt 88 tên.Vũ khí bị ta thu 03 khẩu Bazoka, 04 đại liên, 02 cối 81mm, 18 trung liên, 130 tiểu liên và súng trường; phá hủy: 02 xe tăng, 06 xe cơ giới, 01cối 120mm, 01 pháo 120mm, 01 trọng liên 12,7mm.

- Về ta: Hy sinh 55 đồng chí, bị thương 161 đồng chí.

4. Ý nghĩa:

- Trận cường tập tiêu diệt cứ điểm Phương Điếm, kết hợp với vận động phục kích diệt viện, là trận đầu tiên Trung đoàn 42 đánh tập trung, quy mô lớn nhất kể từ ngày thành lập. Trong gần một ngày, đêm trung đoàn đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ, tiêu diệt một tiểu đoàn và một đại đội địch, mở đầu cho đợt hoạt động mạnh Đông - Xuân 1953 – 1954 của ta.

- Thắng lợi trên đã giáng cho địch một đòn choáng váng, tăng thêm sức ép uy hiếp đường 5 chiến lược, trực tiếp cổ vũ tinh thần chiến đấu của Trung đoàn và quân dân Hải Dương, góp phần xứng đáng vào trang sử vẻ vang của quân, dân Tả Ngạn trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

- Tuy còn một số khuyết điểm, nhưng trận đánh đã giúp cho Trung đoàn trưởng thành vững mạnh hơn để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ tiếp theo, đồng thời cũng góp phần vào việc hoàn thiện lý luận chiến thuật trong chỉ đạo nghệ thuật quân sự sáng tạo của Đảng và của quân đội ta.

IV. ƯU ĐIỂM, KHUYẾT ĐIỂM VÀ KINH NGHIỆM

1. Ưu điểm:

- Hạ quyết tâm chiến đấu chính xác, chọn cách đánh phù hợp, công tác chuẩn bị chu đáo. Trong đánh cứ điểm phải nắm chắc địch, địa hình, luôn qua được hết hàng rào, chạm được vào lô cốt đầu cầu, nắm từng gò đất để tận dụng giấu quân, khai thác tốt tin tức, dự kiến chiến đấu sát từng tình huống. Trong đánh địch chi viện, phải phán đoán địch chính xác, tận dụng địa hình, làng mạc và sử dụng đúng sở trường của đơn vị (Tiểu đoàn 234 đã hai lần phục kích trên đoạn đường này); sử dụng lực lượng và bố trí đội hình phục kích linh họat, phù hợp.

- Tinh thần chiến đấu cao, mưu trí, dũng cảm, linh hoạt, kiên quyết tiến công tiêu diệt địch: Trong đánh cứ điểm, sau khi nổ súng dù cửa mở chưa thông, nhưng cán bộ chiến sĩ ta đã dũng cảm xông lên, người trước ngã xuống, người sau vượt lên lợi dụng địa vật xung phong vào trung tâm tiêu diệt địch, chủ động hiệp đồng kết thúc nhanh gọn trận đánh. Trong đánh viện ban ngày dưới phi pháo ác liệt của địch, vận động xa dưới hỏa lực (đại đội 61), bị bom cháy thương vong nhiều trên đường xuất kích (đại đội 77) vẫn dũng cảm tiến công, hiệp đồng diệt địch. Đồng thời, kết hợp tốt công tác binh địch vận, gọi hàng được nhiều tên địch.

2. Khuyết điểm:

- Kỹ thuật chiếm lĩnh trận địa bí mật của bộ đội đánh cứ điểm có bộ phận chưa thuần thục, nên một số hành động còn lộ liễu, đội hình ùn ứ, còn ngủ ngáy, nói mê trong khi chờ nổ súng, phản xạ nằm xuống chậm khi bị địch chiếu đèn...

- Việc kiểm tra chuẩn bị bộc phá còn thiếu tỉ mỉ nên bộc phá trên hướng thứ yếu không nổ, khi đánh bộc phá chọn điểm đặt chưa chính xác, nên uy lực hạn chế (khối 40kg đánh lô cốt chính và hai khối 10kg trên hướng đối diện nổ nhưng không phá hủy được mục tiêu).

- Tổ chức đánh lô cốt chính bị chậm, nên địch ngoan cố chống cự gây trở ngại và thương vong cho ta. Chỉ huy đánh bên trong chưa tốt, đội hình ùn ứ, ném thủ pháo vào đạn cối 120mm của địch, gây cháy nổ thương vong.

- Tổ chức thu dọn chiến trường chưa tốt, lục soát không kỹ nên để sót địch. Lực lượng cảnh giới khi thu dọn chiến trường còn mỏng (một trung đội của đại đội 56), giao nhiệm vụ không cụ thể, khi tàn quân địch chống cự bất ngờ đã thiếu kiên quyết trong chỉ huy, rút lui sớm nên không thu hết chiến lợi phẩm.

3. Kinh nghiệm:

- Trung đoàn đã vận dụng thành công hình thức tác chiến đánh điểm, diệt viện, trong đó dùng cường tập để tiến công cứ điểm, dùng vận động phục kích để tiêu diệt quân địch tăng viện ứng cứu.

- Trong đánh cứ điểm, quá trình phát triển chiến đấu bên trong và thu dọn chiến trường cần được xác định là những giai đoạn chiến đấu quan trọng, nhằm giải quyết nhanh gọn trận đánh, giành thắng lợi triệt để. Muốn vậy, phải tổ chức chỉ huy chặt chẽ, kiên quyết, quy định hiệp đồng cụ thể.

- Trong đánh địch chi viện, Trung đoàn đã nghiên cứu nắm chắc địa hình, sử dụng lực lượng tiểu đoàn 652 và tiểu đoàn 234 vốn quen phục kích và quen địa hình trên đường 17; chọn trận địa phù hợp, vận dụng linh hoạt các thủ đoạn tác chiến: chặn đầu, khóa đuôi, bao vây chia cắt, nhanh chóng tiêu diệt và đánh tan quân tăng viện, ứng cứu có lực lượng mạnh hơn ta.


Nguồn: Hải Dương - Một số trận đánh điển hình trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược
(Tập 2 - Phục kích, tập kích và bắn máy bay Mỹ)
Các tin mới hơn
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến dịch Điện Biên Phủ(22/03/2024)
Người nhóm lửa cách mạng ở TP Hải Dương(27/09/2023)
Cầu phao đường sắt Phú Lương - kỳ tích thời chống Mỹ(20/09/2023)
Tuyên ngôn Độc lập - một áng văn lập quốc vĩ đại(02/09/2023)
Tiếng thơm Nguyễn Đức Sáu(04/07/2023)
Các tin cũ hơn
TRẬN ĐÁNH ĐỊCH Ở THÔN LÝ VĂN, XÃ PHÚ ĐIỀN, NAM SÁCH (Ngày 21 tháng 8 năm 1952)(24/12/2021)
TRẬN CHỐNG CÀN TẠI THÔN GIANG HẠ, XÃ TÂN DÂN, CHÍ LINH (Ngày 25 tháng 11 năm 1952)(24/12/2021)
Trận cường tập cứ điểm Ô Mễ - Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ (Đêm ngày 25 rạng ngày 26 tháng 11 năm 1951)(09/12/2021)
Trận đánh địch tại Trường Con Gái, thị xã Hải Dương (Đêm 19, 20, 21 tháng 12 năm 1946)(03/12/2021)
Trận đánh ca nô địch trên sông Gùa tại thôn Bá Nha, xã Hợp Đức, huyện Thanh Hà (Ngày 25 tháng 3 năm 1948) (30/11/2021)
na
Video
Phóng sự Ảnh
Trang tin đơn vị
Hệ thống văn bản
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website