Lịch sử truyền thống
Trận cường tập cứ điểm Ô Mễ - Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ (Đêm ngày 25 rạng ngày 26 tháng 11 năm 1951)
09/12/2021 03:36:44

Trận cường tập cứ điểm Ô Mễ - Xuân Nẻo, đêm ngày 25 rạng ngày 26 tháng 11 năm 1951, của du kích xã Hưng Đạo diễn ra tại khu vực Ô Mễ - Xuân Nẻo là một trận đánh táo bạo, hiệu suất cao, đánh dấu một bước phát triển mới về khả năng chiến đấu của du kích xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giải phóng quê hương.

Trận cường tập cứ điểm Ô Mễ - Xuân Nẻo, đêm ngày 25 rạng ngày 26 tháng 11 năm 1951, của du kích xã Hưng Đạo diễn ra tại khu vực Ô Mễ - Xuân Nẻo là một trận đánh táo bạo, hiệu suất cao, đánh dấu một bước phát triển mới về khả năng chiến đấu của du kích xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giải phóng quê hương.

I. TÌNH HÌNH CHUNG

1. Địa hình:

Xã Hưng Đạo nằm ở phía tây của huyện Tứ Kỳ, cách trung tâm huyện 5km, cách thị xã Hải Dương 13km; phía Bắc giáp xã Kỳ Sơn, phía Nam giáp xã Quang Phục, phía Đông giáp xã Bình Lãng, phía Tây giáp xã Ngọc Kỳ. Địa bàn xã có đường 191 (nay là 391) chạy qua trung tâm dài 4km, phía tây có sông Tứ Kỳ, phía đông có sông Thái Bình rất thuận tiện cho giao thông cả thủy và bộ.

Trên địa bàn xã, địch đóng cứ điểm Ô Mễ - Xuân Nẻo nhằm khống chế bộ đội địa phương, lực lượng du kích và ly dán sự lãnh đạo của Đảng với các cơ sở khu Thượng Tứ Kỳ.

2. Tình hình địch:

Sau khi thất bại trên chiến trường Việt Bắc, chúng mở chiến dịch lớn đánh chiếm vùng đồng bằng Bắc bộ, nơi có nhiều người và của cải vật chất phục vụ cho âm mưu xâm lược của chúng. Ở Hải Dương, chúng tập trung lực lượng tiến hành các cuộc càn quét lớn vào vùng tự do của ta, mở chiến dịch Xi-tờ-rông đánh chiếm các vùng phía nam thị xã Hải Dương. Chúng đổ quân dọc theo sông Luộc, chiếm thị trấn Ninh Giang, Bến Trại (Thanh Miện), Quý Cao, An Thổ (Tứ Kỳ) và tung quân ngược trở lên các huyện thuộc phía nam đường 5.

Đối với xã Hưng Đạo, ngày 26 tháng 12 năm 1949, địch càn lên địa bàn xã theo đường sông Thái Bình. Ca nô của chúng rẽ vào Lạc Dục hất đổ các cầu cống bắc qua sông, một cánh quân khác từ đường 191 tiến vào Ô Mễ. Với lực lượng mạnh, địch tràn vào làng hòng tiêu diệt lực lượng ta. Đi đến đâu chúng cũng bắn giết, hãm hiếp đồng bào ta hết sức dã man.

Bốt Xuân Nẻo thuộc địa bàn xã Hưng Đạo, là vị trí nằm trong khu vực an toàn của địch (nằm giữa thị xã Hải Dương – Bỉnh Di - Ngọc Lý - An Nhân), nơi có tổ chức Quốc dân đảng phản động hoạt động khá mạnh. Bốt Xuân Nẻo được xây dựng khá kiên cố, gồm 03 tầng cao hơn 10m, có lỗ châu mai bốn phía, chòi gác trên tầng thượng, xung quanh khu vực lô cốt chúng đào hào sâu, phía ngoài hào đóng cọc chằng dây thép gai, phía trong chúng dựng một hàng rào tre hóa vót nhọn ken dầy mắt cáo, buộc dây thép gai chằng chịt. Cổng ra vào đi ở giữa, ngày đêm có hai vọng gác hai đầu. Trong bốt có hơn một trung đội lính dõng bảo an dân vệ với gần 30 tay súng và nhiều lựu đạn, cầm đầu là Tổng Bân khét tiếng gian ác.

3. Tình hình ta:

Qua một tháng (từ 15/10 đến 15/11/1951) du kích chiến hoạt động mạnh, lực lượng ta đã phát triển lên một bước mới. Các địa phương có nhiều hình thức hoạt động diệt các tên ác ôn đầu sỏ, trừ gian, củng cố chính quyền, khôi phục cơ sở; chống dồn làng, đuổi dân, đấu tranh không bầu cử các ban tề, kêu gọi binh lính bỏ hàng ngũ địch... Cuối tháng 10 năm 1951, bộ đội huyện Gia Lộc đánh đồn Hương Dũng bằng nội ứng diệt 30 tên địch; bộ đội huyện Thanh Hà diệt căn cứ địch tại Tân Việt; ngày 15 và 16 tháng 11 năm 1951, tại Bình Giang, ta vũ trang tuyên truyền vào khu vực Nhân Kiệt, Tuấn Kiệt... Các hoạt động trên tạo ra bước chuyển biến cho lực lượng ta trong kháng chiến.

Sau 6 tháng bị địch càn quét khủng bố, đến cuối tháng 11 năm 1951, Ban chỉ huy Tỉnh đội quyết định tập trung lực lượng, tổ chức trận cường tập tiêu diệt cứ điểm Ô Mễ - Xuân Nẻo.

II. CHUẨN BỊ CHIẾN ĐẤU

1. Chủ trương, quyết tâm của trên:

Đầu tháng 11 năm 1951, ta mở chiến dịch Hòa Bình, địch bị tổn thất nặng nề, đại bộ phận quân cơ động của Pháp tại Hải Dương phải gấp rút chi viện. Thực hiện mệnh lệnh phối hợp với Mặt trận Hòa Bình của Tổng Quân ủy, Tỉnh ủy Hải Dương chủ trương đưa lực lượng luồn sâu vùng địch hậu mà đánh, phối hợp với chiến dịch Hòa Bình nhằm tranh thủ thời cơ phát động quần chúng đấu tranh mở rộng khu căn cứ và kiến lập các căn cứ du kích mới. Để thực hiện chủ trương trên, Tỉnh ủy quyết định tập trung mở rộng bằng được khu Bắc Tứ Kỳ và khu Đông Gia Lộc, là nơi cơ động mở rộng hoạt động nối liền giữa Đông - Tây đường 17; mở được khu này sẽ làm lay chuyển tinh thần bọn ngụy. Tỉnh ủy quyết định tiêu diệt cứ điểm đầu tiên là Ô Mễ - Xuân Nẻo, Hưng Đạo (Tứ Kỳ), nơi có lực lượng Quốc dân đảng hoạt động mạnh nhất của huyện Tứ Kỳ. Tiêu diệt được cứ điểm này sẽ khởi đầu cho việc phá tan kế hoạch bình định đồng bằng của giặc Pháp, không chỉ ở Hải Dương mà sẽ dấy lên phong trào diệt giặc ở nhiều nơi.

2. Tổ chức đội hình, sử dụng lực lượng và nhiệm vụ cụ thể:

Ban chỉ huy tiểu đoàn Quốc Tuấn đã tổ chức nhiều đợt thâm nhập vào Ô Mễ - Xuân Nẻo với sự phối hợp của quân báo tỉnh đội và huyện đội Tứ Kỳ, cùng với ban chỉ huy xã đội Hưng Đạo. Kế hoạch tác chiến của tiểu đoàn được Tỉnh đội thông qua và Tỉnh ủy nhất trí phê duyệt. Thời gian này đại đội 73, 75, 77 và đơn vị trợ chiến tiểu đoàn đã tập trung về khu vực các xã khu Hà Đông (Thanh Hà). Quá trình thảo luận xây dựng kế hoạch tiêu diệt cứ điểm Ô Mễ - Xuân Nẻo, Ban chỉ huy tiểu đoàn cùng cán bộ đại đội quyết định dùng Đại đội 75, 77 và 01 trung đội của huyện Tứ Kỳ đánh Ô Mễ, do đồng chí Đỗ Trọng Quất làm đại đội trưởng, đồng chí Nguyễn Dân Quốc tiểu đoàn phó trực tiếp chỉ huy, có du kích địa phương dẫn đường. Đại đội 73 và 02 trung đội bộ đội huyện Tứ Kỳ đánh bốt Xuân Nẻo, do đồng chí Bùi Văn Tự, tiểu đoàn trưởng và đồng chí Tăng Bá Dụ, chính trị viên tiểu đoàn trực tiếp chỉ huy. Trung đội trợ chiến đại đội Bảo Lộc do trung đội trưởng Phạm Văn Cương và đồng chí Lê Huy Vũ chỉ huy, có nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài, án ngữ phía đò Cờ (Gia Lộc) và đường 191.

Về hậu cần bảo đảm cho trận đánh gồm thuyền, bè qua sông Thái Bình để tiếp tế, tải thương do Huyện đội và Uỷ ban Kháng chiến huyện Tứ Kỳ đảm nhiệm.

Đúng 19 giờ ngày 25 tháng 11 năm 1951, các lực lượng của ta xuất quân. Điểm tập kết đầu tiên ở bến đò Bầu, điểm tập kết thứ 2 ở Lạng Đông, Bình Lãng. Đại đội Bảo Lộc (đại đội 77) hành quân trước; đại đội 73, 75 và đơn vị trợ chiến tập trung tại chợ đình Phú Tinh (Thanh Hà). Hành quân đến cánh đồng Lạc Dục (Hưng Đạo) thì dừng lại, đại đội 75 tiến vào Ô Mễ; đại đội 73 tiến về Đồng Bạc thì dừng lại chiếm lĩnh trận địa. Sở chỉ huy tiểu đoàn đặt tại chùa, cách sau bốt Xuân Nẻo 500m.

Hai trung đội bộ đội Nguyễn Huệ (Tứ Kỳ) chiếm lĩnh các vị trí tiến công có lợi, sẵn sàng tiêu diệt các tổ dân vệ, tổ chức tuyên truyền về chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước đối với những người lầm đường lạc lối.

Trung đội 1 và trung đội 3 của đại đội có nhiệm vụ bao vây quanh bốt, đánh chiếm các khu vực đình nhà Hội đồng và nơi bọn dân vệ tụ tập. Trung đội 2 đánh vào khu vực chỉ huy của bọn phản động; tổ bộc phá đánh lô cốt. Đến 01 giờ 30 phút sáng ngày 26 tháng 11 năm 1951, các đơn vị hoàn thành mọi công tác chuẩn bị.

Tín hiệu hiệp đồng, lấy ánh chớp lửa và tiếng nổ bên làng Xuân Nẻo làm hiệu lệnh xung phong.

III. DIỄN BIẾN, KẾT QỦA VÀ Ý NGHĨA

1. DIỄN BIẾN TRẬN ĐÁNH CỨ ĐIỂM Ô MĚ:

Đúng 01 giờ 30 phút sáng ngày 26 tháng 11 năm 1951, một ánh chớp xanh lóe sáng kèm theo tiếng nổ lớn bên làng Xuân Nẻo, tiếp theo là tiếng nổ của các cỡ súng nhả đạn. Đại đội 75 áp sát hàng rào bốt Ô Mễ, tên Chùm Tính và lính dũng nhốn nháo gọi nhau chạy vào lô cốt. Đồng chí Khoát, Đại đội trưởng lệnh cho tổ địch vận phát loa kêu gọi tên Chùm Tính đầu hàng quay về với kháng chiến để được hưởng khoan hồng. Tinh thần bọn địch tuy đã dao động, song vẫn ngoan cố; đồng chí Nguyễn Dân Quốc hạ lệnh nổ mìn phá hàng rào. Tiếng mìn nổ bùng lên như sét đánh, tiếng loa kêu gọi cất lên: “Đây là lần cuối cùng, các anh em hãy quay súng đầu hàng, nếu không vũ khí mới sẽ đánh sập lô cốt”... tiếng loa vừa dứt thì một ngọn đèn loé sáng, từ lô cốt lọt ra một cái áo trắng buộc vào nòng súng khua lên: “Thưa, chúng con xin đầu hàng, xin các ngài Việt Minh tha cho”. Đồng chí Khoát hạ lệnh chuẩn bị sẵn sàng đề phòng địch phản ứng, báo cho chúng thắp đèn lần lượt bỏ súng ra hàng. Tiếp theo trung đội trưởng Lê Mạnh Long hướng dẫn đồng chí Hài dùng bộc phá đặt vào trong lô cốt cho nổ tung, san bằng lô cốt vào lúc 03 giờ sáng ngày 26 tháng 11 năm 1951.

2. DIỄN BIẾN TRẬN ĐÁNH CỨ ĐIỂM XUÂN NẺO:

Sau khi đơn vị đã tập kết sau chùa Xuân Nẻo, đại đội trưởng Dương Quang Dậu lệnh cho các trung đội chiếm lĩnh trận địa. Hai trung đội bộ đội Nguyễn Huệ (Tứ Kỳ) toả ra các phía chiếm lĩnh các vị trí tiến công, đánh chiếm các ổ kháng cự của bọn dân vệ, đồng thời tổ chức tuyên truyền về chủ trương, chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước đối với những người lầm đường lạc lối.

 

Trung đội 1, trung đội 3 đã bao vây quanh bốt sát hàng rào đánh chiếm các khu vực đình nhà Hội đồng và nơi bọn dân vệ tụ tập đi tuần và sẵn sàng bảo vệ vòng ngoài trận đánh.

Trung đội 2 là trung đội mũi nhọn, gồm tổ bộc phá đánh vào hàng rào, lực lượng xung kích và tổ bộc phá đánh phá lô cốt do đồng chí trung đội trưởng Phạm Văn Vát chỉ huy.

Lệnh của chỉ huy Tiểu đoàn: 01 giờ 30 phút sẽ phát hoả. Đại đội trưởng Dương Văn Dậu cùng trung đội trưởng mũi nhọn kiểm tra cửa mở, nhóm bộc phá đưa 02 quả bộc phá ống vào hàng rào để tổ bộc phá xung kích đánh vào lô cốt; tất cả đều đã chuẩn bị chờ lệnh. Mấy phút sau đèn báo hiệu của đại đội trưởng vừa loé sáng, bộc phá ở hàng rào bùng như sấm, đột phá khẩu vừa mở khói mù mịt, khét lẹt. Một loạt thang lao vào ghép thành 3 nối qua hào; trung đội trưởng mũi nhọn chỉ huy đánh bộc phá qua nhà Văn chỉ mở lối vào tiếp cận lô cốt khu vực trong làng Xuân Nẻo và khu lô cốt đã bị vây kín. Địch ở khu vực chính cùng một số tên bên ngoài chạy vào dồn hết lên lô cốt cố thủ. Từ những lỗ châu mai bốn phía chúng bắn trả, liệng lựu đạn, chai nổ, chai cháy xuống sân nhà Văn chỉ, chân tường lô cốt không cho ta tiến sát mục tiêu. Ta dừng bắn kêu gọi địch quy hàng, nếu không sẽ dùng vũ khí mới đánh sập lô cốt; địch vẫn chống trả quyết liệt, bắn súng và ném lựu đạn xuống. Trước tình thế đó, đồng chí Vát, trung đội trưởng mũi nhọn cho đánh tiếp 02 quả bộc phá nhưng tường lô cốt chỉ vỡ một mảng lớn, lô cốt vẫn sừng sững, bọn địch vẫn tiếp tục chống trả.

Trận địa Xuân Nẻo trở nên gay go quyết liệt đúng như dự đoán của Tỉnh đội và tiểu đoàn. Đến gần 04 giờ sáng, tiểu đoàn hội ý, hạ quyết tâm phải đánh được lô cốt Xuân Nẻo ngay trong đêm, dù phải hy sinh. Theo đề nghị của đại đội trưởng và trung đội trưởng mũi nhọn, tiểu đoàn tổ chức lại nhóm bộc phá, tiểu đoàn và đại đội chọn các đồng chí có đủ sức khoẻ, kinh nghiệm. Đánh lần này phải tìm cách vượt qua được mảng lô cốt đã thủng, đột nhập vào trong để đánh, nhất định lô cốt phải sập. Chiến sỹ bộc phá Đặng Hồng Cách, Đào Duy Kỳ do đồng chí Vát trung đội trưởng mũi nhọn trực tiếp chỉ huy đặt bộc phá, kết hợp đồng chí Kỳ dùng tiểu liên mở đường. Sau khi giao nhiệm vụ cho bộ phận đánh bộc phá, đồng chí Phạm Văn Quyện, Chính trị viên Tỉnh đội đứng lên động viên cán bộ, chiến sỹ dù phải hy sinh đến tính mạng cũng phải hạ bằng được lô cốt Xuân Nẻo trước khi trời sáng, mọi công tác chuẩn bị hết sức chu đáo và tất cả đã sẵn sàng.

Kèn lệnh vang lên, các loại súng của ta nhả những loạt đạn đanh thép vào các lỗ châu mai tầng thượng kiềm chế địch, chúng vẫn ngoan cố chống trả. Nhóm bộc phá quyết tử đã lợi dụng lọt vào trong lô cốt đặt bộc phá châm mồi. 03 đồng chí chạy ra được bờ lũy phía sau thì bộc phá nổ vang và tiếng dầm sàn lô cốt, gạch đá bay rào, rung chuyển toàn bộ khu vực. Đến 05 giờ sáng ngày 26 tháng 11 năm 1951, ta hoàn toàn làm chủ trận đánh.

Sau 04 giờ 30 phút chiến đấu Tiểu đoàn Quốc Tuấn đã tiêu diệt hoàn toàn cụm tề binh Xuân Nẻo - Ô Mễ.

2. Kết quả:

Về địch: Bị ta tiêu diệt hoàn toàn cụm 1 t binh, 01 tề binh bị bắt sống, 18 tên bị tiêu diệt, bốt tề bị san bằng các tháp canh.

Về ta: Hy sinh 01 đồng chí, bị thương 01 đồng chí.

3. Ý nghĩa:

- Chiến thắng Ô Mễ - Xuân Nẻo đem lại niềm phấn khởi, tin tưởng cho quân và dân trong tỉnh, đánh dấu bước trưởng thành của bộ đội địa phương, làm cho kẻ thù hết sức hoang mang khi thấy một vị trí kiên cố như vậy vẫn bị ta tiêu diệt. Hệ thống kìm kẹp tại chỗ của địch bị phá vỡ, bọn phản động run sợ, vành đai bảo vệ phía nam thị xã Hải Dương bị chọc thủng một mảng lớn.

- Cùng với chiến thắng trên chiến trường chính và những chiến thắng liên tiếp trên toàn tỉnh, chiến thắng Ô Mễ - Xuân Nẻo mở ra thời kỳ mới sau 9 tháng cực kỳ khó khăn, giải quyết nhiều vấn đề về nghệ thuật tác chiến như: Cách nắm địch, trinh sát thực địa, xây dựng kế hoạch phương án tác chiến, luồn sâu, đánh địch tổ chức phòng ngự kiên cố.

- Chiến thắng Ô Mễ - Xuân Nẻo đã tiêu diệt được bọn cường hào, ác bá tập trung, đem lại niềm tin cho quân và dân trong tỉnh. Ý nghĩa chính trị, tinh thần và những thử nghiệm thành công về mặt quân sự đã tạo ra thế mới, cục diện mới để đẩy nhanh hoạt động phối hợp với các chiến trường chính và chiến tranh du kích trong vùng địch hậu.

IV. ƯU ĐIỂM, KHUYẾT ĐIỂM VÀ KINH NGHIỆM

1. Ưu điểm:

- Nắm chắc tình hình địch, dùng chiến thuật cường tập cộng đồn sử dụng vũ khí mới (bộc phá), tổ chức thực hành chiến đấu trong thời gian ngắn, hiệu suất cao. Công tác chuẩn bị, bố trí triển khai lực lượng hợp lý và giữ được yếu tố bí mật trong suốt giai đoạn chuẩn bị chiến đấu và thực hành chiến đấu; công tác chỉ huy hiệp đồng chặt chẽ.

2. Khuyết điểm:

Khi chiến đấu, công tác quan sát phát hiện địch còn sơ hở, để địch chống cự bắn trả quyết liệt làm 01 đồng chí bị thương, 01 đồng chí hy sinh.

3. Kinh nghiệm:

- Thắng lợi của trận đánh cứ điểm Ô Mễ - Xuân Nẻo có sự chỉ huy sáng tạo linh hoạt của Tỉnh đội, Tiểu đoàn Quốc Tuấn và sự kết hợp chặt chẽ giữa bộ đội tỉnh, bộ đội huyện và du kích các xã vùng Thượng Tứ Kỳ.

- Do vũ khí địch mạnh với lô cốt kiên cố, trang bị của ta hạn chế, nên tiểu đoàn Quốc Tuấn đã sử dụng chiến thuật cường tập kết hợp đánh bộc phá là hoàn toàn đúng đắn.

- Công tác chỉ huy hiệp đồng chặt chẽ, thống nhất, thực hiện đúng kế hoạch, việc nổ bộc phá đúng thời cơ và chính xác. Khi rút, lực lượng nổ súng kiềm chế đúng lúc nên việc rút quân thuận lợi, bảo vệ được lực lượng ta.

Nguồn: Hải Dương - Một số trận đánh điển hình trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược
(Tập 2 - Phục kích, tập kích và bắn máy bay Mỹ)
Các tin mới hơn
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến dịch Điện Biên Phủ(22/03/2024)
Người nhóm lửa cách mạng ở TP Hải Dương(27/09/2023)
Cầu phao đường sắt Phú Lương - kỳ tích thời chống Mỹ(20/09/2023)
Tuyên ngôn Độc lập - một áng văn lập quốc vĩ đại(02/09/2023)
Tiếng thơm Nguyễn Đức Sáu(04/07/2023)
Các tin cũ hơn
Trận đánh địch tại Trường Con Gái, thị xã Hải Dương (Đêm 19, 20, 21 tháng 12 năm 1946)(03/12/2021)
Trận đánh ca nô địch trên sông Gùa tại thôn Bá Nha, xã Hợp Đức, huyện Thanh Hà (Ngày 25 tháng 3 năm 1948) (30/11/2021)
Trận đánh mìn phá hủy đoàn tàu hỏa chở lính Pháp của du kích xã Bình Định, huyện Cẩm Giàng (Ngày 05 tháng 10 năm 1948)(29/11/2021)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp với lực lượng vũ trang Quân khu 3(23/08/2021)
Lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh và thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám(19/08/2021)
na
Video
Phóng sự Ảnh
Trang tin đơn vị
Hệ thống văn bản
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website