Lịch sử truyền thống
Trận đánh mìn phá hủy đoàn tàu chở lính Âu Phi tại ga Phạm Xá, Kim Thành (Ngày 31 tháng 01 năm 1954)
28/12/2021 12:00:00

Đầu năm 1954, địch thiết lập và củng cố tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Để tăng cường cho mặt trận quan trọng này và cho các chiến trường khác trên toàn Đông Dương, thực dân Pháp gấp rút đưa thêm quân từ chính quốc sang và từ Triều Tiên đến. Chúng chở quân bằng đường biển cập bến Hải Phòng rồi từ Hải Phòng theo đường sắt lên Hà Nội để tung vào các chiến trường.

Chấp hành chỉ thị của Tỉnh đội Hải Dương, ngày 31 tháng 1 năm 1954 huyện đội Kim Thành đã tổ chức một trận phục kích đánh mìn đoàn tàu chở quân của địch ở ga Phạm Xá. Chỉ một tổ 5 người với lượng nổ 100 kg cùng với tinh thần dũng cảm, gan dạ và bản lĩnh chiến đấu kiên cường đã lật đổ một đoàn tàu địch, tiêu diệt trên một nghìn tên lính Âu Phi, đạt hiệu suất chiến đấu cao nhất trong các trận đánh tàu hỏa địch trên địa bàn tỉnh.

Đây là trận phục kích đánh mìn diệt nhiều địch nhất trong đánh giao thông đường sắt, trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng, trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp.

I. TÌNH HÌNH CHUNG

1. Địa hình:

Ga Phạm Xá thuộc huyện Kim Thành, cách thành phố Hải Phòng 30 km. Tại đây, đường số 5 chạy song song và sát với đường sắt, nằm giữa chỉ có một rãnh nhỏ thoát nước gần trạm bẻ ghi cho tầu vào ga.

Nối với đường số 5 ở sát ga Phạm Xá là một đường đất chạy về phía nam qua chùa Phạm ra bờ sông Rạng, sang Thanh Hà là vùng căn cứ du kích của ta. Đường rộng khoảng 5 mét, cao 1,7 đến 2 mét so với mặt ruộng, mặt đường lát các tấm đá phiến, xe cơ giới đi lại dễ dàng.

Cách đường sắt 10 mét là ruộng lúa nước. Phía nam đường sắt gần ga Phạm Xá có một gò đất cao, tại đó có thể quan sát dọc đường sắt.

Phía bắc đường số 5 và đi về phía tây có những thôn xóm nhỏ. Khu vực này bị địch kiểm soát chặt chẽ, ít người qua lại.

Tại ga Phạm Xá có một chợ nhỏ, hàng ngày nhân dân các vùng lân cận thuộc hai huyện Thanh Hà và Kim Thành đến đây mua bán vào buổi sáng.

2. Tình hình địch:

Để bảo vệ đường sắt ở khu vực Phạm Xá, địch đóng hai đồn cách nhau 600 mét. Phía Đông ga Phạm Xá là bốt Phạm do 1 đại đội lính ngụy chiếm giữ và một tên sĩ quan Pháp chỉ huy. Vũ khí có đại liên, tiểu liên và súng trường. Phía tây là đồn Măng do 1 trung đội ngụy và 1 trung đội địa phương quân canh giữ.

Để tăng cường quan sát và bảo vệ đường sắt vào ban đêm, địch thiết lập hai hệ thống đèn pha chiếu sáng ngược chiều nhau. Hệ thống vật cản ở phía nam đường sắt gồm hai hàng rào dây thép gai kiểu mái nhà, có gài các loại màn chống bộ binh M2-A1, M16-A2 và treo ống bơ để gây tiếng động khi bị va chạm. Ngoài hàng rào một hào rộng 3 mét, sâu 1,5 mét chạy từ xóm Măng tới Ga. Phía ngoài hào là khu ruộng bỏ hoang, trống trải để dễ kiểm soát.

Quy luật họat động của địch là: Hàng ngày đi tuần tra trên đường bộ và đường sắt, ban ngày 1 lượt, ban đêm từ 2 đến 3 lượt, từ bốt Phạm đến đồn Măng rồi quay lại. Chúng còn dùng tù nhân kéo câu liêm dọc đường hào để phát hiện mìn và vật khả nghi.

3. Tình hình ta:

Trung đội đánh mạn thuộc huyện đội Kim Thành do đồng chí Nguyễn Văn Thòa - Huyện đội 193 phó trực tiếp chỉ huy, có công binh làm nòng cốt và hướng dẫn kỹ thuật. Lực lượng lúc đầu tham gia công tác chuẩn bị chiến đấu có 20 người, sau chỉ để lại một tổ 5 người, gồm những đồng chí đã dày dạn kinh nghiệm đánh giao thông trên tuyến đường 5 và đường sắt. Các đồng chí Thòa, Mạn, Khoái, Chung, Viện thay nhau nằm hầm bí mật theo dõi bám sát địch, 15 đồng chí còn lại bố trí bên bờ sông Rạng cách trận địa 1.200 mét sẵn sàng yểm hộ.

II. TỔ CHỨC CHUẨN BỊ CHIẾN ĐẤU

1. Chủ trương của trên:

Để phối hợp với mặt trận Điện Biên Phủ, Tỉnh đội Hải Dương chỉ thị cho Huyện đội Kim Thành tổ chức một trận phục kích đánh mìn trên đường sắt ở địa bàn Kim Thành nhằm tiêu diệt một bộ phận lớn sinh lực địch, phá hủy phương tiện vận tải đường sắt của chúng, tạo thế cho lực lượng du kích hoạt động khống chế đường số 5. Trong quá trình tổ chức và tiến hành trận đánh, phải bảo đảm yêu cầu làm sao cho địch không có lý do để tàn sát, khủng bố nhân dân.

2. Quyết tâm chiến đấu của huyện đội Kim Thành:

Sau khi nhận chỉ thị của Tỉnh đội Hải Dương, Ban chỉ huy Huyện đội Kim Thành hạ quyết tâm tổ chức trận phục kích đánh một đoàn tàu chở quân địch tại khu vực ga Phạm Xá. Phương tiện đánh là khối thuốc nổ, được điều khiển nổ bằng nguồn điện. Phải tổ chức trận địa thật bí mật, bất ngờ, an toàn từ lúc chuẩn bị cho đến khi kết thúc trận đánh. Gây nổ đúng thời cơ, đánh đúng đối tượng là đoàn tàu chở quân từ Hải Phòng lên Hà Nội để tiêu diệt nhiều sinh lực địch.

Lực lượng tham gia trận đánh gồm một trung đội do đồng chí Huyện đội phó Nguyễn Văn Thòa trực tiếp chỉ huy, có công binh tỉnh hướng dẫn kỹ thuật. Mỗi người được trang bị một khẩu tiểu liên. Toàn đội được cấp:

- Lượng nổ: 100 ki-lô-gam thuốc đúc, vỏ bằng thép.

- Ngòi nổ: 5 kíp điện có thuốc nổ mồi.

- Dây dẫn điện: 300 mét dây kép.

- Nguồn điện: 50 quả pin, 1,5 vốn đấu nối tiếp.

Sau khi nhận nhiệm vụ, đồng chí Thòa cùng một cán bộ tiểu đội là người thôn Phạm Xá, từ căn cứ Thanh Hà đột nhập vào điều tra khu vực ga Phạm Xá nắm vững quy luật tuần tra, canh gác của địch, nghiên cứu địa hình địa vật xung quanh, xác định điểm đánh mìn, nơi đặt trạm gây nổ và đường rút quân. Điểm chôn mìn chính giữa hai đường ray ở cột đèn thứ ba tính từ trạm bẻ ghi ga Phạm Xá về phía Hải Dương. Trạm gây nổ đặt ở khúc ngoặt trên đường đi ra chùa Phạm, cách địa điểm chôn mìn khoảng 300 mét. Đặt trận địa ở đây sẽ tạo được bất ngờ, tiện quan sát theo dõi địch trên đường sắt và thuận lợi cho ta rút quân về căn cứ. Song phải tiến hành chuẩn bị thật chu đáo để bảo đảm bí mật.

III. DIỄN BIẾN, KẾT QUẢ VÀ Ý NGHĨA TRẬN ĐÁNH

1. Diễn biến:

Đêm ngày 09 tháng 01 năm 1954, trung đội đánh mìn từ căn cứ Thanh Hà vượt sông Rạng sang địa điểm đã xác định để thiết lập trận địa đánh mìn.

Các chiến sĩ vừa cảnh giới vừa nhẹ nhàng đào bới, chuyển từng xẻng đất ra nơi an toàn, không để rơi vãi. Làm xong thì xóa hết dấu vết, ngụy trang thật khéo để ban ngày địch không thấy có gì khả nghi. 04 giờ 30 phút ngày 10 tháng 1 năm 1954 ta đào xong hố chôn lượng nổ sâu 0,8 mét, rộng 0,6 mét, đào xong ta chưa đặt lượng nổ mà tạm chôn một quả mìn giả. Qua theo dõi 5 ngày đêm, thấy điểm đánh vẫn an toàn, đồng chí Thòa quyết định cho chôn lượng nổ chính thức gồm 100 ki-lô-gam thuốc nổ. Đường dây điện cũng được chôn sâu và ngụy trang kỹ.

Đến 04 giờ ngày 15 tháng 01, trạm gây nổ được thiết lập xong ở chỗ đường ngoặt ra chùa Phạm, ở phía nam điểm đặt lượng nổ 300 mét. Hầm sâu 1,2 mét, rộng 0,6 mét, dài 1,2 mét, phía trên đặt 2 phiến đá che đậy và ngụy trang, cạnh hầm có những lỗ quan sát có thể nhìn được hết đoạn đường sắt từ cuối làng Phạm Xá phía Hải Phòng đến đầu làng Xuân Măng phía Hà Nội.

Suốt hơn hai tuần lễ sau khi chôn mìn, tổ đánh mìn thay nhau giấu mình dưới hầm chịu giá rét, đợi đoàn tàu địch.

Trong tổ phân công 2 đồng chí nằm hầm, 3 đồng chí bám sát theo dõi địch, ban đêm cả tổ rút về nghỉ ở chùa Phạm.

Địch vẫn tăng cường tuần tra canh phòng, hàng ngày cho quân đi dò, thuôn nền đường, cày xới ven đường nhưng vẫn không phát hiện được điểm đặt mìn của ta. Chúng còn thay đổi quy luật chạy tàu, thay đổi giờ tàu chạy từng ngày để tránh bị tập kích.

Thời tiết cuối năm mưa phùn gió lạnh, lại gần đến tết Nguyên đán, nằm hầm chờ đợi lâu nên có đồng chí sốt ruột, nôn nóng, cho rằng có thể lịch chuyển quân bằng đường khác và đề nghị xin đánh đoàn tàu chở hàng của địch. Tỉnh đội, Huyện đội, trực tiếp là đồng chí Bí thư chi bộ và đồng chí Tỉnh đội trưởng, đến động viên, giải thích cho tổ kiên trì chờ đánh đoàn tàu chở quân của địch. Thực dân Pháp vừa đưa thêm quân từ chính quốc sang, từ Triều Tiên đến với lực lượng khoảng 5 trung đoàn, đang tập kết tại Hải Phòng sắp sửa lên Hà Nội tăng cường cho mặt trận Điện Biên Phủ. Với số quân lớn như vậy, nhất định phải vận chuyển bằng đường sắt. Do đó ta phải giữ vững quyết tâm đánh bằng được đoàn quân này.

Đúng như dự đoán, đêm 30 rạng sáng 31 tháng 1 năm 1954, địch tăng cường lực lượng tuần tra canh gác và mai phục hai bên đường, đồng thời dùng thuốn và máy dò mìn sục sạo khắp khu vực ga Phạm Xá. Ban đêm, chúng bắn từng loạt đại bác vào các thôn lân cận, đèn pha chiếu sáng rực khắp khu vực ga.

Trước những hiện tượng đó, đồng chí Thòa nhận định: Địch có thể sắp sửa hành quân bằng xe lửa, liền thông báo và ra lệnh cho toàn tổ sẵn sàng chiến đấu, bình tĩnh chờ đánh địch đúng thời cơ.

07 giờ 30 phút ngày 31 tháng 1 năm 1954, như thường lệ có một đoàn tàu chở đá chạy qua. Tiếp đó là đoàn tàu chở hành khách, đến 09 giờ 30 là chuyến tàu chở hàng có nhiều toa bịt kín. Ba đoàn tàu đã chạy qua, không thấy có quân lính đi cùng, nhưng bọn lính địch làm nhiệm vụ canh phòng bảo vệ vẫn bố trí cẩn mật ở hai bên đường. Cả tổ phán đoán sắp có một đoàn tàu quan trọng chạy qua, chắc là chở quân lính.

10 giờ 15 phút, có tiếng còi xe lửa từ hướng ga Phú Thái vọng lại. 10 giờ 25 phút một đoàn tàu tốc hành chở đầy quân Pháp, đang chạy tới. Toàn là lính Lê dương mũ đỏ, trang phục còn mới; trong toa đã chật ních chúng phải ngồi cả ở bậc lên xuống. Đoàn tàu lướt nhanh trên đường, không đỗ lại sân ga.

10 giờ 30 phút, đúng lúc đoàn tàu lao vào điểm đặt lượng nổ, đồng chí Thòa ra lệnh cho đồng chí Viện động mạch điện. Khối thuốc 100 ki-lô-gam nổ rung chuyển cả trời đất. Đoàn tàu như con rắn khổng lồ quằn quại, đứt khúc, các toa xô vào nhau ầm ầm, cái văng ra đường, cái lăn kềnh xuống ruộng. Cả khu vực ga Phạm Xá mịt mù khói lửa. Quân địch chết ngổn ngang, chồng chất lên nhau.

Bọn lính địch bảo vệ xung quanh sững sờ hoảng hốt, xô đẩy nhau tìm nơi ẩn trốn, các cỡ súng bắn như đổ đạn khắp bốn phía. Tổ đánh mìn bật nắp hầm, bắn yểm hộ cho nhau rút lui. Nhưng do ngồi lâu trong hầm chật chội lại ngập nước nên đồng chí Thòa một chân bị tê dại không chạy được, phải bò lên quãng đường cao gần đó, chiếm địa hình có lợi để ngăn chặn địch, yểm trợ cho tổ rút về căn cứ.

Phát hiện thấy quân ta, địch tập trung hỏa lực bắn dồn dập và xua quân đuổi theo. Đồng chí Thòa để chúng đến gần, bất ngờ quét một băng tiểu liên. Bọn địch kêu la ầm ĩ và xô nhau chạy. Đồng chí Thòa bắn đuổi theo và bồi thêm hai quả lựu đạn, mấy tên ngã vật xuống. Quân địch ở trong bất kéo ra bao vây hòng bắt sống đồng chí Thòa. Lợi dụng lúc địch đang nhốn nháo, đồng chí nhanh chóng lấn vào sau gốc cây gạo. Cùng lúc đó các cỡ súng của ta ở chùa Phạm và bên bờ sông Rạng bắn ra mãnh liệt, áp đảo bọn địch, yểm hộ cho lực lượng ta rút về căn cứ an toàn. Sau trận đánh, đồng chí Nguyễn Văn Thòa được mệnh danh là “Vua mình đường 5”; tháng 6 năm 1999, đồng chí được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Đến tháng 5 năm 2010, đồng chí Nguyễn Đình Viện cũng được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

2. Kết quả:

Địch: Chết và bị thương 1.017 tên lính Lê dương. Ta phá hủy 4 toa xe, lật đổ 4 toa và đầu máy, 20 mét đường ray bị uốn cong làm ngưng trệ vận chuyển của địch trên đoạn đường này 4 ngày đêm.

Ta: Hy sinh 01 đồng chí, bị thương 01 đồng chí.

3. Ý nghĩa:

Với quyết tâm cao, tinh thần chịu đựng gian khổ, coi thường hiểm nguy và kỹ thuật điêu luyện, tổ đánh mìn huyện đội Kim Thành đã đánh một trận rất xuất sắc tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, làm chấn động cả vùng Hải Dương - Hải Phòng.

Trận đánh đã làm tê liệt việc vận chuyển của địch trên tuyến đường huyết mạch này trong một thời gian, hỗ trợ đắc lực cho chiến trường chính Điện Biên Phủ giành thắng lợi, đồng thời góp phần thúc đẩy phong trào “Tiếng sấm đường 5” của chiến tranh du kích phá hủy giao thông của địch trên tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng và đường số 5.

Địch ở các nơi hoang mang, dao động, làn sóng phản chiến trong quân đội viễn chinh Pháp càng lên cao. Bọn đầu sỏ chỉ huy bộ máy chiến tranh ở Bắc Bộ đau đầu rối trí, phải điều lực lượng đối phó khắp nơi, nhất là tuyến Hà Nội - Hải Phòng cả đường sắt và đường bộ, hành lang trọng yếu của chúng trên chiến trường Bắc Bộ.

IV. ƯU, KHUYẾT ĐIỂM VÀ KINH NGHIỆM

1. Ưu điểm:

- Chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, trinh sát địch tỉ mỉ, công phu, xây dựng trận địa và ngụy trang giỏi bảo đảm chôn một lượng nổ lớn ngay tại khu vực địch kiểm soát gắt gao và chờ đánh địch trong một thời gian dài vẫn giữ được bí mật, an toàn.

- Bình tĩnh, dũng cảm, kiên trì chờ địch, đánh đúng phương án, đúng đối tượng, mục tiêu đã chọn.

- Xác định chính xác vị trí đặt lượng nổ và điểm hỏa đúng thời cơ, đạt hiệu suất chiến đấu cao.

2. Khuyết điểm:

- Không đặt hệ thống điều khiển nổ dự bị. Nếu có sự cố làm mìn không nổ thì trận đánh sẽ không thành, bỏ lỡ cơ hội diệt địch.

- Không dự tính hết tình huống địch đuổi theo ra chùa Phạm, bố trí lực lượng yểm trợ mỏng, tổ chức lại quân thiếu chặt chẽ nên để xảy ra thương vong và bỏ lại tử sĩ, tại trận địa.

3. Một số kinh nghiệm:

- Dùng mìn (lượng nổ) phục kích đánh giao thông phá hủy phương tiện vận tải và tiêu diệt sinh lực của địch là một cách đánh phổ biến và đạt hiệu suất cao của các lực lượng vũ trang địa phương. Chỉ cần một tổ nhỏ trang bị gọn nhẹ với một lượng nổ không lớn lắm, có thể lật đổ cả một đoàn tấu địch, tiêu diệt cả nghìn tên lính, làm ngưng trệ giao thông vận chuyển của địch trong nhiều giờ, nhiều ngày. Song để giành được thắng lợi đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ phải có tinh thần dũng cảm, gan dạ, trình độ kỹ thuật cao và tác phong tỉ mỉ, thận trọng. Trên những tuyến giao thông huyết mạch, đặc biệt là giao thông đường sắt, địch thường triển khai các biện pháp canh phòng, bảo vệ rất nghiêm ngặt. Vì vậy, phải nắm chắc quy luật hoạt động của địch, tìm chọn điểm đánh ở nơi hiểm yếu nhất. Khi thiết lập trận địa, phải có kỹ thuật điêu luyện để tiếp cận địch, đào hố chôn mìn và thiết bị trạm gây nổ rồi ngụy trang thật khéo để bảo đảm bí mật, an toàn, không để địch nghi ngờ. Trung đội đánh mìn huyện đội Kim Thành đã thực hiện rất tốt những yêu cầu đó, hố chôn mìn được đào xong trước nhiều ngày nhưng địch hàng ngày đi lại kiểm tra, đào bới mà vẫn không phát hiện được.

Trong chiến đấu phục kích, ngoài yếu tố bí mật bất ngờ, việc kiên trì chờ đánh địch đúng phương án, đúng đối tượng đã định là một yêu cầu rất quan trọng. Trong quá trình chờ bộ đội thường nảy sinh tâm trạng bồn chồn, sốt ruột, ngại thời gian kéo dài sẽ mệt mỏi, căng thẳng và địch có khả năng phát hiện trận địa phục kích, trận đánh không thành mà còn phải chịu thương vong. Vì vậy, người chỉ huy sau khi đã đánh giá đúng tình hình, xác định đúng mục đích, yêu cầu trận đánh và phương án chiến đấu, phải kiên định quyết tâm, làm tốt công tác tư tưởng và tổ chức, bảo đảm cho bộ đội vượt qua mọi gian khổ, mệt nhọc, căng thẳng, kiên trì chờ đánh địch đúng phương án. Trong trận đánh này, chi bộ và chỉ huy huyện đội Kim Thành đã lãnh đạo bộ đội giữ vững quyết tâm suốt nửa tháng, chờ địch để đạt bằng được mục đích, yêu cầu trận đánh, đây là một bài học kinh nghiệm quý.

Tuy nhiên, nếu địch đã thay đổi quy luật hoạt động, khả năng đánh địch theo phương án cũ không còn nữa, người chỉ huy phải sáng suốt đánh giá lại tình hình và mạnh dạn quyết đoán thay đổi, điều chỉnh phương án chiến đấu cho phù hợp để đạt hiệu suất chiến đấu cao.


Nguồn: Hải Dương - Một số trận đánh điển hình trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược
(Tập 1 - Chống càn và đánh phá giao thông)
Các tin mới hơn
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến dịch Điện Biên Phủ(22/03/2024)
Người nhóm lửa cách mạng ở TP Hải Dương(27/09/2023)
Cầu phao đường sắt Phú Lương - kỳ tích thời chống Mỹ(20/09/2023)
Tuyên ngôn Độc lập - một áng văn lập quốc vĩ đại(02/09/2023)
Tiếng thơm Nguyễn Đức Sáu(04/07/2023)
Các tin cũ hơn
TRẬN ĐÁNH ĐỊCH Ở THÔN LÝ VĂN, XÃ PHÚ ĐIỀN, NAM SÁCH (Ngày 21 tháng 8 năm 1952)(24/12/2021)
TRẬN CHỐNG CÀN TẠI THÔN GIANG HẠ, XÃ TÂN DÂN, CHÍ LINH (Ngày 25 tháng 11 năm 1952)(24/12/2021)
Trận cường tập cứ điểm Ô Mễ - Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ (Đêm ngày 25 rạng ngày 26 tháng 11 năm 1951)(09/12/2021)
Trận đánh địch tại Trường Con Gái, thị xã Hải Dương (Đêm 19, 20, 21 tháng 12 năm 1946)(03/12/2021)
Trận đánh ca nô địch trên sông Gùa tại thôn Bá Nha, xã Hợp Đức, huyện Thanh Hà (Ngày 25 tháng 3 năm 1948) (30/11/2021)
na
Video
Phóng sự Ảnh
Trang tin đơn vị
Hệ thống văn bản
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website