Văn bản mới
Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống LLVT Quân khu (31/10/1945 - 31/10/2020)
04/09/2020 07:32:55

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống, Cục Chính trị biên soạn Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống LLVT Quân khu (31/10/1945 - 31/10/2020) nhằm tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu và các tầng lớp Nhân dân hiểu rõ về truyền thống vẻ vang, những chiến công vang dội và thành tích xuất sắc, của quân, dân Quân khu hơn bảy thập kỷ qua.

LỜI NÓI ĐẦU

“… Quân khu 3, Quân khu đồng bằng, án ngữ Thủ đô, dựa vào Tây Bắc và Việt Bắc, nối liền đất Thanh, Nghệ miền Trung, lại nhìn ra biển cả, giàu tài nguyên và quan trọng về chiến lược. Thời bình đây là một trong những vùng đất căn bản để xây dựng và phát triển, là cửa ngõ giao lưu quốc tế của đất nước. Thời chiến đây là hậu phương quốc gia, đồng thời là mặt trận chống quân xâm lược, nhiều tên làng, tên đất, tên sông đã trở thành tên gọi của những chiến công hiển hách” (Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tạp chí Lịch sử Quân sự, tháng 6/1992).

Trải qua 75 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Quân khu 3 đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, xây dựng địa bàn Quân khu ổn định về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng - an ninh, có đời sống văn hóa, xã hội phát triển, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng là một vùng đất văn hiến và cách mạng; không ngừng tô thắm truyền thống “Đoàn kết, chủ động, sáng tạo, hy sinh, chiến thắng” của LLVT Quân khu.

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống, Cục Chính trị biên soạn Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống LLVT Quân khu (31/10/1945 - 31/10/2020) nhằm tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu và các tầng lớp Nhân dân hiểu rõ về truyền thống vẻ vang, những chiến công vang dội và thành tích xuất sắc, của quân, dân Quân khu hơn bảy thập kỷ qua.

Quá trình sưu tầm tư liệu, biên soạn không tránh khỏi những thiếu sót, Cục Chính trị Quân khu kính mong nhận được sự góp ý của cơ quan, đơn vị và quý bạn đọc để làm cơ sở tái bản lần sau đạt chất lượng tốt hơn.

Trân trọng cảm ơn!

CỤC CHÍNH TRỊ


Phần thứ nhất

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN CỦA LLVT QUÂN KHU 3

1. Khái quát về địa bàn Quân khu

Vùng đất Quân khu 3 là địa bàn chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh, là trung tâm của đồng bằng Bắc bộ, có thế mạnh về công, nông, lâm, ngư nghiệp, có núi rừng hiểm trở, có biển, hải đảo rộng lớn, có hệ thống giao thông rất thuận lợi trong giao lưu giữa Quân khu với Thủ đô Hà Nội và nhiều vùng trọng yếu khác trong nước và quốc tế. Trải qua các thời đại, kẻ thù ngoại bang luôn coi đây là địa bàn chiến lược quan trọng, là mục tiêu và hướng tiến công chủ yếu tạo điều kiện để phát triển lực lượng, làm bàn đạp tiến hành chiến tranh xâm lược trên phạm vi cả nước.

Do yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, địa bàn Quân khu 3 từ tháng 9/1999 về trước gồm cả các tỉnh: Thanh Hoá (về Quân khu 4 năm 1976), tỉnh Hà Bắc (sau này tách thành 2 tỉnh là Bắc Ninh và Bắc Giang, về Quân khu 1 năm 1978), tỉnh Hà Tây (về Quân khu Thủ đô tháng 10/1999). Từ tháng 10/1999 đến nay, Quân khu 3 gồm 9 tỉnh, thành phố là: Quảng Ninh (từ 1963 là Quân khu Đông Bắc, đến năm 1970 sáp nhập về Quân khu 3, từ 1978 là đặc khu Quảng Ninh, từ 1987 đến nay thuộc Quân khu 3), Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Hoà Bình, Hải Dương và Hưng Yên.

Quân khu 3, cái nôi của nền văn minh Sông Hồng, mảnh đất địa linh nhân kiệt; nơi có truyền thống yêu nước, đấu tranh bất khuất, kiên cường chống ngoại xâm... Nơi sinh ra những nhà văn hoá, khoa học lỗi lạc như: Mạc Đĩnh Chi, Lương Thế Vinh, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đoàn Thị Điểm, Lê Hữu Trác, Lê Quý Đôn, Ngô Thì Nhậm… và là quê hương của nhiều nhà hoạt động chính trị nổi tiếng: Cố Tổng Bí thư Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Đức Cảnh…

Địa bàn Quân khu 3 có diện tích tự nhiên 20.314,73 km2, phía Bắc và Đông Bắc tiếp giáp Trung Quốc, phía Tây và Tây Nam tiếp giáp vùng Tây Bắc, phía Nam tiếp giáp Bắc Trung Bộ; phía đông tiếp giáp Vịnh Bắc Bộ với hơn 500 km bờ biển và trên 3.000 hòn đảo lớn nhỏ. Về hành chính, các tỉnh, thành phố có 92 quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; dân số gần 13 triệu người, có trên 20 dân tộc anh em chung sống.

Vùng đất Quân khu 3 có nhiều danh lam thắng cảnh mang tầm vóc quốc tế như: Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) - Di sản thiên nhiên thế giới; đảo Cát Bà (thành phố Hải Phòng) - Vùng dự trữ sinh quyển thế giới; Tràng An (tỉnh Ninh Bình) - Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới...

Địa bàn Quân khu có nhiều nhà máy, khu công nghiệp lớn; có hệ thống giao thông đường sắt, thủy, bộ, hàng không nối liền trong nước và quốc tế. Với lợi thế đó, địa bàn Quân khu có nhiều điều kiện và khả năng phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực để phát triển kinh tế, xã hội, củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ vị trí địa lý, lịch sử đất và người Quân khu 3, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: "Quân khu 3, Quân khu đồng bằng, án ngữ Thủ đô, dựa vào Tây Bắc và Việt Bắc, nối liền đất Thanh, Nghệ miền Trung, lại nhìn ra biển cả, giàu tài nguyên và quan trọng về chiến lược. Thời bình đây là một trong những vùng đất căn bản để xây dựng và phát triển, là cửa ngõ giao lưu quốc tế của đất nước. Thời chiến đây là hậu phương quốc gia, đồng thời là mặt trận chống quân xâm lược, nhiều tên làng, tên đất, tên sông đã trở thành tên gọi của những chiến công hiển hách" (Tạp chí Lịch sử Quân sự - Tháng 6/1992).

2. Sự hình thành, phát triển của LLVT Quân khu 3

Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trên địa bàn Quân khu đã hình thành các tổ chức bán vũ trang, vũ trang ở các khu công nghiệp: Các đội "Tự vệ đỏ", "Tự vệ công nhân" Hải Phòng, Nam Định; căn cứ kháng chiến Bãi Sậy ở Hưng Yên, Kim Sơn ở Hải Phòng; chiến khu Quang Trung ở Ninh Bình, Hoà Bình, Thanh Hoá. Địa bàn nông thôn và nhiều vùng khác phát triển mạnh mẽ các đội du kích, ngày đêm chiến đấu chống càn, bảo vệ làng, xã, bảo vệ cơ sở và cán bộ cách mạng.

Ngày 10/5/1941, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 đã chỉ rõ: Dùng khởi nghĩa vũ trang để đập tan bộ máy thống trị của thực dân Pháp, phát xít Nhật giành chính quyền về tay Nhân dân. Quán triệt Nghị quyết Trung ương 8, các cấp uỷ đảng đã coi trọng việc củng cố phát triển tự vệ cứu quốc và các tổ, tiểu, đội du kích, cử cán bộ đi học các lớp quân sự ở Trung ương để làm nòng cốt trong chiến đấu, huấn luyện phát triển lực lượng. Bước sang năm 1943, các cuộc đấu tranh diễn ra sôi động ở đồng bằng Bắc Bộ. Tháng 8/1944, Trung ương Đảng kêu gọi toàn dân “Sắm sửa vũ khí đuổi thù chung”, thời cơ giành thắng lợi đang đến gần.

Chỉ thị của Hồ Chủ tịch đã chỉ rõ “…Trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên cần phải duy trì lực lượng vũ trang các địa phương cùng phối hợp hành động…”. Để chớp thời cơ, bảo đảm giành thắng lợi, ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - Đội quân vũ trang cách mạng đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng được thành lập. Chỉ thị Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ra đời và chiến thắng trận đầu Phay Khắt, Nà Ngần không chỉ cổ vũ, khích lệ toàn dân ta đứng lên đánh Pháp, đuổi Nhật, mà còn thúc đẩy mạnh mẽ quá trình hình thành các tổ chức vũ trang cách mạng trong cả nước, làm cơ sở phát triển lực lượng, tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng 8/1945.

Đầu năm 1945, chiến tranh thế giới thứ II đến hồi kết thúc, ở Đông Dương mâu thuẫn giữa Pháp và Nhật ngày càng gay gắt. Tối ngày 09/3/1945, Nhật nổ súng tiến công Pháp trên toàn cõi Đông Dương, chỉ một thời gian ngắn quân Pháp đã nhanh chóng đầu hàng phát xít Nhật.

Theo dõi sát tình hình, ngày 12/3/1945, Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị: “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Tình thế cách mạng trực tiếp đã xuất hiện, quân, dân đồng bằng Sông Hồng sẵn sàng đón thời cơ vùng dậy khởi nghĩa giành chính quyền. Thực hiện Chỉ thị của của Ban Thường vụ Trung ương ĐCS Đông Dương, nhằm chuẩn bị bị lực lượng cho khởi nghĩa giành chính quyền, ngày 03/02/1945 Chiến khu Quang Trung được hình thành và tháng 5/1945 chính thức được thành lập. Để làm nòng cốt cho việc xây dựng chiến khu Quang Trung (Hòa - Ninh - Thanh), ngày 20/6/1945 Trung đội du kích tập trung đầu tiên được thành lập, nhanh chóng phát triển và trưởng thành trong chiến đấu. Ngày 08/6/1945 trên đất Đông Triều, Chí Linh đã nổ ra cuộc khởi nghĩa vũ trang và thành lập Chiến khu Trần Hưng Đạo (Hay còn gọi “Đệ tứ chiến khu” hoặc “Chiến khu Đông Triều”- Lịch sử Quân đội, NXB QĐND, năm 2005, Tr86); vừa mới thành lập “Đệ tứ chiến khu” đã nhanh chóng mở rộng lực lượng, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở duyên hải Đông Bắc, địa bàn chiến lược quan trọng của miền Bắc.

Ngày 14/8/1945, Nhật tuyên bố đầu hàng đồng minh, chiến tranh thế giới thứ II kết thúc. Thời cơ đã đến, ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào, Đảng ta chủ trương: Lãnh đạo quần chúng nổi dậy cướp vũ khí của Nhật giành chính quyền trước khi quân đồng minh vào Đông Dương. Sau Đại hội Quốc dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến, toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta…”. Thực hiện lời kêu gọi của Bác, các tỉnh, thành phố thuộc đồng bằng Bắc Bộ chỉ trong 7 ngày, mở đầu ở thị xã Hải Dương, cuối cùng là thị xã Hà Nam (24/8/1945) đã nổi dậy tổng khởi nghĩa giành thắng lợi. Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra Nước Việt nam Dân chủ cộng hòa.

Sau thắng lợi của cách mạng, ở miền Bắc, Nhân dân ta phải đương đầu với muôn vàn khó khăn do hậu quả chiến tranh, đồng thời đối phó với những âm mưu, thủ đoạn mới của quân Tưởng, bọn phản động Việt Quốc, Việt Cách. Ở miền Nam, được quân Anh, quân Nhật yểm trợ, ngày 23/9/1945 thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, mở đầu cuộc xâm lược nước ta lần thứ hai. Tất cả bọn chúng đều nhằm thực hiện mưu đồ tiêu diệt cách mạng Việt Nam và Nhà nước Dân chủ cộng hòa non trẻ.

Để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu giữa ta và thực dân Pháp; dưới sự lãnh đạo của Đảng, theo quyết định của Chính phủ, ngày 31/10/1945 các chiến khu được thành lập. Trong phạm vi đồng bằng Bắc Bộ và phụ cận có các chiến khu: Chiến khu 2 (gồm các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Hà Đông, Sơn Tây, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu), Chiến khu 3 (gồm các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Kiến An, Quảng Yên, Hải Ninh, thành phố Hải Phòng) và Chiến khu 11 là đặc khu Hà Nội trực thuộc Trung ương.

Để bảo vệ chính quyền cách mạng, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống xảy ra, vấn đề vũ trang toàn dân, xây dựng LLVT nhân dân rộng rãi ở cơ sở với xây dựng LLVT tập trung (bộ đội chủ lực) theo chủ trương của Đảng đã được đặc biệt coi trọng. Trên địa bàn Quân khu trước và sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 cả bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích, tự vệ đã phát triển mạnh mẽ, cụ thể:

- Về bộ đội chủ lực, trên cơ sở các đơn vị Giải phóng quân và đội du kích ở các chiến khu Đông Triều và Quang Trung, các Chiến khu 2, 3 rút các đơn vị tự vệ tập trung của các tỉnh, tuyển thêm tân binh tổ chức thành 6 chi đội Vệ Quốc đoàn (đến tháng 9/1945 đổi thành Trung đoàn). Phía tả ngạn Sông Hồng có Trung đoàn 41 (sau đổi thành Trung đoàn 42) phụ trách địa bàn Hải Phòng, Kiến An. Trung đoàn 44 (sau đổi thành Trung đoàn 64) phụ trách Hải Dương, Hưng Yên. Trung đoàn 50 (sau đổi thành Trung đoàn 98) phụ trách Quảng Yên. Phía hữu ngạn sông Hồng có Trung đoàn 35 (sau đổi thành Trung đoàn 9) phụ trách địa bàn Sơn Tây. Trung đoàn 37 (sau đổi thành Trung đoàn 11) phụ trách Hà Đông. Trung đoàn 39 (sau đổi thành Trung đoàn 13) ở Sơn La. Trung đoàn 33 (sau đổi thành Trung đoàn 34) phụ trách Nam Định, Ninh Bình.

- Về bộ đội địa phương (bộ đội cảnh vệ), mỗi tỉnh có 1 đại đội, huyện có 1 trung đội.

- Về lực lượng dân quân du kích, tự vệ: Xã có dân quân du kích; khu phố, phường có tự vệ và tự vệ chiến đấu; ở mỗi huyện, thị được tổ chức lực lượng tự vệ tập trung từ trung đội đến đại đội.

Như vậy, tiền thân từ các Chiến khu 2, 3 và 11 ra đời ngày 31/10/1945, qua nhiều lần sáp nhập, chia tách với các tên gọi khác nhau: Ngày 25/01/1948 sáp nhập các Chiến khu 2, 3 và 11 thành Liên khu 3; tháng 5/1952, Liên khu 3 chia tách thành Khu 3 và Khu Tả Ngạn; tháng 11/1955, trên cơ sở Khu 3 và Khu Tả Ngạn thành lập Quân khu Hữu Ngạn và Quân khu Tả Ngạn; tháng 5/1976 hợp nhất Quân khu Tả Ngạn và Quân khu Hữu Ngạn thành Quân khu 3; năm 1979 thành lập Đặc khu Quảng Ninh, năm 1987 Đặc khu Quảng Ninh hợp nhất với Quân khu 3. Mặc dù đã nhiều lần thay đổi tên gọi khác nhau, nhưng ngày 31/10/1945 được xác định là Ngày thành lập, Ngày truyền thống của LLVT Quân khu 3.

Phần thứ hai

LLVT QUÂN KHU 3 - 75 NĂM XÂY DỰNG, CHIẾN ĐẤU,

CHIẾN THẮNG VÀ TRƯỞNG THÀNH

1. LLVT Quân khu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp

Với bản chất của chủ nghĩa đế quốc, được Mỹ ủng hộ, thực dân Pháp đã phản bội Tạm ước Việt - Pháp ký ngày 14/9/1945 và Hiệp định sơ bộ Pháp - Việt ngày 06/3/1946, từng bước đẩy mạnh hoạt động quân sự lấn chiếm, xâm phạm chủ quyền nước ta... Trước tình hình đó, ngày 19/10/1946, Hội nghị Quân sự toàn quốc của Đảng họp và nhận định: “Nhất định không sớm thì muộn, Pháp sẽ đánh mình và mình nhất định phải đánh Pháp”; Hội nghị còn chỉ rõ: Phải đẩy mạnh hơn nữa xây dựng lực lượng vũ trang, coi trọng chất lượng để sẵn sàng chiến đấu với giặc Pháp xâm lược.

Như nhận định của Đảng ta, sau khi gây hấn, tạo cớ phát động chiến tranh xâm lược ở miền Nam, Tây Nguyên, thực dân Pháp mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Ngày 20/11/1946 quân và dân thành phố Hải Phòng nổ súng đánh trả giặc Pháp xâm lược, mở đầu cho cuộc kháng chiến trên địa bàn Quân khu 3 và các tỉnh miền Bắc. Trong cuộc chiến đấu ở nội thành Hải Phòng, quân Pháp đã chịu tổn thất nặng nề với hơn chục xe tăng, thiết giáp bị tiêu diệt, hàng trăm tên địch bị chết, nhiều vũ khí, trang bị, phương tiện bị phá hủy. Trong bảy ngày đêm, Nhân dân Hải Phòng không phân biệt già trẻ, gái trai đã sát cánh cùng lực lượng vũ trang đánh giặc… Các chiến sĩ Trung đoàn 41, Đại đội Ký Con, chiến sĩ cảnh vệ, công an, tự vệ chiến đấu, tự vệ công nhân đã nêu cao tinh thần chiến đấu kiên cường, trung dũng, bất khuất, làm cho quân giặc phải bàng hoàng, khiếp sợ.

Các cuộc chiến đấu quân dân Hải Phòng - Kiến An dưới sự chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của Bộ Chỉ huy Chiến khu 3 và Tỉnh ủy Hải Phòng - Kiến An có tác dụng như một cuộc diễn tập thực sự, chuẩn bị cho cuộc chiến đấu diễn ra sau đó của quân dân Thủ đô Hà Nội và các thành phố thị xã khác.

Sau khi đánh chiếm thành phố Hải Phòng và thị xã Lạng Sơn, thực dân Pháp thực hiện mưu đồ xâm lược nước ta bằng vũ lực. Tại Hải Phòng, giặc Pháp đã tổ chức một đầu cầu chiến lược để tiếp nhận quân lính, phương tiện chiến tranh và bảo đảm hậu cần cho miền Bắc Việt Nam; đánh chiếm Lạng Sơn, tạo thế uy hiếp từ phía Bắc xuống và đổ bộ lên Đà Nẵng, thực hiện chia cắt chiến trường, làm chủ một hải cảng lớn trên đường tiến quân ra Bắc, tạo thế phát triển cuộc chiến tranh xâm lược trên phạm vi cả nước.

Trước tình hình đó, Đảng ta chỉ rõ: “Những hành động của Pháp xâm phạm chủ quyền Việt Nam rất có thể lan rộng. Tình thế vô cùng nghiêm trọng. Hãy sẵn sàng chiến đấu để tự vệ bất cứ lúc nào và chỗ nào! Mỗi người Việt Nam lúc này phải gánh vác nghĩa vụ thiêng liêng: Bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc; đoàn kết, phấn đấu, nhất định chúng ta sẽ thắng”.

Theo nhiệm vụ quân sự và mệnh lệnh chiến đấu của Bộ Quốc phòng, Chiến khu 3 có nhiệm vụ “tiến công tiêu diệt địch ở thị xã Hải Dương, cầu Phú Lương, cầu Lai Vu, phá cầu, phá đường 5, đánh địch trên đường 5, bao vây khu vực Hải Phòng, cắt đứt liên lạc đường bộ Hải Phòng - Hà Nội”,...

Thực hiện nhiệm vụ trên, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Chiến khu 3 phổ biến quán triệt cho các đơn vị địa phương. Các thị trấn dọc đường 5 được giao nhiệm vụ tổ chức đánh địch và nhanh chóng thực hiện chủ trương “vườn không nhà trống”, tiến hành phá hoại đường xá, cầu cống. Hướng Hải Phòng, Bộ Chỉ huy Chiến khu giao nhiệm vụ cho các Ban Chỉ huy mặt trận ở đây phải tích cực đánh địch, phá vây, tiến công giải tỏa đường 5, đánh thông Hải Phòng với Hải Dương.

Các đơn vị, địa phương đã từng bước tìm ra cách đánh thích hợp, tìm chỗ sơ hở của địch mà đánh rồi rút đi nơi khác. Cách đánh du kích thiên biến vạn hóa, đánh địa lôi được hình thành và trở thành lối đánh sở trường của bộ đội, tự vệ, du kích đường 5. Quân dân dọc đường 5, nhất là quân dân Hải Dương đã kiên cường đánh địch, lập nhiều chiến công xuất sắc. Trong chiến đấu, Trung đoàn 44 đã thực hiện được vai trò nòng cốt cho LLVT địa phương và phong trào toàn dân đánh giặc, được Bác Hồ tặng danh hiệu “Trung đoàn Quyết thắng”.

Ở hữu ngạn sông Hồng, trước ngày nổ ra cuộc kháng chiến toàn quốc, Bộ Chỉ huy Chiến khu 2 đã nhận được lệnh chuẩn bị tập trung đánh địch ở thành phố Nam Định; đánh quân tăng viện cho Nam Định cả đường bộ và đường thủy. Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, Bộ Chỉ huy Chiến khu 2 cùng các Tỉnh ủy Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam bàn bạc chuẩn bị cho cuộc chiến đấu. Ban Chỉ huy mặt trận Nam Định được thành lập gồm các đồng chí trong Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chỉ huy Trung đoàn 33.

Các tỉnh Hà Đông, Hà Nam được lệnh sẵn sàng đánh địch tiếp viện cho Nam Định bằng đường bộ và đường sông, các đường 1, 6, 72, 21A đã bị phá nát. Về đường sông, các tỉnh Hà Đông, Hà Nam, Nam Định phối hợp với các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình tổ chức kè cản ngăn tàu địch. Lực lượng Vệ Quốc đoàn, tự vệ ở Sơn Tây, Hà Đông được lệnh phối hợp đánh địch ở Thủ đô Hà Nội.

Ngày 23/02/1947, Ban Chỉ huy mặt trận Nam Định họp, hội nghị nhận định: Quân Pháp được tăng viện sẽ tập trung lực lượng lớn tiến công giải vây cho Nam Định. Quán triệt chủ trương “Bảo toàn lực lượng, kháng chiến lâu dài”, Hội nghị quyết định để lại khoảng 100 cán bộ, chiến sĩ, tổ chức thành đội “cảm tử quân” trang bị vũ khí nhẹ, hoạt động mạnh trong nội thành thu hút địch, lực lượng còn lại rút về phía sau củng cố, chuẩn bị chiến đấu lâu dài.

Sáng ngày 6/3/1947, cả đường bộ và đường sông, từ Hà Nội, quân Pháp tiến vào Nam Định. Dọc đường, chúng bị tự vệ chiến đấu của ta chặn đánh tiêu hao, quấy rối, ngăn cản, làm giảm tốc độ tiến công. Lực lượng vũ trang ta nhờ có chủ trương đúng và dự kiến sát các tình huống nên mặc dù bị kẹp giữa quân giải tỏa và quân đồn trú, các chiến sĩ cảm tử quân dựa từng căn nhà, góc phố, vận dụng cách đánh du kích thiên biến vạn hóa, gây cháy, gây nổ, diệt hơn 350 tên và rút khỏi thành phố.

Trong chiến đấu chống địch giải tỏa thành phố Nam Định đã xuất hiện nhiều tấm gương hy sinh anh dũng. Bốn anh em ruột Tạ Quang Kha, Tạ Quang Hồng, Tạ Quang Thuận, Tạ Quang Đức là chiến sĩ tự vệ thành đánh địch ở Trung Trang (Mỹ Lộc) tiêu diệt nhiều tên và đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, nêu tấm gương cao cả về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Chiến sĩ thiếu niên liên lạc Phạm Đỗ Hải 13 tuổi bị địch bắt đã bảo vệ được tài liệu, sau đó tìm cách trốn về và tuyên truyền được hai lính Pháp theo kháng chiến, được Bác Hồ gửi thư khen. Cùng với những thắng lợi của quân dân Nam Định, Trung đoàn 33 - lực lượng nòng cốt của thành Nam được Bác Hồ tặng danh hiệu “Trung đoàn Tất Thắng”. Thắng lợi của quân dân Nam Định là thắng lợi của thế trận toàn dân đánh địch, toàn dân kháng chiến với lực lượng nòng cốt là Trung đoàn 33.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ngày 25/11/1948, Liên khu 3 được thành lập với nhiệm vụ cùng cả nước chủ động đưa cuộc kháng chiến sang giai đoạn mới, đánh bại âm mưu bình định của địch, xây dựng và phát triển lực lượng kháng chiến ngày càng lớn mạnh.

Sau thất bại ở Việt Bắc, địch quay về càn quét, củng cố vùng chúng đã chiếm đóng và lấn chiếm một số vùng tự do của ta. Chúng đưa một phần lực lượng vào mở cuộc càn quét ở đồng bằng Nam Bộ và tập trung lực lượng còn lại thực hiện kế hoạch “Siết chặt và vết dầu loang” nhằm tiến hành bình định củng cố vùng chúng đã chiếm đóng ở đồng bằng Bắc Bộ.

Tại đồng bằng Sông Hồng thuộc Liên khu 3 đã hình thành hai vùng rõ rệt: Vùng tạm bị địch chiếm gồm: Hải Phòng, Kiến An, Hải Dương, Hà Nội, Hà Đông, Nam Định và các vùng ven, phụ cận trên dưới 10 km. Địch đã biến Hà Nội thành căn cứ đầu não tiến hành chiến tranh xâm lược và Hải Phòng là căn cứ hậu cần chủ yếu cùng với đường 5, con đường huyết mạch nối liền Hải Phòng - Hà Nội, đó là những vùng có ý nghĩa chiến lược quan trọng bậc nhất trên chiến trường Bắc Bộ trong âm mưu xâm lược của Pháp. Ngoài khu vực địch kiểm soát trên, vùng đất đai rộng lớn ở đồng bằng còn lại là vùng tự do của ta, hậu phương trực tiếp của cuộc kháng chiến.

Liên khu 3 với 12 tỉnh bao gồm hầu hết vùng đồng bằng dọc hai bên tả ngạn và hữu ngạn Sông Hồng, là kho người, kho của, là nơi có những trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa có ý nghĩa chiến lược quan trọng với cả ta và địch. Thực dân Pháp thường xuyên tập trung một lực lượng quân sự lớn tại đây, một chiến trường trọng điểm phải đánh chiếm, giành và giữ bằng mọi giá.

Với ta, đáp ứng yêu cầu phát triển của cuộc kháng chiến trong giai đoạn mới, Liên khu 3 trở thành một địa bàn hoàn chỉnh cả về hành chính, chính trị, quân sự, kinh tế, gồm đầy đủ các cơ quan lãnh đạo của Đảng, chính quyền, quân đội và các đoàn thể, các ngành nhằm phát triển cuộc chiến tranh Nhân dân, toàn dân, toàn diện, đẩy mạnh chiến tranh du kích, trực tiếp uy hiếp hậu phương địch, góp phần đánh bại mọi âm mưu tiếp tục chiến tranh xâm lược bằng chính sách “dùng người Việt hại người Việt” của thực dân Pháp.

Thực hiện huấn lệnh của Bộ Tổng Tư lệnh, phá âm mưu chiến lược mới của địch, trong đó vị trí chiến lược Hải Phòng - đường 5 - Hà Nội ngày càng trở nên quan trọng đối với chiến trường đồng bằng Bắc Bộ, Liên khu ủy đã quyết định thành lập Ban Chỉ huy Mặt trận 5 để thống nhất và trực tiếp chỉ đạo tác chiến khu vực đường 5, lập thành một mặt trận trọng điểm đánh vào hậu cứ chiến tranh và đường giao thông huyết mạch của Pháp. Lực lượng chủ yếu của Liên khu lúc này gồm có 6 Trung đoàn: Trung đoàn 42, 48, 64, 34, 12 với quân số không đầy đủ, trang bị lại thiếu và kém, được phân công phụ trách trên từng địa bàn, thực hiện phương châm hoạt động “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”, phối hợp dìu dắt bộ đội địa phương, dân quân du kích tác chiến bảo vệ địa phương dưới sự chỉ đạo thống nhất của Tỉnh ủy, Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh; riêng Trung đoàn 66 được kiện toàn tổ chức và trang bị, là đơn vị cơ động chủ lực do Liên khu trực tiếp chỉ huy. Các đơn vị thực hiện đợt “Luyện quân lập công”, vừa huấn luyện, vừa đánh địch tại chỗ. Cuộc vận động có tác dụng thiết thực nâng cao một bước trình độ kỹ thuật, động tác chiến đấu của cá nhân, phân đội nhỏ và cách đánh du kích như tập kích, phục kích, tạo niềm phấn khởi, tin tưởng trong LLVT và Nhân dân.

Cùng với phong trào “Luyện quân lập công”, hệ thống chỉ huy các cấp tỉnh, huyện cũng được kiện toàn, củng cố, Phòng Dân quân của Liên khu được thành lập; các tỉnh đội, huyện đội, xã đội trở thành cơ quan quân sự địa phương làm tham mưu về quân sự cho cấp ủy; các đại đội địa phương của tỉnh được củng cố, xây dựng và các huyện đều có trung đội bộ đội địa phương, các xã đều có đội du kích tập trung được tuyển chọn chặt chẽ. Lực lượng ba thứ quân đã hình thành từ trên xuống dưới. Ngoài các lực lượng vũ trang trên, tại các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định còn có lực lượng biệt động, các đội công an hành động, các đội viên du kích hoạt động bí mật trong nội thành với tổng quân số toàn Liên khu lúc này là 16.500, trong đó 8.500 quân chiến đấu. Lực lượng dân quân du kích có 316.087 người, trang bị vũ khí thô sơ là chính.

Cùng với việc đẩy mạnh chiến tranh du kích trong vùng địch hậu, vùng tự do rộng lớn của Liên khu 3 ngày càng được củng cố và trở thành hậu phương của cuộc kháng chiến lâu dài với tinh thần tự lực cánh sinh. Hệ thống chính quyền các cấp từ Liên khu xuống các xã được củng cố, kiện toàn, được bồi dưỡng về nghiệp vụ hành chính, được tăng cường lớp thanh niên mới giác ngộ cách mạng, các tổ chức quần chúng như mặt trận, nông hội, thanh niên, phụ nữ, phụ lão, thiếu niên… được củng cố, phát triển rộng rãi.

Thực hiện lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Liên khu và các tỉnh đều coi trọng chỉ đạo đẩy mạnh phong trào tăng gia sản xuất với khẩu hiệu: “Ngoài tiền tuyến thi đua giết giặc lập công, ở hậu phương thi đua tăng gia sản xuất”, với nhiều biện pháp tích cực… đồng thời chú ý bảo vệ mùa màng, sơ tán, cất dấu thóc lúa để phòng địch cướp phá. Ngoài lương thực, hoa màu, diện tích trồng cây bông sợi cũng được mở rộng, sản lượng tăng gấp mười lần năm trước; sản lượng đánh bắt cá, làm muối vượt hàng trăm tấn. Các ngành tiểu thủ công nghiệp như dệt vải, làm giấy phát triển, đáp ứng một phần nhu cầu về vật chất của Nhân dân, đồng thời cũng giải quyết những khó khăn về đời sống của đồng bào thành phố tản cư ra vùng tự do.

Phong trào thi đua yêu nước nổi bật nhất ở hậu phương trong thời kỳ này là: Mua sắm vũ khí cho du kích, đỡ đầu bộ đội, ủng hộ chăn áo “mùa đông binh sĩ”, “lập hũ gạo kháng chiến” để bộ đội ăn no đánh giặc ngoài tiền tuyến. Vùng tự do Liên khu 3 ngày càng phát huy vai trò hậu phương trực tiếp đóng góp sức người, sức của cho công cuộc kháng chiến lâu dài.

Bước vào năm 1950, địch tung lực lượng đánh chiếm toàn bộ vùng đồng bằng châu thổ, nên quân, dân Liên khu 3 lại đứng trước khó khăn, thử thách mới.

Từ thực tế cuộc đấu tranh với địch tại địa bàn, Liên khu ủy đã khái quát một kinh nghiệm lớn là: “Nơi nào bám sát quần chúng, tăng cường giáo dục, vận động Nhân dân thì cơ sở ở đó mau phục hồi, phát triển được chiến tranh du kích, phá được tề, xây dựng được chính quyền, thực hiện được huy động nhân lực, vật lực cho kháng chiến. Nơi nào cán bộ chạy dài thì cơ sở tan rã, Nhân dân hoang mang dẫn tới cầu an, tề và ngụy quân cùng bọn phản động mạnh lên. Chúng bao vây được kinh tế ta, ta không động viên được sức người, sức của”.

Sau thắng lợi to lớn của quân và dân ta ở Cao - Bắc - Lạng, cục diện chiến trường, đặc biệt là ở Bắc Bộ chuyển sang chiều hướng có lợi cho ta, tạo nên bước phát triển nhảy vọt đối với lực lượng vũ trang ta trên đồng bằng Bắc Bộ. Ta đã giải phóng được khoảng 4.800 km2 (bằng hai phần ba vùng đồng bằng châu thổ), với hơn hai triệu đồng bào, khu du kích được mở ra ở hầu hết các huyện đồng bằng, nhiều khu du kích, căn cứ du kích liên huyện, liên tỉnh khá rộng lớn đã xuất hiện… Địch từ chủ động tiến công phải chuyển sang phòng ngự, bị động đối phó, kết quả bình định của chúng bị phá vỡ. Để cứu vãn tình thế, chính phủ Pháp chủ trương tranh thủ viện trợ của Mỹ, tập trung mọi cố gắng đẩy mạnh cuộc chiến xâm lược. Pháp cử tướng Na-va làm Tổng Chỉ huy quân đội viễn chính pháp ở Đông Dương nhằm giành lại thế chủ động chiến lược.

Trong khi Pháp tập trung lớn lực lượng cơ động chiến lược ở đồng bằng Bắc Bộ và củng cố thế đứng chân trên các vùng đồng bằng thì ta quyết định tập trung bộ đội chủ lực đánh vào hướng Tây với ba đòn chiến lược chủ yếu là: Tây Bắc - Phong Xa Lỳ, Trung - Hạ Lào, Tây Nguyên buộc địch phải bị động phân tán đối phó lực lượng, làm phá sản kế hoạch Na-va của chúng.

Thắng lợi của chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ đã giáng đòn quyết định vào dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, buộc chúng phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương. Những thắng lợi to lớn đó đã tạo điều kiện và thời cơ thuận lợi để quân và dân đồng bằng Bắc Bộ đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Bắc, cùng cả nước kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ, anh dũng chống thực dân Pháp xâm lược.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ với ý chí kiên cường, bất khuất, trên khắp địa bàn Quân khu tạo thành thế trận chiến tranh nhân dân ngăn chặn, vây hãm, tiến công tiêu diệt quân thù. Châu thổ Sông Hồng là chiến trường nóng bỏng, nơi đọ sức quyết liệt giữa ta và địch. Tại đây, Nhân dân và lực lượng vũ trang Liên khu 3 đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chủ lực của cấp trên tiến hành nhiều chiến dịch lớn như: Chiến dịch phản công Việt Bắc - Thu Đông năm 1947; Chiến dịch Lê Lợi cuối năm 1949; Chiến dịch Biên Giới năm 1950; Chiến dịch Hà - Nam - Ninh năm 1951; Chiến dịch Hoà Bình; Chiến dịch Tây Bắc và chiến dịch Thượng Lào năm 1952; Chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954... Địa bàn Quân khu 3 là nơi diễn ra cuộc "Chiến tranh du kích" điển hình của cả nước. Ở các địa phương với phong trào "Đắp luỹ, đào hào, xây dựng làng chiến đấu, biến mỗi thôn xóm thành một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ anh dũng chiến đấu ngay trong lòng địch". Hàng trăm làng, xã vang dội những chiến công như: Nguyên Xá (Thái Bình), Liên Minh (Nam Định), Hùng Thắng (Hải Phòng), Tam Nông (Hưng Yên)... trên các địa bàn chiến lược quan trọng, quân và dân Liên khu 3 liên tục tiến công làm cho địch bao phen khiếp vía kinh hoàng, có những địa danh gắn liền với những chiến công hiển hách như: "Sấm đường 5"; "Cát Bi rực lửa"; "Đường 17", "Đường 10" quật khởi... đã trở thành niềm tự hào của dân tộc.

Quân và dân Quân khu 3 đã đánh trên 78.600 trận lớn, nhỏ loại khỏi vòng chiến đấu gần 400 ngàn tên địch; phá huỷ và thu hơn 42.000 súng các loại; 5.625 xe tăng, xe cóc, xe vận tải; 25 xà lan và tàu vận tải; phá huỷ và bắn rơi 126 máy bay; đánh đổ 1.299 đầu tàu và toa xe lửa quân sự; phá huỷ 4 kho súng cùng hàng vạn tấn quân trang, quân dụng; đốt cháy và thu 2 triệu lít xăng; bao vây, tiêu diệt, bức rút, bức hàng hơn 250 đồn bốt...; góp phần kìm giữ và tiêu diệt một lực lượng lớn của địch, cùng với cả nước làm lên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu”, đánh dấu thắng lợi vẻ vang của quân và dân ta chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ; đưa cách mạng Việt Nam bước sang giai đoạn mới - giai đoạn xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

2. LLVT Quân khu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xây dựng và bảo vệ miền Bắc XHCN

Với bản chất phản động và xâm lược toàn diện, đế quốc Mỹ đã có dã tâm xâm lược nước ta ngay từ đầu những năm 50 của thế kỷ XX; khi thực dân Pháp thất bại, bất chấp Hiệp định Giơ-ne-vơ, đế quốc Mỹ đã dựng lên chính quyền tay sai và đưa quân vào miền Nam, tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới với qui mô lớn nhất, dài ngày nhất, ác liệt và dã man, tàn bạo nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ II. Quân và dân Quân khu 3 cùng cả nước lại bước vào cuộc kháng chiến chống lại tên đế quốc mạnh nhất thế giới.

Từ cuối năm 1954 đến năm 1959, trên cơ sở quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị và Trung ương Đảng, quân và dân Quân khu 3 đã tập trung vừa khôi phục, củng cố chính quyền các cấp, vừa tổ chức quán triệt, thực hiện Chỉ thị 91 của Trung ương Đảng và Chỉ thị 97 của Liên khu uỷ, chống lại có hiệu quả âm mưu chống phá thi hành hiệp định đình chiến, nhất là xuyên tạc chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta… LLVT Quân khu cùng với các tổ chức, đoàn thể cách mạng vận động hàng chục nghìn đồng bào ở các tỉnh Thanh Hoá, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Hà Tây, Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh không mắc mưu kẻ thù, ở lại quê hương xây dựng cuộc sống mới.

Quân và dân Quân khu đã đón 20 vạn đồng bào từ miền Nam tập kết ra Bắc; hoàn thành cải cách ruộng đất, tích cực chống giặc đói, giặc dốt, phát triển kinh tế, xã hội và phát triển mạnh LLVT 3 thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ; đồng thời coi trọng xây dựng lực lượng hậu bị (DBĐV) mạnh. Về bộ đội chủ lực đến đầu năm 1957, Bộ Quốc phòng quyết định chuyển Sư đoàn 320 về Quân khu Tả Ngạn, Sư đoàn 304 về Quân khu Hữu Ngạn.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III đề ra đường lối chính trị độc lập, tự chủ, sáng tạo, đẩy mạnh cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng XHCN ở miền Bắc, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại để đánh thắng đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai; Đại hội khẳng định triển vọng thắng lợi tất yếu của cách mạng ở hai miền. Quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, nhiều phong trào cách mạng đã phát triển mạnh mẽ trên địa bàn Quân khu, phong trào "Sóng Duyên Hải" của nhà máy cơ khí Duyên Hải - Hải Phòng và phong trào "Cờ 3 nhất" (nhất về huấn luyện quân sự, rèn luyện kỹ thuật; nhất về gương mẫu, kỷ luật; nhất về lao động và sản xuất) của Đại đội 2 pháo binh thuộc Sư đoàn 304 đã tạo thành cao trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trên địa bàn Quân khu.

Từ ngày 14 - 16/5/1964, Đảng uỷ Quân khu họp đề ra nhiệm vụ xây dựng LLVT Quân khu: Hoàn thành kế hoạch phòng thủ và chuẩn bị chiến đấu; huấn luyện xây dựng bộ đội tiến lên chính qui, hiện đại; nâng cao chất lượng dân quân tự vệ; tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; làm tốt các công trình kết hợp kinh tế - quốc phòng… Đây là những vấn đề cơ bản để LLVT Quân khu vừa xây dựng phát triển lực lượng, vừa cùng cả nước giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ đã gây ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ, tạo cớ dùng không quân, hải quân leo thang đánh phá miền Bắc, tuyên bố "Đưa Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá". Trong cuộc chiến tranh này, Quân khu 3 là một trong những địa bàn chiến lược, trọng yếu với nhiều mục tiêu là trọng điểm đánh phá của địch, thành phố Hải Phòng là mục tiêu hủy diệt của chúng.

Với tính chất vừa là hậu phương, vừa là tiền tuyến; quân và dân Quân khu tích cực, khẩn trương triển khai thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng LLVT nhân dân ngày càng vững mạnh, quyết tâm đánh thắng chiến tranh phá hoại của kẻ thù; đồng thời tập trung chi viện lớn sức người, sức của cho các chiến trường.

Trong những năm chiến tranh ác liệt, quân và dân Quân khu vừa chiến đấu kiên cường, vừa sản xuất giỏi; những cánh đồng 5 tấn ở Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên... những nhà máy, công trường ngày đêm kiên cường bám trụ, với tinh thần "mỗi người làm việc bằng hai", "tay búa, tay súng", "tay cày, tay súng", "tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược". Với nhiều trận đánh anh dũng bằng súng bộ binh, bắn rơi máy bay hiện đại Mỹ như: Lực lượng tự vệ súng máy cao xạ 14,5mm của tự vệ Hòn Gai, Hà Tu (Quảng Ninh) ngày 5/8/1964; dân quân xã Thụy Xuân, Thái Thụy, Thái Bình và dân quân xã Trung Thành, Đà Bắc, Hoà Bình ngày 22/11/1966; dân quân xã Nghĩa Lâm, Nghĩa Hưng, Nam Định năm 1967; trung đội dân quân xã Kim Đài, Kim Sơn, Ninh Bình ngày 6/8/1967; trung đội nữ dân quân xã Tráng Liệt, Bình Giang, Hải Dương đêm 21/3/1968; tự vệ Nông trường Xuân Mai, Hoà Bình ngày 29/12/1972...

Trong cuộc chiến đấu đánh trả máy bay, tàu chiến Mỹ, quân và dân Quân khu đã phối hợp chặt chẽ với Quân chủng Hải quân, Phòng không - Không quân đánh 39.450 trận, bắn rơi 1.526 máy bay Mỹ (trong tổng số 4.181 máy bay bị bắn rơi ở miền Bắc), trong đó có 10 máy báy B52, 2 máy bay F111, bắt sống nhiều giặc lái; bắn chìm, bắn cháy 75 tàu chiến các loại; tiêu diệt và bắt sống 93 tên biệt kích; rà phá và tháo gỡ gần 69.000 bom, mìn, thủy lôi, phá tan chiến dịch phong toả đường biển vào Cảng Hải Phòng; lần lượt đập tan các chiến dịch "Biển lửa", "Mũi lao lửa", "Rồng biển"; đặc biệt cùng với quân và dân miền Bắc đánh đòn quyết định lập nên chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" tháng 12/1972 oanh liệt, đánh thắng hoàn toàn hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải ngừng mọi hoạt động quân sự, quay lại đàm phán và ký kết Hiệp định Pari ngày 27/1/1973, tạo ra cục diện mới cho quân và dân ta trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Quân và dân Quân khu không chỉ chiến đấu giỏi mà còn xây dựng địa bàn đủ sức mạnh để bảo vệ miền Bắc và là hậu phương lớn chi viện sức người, sức của cho các chiến trường, góp phần quan trọng cùng cả nước làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975; hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội và làm tròn nhiệm vụ quốc tế.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, vùng đất Quân khu 3 có nhiều tấm gương chiến đấu anh dũng, trở thành niềm tự hào dân tộc như: Mạc Thị Bưởi, Nguyễn Thị Chiên, đội du kích Hoàng Ngân; cùng với những người con đã có mặt ở những thời điểm lịch sử trọng đại nhất của dân tộc: Tạ Quốc Luật bắt sống tướng Đờ Cát trong chiến dịch Điện Biên Phủ (1954); Bùi Quang Thận cắm cờ trên Dinh Độc Lập (1975); Nguyễn Ngọc Nhạ, nhà tình báo vĩ đại… đã làm rạng rỡ và tô thắm thêm truyền thống anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng.

3. LLVT Quân khu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 1975 - 1986

Từ sau chiến thắng 30/4/1975 đến nay, trên cơ sở quán triệt các Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, V của Đảng; các Nghị quyết, chỉ thị của Đảng ủy Quân sự Trung ương và Đảng ủy Quân khu, LLVT Quân khu luôn luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Nổi bật là:

Hoàn thành việc hợp nhất hai Quân khu Tả Ngạn và Hữu Ngạn thành Quân khu 3; Quân khu 3 với Đặc khu Quảng Ninh và điều chỉnh, kiện toàn tổ chức lực lượng theo đội hình mới. Điều chỉnh tổ chức, chuyển 18 đơn vị cấp trung đoàn và tương đương sang làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật; sáp nhập, thu gọn một số đơn vị và nhà trường. Điều chỉnh sắp xếp, đưa cán bộ sang làm kinh tế; tăng cường một số cán bộ cho các cơ quan quân sự địa phương, các nhà trường, các đơn vị sẵn sàng chiến đấu ở các địa bàn trọng điểm và các đơn vị của Bộ bảo đảm chất lượng cao.

Thường xuyên giữ vững và nâng cao cảnh giác cách mạng, luôn sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ trị an, kịp thời và nhanh chóng đập tan mọi âm mưu, hành động phá hoại và xâm lược của kẻ thù, bảo vệ vững chắc sự nghiệp xây dựng CNXH trên địa bàn Quân khu. Ra sức xây dựng LLVT ba thứ quân với lực lượng thường trực chính quy hiện đại; lực lượng dân quân tự vệ mạnh, rộng khắp, đủ sức thực hiện nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ địa phương, giữ gìn trật tự trị an, làm nòng cốt trong sản xuất, xây dựng CNXH; lực lượng dự bị phù hợp với yêu cầu khôi phục, phát triển LLVT của Quân khu và mở rộng LLVT chiến lược của Nhà nước. Đồng thời, tăng cường công tác quân sự địa phương, tập trung xây dựng cơ quan quân sự cấp huyện, xây dựng huyện thành pháo đài chiến đấu mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Công tác giáo dục quốc phòng được tiến hành rộng rãi; gắn chặt giữa xây dựng và bảo vệ, kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh. Phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và nhân dân địa phương tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm cho toàn dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nâng cao cảnh giác, đối phó thắng lợi trước âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù. Các cơ quan, đơn vị LLVT Quân khu phối hợp chặt chẽ với các địa phương, nhất là khu vực biên giới chủ động xây dựng công trình quốc phòng, làng xã chiến đấu…; chỉ tính riêng năm 1979, toàn quân khu huy động 104.426 dân quân tự vệ với 3.985.798 ngày công xây dựng công trình quốc phòng, đào đắp 1.974.434 m3 đất đá, sản xuất 1.163 m3 bê tông, lắp ghép 140.370 công sự hoả khí, 78.200 hố bắn, 182.038 hầm kèo, 214 đài quan sát, 1.452 km giao thông hào, 1.668 hầm chống tăng, 1.762 triệu cây tre, 245.613 khóm mây chắn sóng và tạo vật cản… sẵn sàng khi có chiến sự xảy ra. Hằng năm, các địa phương trên địa bàn Quân khu đều đạt và vượt chỉ tiêu tuyển quân, chất lượng tân binh ngày càng được lựa chọn bảo đảm sức khỏe và chất lượng chính trị; trong 2 năm 1977, 1978 Quân khu đã tuyển 159.100 tân binh; riêng năm 1979, toàn quân khu tuyển 124.889 tân binh và quân dự nhiệm; bàn giao quân cho các đơn vị tuyến trước 2 sư đoàn, 5 trung đoàn, 3 tiểu đoàn bộ đội địa phương, 30 tiểu đoàn quân dự nhiệm, 5 tiểu đoàn binh chủng kỹ thuật, 1 đội điều trị, tổng quân số 76.226 người.

Tổ chức huấn luyện bảo đảm vừa phù hợp với điều kiện đất nước hòa bình, vừa đáp ứng yêu cầu khi có chiến tranh xảy ra. Thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, cả về kỹ thuật và chiến thuật. Các đơn vị thường trực sẵn sàng chiến đấu và sản xuất hoàn thành tốt chương trình huấn luyện phân đội, từng bước thống nhất, nội dung, phương pháp huấn luyện, coi trọng xây dựng nền nếp chính quy, ý thức tổ chức kỷ luật. Lực lượng dân quân tự vệ, kết hợp tổ chức huấn luyện với lao động sản xuất. Từng bước đưa công tác huấn luyện quân sự vào các trường phổ thông và chuyên nghiệp trên địa bàn. Thường xuyên tổ chức luyện tập các phương án tác chiến, nhất là khi tình hình biên giới Tây Nam và phía Bắc có những dấu hiệu phức tạp…; bảo đảm đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược.

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, quân và dân Quảng Ninh, Sư đoàn 325, Trung đoàn 244, Trung đoàn 43 cùng các lực lượng đã chiến đấu liên tục, giành nhiều thắng lợi. Sư đoàn 327 tăng cường cho Quân khu 1 ở Lạng Sơn đã chiến đấu ngoan cường, bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ Tổ quốc, tính mạng, tài sản nhân dân. Với những thành tích đạt được, Sư đoàn 327 được tặng thưởng 3 Huân chương Chiến công và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Với chức năng vừa là đội quân chiến đấu, công tác và lao động sản xuất, LLVT Quân khu đã khắc phục khó khăn hoàn thành tốt chỉ tiêu, kế hoạch lao động sản xuất, xây dựng kinh tế với chất lượng cao. LLVT Quân khu đặt chỉ tiêu 32 kg chất bột/người/năm; 4,6 kg thịt, 30 kg rau xanh/người/tháng; các đơn vị đều đạt và vượt, góp phần trực tiếp cải thiện đời sống, nâng cao sức khỏe cho bộ đội. Các lực lượng của Quân khu tích cực tham gia xây dựng nhiều công trình quan trọng như: Cống Quảng Châu (Thanh Hoá), Cống An Thổ (Hải Dương), Tràng Vinh (Móng Cái), Trạm bơm Thống Nhất (Thái Bình);… tham gia xây dựng Nhà máy nhiệt điện Phả Lại và hàng trăm nhà văn hoá, nhà ở, nhà làm việc, hội trường, trạm y tế; xây dựng hàng ngàn km giao thông đường bộ, đường sắt, đường dây tải điện. Làm đường ra đảo Đình Vũ (Hải Phòng); quai đê lấn biển Cồn Thoi (Ninh Bình), Cồn Xanh (Nam Định), tạo điều kiện thuận lợi cho xây dựng, phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng của từng địa phương.

Kết quả sản xuất lương thực, tổng sản lượng qui ra gạo đạt 7.325 tấn 450 kg; trong đó nộp chỉ tiêu tăng gia và chỉ tiêu tiết kiệm về Bộ Quốc phòng 5.865 tấn 266 kg; ủng hộ đồng bào bị thiên tai lụt bão 626 tấn 174 kg; trợ cấp cho cán bộ có hoàn cảnh khó khăn và chi ăn thêm cho bộ đội 843 tấn 980 kg. Sản xuất thực phẩm ngoài lượng chi cho bộ đội ăn thêm, các đơn vị còn nộp chỉ tiêu về Quân khu trên 14 tấn thịt.

Ủng hộ các tỉnh biên giới phía Bắc: Tham gia xây dựng các công trình phòng thủ biên giới, 123 km đường các loại; xây dựng nhà chỉ huy, đài quan sát, bệnh xá... với tổng trị giá 609 triệu đồng, trong đó quỹ vốn quân khu hơn 200 triệu đồng, các địa phương 400 triệu đồng (thời giá năm 1985).

Các đơn vị kinh tế - quốc phòng triển khai nhiệm vụ kinh tế - quốc phòng đã trồng hàng vạn héc ta rừng, hàng trăm héc ta chè cao sản; khảo sát qui hoạch 2.500 hec ta, trực tiếp san lấp 200 hec ta nuôi tôm và liên doanh nuôi tôm thu mỗi năm hàng trăm tấn tôm; xây dựng 165 nhà cấp 4, 2 trường học phục vụ việc di dân; phối hợp di, dãn hàng ngàn hộ dân; xây dựng 5 trạm xá, khám và điều trị miễn phí cho hàng vạn lượt người nghèo; giúp hàng nghìn hộ dân trồng cây ăn quả, cải tạo đàn bò sinh sản, làm hàng trăm km đường giao thông, đường dây tải điện và nhiều công trình phục vụ đời sống nhân dân ở nông thôn, miền núi.

Ngoài việc lao động sản xuất, xây dựng kinh tế trên địa bàn; Quân khu còn thành lập các trung đoàn dân quân tự vệ với quân số 76.000 người vào xây dựng kinh tế ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên; tăng cường 6.000 dân quân tự vệ và 720.000 người lên các tỉnh biên giới phía Bắc xây dựng công trình quốc phòng…, đáp ứng yêu cầu phục vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc lúc đó và tạo cơ sở hạ tầng để bước vào thời kỳ đổi mới đất nước; khẳng định trí tuệ và năng lực của “Bộ đội cụ Hồ” Quân khu 3 trên mặt trận mới.

LLVT Quân khu luôn quán triệt các nghị quyết của Đảng, tổ chức tốt các đợt sinh hoạt chính trị, tạo được sự chuyển biến về nhận thức tư tưởng của cán bộ, chiến sỹ về đường lối nhiệm vụ cách mạng của Đảng trong giai đoạn mới. Phong trào thi đua quyết thắng được đẩy mạnh, diễn ra liên tục, sôi nổi và rộng khắp... Công tác xây dựng Đảng bộ được coi trọng, nhất là tổ chức đảng ở các đơn vị mới hợp nhất, chuyển nhiệm vụ, mới thành lập, bảo đảm sự lãnh đạo thường xuyên, liên tục; đồng thời, tập trung chỉ đạo nhiều đợt sinh hoạt chính trị tự phê bình và phê bình trong đảng bộ, có 100% đảng uỷ và chi bộ, 98% đảng viên được học tập, tiến hành tự phê bình và phê bình. Qua đó, việc chấp hành các nguyên tắc, chế độ lãnh đạo và sinh hoạt của cấp uỷ, chi bộ được duy trì chặt chẽ, nghiêm túc; đoàn kết thống nhất trong các tổ chức đảng chuyển biến tốt hơn, trách nhiệm và ý thức tập thể được phát huy, nhiều đảng bộ, chi bộ lãnh đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Với những thành tích đã đạt được, đặc biệt là trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, nhiều tập thể, cá nhân được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý khác.

4. LLVT Quân khu trong sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986) đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước… Trên cơ sở quán triệt các nghị quyết Đại hội đại Đảng lần thứ VI; các nghị quyết, chỉ thị của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) và Đảng ủy Quân khu, LLVT Quân khu luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Nổi bật là:

Xây dựng LLVT Quân khu vững mạnh về chính trị

Thường xuyên chăm lo xây dựng bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu, luôn kiên định chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong LLVT Quân khu. Chú trọng đổi mới công tác giáo dục chính trị, nhất là triển khai thực hiện nghiêm Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới” gắn với quản lý, định hướng tư tưởng cho bộ đội trong tình hình mới. Tổ chức đợt sinh hoạt chính trị tự soi, tự sửa; sơ kết và tôn vinh điển hình tiên tiến 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thực hiện có hiệu quả Đề án Quân đội phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa; chủ động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc trên không gian mạng. Tích cực đấu tranh phòng chống có hiệu quả âm mưu “diễn biến hòa bình”, thúc đẩytự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch. Kịp thời định hướng nhận thức, tư tưởng, nâng cao ý thức cảnh giác, SSCĐ cho bộ đội,… Nâng cao hiệu quả phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện; cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Phối hợp với các lực lượng nắm chắc tình hình an ninh chính trị địa bàn và nội bộ; chủ động xây dựng đơn vị an toàn gắn với địa bàn an toàn; thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, phòng gian giữ bí mật, không để lọt, lộ bí mật quân sự.

Quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, quy chế, quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, QUTW về công tác xây dựng Đảng, kịp thời chỉ đạo xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện ở các cấp. Cấp ủy các cấp đã tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thường xuyên củng cố, kiện toàn cấp ủy, tổ chức đảng các cấp; gắn kiện toàn cấp ủy với xây dựng đội ngũ cán bộ chủ trì; duy trì thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và quy chế lãnh đạo các mặt công tác trọng yếu; giữ vững nền nếp chế độ sinh hoạt; chú trọng đổi mới phong cách, phương pháp tác phong lãnh đạo, phát huy được trí tuệ tập thể, đề cao trách nhiệm cá nhân trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Chỉ đạo tổ chức tốt các lớp tập huấn, bồi dưỡng, hội thi Bí thư chi bộ giỏi; coi trọng bồi dưỡng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, năng lực ra nghị quyết và triển khai thực hiện nghị quyết. Tập trung xây dựng tổ chức cơ sở đảng ở các đơn vị đủ quân làm nhiệm vụ SSCĐ và cơ quan các cấp. Tỷ lệ tổ chức đảng đạt TSVM (nay là tổ chức đảng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ) và đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ ngày càng tăng. Công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện và phát triển đảng viên được các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm, thực hiện có nền nếp, chất lượng tốt.

Đội ngũ cán bộ ngày càng đáp ứng tốt hơn với yêu cầu nhiệm vụ. Đã tập trung giải quyết số lượng gắn với cải thiện cơ cấu, nâng cao chất lượng; công tác luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, đề bạt, chuyển ra, đào tạo bảo đảm chặt chẽ, đúng nguyên tắc, quy trình, giữ được ổn định, có tính kế thừa, phát triển. Cấp ủy các cấp đã quán triệt và thực hiện nghiêm quy trình công tác cán bộ; kịp thời sửa đổi, bổ sung Quy chế công tác cán bộ trong Quân khu và ban hành kế hoạch thực hiện nghị quyết của QUTW về xây dựng đội ngũ cán bộ giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo. Chủ động phối hợp với các trường trong và ngoài Quân đội đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, đến nay, đã có 94,8% cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học trở lên; thực hiện nghiêm chủ trương luân chuyển đối với nguồn quy hoạch, tạo điều kiện cho cán bộ được thử thách, rèn luyện ở nhiều cương vị để phát triển toàn diện; gắn quy hoạch, luân chuyển, bồi dưỡng cán bộ chỉ huy, quản lý với chuẩn bị nhân sự đại hội đảng các cấp. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy địa phương xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quân sự địa phương có kiến thức toàn diện, thực hiện tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương trong tình hình mới. Công tác sĩ quan dự bị được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc; công tác đào tạo sĩ quan dự bị từ nguồn cán bộ dân chính đảng bằng ngân sách địa phương được các tỉnh, thành phố quan tâm thực hiện; từ năm 2015 đến năm 2019, đào tạo sĩ quan dự bị bằng ngân sách địa phương cho 1.914 đồng chí.

Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng được chỉ đạo chặt chẽ, đồng bộ, đúng nguyên tắc, sát yêu cầu nhiệm vụ. Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Điều lệ Đảng, các nghị quyết, quy định về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng. Tập trung kiểm tra, giám sát tổ chức đảng về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, việc chấp hành nguyên tắc, quy chế, quy định; kiểm tra đảng viên là cấp ủy viên, cán bộ chủ trì các cấp. Chủ động phát hiện, kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm; xem xét, giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo; xử lý nghiêm tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, góp phần giáo dục, ngăn ngừa, hạn chế vi phạm kỷ luật của tổ chức đảng, đảng viên. Chủ động phối hợp chặt chẽ với ủy ban kiểm tra đảng của các địa phương trong kiểm tra, giám sát thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; góp phần không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và kết quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị (mỗi năm cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp kiểm tra hơn 300 tổ chức đảng, gần 4.000 đảng viên; giám sát 250 tổ chức đảng, gần 3.000 đảng viên).

Các tổ chức quần chúng, hội đồng quân nhân được củng cố, kiện toàn, hoạt động đúng chức năng, phát huy được vai trò xung kích, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Công đoàn thường xuyên đổi mới về nội dung, hình thức và phương pháp hoạt động; hằng năm có 95 - 98% tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Công đoàn đạt tiêu chuẩn vững mạnh, có 45 - 47% đạt vững mạnh xuất sắc; 99% cán bộ, hội viên phụ nữ đạt danh hiệu “Hội viên tiên tiến; 17 - 20% đoàn viên thanh niên đạt danh hiệu “Thanh niên tiên tiến, làm theo lời Bác, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Hàng trăm công trình, sản phẩm của Công đoàn được cấp trên tặng bằng "Lao động sáng tạo".

Cuộc vận động xây dựng môi trường văn hoá ở cơ sở đã trở thành phong trào sôi nổi, tự giác thu hút đông đảo cán bộ, chiến sỹ, Nhân dân tham gia, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh, nâng cao sức khoẻ, tăng cường đoàn kết quân dân. Hằng năm, các đơn vị trong Quân khu đã tổ chức hàng trăm buổi biểu diễn, giao lưu văn hóa văn nghệ với các đơn vị bạn và địa phương kết nghĩa; tham gia các hội diễn chuyên nghiệp toàn quân; hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn quân và các ngành, binh chủng đều đạt giải xuất sắc.

Đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua Quyết thắng với thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động lớn của Đảng, Nhà nước, Quân đội, nhất là triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Quân đội chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” với những cách làm sáng tạo, hiệu quả như: Phong trào "Sáng mãi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ"; "Đoàn kết, dân chủ, kỷ luật, năng động, sáng tạo"; "Một tập trung, hai khâu đột phá"; mô hình “xây dựng làng, bản văn hóa quốc phòng”, “Hiến đất xây dựng nông thôn mới”; phong trào cả nước chung tay phòng, chống dịch Covid - 19 với tinh thần “chống dịch như chống giặcđã góp phần không ngừng nâng cao kết quả huấn luyện, chất lượng tổng hợp và trình độ SSCĐ của LLVT Quân khu.

Hoàn thành tốt nhiệm vụ SSCĐ, huấn luyện, xây dựng LLVT Quân khu vững mạnh toàn diện

Các cơ quan, đơn vị chấp hành nghiêm các chế độ trực SSCĐ; phối hợp chặt chẽ các lực lượng, chủ động theo dõi nắm chắc tình hình; xử trí kịp thời các tình huống, không để bị động, bất ngờ. Tập trung xây dựng thế trận phòng thủ, xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc. Chủ động bổ sung, điều chỉnh kế hoạch tác chiến; phương án phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, phòng chống cháy nổ, cháy rừng. Sức mạnh tổng hợp của LLVT Quân khu không ngừng được củng cố, tăng cường, đủ sức hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Các cơ quan, đơn vị trong LLVT Quân khu có nhiều chủ trương, biện pháp nhằm thực hiện ba khâu đột phá. Tập trung triển khai các giải pháp xây dựng LLVT Quân khu theo hướng tinh, gọn, mạnh. Hàng năm, triển khai thực hiện nghiêm Chỉ lệnh công tác tổ chức xây dựng lực lượng của Bộ Tổng Tham mưu; thực hiện nghiêm các quyết định thành lập, giải thể, tiếp nhận, chuyển giao, nâng cấp các cơ quan, đơn vị; hoàn thành tốt việc giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị Quân đội trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; việc điều chuyển quân số dư dôi giữa các cơ quan, đơn vị được triển khai tích cực; ưu tiên bảo đảm quân số cho các đơn vị làm nhiệm vụ SSCĐ, tuyến biên giới, hải đảo; công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, chuyển chế độ QNCN, CN, VCQP và giải quyết chế độ cho các đối tượng được tiến hành đúng quy định.

Bộ CHQS các tỉnh, thành phố đã làm tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp hoàn thành toàn diện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Có nhiều đề án, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh; mở các lớp đào tạo sĩ quan dự bị, cán bộ quân sự cơ sở; nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên; mỗi năm toàn Quân khu tổ chức từ 600 - 800 lớp bồi dưỡng kiến thức QP, AN cho 70 - 80 ngàn người; giáo dục QPAN cho gần 2,5 triệu HSSV; sắp xếp quân nhân dự bị vào các đơn vị DBĐV đạt 98,5%, khả năng động viên đạt trên 80%; đăng ký 62.278 phương tiện kỹ thuật, sắp xếp đạt 100% chỉ tiêu; củng cố 3.704 cơ sở DQTV, đạt 100%, tỷ lệ quân số DQTV đạt trên 1,52% dân số, quân số huấn luyện hằng năm đạt trên 98,3%. Hoàn thành tốt nhiệm vụ diễn tập khu vực phòng thủ, chiến đấu trị an; không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ huy, điều hành của cấp uỷ, chính quyền, công tác tham mưu của cơ quan quân sự các cấp, sự phối hợp hiệp đồng giữa các địa phương với các đơn vị và khả năng sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; mỗi năm có từ 1 - 3 đơn vị cấp tỉnh, 20 - 25 đơn vị cấp huyện diễn tập KVPT; diễn tập chiến đấu phòng thủ từ 384 - 430 đơn vị cấp xã và tương đương; diễn tập bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp cho hàng trăm đơn vị tự vệ. Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, cơ quan quân sự các cấp đã làm tốt công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ, bảo đảm 100% chỉ tiêu, an toàn tuyệt đối, chất lượng tân binh được nâng lên.

Chủ động quán triệt, triển khai thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của QUTW - Bộ Quốc phòng, Đảng ủy Quân khu về công tác huấn luyện; tập trung nâng cao chất lượng, bám sát phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”; coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu. Thường xuyên quán triệt, thực hiện nghiêm Nghị quyết số 765-NQ/QUTW của QUTW, Nghị quyết số 280-NQ/ĐU của Đảng ủy Quân khu về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo. Triển khai có chất lượng, hiệu quả nội dung, chương trình, thời gian huấn luyện cho các đối tượng. Tích cực đổi mới tổ chức, phương pháp huấn luyện; không ngừng nâng cao trình độ quản lý, chỉ huy cho đội ngũ cán bộ các cấp; tập trung huấn luyện nâng cao trình độ kỹ, chiến thuật, nghiệp vụ và khả năng xử trí các tình huống; huấn luyện sát với địa bàn hoạt động, đối tượng tác chiến; coi trọng huấn luyện đêm, huấn luyện thể lực; huấn luyện sử dụng thành thạo VKTB có trong biên chế, VKTB mới, chất lượng huấn luyện từng bước được nâng lên; từ năm 2015 - 2019, các cơ quan, đơn vị LLVT Quân khu đã tổ chức 1.941 lớp tập huấn cán bộ, quân số trên 157.535 lượt người; đầu tư gần 350 ngàn ngày công xây dựng, tu sửa, củng cố thao trường, bãi tập trị giá hàng chục tỷ đồng; củng cố, làm mới gần 675 ngàn bia huấn luyện, 40 ngàn mô hình, học cụ, 56 ngàn sổ sách, giáo án, trên 200 sáng kiến áp dụng trong huấn luyện; kết quả kiểm tra 100% đạt yêu cầu trở lên, 75% khá giỏi; 100% cán bộ huấn luyện được theo phân cấp, trong đó có 73% cán bộ phân đội huấn luyện khá, giỏi (32% giỏi), có trên 50% tiểu, khẩu đội trưởng làm tốt nhiệm vụ hướng dẫn, điều hành luyện tập cho bộ đội; hằng năm có 50% trở lên trung, lữ đoàn có quân đạt đơn vị huấn luyện giỏi, 95% trở lên cơ quan, đơn vị đạt VMTD. Tổ chức tốt hội thi, hội thao các cấp; tham gia 70 cuộc hội thi, hội thao cấp Bộ đạt 05 giải Xuất sắc, 28 giải Nhất, 20 giải Nhì, 12 giải Ba.

Quán triệt và thực hiện “Chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo trong quân đội giai đoạn 2011 -2020”; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ X về công tác giáo dục, đào tạo trong tình hình mới, các nhà trường trong Quân khu tiếp tục được đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật; đội ngũ giáo viên theo hướng “chuẩn hóa, hiện đại hóa”; chủ động phối hợp chặt chẽ với các học viện, nhà trường trong Quân đội, tổ chức tốt các khóa đào tạo cán bộ quân sự xã, phường, thị trấn và bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng; cán bộ, học viên sau khi ra trường đều hoàn thành nhiệm vụ theo cương vị, chức trách được giao. Các trường dạy nghề đã chủ động nắm bắt nhu cầu việc làm; bám sát mục tiêu, yêu cầu, nâng cao chất lượng đào tạo, tích cực liên kết đào tạo nghề, tư vấn và giới thiệu việc làm cho các đối tượng, nhất là bộ đội xuất ngũ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội.

Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo chuyển biến vững chắc về xây dựng chính quy, chấp hành nghiêm kỷ luật, pháp luật và đẩy mạnh cải cách hành chính quân sự. Chỉ đạo các đơn vị tập trung xây dựng đơn vị VMTD mẫu mực, tiêu biểu đạt kết quả cao; các cơ quan, đơn vị thực hiện đồng bộ các giải pháp, tạo chuyển biến về xây dựng chính quy, chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, hạn chế thấp nhất các vụ việc nghiêm trọng và mất an toàn giao thông do lỗi chủ quan.

Công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng được triển khai tích cực; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan được điều chỉnh phù hợp với thực tế; trách nhiệm của các tập thể, cá nhân được phân định rõ ràng; chất lượng các văn bản được nâng lên; quy trình, thủ tục hành chính quân sự từng bước bảo đảm nhanh, gọn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành công việc ngày càng có hiệu quả. Công tác tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được triển khai đúng quy định, không để tồn đọng kéo dài.

Bảo đảm tốt công tác hậu cần, kỹ thuật, gắn xây dựng, phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng an ninh, quốc phòng an ninh với kinh tế

Với chức năng vừa là đội quân chiến đấu, công tác và lao động sản xuất, LLVT Quân khu đã triển khai có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng kinh tế, kết hợp với quốc phòng, an ninh, góp phần quan trọng phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân vùng biên giới, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh của Tổ quốc.

Quán triệt Nghị quyết số 28 của Bộ Chính trị khóa X về xây dựng khu vực phòng thủ (KVPT); Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX, khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, các cơ quan, đơn vị trong LLVT Quân khu đã kịp thời xây dựng, điều chỉnh, bổ sung thế bố trí công trình, thế trận trong KVPT; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố xây dựng căn cứ hậu cần trong KVPT, xây dựng lực lượng hậu cần tại chỗ, liên hoàn, rộng khắp.

Những năm qua, công tác hậu cần đã bảo đảm đầy đủ, kịp thời lượng vật chất hậu cần cho nhiệm vụ thường xuyên mà trọng tâm là nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, diễn tập, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn và các nhiệm vụ đột xuất khác; kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn chỉnh kế hoạch bảo đảm hậu cần cho SSCĐ theo quyết tâm tác chiến của Quân khu; đồng thời quán triệt, thực hiện nghiêm Nghị quyết số 623-NQ/QUTW, của QUTW Về công tác hậu cần Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Công tác tăng gia sản xuất, chăm sóc sức khỏe bộ đội ngày càng tốt hơn; hiện nay, các đơn vị đủ quân cơ bản bảo đảm 96,5% nhu cầu rau xanh, 95% nhu cầu thịt xô lọc, 30-40% nhu cầu cá, vượt chỉ tiêu trên giao 15-20%, giá thấp hơn thị trường và giá quy định 10 - 25%; qua đó, giữ vững chất lượng nuôi dưỡng bộ đội, bảo đảm tốt vệ sinh an toàn thực phẩm. Nền nếp chế độ công tác quân y thường xuyên được duy trì nghiêm túc; chủ động tổ chức giám sát, phát hiện phòng ngừa dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19, không để lây lan vào đơn vị; tỷ lệ quân số khỏe hàng năm thường xuyên đạt 98,8 - 98,9%. Chương trình quân dân y kết hợp, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, tổ chức khám chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được duy trì có hiệu quả. Công tác quản lý, bảo quản, sử dụng xăng dầu, vật tư khí tài chặt chẽ, đúng mục đích; khai thác hiệu quả phương tiện vận tải, hoàn thành 100% kế hoạch được giao. Công tác xây dựng, quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp được cơ quan, đơn vị thực hiện hiệu quả; hoàn thành xóa nhà cấp 4 xuống cấp nghiêm trọng; nhiều đơn vị được đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp trụ sở, nhà làm việc theo hướng chính quy, thống nhất,… không ngừng nâng cao chất lượng sinh hoạt, công tác của bộ đội.

Quán triệt, thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của QUTW - Bộ Quốc phòng, nhất là Cuộc vận động “Quản lý, khai thác VKTBKT tốt, bền, an toàn tiết kiệm và an toàn giao thông”, công tác kỹ thuật được triển khai toàn diện, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ; tổ chức tiếp nhận, cấp phát bảo đảm kịp thời, đầy đủ, đồng bộ các loại VKTBKT cho các nhiệm vụ; trong đó, ưu tiên cho các đơn vị đủ quân, đơn vị đóng quân ở tuyến biên giới, hải đảo; tổ chức tốt việc thu hồi, điều chuyển và thanh, xử lý an toàn các loại VKTB đạn dược. Công tác bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, niêm cất, tăng hạn sử dụng các loại VKTBKT thường xuyên được coi trọng; tổ chức tốt lực lượng sửa chữa cơ động bảo đảm VKTBKT cho các đơn vị tuyến đảo, biên giới, vùng sâu, vùng xa. Chủ động triển khai các chương trình thực hiện Nghị quyết số 382 của ĐUQSTW về lãnh đạo công tác kỹ thuật trong tình hình mới; tích cực huy động các nguồn vốn, ngân sách đầu tư cho xây dựng, củng cố, nâng cấp cơ sở kỹ thuật, các công trình phụ trợ và bổ sung trang thiết bị kỹ thuật cấp chiến dịch, chiến thuật, tạo bước đột phá mới trong công tác bảo đảm kỹ thuật. Nhiều đơn vị đã đầu tư kinh phí ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác bảo vệ, quản lý, theo dõi việc cấp phát vũ khí, trang bị kỹ thuật. Duy trì nghiêm nền nếp, chế độ ngày kỹ thuật, bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa nâng cấp trạm xưởng, điều chỉnh dồn dịch hệ thống kho trạm bảo đảm chính quy, thống nhất; tích cực nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh cải tiến kỹ thuật, mô hình học cụ; trong đó có 5 đề tài khoa học loại xuất sắc, 251 đề tài, công trình khoa học, sáng kiến được ứng dụng trong thực tiễn; qua đó không ngừng nâng cao hệ số kỹ thuật cho vũ khí trang bị, phương tiện, đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của LLVT Quân khu.

Quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 520 của QUTW về lãnh đạo nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng đến năm 2020. Quy hoạch các khu kinh tế quốc phòng, các dự án, đề án trồng rừng vành đai biên giới, tri thức trẻ tình nguyện, chương trình phát triển kinh tế xã hội được triển khai tích cực, mang lại hiệu quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới. Các doanh nghiệp của Quân khu chủ động khắc phục khó khăn, hoạt động đúng pháp luật, từng bước nâng cao chất lượng hiệu quả sản xuất kinh doanh; hiện nay, đang thực hiện cơ cấu lại theo Nghị quyết 425-NQ/QUTW ngày 18/5/2017 của Quân ủy Trung ương về “Sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp quân đội đến năm 2020”. Đoàn KT-QP 327 thực hiện tốt các dự án kết hợp kinh tế - quốc phòng, góp phần bảo vệ, giữ vững an ninh biên giới.

Thực hiện tốt công tác dân vận, chính sách hậu phương quân đội, phong trào đền ơn đáp nghĩa, góp phần xây dựng thế trận lòng dân vững chắc

Công tác dân vận luôn được cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị triển khai, đạt nhiều thành tích đáng khích lệ, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng chính quyền cơ sở ngày càng vững chắc. Quá trình thực hiện luôn gắn kết chặt chẽ với thực hiện chương trình, mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cuộc vận động vì người nghèo; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh… Toàn Quân khu đã quyên góp tặng 231 sổ tiết kiệm trị giá 283.000 triệu đồng; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí gần 4 triệu lượt người, hỗ trợ thiết bị y tế trị giá trên 20 tỷ đồng; xây dựng quỹ “Ngày vì người nghèo” trên 15 tỷ; khám, cấp thuốc chữa bệnh miễn phí gần 20.000 lượt người với số tiền trên 3,9 tỷ đồng.

Hàng năm các đơn vị tổ chức hành quân huấn luyện kết hợp làm công tác dân vận về địa phương làm công tác tuyên truyền, vận động và giúp nhân dân phòng chống lụt bão, khắc phục hậu quả thiên tai, tạo được niềm tin của Nhân dân. 5 năm qua, LLVT Quân khu đã huy động gần 60.000 lượt người, hàng trăm phương tiện giúp các địa phương khắc phục hậu quả 701 vụ thiên tai, sự cố, cứu sống 343 người, 15 tàu, thuyền; chữa cháy hàng trăm ha rừng; thu hoạch 32.360 ha lúa mùa, hoa màu; gia cố 12,5 km kè chắn sóng; củng cố 06 km đê, đập; chằng chống 22.350 ngôi nhà... Thực hiện phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Quân đội chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”… các đơn vị chủ động phối hợp với cơ quan chức năng, tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương thực hiện đạt hiệu quả thiết thực. Một số cơ quan, đơn vị đóng quân trên địa bàn đã chủ động ký kết với các địa phương tham gia xây dựng một số tiêu chí phù hợp với khả năng và nhiệm vụ của đơn vị. Những năm qua, LLVT Quân khu đã huy động trên 442.350 ngày công, ủng hộ hơn 100 tỷ đồng, làm 485 km đường giao thông, 424 km kênh mương nội đồng; đóng góp xây mới, tu sửa 8 trường học, 25 trạm xá; lắp đặt 50 công trình nước sạch; xây dựng gần 300 nhà vệ sinh; đào 87 giếng nước; tham gia xây dựng 16 cầu treo dân sinh cho đồng bào vùng cao; tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho 1.145 hộ; dạy nghề cho 20.127 người; hướng dẫn phát triển kinh tế cho 572 hộ gia đình; xây dựng 462 nhà tình nghĩa, đồng đội, nhà 100 đồng, mái ấm công đoàn.., trị giá trên 33 tỷ đồng (vượt chỉ tiêu 276 nhà).

Phát huy truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn, các cơ quan, đơn vị tích cực tham gia xây dựng Quỹ đền ơn đáp nghĩa” với số tiền trên 17 tỷ đồng; phụng dưỡng 108 Mẹ Việt Nam anh hùng; hỗ trợ gia đình chính sách phát triển sản xuất với 20.772 con giống các loại, công cụ sản xuất trị giá gần 3 tỷ đồng, tặng đồ dùng sinh hoạt cho 362 hộ trị giá 125 triệu đồng, thể hiện tình cảm, trách nhiệm của cán bộ, chiến sỹ LLVT Quân khu đối với người có công với cách mạng.

Chính sách hậu phương quân đội được chú trọng triển khai đạt hiệu quả tích cực; toàn Quân khu đã triển khai thực hiện Quyết định 47, 290, 142, 62 của Thủ tướng Chính phủ cho 212.820 người với số tiền 708,5 tỷ đồng; giám định thương tật, cấp thẻ thương binh 2.097 trường hợp; đề nghị suy tôn 76 liệt sĩ; tìm kiếm, quy tập 97 hài cốt liệt sĩ, xây sửa 56 nghĩa trang liệt sĩ… được Bộ Quốc phòng đánh giá là một trong những đơn vị giải quyết tốt chính sách hậu phương quân đội với số lượng lớn, hạn chế thấp nhất sai sót xảy ra.

5. Truyền thống vẻ vang và những phần thưởng cao quý

75 năm qua, quân và dân Quân khu 3 đã đóng góp to lớn sức người, sức của cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp quân và dân Quân khu đã anh dũng chiến đấu, lập nên bao chiến công vang dội, đồng thời tích cực chi viện cho các chiến trường; chỉ riêng cho các chiến dịch lớn, đã chi viện 520.000 lượt dân công, 3.600.000 ngày công, 16.140 tấn lương thực thực phẩm; trong đó huy động cho chiến dịch Điện Biên Phủ 1.464 tấn gạo; 64 tấn thịt; 266 tấn muối; 51,66 tấn rau khô; 1.721 xe đạp thồ; 736 xe trâu, xe bò, xe ngựa. Hàng chục vạn con em các dân tộc trên địa bàn Quân khu chi viện cho tiền tuyến, gần 235.200 thanh niên nhập ngũ, cùng hàng vạn bộ quần áo, chăn màn, hàng ngàn tấn gạo chi viện cho mặt trận phía Nam.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với tính chất vừa là hậu phương, vừa là tiền tuyến, địa bàn Quân khu 3 là căn cứ chiến lược chủ yếu của hậu phương quốc gia, đồng thời là chiến trường ác liệt chống chiến tranh phá hoại của kẻ thù. Vừa sản xuất, vừa chiến đấu, "Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược" đã trở thành khẩu hiệu hành động của mỗi chiến sĩ, mỗi người dân châu thổ Sông Hồng. Từ đây, hàng chục sư đoàn và trung đoàn, hàng trăm tiểu đoàn, hàng chục vạn thanh niên xung phong, hàng ngàn cán bộ các ngành tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, xây dựng chính quyền cách mạng ở miền Nam và làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào, Campuchia. Quân khu đã chi viện cho các chiến trường 606.480 cán bộ chiến sỹ, với 03 sư đoàn hoàn chỉnh và 03 khung sư đoàn; 15 trung đoàn hoàn chỉnh, 2 khung trung đoàn; 903 tiểu đoàn; 66 đại đội. Đón và nuôi dưỡng hàng chục ngàn bộ đội, thương bệnh binh, gia đình cán bộ, con em miền Nam tập kết, đào tạo để trở thành cán bộ, chiến sỹ phục vụ sự nghiệp cách mạng. Quân khu đã đón 43.346 bộ đội; 1.775 thương bệnh binh; 5.992 học sinh; 1.433 gia đình cán bộ; huy động Nhân dân bảo đảm 6.600 tấn gạo, 175.000 tấn muối, hàng ngàn tấn rau quả, thực phẩm; cấp hàng chục vạn bộ quần áo, chăn, màn, gần chục vạn đôi giầy cho các lực lượng miền Nam tập kết ra địa bàn Quân khu; xây 220 nhà cho thương binh với diện tích 11.283m2; ủng hộ 1.370 giường, phản; gần 22.200 cây tre, gỗ; 45.300 ngày công…

Trong giai đoạn thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Quân khu đã chi viện đắc lực về lực lượng, cơ sở vật chất trang bị kỹ thuật cho các tuyến phòng thủ biên giới phía Bắc, Đông Bắc, biển và hải đảo của Tổ quốc. Các tỉnh, thành phố đã tổ chức 40 Trung đoàn tự vệ, dân quân với 37 vạn lượt người cùng các đơn vị chủ lực xây dựng các công trình quốc phòng; chi viện hàng ngàn tấn xi măng, hàng trăm tấn sắt thép, hàng trăm ngàn ngày công, hàng chục vạn cán bộ, chiến sỹ trong đội hình hàng chục sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn ra phía trước làm nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ biên giới.

Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ xâm lược và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, toàn Quân khu đã có 223.823 liệt sỹ, 95.473 thương binh, 53.696 bệnh binh. 75 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, LLVT Quân khu luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là Quân khu có vị trí chiến lược trọng yếu của cả nước; xây đắp nên và không ngừng tô thắm truyền thống vẻ vang: “Đoàn kết, chủ động, sáng tạo, hy sinh, chiến thắng”.

Với những chiến công và thành tích xuất sắc, LLVT Quân khu 3 được Nhà nước tặng thưởng: 02 Huân chương Hồ Chí Minh, 02 Huân chương Sao vàng, Huân chương Quân công hạng Nhất và 05 Huân chương Độc lập; nhiều lần được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng lẵng hoa và gửi thư khen.

- Toàn Quân khu có 831 tập thể được phong tặng, 323 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu cao quý "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân", "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới"; hàng ngàn tập thể và cá nhân tặng thưởng huân, huy chương các loại.

- Địa bàn Quân khu có 19.590 mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam Anh hùng” trong đó 19.511 mẹ đã từ trần, 439 mẹ còn sống; LLVT Quân khu đang phụng dưỡng 108 mẹ.

KẾT LUẬN

Không ngừng phát huy truyền thống 75 năm qua, trước tình hình mới, LLVT Quân khu tiếp tục phát huy bản chất truyền thống cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, đoàn kết một lòng cùng cả nước quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã đề ra. Tiến hành đại hội Đảng các cấp đạt chất lượng cao; đẩy mạnh phong trào TĐQT thành cao trào mới; hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, lập nhiều thành tích chào mừng các sự kiện chính trị trọng đại và những ngày kỷ niệm lớn của đất nước năm 2020, nhất là kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống LLVT Quân khu, đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; xây dựng địa bàn Quân khu ổn định về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, an ninh, có đời sống, văn hoá, xã hội phát triển; góp phần xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; cùng quân dân cả nước đẩy mạnh thời kỳ CNH, HĐH đất nước, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

Phần thứ ba

THỦ TRƯỞNG BTL QUÂN KHU QUA CÁC THỜI KỲ

I. Tư lệnh Quân khu

TT

Họ và tên

Cấp bậc

Thời gian

giữ chức

Thời kỳ

Ghi chú

1

Hoàng Sâm

Thiếu tướng

10/1945-01/1948

Chiến khu 2

 

02/1948-1950

Liên khu 3

 

9/1954-1955

Khu 3

 

1956-10/1963

Quân khu Tả Ngạn

 

11/1963-3/1967

Quân khu 3

 

4/1967-01/1968

Quân khu Hữu Ngạn

 

2

Hoàng Minh Thảo

Đại tá

10/1945-01/1948

Chiến khu 3

Thiếu tướng 1959

Trung tướng 1974

Thượng tướng 1984

3

Vương Thừa Vũ

Trung tướng

10/1945-12/1946

Chiến khu 11

 

1956-10/1963

Quân khu Hữu Ngạn

 

4

Hà Kế Tấn

 

1950-9/1954

Khu 3

 

5

Nguyễn Khai

 

5/1952-1955

Khu Tả Ngạn

 

6

Nguyễn Như Thiết

Thiếu tướng

11/1963-3/1967

Quân khu Đông Bắc

 

1967-1968

Quân khu Tả Ngạn

 

7

Vũ Yên

Thiếu tướng

02/1968-1976

Quân khu Hữu Ngạn

 

8

Đặng Kinh

Trung tướng

1968-1975

Quân khu Tả Ngạn

 

1976-1977

Quân khu 3

 

9

Nguyễn Quyết

Trung tướng

1978-4/1986

Quân khu 3

Thượng tướng 1986

Đại tướng 1984

10

Nguyễn Anh Đệ

Trung tướng

1979-1982

Đặc khu Quảng Ninh

 

11

Nguyễn Sùng Lãm

Trung tướng

1982-1987

Đặc khu Quảng Ninh

 

12

Nguyên Trọng Xuyên

Trung tướng

5/1986-8/1988

Quân khu 3

Thượng tướng 1992

13

Phạm Văn Trà

Trung tướng

8/1988-12/1993

Quân khu 3

Thượng tướng 1992

Đại tướng 2003

14

Nguyễn Thế Trị

Trung tướng

01/1994-7/1997

Quân khu 3

Thượng tướng 2004

15

Hoàng Kỳ

Trung tướng

7/1997-3/2004

Quân khu 3

 

16

Phạm Xuân Hùng

Thiếu tướng

3/2004-9/2005

Quân khu 3

Trung tướng 2006 Thượng tướng 2014

17

Nguyễn Văn Lân

Trung tướng

9/2005-9/2010

Quân khu 3

 

18

Phạm Quang Hợi

Trung tướng

9/2010-10/2013

Quân khu 3

 

19

Phạm Hồng Hương

Trung tướng

10/2013-10/2015

Quân khu 3

Thượng tướng 2018

20

Vũ Hải Sản

Trung tướng

10/2015 - 7/2020

Quân khu 3

 

II. Chính ủy (Phó Tư lệnh Chính trị) Quân khu

TT

Họ và tên

Cấp bậc

Thời gian

giữ chức

Thời kỳ

Ghi chú

1

Lê Quang Hoà

Đại tá

10/1945-01/1948

Chiến khu 3

Thiếu tướng 1959

Trung tướng 1974

Thượng tướng 1986

02/1948-10/1949

Liên khu 3

2

Văn Tiến Dũng

Thiếu tướng

10/1945-01/1948

Chiến khu 2

Thượng tướng 1959 (thăng vượt cấp)

Đại tướng 1974

10/1949-5/1950

Liên khu 3

3

Trần Độ

Trung tướng

10/1945-12/1946

Chiến khu 11

 

1956-10/1963

Quân khu Hữu Ngạn

 

10/1963-01/1965

Quân khu 3

 

4

Lê Thanh Nghị

 

1951-1952

Liên khu 3

 

5/1952-1954

Khu 3

 

5

Đỗ Mười

 

5/1950-1955

Khu Tả Ngạn

 

6

Nguyễn Quyết

Đại tướng

1955-10/1963

Quân khu Tả Ngạn

 

01/1964-3/1967

Quân khu 3

 

3/1969-1976

Quân khu Tả Ngạn

 

1977-1986

Quân khu 3

 

7

Đoàn Phụng

Đại tá

10/1963-3/1967

Quân khu Đông Bắc

 

8

Nguyễn Thế Trị

 

1978-1980

Quân khu 3

 

9

Tô Ký

Thiếu tướng

3/1967-1976

Quân khu Hữu Ngạn

 

10

Lương Tuấn Khang

Trung tướng

1978-1987

Quân khu 3

 

11

Nguyễn Trọng Yên

Thiếu tướng

1979-1985

Đặc khu Quảng Ninh

 

12

Đỗ Quốc Tuấn

Trung tướng

1986-1987

Đặc khu Quảng Ninh

 

1987-1989

Quân khu 3

 

13

Đỗ Mạnh Đạo

Trung tướng

1989-02/1993

Quân khu 3

 

14

Lê Trung Thành

Trung tướng

12/1993-12/1999

Quân khu 3

 

15

Nguyễn Tiến Long

Trung tướng

12/1999-12/2004

Quân khu 3

 

16

Ngô Xuân Lịch

Trung tướng

12/2004-12/2007

Quân khu 3

Thượng tướng 2011

Đại tướng 2015

17

Lương Cường

Trung tướng

01/2008-6/2011

Quân khu 3

Thượng tướng 2014 Đại tướng 2019

18

Nguyễn Thanh Thược

Trung tướng

6/2011-7/2014

Quân khu 3

 

19

Đỗ Căn

Trung tướng

7/2014-4/2016

Quân khu 3

Thượng tướng 2019

20

Nguyễn Mạnh Hùng

Trung tướng

8/2016-01/2019

Quân khu 3

 

21

Nguyễn Quang Cường

Trung tướng

3/2019 - đến nay

Quân khu 3

 

III. Phó Tư lệnh - TMT, Phó Tư lệnh, Phó Chính ủy Quân khu

TT

Họ và tên

Cấp bậc

Chức vụ

Thời gian

giữ chức

Thời kỳ

Ghi chú

1

Lê Hiến Mai

Tham mưu trưởng

1945-1947

Chiến khu 2

 

2

Phạm Ngọc Mậu

Khu phó

1945-1947

Chiến khu 2

 

3

Hoàng Minh Thảo

Phó Tư lệnh

11/1947-1952

Liên khu 3

 

4

Dương Hữu Miên

Phó Tư lệnh

5/1952-1954

Khu Tả Ngạn

 

5

Đặng Tính

Phó Chính ủy

1952-1955

Khu Tả Ngạn

 

6

Phan Trọng Tuệ

Phó Tư lệnh

1952-1955

Khu 3

 

7

Nguyễn Như Thiết

Đại tá

Tham mưu trưởng

1955-1963

Quân khu Tả Ngạn

 

8

Nguyễn Quyết

Đại tá

Phó Chính ủy

1955-1963

QK Tả Ngạn

 

1963-1967

Quân khu 3

 

9

Cao Văn Khánh

Đại tá

Tham mưu trưởng

1955-1963

QK Hữu Ngạn

 

1963-1967

Quân khu 3

 

10

Chu Đỗ

Phó Tư lệnh

 

Quân khu 3

 

11

Nguyễn Văn Nam

Thiếu tướng

Phó Tư lệnh

1963-1967

Quân khu 3

 

12

Dũng Mã

Tham mưu trưởng

1963-1967

Quân khu Đông Bắc

 

13

Vương Thế Hiệp

Thiếu tướng

Phó Chính ủy

1963-1967

Quân khu Đông Bắc

 

14

Kim Tuấn

Đại tá

Tham mưu trưởng

1967-1976

Quân khu Tả Ngạn

 

15

Nguyễn Tiệp

Đại tá

Tham mưu trưởng

Quân khu Tả Ngạn

 

16

Nguyễn Thi

Đại tá

Phó Chính ủy

1967-1976

Quân khu Tả Ngạn

 

17

Trần Hoài Ân

Đại tá

Phó Chính ủy

1967-1976

Quân khu Tả Ngạn

 

18

Lương Tuấn Khang

Đại tá

Phó Chính ủy

1970-1976

Quân khu Tả Ngạn

 

1976-1978

Quân khu 3

 

19

Trần Thanh Từ

Đại tá

Phó Tư lệnh

1967-1976

Quân khu Tả Ngạn

 

20

Thái Dũng

Đại tá

Phó Tư lệnh

1967-1976

Quân khu Tả Ngạn

 

21

Ngô Hùng

Đại tá

Tham mưu trưởng

1967-1976

Quân khu Hữu Ngạn

 

22

Ngô Thành Vân

Đại tá

Phó Chính ủy

1967-1976

Quân khu Hữu Ngạn

 

23

Vũ Đức Thái

Thiếu tướng

Phó Chính ủy

1967-1976

Quân khu Hữu Ngạn

 

24

Nguyễn Anh Đệ

Đại tá

Phó Tư lệnh

01/1977-1978

Quân khu 3

 

25

Vũ Chí Đạo

Thiếu tướng

Phó Chính ủy

1979-1981

Quân khu 3

 

26

Trần Thanh Từ

Đại tá

Phó Tư lệnh

1976-1981

Quân khu 3

 

27

Nguyễn Trọng Xuyên

Thiếu tướng

Phó Tư lệnh

1979-1985

Quân khu 3

 

28

Đoàn Chương

Trung tướng

Phó Tư lệnh

1979-1985

Quân khu 3

 

29

Nguyễn Hữu Sở

Thiếu tướng

Phó Tư lệnh - TMT

1981-1989

Quân khu 3

 

30

Cấn Văn Tại

Thiếu tướng

Phó Tư lệnh Hậu cần

1979-1987

Quân khu 3

 

31

Nguyễn Văn Biền

Thiếu tướng

Phó Tư lệnh

1980-1985

Quân khu 3

 

32

Ưng Quốc Tuynh

Đại tá

Phó Tư lệnh Kỹ thuật

1979-1985

Quân khu 3

 

33

Nguyễn Sùng Lãm

Thiếu tướng

Phó Tư lệnh - TMT

 

Đặc khu

Quảng Ninh

 

34

Phạm Xưởng

Thiếu tướng

Phó Tư lệnh

1979-1987

Đặc khu

Quảng Ninh

 

35

Thái Lâm

Thiếu tướng

Phó Tư lệnh

1979-1983

Đặc khu

Quảng Ninh

 

36

Trương Đình Mậu

Đại tá

Phó Tư lệnh

 

Đặc khu

Quảng Ninh

 

37

Trịnh Hùng Thái

Thiếu tướng

Phó Tư lệnh Quân sự

1982-1987

Đặc khu Quảng Ninh

 

38

Hoàng Bá Dục

Đại tá

Phó Tư lệnh

 

Đặc khu

Quảng Ninh

 

39

Đặng Như Tý

Đại tá

Phó Tư lệnh

12/1983-1987

Đặc khu

Quảng Ninh

 

40

Lê Văn Chiểu

Đại tá

Phó Tư lệnh Kỹ thuật

1979-1981

Đặc khu

Quảng Ninh

 

41

Nguyễn Thành Lai

Thiếu tướng

Phó Tư lệnh - TMT

12/1983-1987

Đặc khu

Quảng Ninh

 

Phó Tư lệnh

1987-1989

Quân khu 3

 

42

Nguyễn Hùng Phong

Trung tướng

Phó Tư lệnh - TMT

1981-1989

Quân khu 3

 

43

Trần Công Thìn

Trung tướng

Phó Tư lệnh - TMT

1989-1991

Quân khu 3

 

44

Phạm Văn Trà

Thiếu tướng

Phó Tư lệnh

1988-1989

Quân khu 3

 

45

Ngô Văn Tại

Thiếu tướng

Phó Tư lệnh

10/1991-1994

Quân khu 3

 

46

Hoàng Kỳ

Thiếu tướng

Phó Tư lệnh - TMT

1995-1996

Quân khu 3

 

48

Lê Ngọc Oa

Thiếu tướng

Phó Tư lệnh

01/1989-2000

Quân khu 3

 

47

Tăng Văn Miêu

Thiếu tướng

Phó Tư lệnh - TMT

1996-2004

Quân khu 3

 

49

Đỗ Công Mùi

Thiếu tướng

Phó Tư lệnh

11/1997-2002

Quân khu 3

 

50

Nguyễn Văn Nuôi

Thiếu tướng

Phó Tư lệnh

11/1999-2000

Quân khu 3

 

51

Nguyễn Văn Lân

Thiếu tướng

Phó Tư lệnh - TMT

02/2002-4/2004

Quân khu 3

 

52

Bùi Thế Lực

Thiếu tướng

Phó Tư lệnh

02/2004-02/2009

Quân khu 3

 

53

Hoàng Văn Lượng

Thiếu tướng

Phó Tư lệnh

02/2004-4/2007

Quân khu 3

 

54

Nguyễn Công Tranh

Thiếu tướng

Phó Chính ủy

02/2007-02/2009

Quân khu 3

 

55

Phạm Quang Hợi

Thiếu tướng

Phó Tư lệnh - TMT

9/2005-8/2010

Quân khu 3

 

56

Nguyễn Thanh Thược

Thiếu tướng

Phó Chính ủy

02/2009-5/2011

Quân khu 3

 

57

Trịnh Duy Huỳnh

Thiếu tướng

Phó Tư lệnh

12/2007-3/2012

Quân khu 3

 

58

Vũ Hải Chấn

Thiếu tướng

Phó Tư lệnh

02/2009-10/2013

Quân khu 3

 

59

Phạm Hồng Hương

Thiếu tướng

Phó Tư lệnh - TMT

8/2010-9/2013

Quân khu 3

 

60

Nguyễn Duy Nguyên

Thiếu tướng

Phó Tư lệnh

9/2012-3/2013

Quân khu 3

 

61

Đỗ Căn

Thiếu tướng

Phó Chính ủy

7/2011-6/2014

Quân khu 3

 

62

Vũ Hải Sản

Thiếu tướng

Phó Tư lệnh - TMT

10/2013-10/2015

Quân khu 3

 

63

Trần Thành

Thiếu tướng

Phó Tư lệnh

12/2012-11/2016

Quân khu 3

 

64

Nguyễn Quang Cường

Thiếu tướng

Phó Tư lệnh, Phó Tư lệnh - TMT

10/2015-02/2019

Quân khu 3

 

65

Nguyễn Hải Hưng

Thiếu tướng

Phó Tư lệnh

11/2015-01/2016

Quân khu 3

 

66

Nguyễn Thanh Hải

Thiếu tướng

Phó Chính ủy

10/2014-11/2018

Quân khu 3

 

67

Nguyễn Quốc Duyệt

Thiếu tướng

Phó Tư lệnh

5/2019-8/2019

Quân khu 3

 

68

Đào Tuấn Anh

Thiếu tướng

Phó Tư lệnh

12/2016-6/2019

Quân khu 3

 

69

Nguyễn Quang Ngọc

Thiếu tướng

Phó Tư lệnh, Phó Tư lệnh - TMT

12/2016 đến nay

Quân khu 3

 

70

Bùi Công Chức

Thiếu tướng

Phó Chính ủy

01/2019 đến nay

Quân khu 3

 

71

Đỗ Phương Thuấn

Thiếu tướng

Phó Tư lệnh

8/2016 đến nay

Quân khu 3

 

72

Nguyễn Đức Dũng

Thiếu tướng

Phó Tư lệnh

12/2019 đến nay

Quân khu 3

 

73

Lê Đình Thương

Thiếu tướng

Phó Tư lệnh

12/2019 đến nay

Quân khu 3

 

Các tin mới hơn
THỂ LỆ CUỘC THI TRỰC TUYẾN TÌM HIỂU NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 8 KHÓA XII(01/03/2024)
Thể lệ cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến tìm hiểu chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực(10/11/2023)
LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ(26/08/2023)
Quy định về tổ chức tuyển sinh và chỉ tiêu tuyển sinh vào đào tạo đại học, cao đẳng hệ quân sự tại các trường quân đội năm 2023(05/04/2023)
Hướng dẫn đăng ký sơ tuyển vào đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp quân sự và đăng ký dự kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2023(05/04/2023)
Các tin cũ hơn
Đề cương: Cuộc thi tìm hiểu “Quân khu 3 - 75 năm đồng hành cùng dân tộc”(22/07/2020)
Thông tin Tuyển sinh vào các trường đại học, trường sĩ quan, trường cao đẳng và trường trung cấp quân sự năm 2020(18/03/2020)
Bộ ngành, địa phương hoàn thiện Cổng TTĐT, trong đó có Chuyên mục tiếp cận thông tin(23/03/2019)
Thực hiện tốt quy định về tiêu chuẩn kiến thức quốc phòng, an ninh đối với cán bộ, đảng viên(29/01/2018)
Tổng cục Chính trị: Hướng dẫn 6 nội dung hoạt động CTĐ, CTCT dịp Tết Nguyên đán(17/01/2018)
na
Video
Phóng sự Ảnh
Trang tin đơn vị
Hệ thống văn bản
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website