Lịch sử truyền thống
Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh-Ngày truyền thống Bộ đội Trường sơn
05/11/2019 03:03:56

Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh-Ngày truyền thống Bộ đội Trường sơn

I. QUÁ TRÌNH RA ĐỜI, PHÁT TRIỂN VÀ TRƯỞNG THÀNH CỦA ĐOÀN 559 - BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC (5/1959 - 4/1975)

* Thời kỳ (1959 - 1975) chia 4 giai đoạn:

- Giai đoạn I: Từ tháng 5 năm 1959 đến năm 1964

- Giai đoạn II: Từ năm 1965 đến năm 1968

- Giai đoạn III: Từ năm 1969 đến 1972

- Giai đoạn IV: Từ năm 1973 đến 4/1975

1. Giai đọan I: Từ tháng 5/1959 – 4/1964

 - Tháng 01/1959, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 (khoá II) xác định: Nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Việt Nam là giải phóng miền Nam, phương pháp cách mạng và phương thức đấu tranh là dùng bạo lực cách mạng; từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, đánh đổ quyền thống trị của đế quốc, phong kiến. Trước mắt là đánh đổ tập đoàn thống trị độc tài Ngô Đình Diệm, thiết lập chính quyền cách mạng. Nghị quyết còn chỉ ra phương hướng xây dựng, chiến đấu của lực lượng vũ trang triển hai miền Nam - Bắc; đồng thời giao nhiệm vụ cho Quân đội chủ động chuẩn bị mọi mặt để tổ chức tuyến chi viện chiến lược vượt Trường Sơn.

 - Ngày 19/5/1959 Quân uỷ Trung ương tổ chức “Đoàn công tác quân sự đặc biệt" làm nhiệm vụ mở đường vận chuyển hàng quân sự vào Nam; tổ chức đưa đón bộ đội; chuyển công văn, tài liệu từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc. Ra đời vào tháng 5/1959, Đoàn được mang phiên hiệu Đoàn 559 và ngày 19/5/1959 được xác định là Ngày truyền thống của Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn.

- Lực lượng ban đầu khoảng 500 người. Phương thức vận chuyển chủ yếu là dùng sức người để gùi, thồ. Đoàn đã rải quân, lập 9 trạm, vận chuyển từ Khe Hó - Quảng Bình vào Khu 5

- Cũng trong tháng 5/1959 Bộ Quốc phòng thành lập Đoàn B90 làm nhiệm vụ soi đường nối chiến trường Khu 5 với chiến trường Nam Bộ. Đến tháng 11/1960 ta đã thiết lập được tuyến hành lang giao liên từ miền Bắc vào Đông Nam Bộ.

- Tháng 7 năm 1959, Đoàn 559 được giao nhiệm vụ thành lập Tiểu đoàn 603, làm nhiệm vụ vận tải biển (với tên gọi Đoàn 759) tên bí mật “Tập đoàn đánh cá miền Nam”, đóng tại cảng cá Thanh Khê (Quảng Bình). Sau một vài lần vận chuyển không thành, tháng 4/1960 bàn giao Đoàn 759 cho Hải quân (sau này Đoàn 759 trở thành đường Hồ Chí Minh trên biển).

- Để phù hợp tình hình, năm 1961, Bộ quốc phòng Quyết định nâng cấp Đoàn 559 lên tương đương cấp sư đoàn, quân số 6.000 người.

- Đến năm 1964, tình hình các chiến trường phát triển mạnh.Phương thức vận chuyển gùi thồ không thể đáp ứng. Bộ đội Trường Sơn đã chuyển từ gùi thồ sang vận tải cơ giới. Ngày 9/8/1964, ta bắt đầu mở đường cơ giới. Tháng 12 năm 1964, chuyến xe ô tô đầu tiên đã chạy vào đến Bạc (Nam Lào), đánh dấu chiến công mới của bộ đội Trường Sơn.

* Kết quả từ năm 1959 đến1964:

+ Đã khảo sát mở được hệ thống đường gùi thồ, đường ô tô dã chiến, đường sông với tổng số 2.000Km

+ Vận chuyển hàng giao cho chiến trường: 4.400 tấn.

+ Tổ chức hành quân cho hơn 31.000 cán bộ, chiến sĩ vào chiến trường.

+ Về quân số: Sau hơn 5 năm, từ một đơn vị nhỏ đã lên tới hơn 8.000 người, bước đầu hình thành một lực lượng bộ đội hợp thành gồm: vận tải, bộ binh, công binh, thông tin, bảo đảm tuyến vận chuyển không ngừng phát triển, đã góp phần đưa chiến trường miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng lên thế tiến công trong phong trào đồng khởi và đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy.

2. Giai đoạn II: Từ năm 1965 đến năm 1968

Năm 1965 tình hình cách mạng miền Nam và miền Bắc có những chuyển biến quan trọng: Ở miền Nam, chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của Mỹ bị phá sản, để cứu vãn sự thất bại, đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân Mỹ và chư hầu vào miền Nam thực hiện chiến lược "Chiến tranh cục bộ".

Ở miền Bắc (sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ), Đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh bằng không quân, hải quân đánh phá với quy mô ngày càng lớn và ác liệt vào các cơ sở kinh tế, quân sự, trong đó giao thông vận tải là mục tiêu số 1 hòng ngăn chặn sự chi viện từ miền Bắc vào miền Nam.

Đối với tuyến 559, ngày 3/4/1965, Tổng Quân ủy ra Nghị quyết nâng cấp Đoàn 559 thành Bộ Tư lệnh 559 (tương đương cấp quân khu); Lực lượng lên tới 25.754 người, được tổ chức thành 3 tuyến (Tuyến 1, 2, 3); nhiệm vụ chủ yếu là tiếp tục mở đường và tổ chức vận chuyển, chi viện sâu vào chiến trường miền Nam; bảo đảm cho các lực lượng hành quân; bảo vệ hành lang chống địch tập kích đường bộ và đường không; củng cố vùng giải phóng dọc hành lang.

- Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, tháng 2/1966 Đoàn 559 giải tán các tuyến, thành lập 7 binh trạm; Đến năm 1968, Bộ Tư lệnh 559 có 25 Binh trạm, 23 trung đoàn; quân số lên tới 80.000 người, vận chuyển được 52.910 tấn hàng (gấp 12 lần giai đoạn I), đảm bảo cho 70.456 cán bộ, chiến sĩ hành quân vào các chiến trường.

Đặc biệt trong giai đoạn này: Đoàn 559 đã vận chuyển 35.340 tấn hàng; mở 370 km đường (đường B72 và B73) để kéo pháo và đưa xe tăng vào phục vụ chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh và thành phố Huế, phục vụ đắc lực cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968 tại Huế; góp phần đánh bại chiến lược "Chiến tranh cục bộ" của Mỹ - Ngụy. Trong chiến dịch này, Bộ đội Trường Sơn đã bắn rơi 86 máy bay, tiêu diệt 734 tên Mỹ, 105 tên ngụy (trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, xe tăng bí mật cơ động vào thực hiện trận đánh Làng Vây do Bộ đội Trường Sơn đảm bảo đường cơ động).

3. Giai đoạn III: Từ năm 1969 đến 1972

- Sau khi thất bại chiến lược "Chiến tranh cục bộ" đế quốc Mỹ buộc phải ngồi vào bàn hội nghị đàm phán 4 bên ở Pari và thay đổi chiến lược chiến tranh ở miền Nam. Bước vào mùa khô năm 1969, Mỹ dồn lực lượng không quân đánh phá tuyến đường Trường Sơn. Trong 4 năm chúng đã huy động 483.980 phi vụ máy bay chiến thuật, 25.842 phi vụ máy bay chiến lược B52 đánh phá tuyến đường Trường Sơn.

- Để kịp thời đối phó với âm mưu thủ đoạn đánh phá điên cuồng của Mỹ, Đoàn 559 đã xây dựng 5 trục ngang vượt cửa khẩu (đường 12, đường 20 Quyết thắng, đường 10, đường 16) và 3 hệ thống trục dọc. Đặc biệt là từ cuối năm 1971 đến đầu năm 1972 đã tập trung mở “Đường kín” (từ Tây Quảng Bình đến Trung Hạ Lào và vào Tây Nguyên) đảm bảo cho xe chạy ban ngày. Đây là một sáng tạo độc đáo chống chiến tranh ngăn chặn, vô hiệu hoá sự đánh phá của địch; đẩy mạnh vận tải cơ giới, vận tải đường sông.

- Đến hết năm 1972 Bộ đội Trường Sơn đã xây dựng được hơn 1.000 Km đường ống từ Quảng Bình vào đến Tây Nguyên và miền đông Nam Bộ (Bù Gia Mập - Bình Phước).

- Về tổ chức lực lượng: Tháng 7/1970 Bộ Tư lệnh 559 được đổi tên thành Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Các đơn vị trực thuộc là Binh trạm nay được tổ chức thành Sư đoàn; gồm 8 sư đoàn: 2 sư đoàn xe, 4 sư đoàn công binh, 1 sư đoàn BB, 1 sư đoàn phòng không và1 Đoàn chuyên gia giúp bạn Lào (tương đương cấp sư đoàn); 14 trung đoàn trực thuộc. Quân số năm 1972 là 90.500 người.

- Ngoài nhiệm vụ vận chuyển chi viện cho các chiến trường, trong giai đoạn này, Bộ đội Trường Sơn trực tiếp tham gia chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, được giao nhiệm vụ chỉ huy lực lượng phía tây chiến dịch, gồm một số lực lượng của Trường Sơn và các lực lượng của Bộ tăng cường, đã đánh bại hoàn toàn cuộc hành quân "Lam Sơn 719" của Mỹ - Ngụy Sài Gòn. Riêng lực lượng của Trường Sơn gồm 10 binh trạm vận chuyển, 5 trung đoàn cao xạ (trong đó có 1 trung đoàn tên lửa). Trong chiến dịch này, bộ đội Trường Sơn đã bắn rơi 365 máy bay (trong đó có 310 trực thăng), diệt 8.105 tên, bắt sống 1.160 tên địch, phá hủy 136 xe tăng và xe cơ giới, 86 khẩu pháo.

- Cuối năm 1972, Bộ đội Trường Sơn phối hợp với quân và dân bạn Lào mở chiến dịch phản công giành thắng lợi lớn, loại khỏi vòng chiến đấu 5.538 tên, bắn rơi 57 máy bay Mỹ, giải phóng một vùng đất rộng lớn với hàng loạt vị trí chiến lược quan trọng của Lào.

- Trong giai đoạn này, Bộ đội Trường Sơn đã hoàn thiện 3 phương thức vận tải: Cơ giới/đường bộ, đường sông, đường ống xăng dầu (trong đó lấy vận tải ô tô là chính, đường ống là quan trọng, vận tải đường sông là bổ trợ), giao cho các chiến trường khối lượng vật chất gấp 120lần so với giai đoạn I, đảm bảo hành quân hơn 800.000 người, phục vụ đắc lực cho toàn chiến trường đánh thắng một bước căn bản chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh", buộc đế quốc Mỹ phải ký hiệp đinh Pari.

4. Giai đoạn IV: Từ năm 1973 đến 4/1975

- Sau khi hiệp định Pari được ký kết, Ban Chấp hành Trung ương Đảng kêu gọi quân và dân cả nước “tăng cường đoàn kết, đề cao cảnh giác, củng cố những thắng lợi đã giành được, hoàn thành độc lập dân chủ ở miền Nam, thống nhất nước nhà. Ngày 5/2/1973 Thường vụ Quân ủy Trung ương giao cho bộ đội Trường Sơn 5 nhiệm vụ:

1. Thực hiện nhiệm vụ vận chuyển chi viện cho các chiến trường, vừa chở bộ đội vừa đảm bảo hành quân các binh chủng, các đoàn binh khí kỹ thuật, vừa vận chuyển hàng quân sự và hàng dân sinh cho vùng giải phóng miền Nam Việt Nam, căn cứ cách mạng của Lào, Campuchia. Phải đảm bảo vận chuyển dự trữ về vũ khí, đạn dược, nhiên liệu, lương thực để ta chủ động trong bất kỳ tình huống nào.

2. Xây dựng hệ thống đường chiến lược, đặc biệt coi trọng xây dựng một cách cơ bản đường phía đông Trường Sơn (từ Tân Kỳ, Nghệ An đến Chơn Thành, Bình Phước)

3. Gấp rút xây dựng căn cứ địa ở 2 phía: Đông và tây Trường Sơn thuộc vùng giải phóng Việt Nam, Trung - Hạ Lào, Đông Bắc Campuchia.

4. Thực hiện giúp Bạn toàn diện cả quân sự, kinh tế - xã hội.

5. Tổ chức xây dựng lực lượng theo quy mô thích hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.

- Về tổ chức lực lượng: Gồm 7 cơ quan cấp cục, 9 sư đoàn (trong đó có 42 trung đoàn) và 25 trung đoàn trực thuộc. Quân số trên 10 vạn người và hơn 1 vạn Thanh niên xung phong.

- Về tổ chức vận tải: Đã vận chuyển khối lượng hàng quân sự, vũ khí đạn dược, binh khí kỹ thuật tăng gấp 218 lần so với giai đoạn I, đảm bảo hành quân cho hơn 1 triệu người qua Trường Sơn để ra, vào các chiến trường.

* Đặc biệt, trong giai đoạn này, Bộ đội Trường Sơn đã huy động tổng lực với quân số trên 120.000 quân tham gia chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng, chiến dịch Hồ Chí Minh Lịch sử.

- Trong chiến dịch Tây Nguyên, Bộ đội Trường Sơn đã huy động 2 trung đoàn (Phòng không và Thông tin), 3 sư đoàn (1FBB, 2FCB) phục vụ và trực tiếp tham gia chiến đấu. Đã sử dụng Sư đoàn BB 968 làm nhiệm vụ nghi binh chiến dịch trên hướng kon Tum, Plâycu thu hút lực lượng của địch để ta có điều kiện thuận lợi giải phóng Buôn Ma Thuột; Sử dụng Sư đoàn 470 mở đường để cơ động xe tăng, pháo hạng nặng cơ động tham gia chiến dịch, góp phần đặc biệt quan trọng giải phóng Tây nguyên.

- Đặc biệt trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, bộ đội Trường Sơn đã dồn hết tâm sức và mọi nguồn lực cho chiến dịch cuối cùng, với 9 sư đoàn, 25 trung đoàn trực thuộc đủ các binh chủng. Bộ Tư lệnh thành lập 3 sở chỉ huy tiền phương (Đà Nẵng, Tây Nguyên và bên cạnh Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh); đã bắc lại hàng trăm cầu khi địch rút chạy phá hỏng để đảm bảo giao thông (ở phía Đông, trên tuyến quốc lộ 1A, từ Quảng Trị vào Đồng Nai; ở phía tây từ đường 9 vào đến Tây Ninh); đã huy động hơn 2.000 xe ô tô của 2 sư đoàn xe làm nhiệm vụ cơ động gấp 3 quân đoàn chủ lực (1, 2, 3) với hơn 10 vạn quân; vận chuyển 90 đoàn binh khí kỹ thuật, 61.000 tấn đạn hoả lực cho chiến dịch. Về xăng dầu đã tổ chức nhiều điểm cấp phát, đảm bảo cho xe cơ giới, xe tăng, xe bọc thép tham gia chiến dịch).

* CHÚNG TA KHẲNG ĐỊNH:                        

Thứ Nhất:Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là một sáng tạo chiến lược, độc đáo, tài tình và sáng suốt của Đảng ta trong chỉ đạo chiến tranh cách mạng, chiến tranh nhân dân. Là một thành công kiệt suất của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Là ý chí và quyết tâm sắt đá giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta:

- Ngay từ đầu, hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 15 đã xác định, phương pháp cách mạng và phương thức đấu tranh để giải phóng miền Nam là dùng bạo lực cách mạng. Do vậy muốn dùng bạo lực cách mạng phải có lực lượng cách mạng. Muốn có lực lượng cách mạng không còn con đường nào khác là dựa vào Trường Sơn để mở tuyến chi viện chiến lược từ Miền Bắc xã hội chủ nghĩa cho các chiến trường.

- Thực tế, qua 16 năm thực hiện công cuộc chi viện, Bộ đội Trường Sơn đã vận chuyển hơn 1 triệu tấn thiết bị, vũ khí đạn dược, hàng quân sự cho các chiến trường; hơn 2 triệu quân, dân chính đảng vào ra các chiến trường. Nó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định làm thay đổi so sánh lực lượng có lợi cho ta trong từng thời điểm, từng chiến dịch, làm cơ sở quan trọng cho Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương có những quyết định chính xác để mở các chiến dịch tiến công, phản công giành thắng lợi từng phần và tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn.

- Tuyến vận tải chi viện chiến lược Trường Sơn là căn cứ chiến lược trực tiếp của chiến trường 3 nước Đông Dương. Là chỗ dựa lưng của mỗi nước, chỗ xây dựng và xuất phát tiến công của mỗi nước. Là nơi dự trữ vật chất kỹ thuật, là lực lượng dự bị chiến lược của Bộ, nơi hậu cứ điều trị thương bệnh binh, nơi mở mang hệ thống cầu đường liên hoàn, nơi chuẩn bị cho các chiến dịch tiến công, phản công lớn như: Chiến trường Trung - Hạ Lào; Tổng tiến công Mậu Thân 1968, Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, cuộc Tổng tiến công năm 1972, Chiến dịch Tây Nguyên và đỉnh cao là thắng lợi huy hoàng của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Thứ hai: Đường Trường Sơn Là nơi thử thách, tôi luyện và thể hiện trí thông minh, lòng dũng cảm, ý chí sắt đá, tình cảm thiêng liêng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc của mọi người Việt Nam mà không gì ngăn cản nổi. Đồng thời là nơi phát huy cao độ phẩm chất, chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

- Chiến trường Trường Sơn là nơi vô cùng khó khăn gian khổ. Thời tiết khí hậu khắc nghiệt, nắng như đổ lửa, mưa như xối nước. Mùa mưa địa hình bị chia cắt, không thực hiện được vận chuyển dẫn đến thiếu đói, rau rừng thay cơm; muỗi vắt và sốt rét rừng hoành hành… đều là “kẻ thù” nguy hiểm của Bộ đội Trường Sơn.

- Bên cạnh đó là sự đánh phá ngày đêm hết sức ác liệt của kẻ thù. Núi rừng Trường Sơn ngày đêm rung chuyển bị cày đi xới lại bởi hơn 4 triệu tấn bom đạn và hơn 10 triệu lít chất độc hóa học mà Mỹ trút xuống Trường Sơn(lượng bom Mỹ trút xống Trường Sơn tương đương lượng bom đạn của các bên sử dụng trong chiến tranh thế giới thứ 2). Đồng thời Mỹ - ngụy đã  sử dụng Lực lượng bộ binh, thám báo biệt kích, ngụy binh, phỉ để thực hiện các cuộc càn quét, nống lấn nhằm ngăn chặn Tuyến chi viện. Bằng chứng là Bộ đội Trường Sơn đã đánh 2.500 trận bộ binh, tiêu diệt hơn 18.000 tên, bắt sống gần 2.000 tên. Bộ đội phòng không đánh trên 100.000 trận, diệt 2.455 máy bay.

 - Trong khó khăn gian khổ, trí thông minh, phẩm chất anh hùng của Bộ đội Trường Sơn lại càng tỏa sáng. Nhiều tấm gương hy sinh, hành động dũng cảm trong chiến đấu hết sức xúc động và cảm phục:

+ Anh hùng Nguyễn Viết Sinh (Tiểu đoàn 11, Binh trạm 3) gần 6 năm làm nhiệm vụ gùi, thồ vận chuyển hàng vượt Trường Sơn; tổng cộng chặng đường anh vượt bằng độ dài vòng quanh trái đất. 5 năm kể từ khi nhập ngũ cho tới lúc bị thương, hầu như không nghỉ ngày nào.

+ Đồng chí Phan Mài đã gùi nặng 100kg trong nhiều chuyến liền. Đồng chí Nguyễn Thiều, sử dụng  xe đạp thồ, mỗi chuyến 420kg.

+ Ngày 18/2/1971 (Chiến dịch đường 9 Nam Lào), trong 25 phút chiến đấu, D24 cao xạ hạ tại chỗ 18 máy bay Mỹ (cả phản lực và trực thăng).

+ Đại đội 4 súng máy 12,7 ly là đơn vị hai lần Anh hùng, bắn rơi 156 máy bay, bình quân mỗi chiến sỹ bắn rơi 2 máy bay.

+ Ngày 3/3/1971, cũng trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, toàn tuyến bắn rơi 16 chiếc, riêng D28 hạ 8 chiếc.

+ Ngày 5/3/1971, toàn tuyến bắn rơi 40 chiếc, riêng D24 anh hùng hạ tại chỗ 19 chiếc.

+ Ngày 16/6/1973, hai đồng chí Nguyễn Văn Thể và Lê Văn Thái ( chiến sĩ thông tin) bắn rơi tại chỗ 1 máy bay F4 bằng 2 viên đạn AK.

+ Trong mùa khô 1969 - 1970 đồng chí Bùi Xuân Nơ (chiến sĩ công binh) hạ tại chỗ 1 máy bay F4 bằng 9 viên đạn súng trung liên.

+ Trong chiến dịch phản công chống cuộc hành quân “Lam Sơn 719” của địch (3/1971), các lực lượng Bộ đội Trường Sơn đã bắn rơi 356 máy bay, diệt 8.105 tên, bắt sống 1.160 tên địch, phá huỷ 136 xe tăng, xe cơ giới và 86 khẩu pháo.

+ Trong cuộc chiến ở Việt Nam và nhất là trên chiến trường Trường Sơn, Đế quốc Mỹ dùng rất nhiều âm mưu, thủ đoạn hêt sức tinh vi và sảo quyệt. Trong đó có chiến tranh điện tử. Mỹ thả xuống rừng Trường Sơn những máy thu phát nhỏ (do bộ binh trực tiếp rải) và cây nhiệt đới giống như cây rừng (thả từ máy bay xuống). Loại cây này có khả năng thu phát các chấn động khi người và xe qua lại; phát hiện được cả mùi mồ hôi và nước giải người. Khi thu được tiếng động, nó phát tín hiệu cho máy bay trinh sát (bay liên tục 24/24 trên bầu trời). Máy bay này truyền tín hiệu về trung tâm kiểm soát ở Thái Lan. Tại Trung tâm, nó có khả năng xác định số lượng xe, số lượng người, ở tọa độ nào. Sau đó chuyển tín hiệu về sở chỉ huy tác chiến ở In đô nê xi a, Ma lai xi a. Từ sở chỉ huy tác chiến, chúng điều máy bay ở U ta pao Thái Lan, ở Hạm đội trên biển Đông đến đánh phá với độ chính xác rất cao. Thời gian diễn ra từ khi thu tín hiệu đến đánh phá khoảng 10 phút.

Qua nghiên cứu, Bộ đội Trường Sơn khắc phục bằng cách buộc túm các cành lại với nhau hoặc nhổ cây nhiệt đới cho nằm ngang nó mất tác dụng; hoặc để đánh lừa địch, bộ đội đưa cây nhiệt đới cắm ra chỗ khác và tạo tiếng động giả để máy bay Mỹ trút bom xuống đó.

* Mỹ sử dụng máy bay C130 (cải tạo từ máy bay vận tải) có gắn thiết bị phát hiện M qua ảnh nhiệt khi hơi nóng của động cơ tỏa ra, đồng thời sử dụng tia la de chiếu vào M, nó có khả năng khuyếch đại ánh sáng yếu để phát hiện M (phát hiện được cả ánh sáng của những ngọn đèn dầu trong đêm); Nó bay ở độ cao 5km - bay suốt đêm (năm 70 Mỹ có khoảng 5-6 chiếc). Sau khi thu hình ảnh và phân tích mục tiêu, các thiệt bị bắn tiêu diệt M được đặt ngay trênmáy bay và bắn có độ chính xác rất cao. Khi đó ta thiệt hại lớn.Có thời điểm phải dừng vận chuyển để rút kinh nghiệm.

Sau khi nghiên cứu, ta cho xe chạy thử những nơi kín, chạy ban ngày, thấy tỷ lệ thương vong giảm hẳn; ta khẳng định loại này hoạt động có hiệu quả vào ban đêm; ban ngày bị phân tán bởi nhiệt độ ánh nắng mặt trời, nếu che được mắt chúng thì sẽ vô hiệu hóa được thiết bị nay.

Cách khắc phục: Ta cho làm đường kín (Ký hiệu đường K), sử dụng cây rừng để che ở trên, đoạn nào không có rừng thì đưa cây về trồng 2 bên hoặc làm dàn, treo những giỏ phong lan hoặc trồng những dây leo để ngụy trang và cho xe chạy ngày. Quả nhiên rất hiệu quả và ít thương vong. Từ đó “đường kín” xuất hiện và Bộ đội Trường Sơn đã làm hệ thống đường kín dài 3.140 km từ Tây Quảng Bình đến Bù Đăng (Bình Phước) đảm bảo cho xe chạy ngày rất hiệu quả.

* Tư liệu, sự kiện tham khảo:

  - Trong quá trình mở đường, đảm bảo giao thông, Bộ đội Trường sơn đã đào đắp, san lấp khoảng 29 triệu m3 đất, đá (chủ yếu là dùng sức người)

  - Xây dựng mạng đường bộ gồm 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang ở Đông và Tây Trường Sơn với tổng chiều dài gần 20.000km; 1 tuyến đường “kín” dài 3.140km; hệ thống đường sông dài 500km.

  - Xây dựng hệ thống đường ống dẫn xăng, dầu dài 1.400km từ Vĩnh Linh, Quảng Bình, vào tới Bù Gia Mập/Bình Phước. Trên tuyến có 113 trạm bơm đẩy, 33 trạm cấp phát xăng dầu. Số xăng dầu được cấp phát 5,5 triệu lít.

  - Xây dựng trên 4.000 Km đường dây trần dùng cho máy tải ba, 11.569 Km đường dây bọc thông tin hữu tuyến. Sử dụng 299 bộ máy thu phát sóng ngắn, 163 bộ tải ba; 590 tổng đài (từ 10 đến 100 số); 15 xe điện đài (15w, 500w) để phục vụ cho chiến trường.

  - San lấp 78.000 hố bom.

  - Phá hủy 12.600 quả bom từ trường, 8.000 bom nổ chậm, 85.100 mìn các loại.

  - Đánh 2.500 trận bộ binh, loại khỏi vòng chiến đấu gần 20.000 tên địch, bắt sống gần 2.000 tên; thu, phá huỷ hơn 100 xe quân sự, hàng ngàn súng các loại.

  - Bộ đội phòng không đánh trên 100.000 trận, bắn rơi 2.455 máy bay các loại (trong đó có cả AC130 và B52).

  - Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, ngoài tuyến Tây và Đông Trường Sơn, Bộ đội Trường Sơn còn đảm bảo giao thông toàn bộ tuyến đường Quốc lộ 1A và 7 tuyến đường ngang khác có tổng chiều dài 2.577 km, bắc lại 88 cầu. Sử dụng trên 1.000 xe ô tô của hai sư đoàn ô tô 571, 471 chở 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn chủ lực với quân số 20 vạn quân, 90 đoàn binh khí kỹ thuật hành quân bằng ô tô vào các chiến trường.

* Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã nói và viết về Bộ đội Trường Sơn:

- Đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ghi trong sổ vàng truyền thống bộ đội Trường Sơn năm 1973:

“…Đường Trường Sơn là một chiến công chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Đường Trường Sơn là con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng. Đó là con đường đoàn kết của dân tộc ba nước Đông Dương…

Vinh quang thay Bộ đội Trường Sơn anh hùng đã chiến đấu và chiến thắng trên con đường mang tên Bác Hồ vĩ đại…”

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ghi trong sổ vàng truyền thống bộ đội Trường Sơn nhân chuyến thăm năm 1973:

“… Bộ đội Trường Sơn đã thấm nhuần sâu sắc quyết tâm chiến lược của Đảng, nêu cao tinh thần dũng cảm tuyệt vời, phát huy cao độ trí thông minh và sáng tạo. Nhờ vậy mà dưới mưa bom lửa đạn của quân thù, một hệ thống giao thông huyết mạch đã được xây dựng, vượt qua các triền núi trùng điệp, vượt qua biết bao con suối, biết bao ngọn đèo mang sức mạnh to lớn về người, về của của hậu phương lớn đến tiền tuyến lớn, góp phần trọng đại đưa sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đến thắng lợi to lớn ngày nay…”

Đ/c Trường Chinh - Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ghi trong sổ vàng truyền thống Bộ đội Trường Sơn nhân chuyến thăm - xuân 1974:

“... Với sự lao động cần cù, sáng tạo và tinh thần dũng cảm hy sinh, các đồng chí đã đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp kháng chiến của dân tộc, làm cho kẻ thù khiếp sợ, cả nước yêu thương, nhân dân các nước anh em và nhân dân thế giới khâm phục... Các đồng chí hãy luôn luôn xứng đáng và ngày càng xứng đáng là những người chiến sĩ được chiến đấu trên tuyến đường mang tên Bác Hồ vĩ đại...”

- Trong diễn văn kỷ niệm Quốc khánh 2/9/1975, do Thủ tướng Phạm Văn Đồng đọc có đoạn:

“... Con đường Hồ Chí Minh xuyên qua dãy núi Trường Sơn hùng vĩ và nối liền Nam - Bắc là một kỳ công trong lịch sử chiến tranh, là biểu hiện oai hùng của sức mạnh đoàn kết chiến đấu của nhân dân cả nước. Địch càng dùng trăm phương ngàn kế để ngăn chặn nó, đánh phá nó thì nó càng phát triển nhanh chóng và vững chắc theo nhịp độ của chiến tranh, để đến mùa Xuân năm 1975 góp phần quan trọng vào thắng lợi huy hoàng giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam thân yêu…”

- Tại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, đ/c Nguyễn Phú Trọng - Chủ tịch Quốc hội thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự và phát biểu tại buổi lễ, đ/c đã viết:

“…Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng sự tích về Đường Trường Sơn, Đường Hồ Chí Minh - dấu ấn về một thời kỳ chói lọi của cách mạng Việt Nam, không bao giờ phai mờ; trái lại, nó càng được ghi nhớ, trân trọng, mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc ta và sẽ đi vào lịch sử như một kỳ tích của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc. Tầm vóc to lớn và những bài học quý báu của Đường Hồ Chí Minh không chỉ có ý nghĩa sâu sắc đối với cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc trước đây, mà còn có giá trị thiết thực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, thông minh sáng tạo và sự hy sinh to lớn của hàng vạn bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và đồng bào các dân tộc trên Đường Hồ Chí Minh luôn sống động, tiếp thêm sức mạnh cho các thế hệ chúng ta...”

* Các nhà quân sự và Phóng viên báo chí trên thế giới nói về Đường Trường Sơn:

+ Tướng RI CHARD- Tư lệnh cơ quan viện trợ Mỹ ở Thái Lan đã từng nói:

Cần phải có một quân đoàn lính Mỹ tham chiến mới cắt được con đường mòn trong ba tháng. Cần phải có nửa triệu quân (tức là ngang với số quân Mỹ đang tham chiến ở Việt Nam lúc đó) thì mới có thể làm cho con đường đó thường xuyên bị chia cắt".

+ Một nhà báo phương tây viết: Đối với con đường Hồ Chí Minh... Muốn chiếm được nó, phải chiếm đóng mỗi milimet vuông của Lào, Cao Miên và cả miền Bắc cũng như miền Nam Việt Nam. Như vậy Tất cả quân đội của thế giới này may ra mới đủ.

+ Nhiều nhà quân sự, chính trị của Mỹ và phương Tây có những nhận xét xác đáng về nguyên nhân thất bại của Mỹ ở Việt Nam, họ đều thừa nhận:

“…Mỹ bại trận vì không cắt đứt được con đường Trường Sơn và Mỹ không thể nào cắt đứt được con đường đó. Vì con đường này không chỉ đơn thuần là một con đường được vạch ra mà nó là cả một luồng tư tưởng…

…Toàn bộ con đường Hồ Chí Minh mà người ta nói đến hôm nay là tổng kết của hàng thế kỷ đấu tranh và áp bức, cho nên con đường ấy có sức sống mãnh liệt, vì nó là tượng trưng cho sức chiến đấu của cả một dân tộc, chứ không phải là những đoạn đường cụ thể…”

* Bên cạnh những chiến công, những kỳ tích, thì sự hy sinh mất mát của Bộ đội Trường Sơn cũng vô cùng to lớn:

- Trong quá trình chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên tuyến Đường Trường Sơn có gần 20.000 cán bộ, chiến sỹ ta đã anh dũng hy sinh (hiện nay nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn là nơi yên nghỉ của 10.263 liệt sỹ Trường Sơn của 36 tỉnh thành; Hà Nội là địa phương có số Liệt sỹ nhiều nhất, gần 3.000 người); hơn 32.000 người bị thương, hàng trăm ngàn nạn nhân bị nhiễm chất đọc da cam đi ô xin và đến nay con số này có thể lên đến hàng triệu người, vì di chứng để lại.

* Về thành tích của Bộ đội Trường Sơn:

Suốt 16 năm đương đầu với cuộc chiến tranh ngăn chặn vô cùng ác liệt, với bao hy sinh gian khổ không sao kể xiết, các lực lượng trên tuyến đường Hồ Chí Minh đã trở thành "một lực lượng gang thép", một tập thể anh hùng hoàn thành trọn vẹn và đặc biệt xuất sắc sứ mệnh mà Đảng và nhân dân giao phó. Bộ đội Trường Sơn được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và 82 tập thể, 51 cá nhân được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân.

II. GIAI ĐOẠN II: BINH ĐOÀN 12 - TỔNG CÔNG TY XÂY DỰNG TRƯỜNG SƠN TRONG THỜI KỲ XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC VIỆT NAM XHCN (1975 - 2019)

          1. Giai đoạn (1976-1989)

          Sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tháng 7/1975, Quân uỷ Trung ương giao nhiệm vụ cho Bộ đội Trường Sơn chuyển sang làm kinh tế.

          - Đầu năm 1976, Bộ Quốc phòng quyết định thống nhất Bộ đội Trường Sơn và Bộ Tư lệnh Công binh thành Bộ Tư lệnh Công trình, đến tháng 3/1976 Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Tổng cục Xây dựng kinh tế thay cho Bộ Tư lệnh Công trình.

          - Do yêu cầu nhiệm vụ tháng 10/1977, Thủ tướng chính phủ quyết định thành lập Binh đoàn 12 (Binh đoàn xây dựng kinh tế) trên cơ sở lực lượng chủ yếu của bộ đội Trường Sơn, những đơn vị chuyên làm cầu đường ở Trường Sơn trong chiến tranh, với nhiệm vụ xây dựng các công trình thuỷ lợi, thuỷ điện, đường giao thông trên các vùng chiến lược quan trọng của đất nước. Trước mắt chủ yếu xây dựng Đường Trường Sơn đông từ Tân Kỳ, Nghệ An đến Bình Phước.

- Năm 1978 trước yêu cầu xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng, đặc biệt là khi xẩy ra chiến tranh biên giới phía Bắc, Bộ Quốc phòng có Quyết định kiện toàn Binh đoàn 12 là Binh đoàn cầu đường chiến lược, tiếp nhận toàn bộ các  đơn vị cầu đường của Tổng cục Xây dựng kinh tế. Lực lượng cao nhất gồm 8 Sư đoàn, 31 Trung đoàn, 2 Xí nghiệp sửa chữa cơ khí, 1 Viện khảo sát thiết kế. Tổng quân số trên 38.000 người.

Nhiệm vụ chủ yếu là xây dựng Quốc lộ 279 (đường vành đai chiến lược nối thông 6 tỉnh biên giới phía Bắc, từ Quảng Ninh đến Tây Trang - Lai Châu; nâng cấp hàng trăm km đường bộ của quốc lộ 6, 7, 8, 9, 18; xây dựng 6 tuyến đường sắt (trong đó có đường sắt thống nhất đoạn Minh Cầm - Tên An) vv...; xây dựng cơ bản 9 tuyến đường của bạn Lào (đường 1, 5, 7, 8, 9, 13, 23...).

          2. Giai đoạn (1989 - 2019)

          - Đầu năm 1989, thực hiện sự chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế của cả nước, Tổng công ty xây dựng Trường Sơn được thành lập trên cơ sở tổ chức biên chế và các lực lượng của Binh đoàn 12, là doanh nghiệp kinh tế - quốc phòng, tự hạch toán, tự trang trải và trực thuộc Bộ Quốc phòng. Từ đây đơn vị có 2 phiên hiệu, Binh đoàn 12 và Tổng công ty xây dựng Trường Sơn (Binh đoàn 12 sử dụng trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; Tổng công ty xây dựng Trường Sơn sử dụng trong giao dịch kinh tế). Trực thuộc Binh đoàn là các công ty, xí nghiệp, tự hạch toán, tự trang trải.

Hiện nay Binh đoàn có 06 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, 04 công ty cổ phần, 01 công ty và 05 chi nhánh hạch toán phụ thuộc, Trường trung cấp cầu đường và dạy nhề, Bảo tàng đường Hồ Chí Minh (Bảo tàng cấp 2 - cấp Nhà nước). Ngoài ra tùy theo tình hình, Binh đoàn thành lập các Ban điều hành để điều hành thi công các dự án có quy mô lớn.

- Từ 1989 đến nay, Binh đoàn đã thi công và bàn giao hàng ngàn công trình trên khắp mọi miền của Tổ quốc, góp phần xây dựng phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng an ninh, để lại dấu ấn Trường Sơn trên nhiều công trình trọng điểm của Nhà nước. Tiêu biểu như: Thuỷ điện Hoà Bình, Thuỷ điện Sơn La, Lai Châu, thủy điện Thác Mơ mở rộng, đường dây 500 KV Bắc - Nam; xây dựng 3 thuỷ điện ở Tây Nguyên, trong đó làm tổng thầu xây dựng nhà máy thuỷ điện Srêpok3; xây dựng đường bắc Thăng Long - Nội Bài, Nội Bài - Bắc Ninh; Quốc Lộ 1A (đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ, Vinh - Đông Hà, Huế - Hải Vân); QL5, QL6; cầu và đường dẫn hầm đường bộ Hải Vân, cầu Bãi Cháy - Quảng Ninh; đường tuần tra biên giới; đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Hà Nội - Thái Nguyên, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Giầu Dây; thủy lợi Hồ Tả Trạch/Thừa Thiên Huế, kè biển Khu quân cảng Cam Ranh, xây dựng Luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào Sông Hậu, cảng hành khách quốc tế Phú Quốc; Sân bay Vinh, Buôn Ma Thuột; Sân bay Savanakhẹt (Lào) vv...

III. PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN ANH HÙNG, BINH ĐOÀN 12 - TỔNG CÔNG TY XÂY DỰNG TRƯỜNG SƠN PHẤN ĐẤU HOÀN THÀNH XUẤT SẮC NHIỆM VỤ TRONG GIAI ĐOẠN MỚI

  Quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; Nghị quyết, Chỉ thị của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng; Binh đoàn 12 - Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn tiếp tục phát huy truyền thống Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Anh hùng, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong giai đoạn mới, trong đó tập trung vào những nội dung, biện pháp chủ yếu sau:

  Một là: Tiếp tục quán triệt nhận thức sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng về nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội; nhiệm vụ xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phũng của Tổng công ty; sản xuất kinh doanh có hiệu quả là nhiệm vụ hàng đầu, xây dựng Đảng là then chốt; gắn hiệu quả kinh tế với hiệu quả chính trị - xã hội; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước và không ngừng nâng cao thu nhập, đời sống người lao động.

Hai là: Kiên trì định hướng lấy xây dựng cơ bản là chủ yếu, thực hiện đa dạng hoá sản phẩm, ngành nghề và công trỡnh xây dựng, trong đó xây dựng công trình giao thông vận tải (cầu, đường, sân bay, bến cảng, thủy điện, thủy lợi) là trọng tâm, mở rộng và nâng cao năng lực xây lắp các công trình dân dụng và công nghiệp, xây dựng nhà cao tầng, cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, nhà máy lớn...

 Ba là:Xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; thực hiện tốt công tác chính sách xã hội, chính sách Quân đội và hậu phương quân đội, phong trào đền ơn đáp nghĩ; tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng cơ sở chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phong an ninh trên địa bàn đóng quân.

Bốn là: Thực hiện tốt sự chỉ đạo của Chính phủ, của Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng về cơ cấu lại, đổi mới cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; tăng cường quản trị doanh nghiệp; đầu tư xây dựng lực lượng, đổi mới thiết bị và công nghệ hiện đại; đẩy mạnh liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước tạo sức mạnh cạnh tranh, xây dựng Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn trở thành doanh nghiệp kinh tế quốc phòng mạnh của Quân đội, đủ sức cạnh tranh, đứng vững trong cơ chế thị trường và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Các tin mới hơn
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến dịch Điện Biên Phủ(22/03/2024)
Người nhóm lửa cách mạng ở TP Hải Dương(27/09/2023)
Cầu phao đường sắt Phú Lương - kỳ tích thời chống Mỹ(20/09/2023)
Tuyên ngôn Độc lập - một áng văn lập quốc vĩ đại(02/09/2023)
Tiếng thơm Nguyễn Đức Sáu(04/07/2023)
Các tin cũ hơn
Phát triển sáng tạo nghệ thuật tác chiến hải quân từ chiến thắng trận đầu(05/11/2019)
na
Video
Phóng sự Ảnh
Trang tin đơn vị
Hệ thống văn bản
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website